Nhiều bãi rác lộ thiên lớn, nguy cơ ô nhiễm cao
Từ bức xúc của nhiều người dân địa phương, chúng tôi tìm đến xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, nơi có bãi rác Xa Thô nằm trên địa bàn do Ban Quản lý Công trình công cộng huyện Hàm Thuận Bắc quản lý. Hoàn thành tháng 3-2016, bãi rác Xa Thô được UBND huyện Hàm Thuận Bắc đầu tư hơn 14 tỷ đồng. Đây là nơi tập kết, xử lý rác của các xã, thị trấn trên địa bàn, mỗi ngày thu gom khoảng 100 tấn rác/ngày. Khi đặt chân đến địa bàn, chúng tôi như nghẹt thở vì mùi hôi thối nồng nặc từ bãi rác khổng lồ rộng gần 3ha này. Hầu hết rác chưa được phân loại nhưng lại xử lý theo phương pháp đốt thủ công và chôn lấp. Tuy nhiên, xe ô tô, máy ủi lại không đổ, ủi rác xuống các hố chôn lấp mà để rác lộ thiên. Chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng làm nhiều mảnh ni-lông, bụi than đen kịt cuộn bay lên từng mảng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Nhà ở cách bãi rác khoảng 300m, bà Lê Thị Huỳnh, ngụ xã Hàm Trí, cho biết: “Không chỉ riêng nhà tôi mà nhiều gia đình ở đây đều phải chịu ô nhiễm mấy năm qua. Trước đây nước ao trong vắt, nhưng giờ thì đen ngòm. Khó chịu nhất là vào những ngày nắng nóng, rác được đốt thủ công, khói thành những cột cao, đen xám cả một vùng trời, mùi khét lẹt, gây nhức đầu, chóng mặt, mắt cay xè rất khó chịu".
 |
Bãi rác Xa Thô, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, nguy cơ gây ô nhiêm môi trường cao.
|
Còn tại xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, gần 14 năm qua, nhiều người dân nơi đây vẫn phải sống chung với mùi hôi thối, ô nhiễm bốc ra từ bãi rác lộ thiên khổng lồ rộng gần 3ha. Với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng, bãi rác xã Tân Lập thiết kế theo phương pháp chôn lấp, xử lý nước rác, thu và xử lý gas. Song do triển khai chậm, công nghệ lạc hậu, bãi rác trở thành điểm thu gom rác lộ thiên, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống của người dân…
Khảo sát thực tế tại hai huyện Đức Linh, Bắc Bình và TP Phan Thiết, chúng tôi chứng kiến dọc nhiều tuyến đường gần các khu dân cư, xưởng chế biến thanh long, nông sản thô sơ cũng tồn tại nhiều bãi rác lộ thiên tương tự. Đặc biệt, tại các khu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, khai thác mỏ ti tan, đồng muối Thông Thuận (huyện Tuy Phong), rác nhiều vô kể.
Đề cập đến về vấn đề này, ông Đỗ Văn Thái, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, thừa nhận: "Do địa phương còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, cán bộ, nhân viên mỏng nên chúng tôi rất khó kiểm soát nguy cơ ô nhiễm. Dự án ở các địa phương do địa phương quản lý, chúng tôi không thể nắm được hết".
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Bình Thuận có nhiều điểm nguy cơ ô nhiễm môi trường cao là do phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập. Trong khi đó, ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) của người lao động, nhân dân còn hạn chế, nhất là ngư dân khi hoạt động trên biển còn tùy tiện xả rác, để rác trôi dạt vào bờ biển ngày càng nhiều. Bình Thuận chủ yếu có doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thủ công, không ít doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết BVMT theo dự án đã phê duyệt. Thêm vào đó, việc quy hoạch dự án BVMT chưa phù hợp, công nghệ xử lý chất thải lạc hậu, đó là những nguyên nhân, thách thức trong BVMT ở Bình Thuận.
Tăng cường kiểm soát môi trường
Để BVMT bền vững, ông Đỗ Văn Thái cho rằng: Cơ quan sẽ chủ động phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó coi trọng làm tốt công tác quy hoạch, gắn với tăng cường kiểm tra, rà soát các điểm “nóng”, nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng và các dự án, cơ sở kinh tế dễ gây ô nhiễm.
Bình Thuận là tỉnh còn nhiều khó khăn. Việc thu hút đầu tư phát triển luôn được địa phương đặc biệt quan tâm. BVMT trong điều kiện kinh tế thị trường đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Những cơ sở nguy cơ ô nhiễm cao, định kỳ 20 ngày, UBND tỉnh có công văn, biện pháp chỉ đạo kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nâng cao việc thẩm định về môi trường trong các dự án. Địa phương cũng chủ động rà soát, loại bỏ các bãi rác lộ thiên, đồng thời thực hiện đồng bộ giải pháp thu gom rác tại các khu sản xuất, doanh nghiệp, bảo đảm 100% hộ gia đình, cơ quan, đơn vị đều phân rác tại nguồn. Ngành chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, chủ động phát hiện, dự báo, đánh giá về môi trường, từ đó kịp thời có biện pháp ngăn ngừa, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật.
Theo chúng tôi, tỉnh Bình Thuận cần có biện pháp giám sát đặc biệt về môi trường đối với những dự án, công trình trọng điểm. Bên cạnh đó, địa phương cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp BVMT, đồng thời thực hiện tốt phân cấp quản lý nhà nước về BVMT, đẩy mạnh trồng cây xanh, đầu tư kinh phí BVMT sát thực. Các thành phố, huyện, thị xã phải thành lập tổ, đội thu gom rác tại xóm, ấp nông thôn. Các cấp chính quyền cần thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, lấy ý kiến nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền; tổ chức tốt hội thảo, rút kinh nghiệm, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao trách nhiệm của người dân trong BVMT, phát triển bền vững. Dự kiến, tỉnh sẽ triển khai 6 dự án xử lý rác thải theo tiêu chuẩn công nghệ trên các địa bàn.
DUY NGUYỄN