Giáo sư (GS) Hà Văn Cầu là một trong những nhà nghiên cứu về nghệ thuật chèo có uy tín của nước ta từ mấy chục năm qua. Những năm gần đây, khi các ngành sân khấu truyền thống nói chung, trong đó có chèo đang đứng trước nguy cơ bị mai một, GS Hà Văn Cầu đã có nhiều công trình, tiếng nói nhằm góp phần chấn hưng ngành nghệ thuật dân tộc này. Sau đây là những chia sẻ đầy tâm huyết của ông. Mong chèo được như... bài hát Việt
P.V: Thưa, GS thấy thực trạng của chèo nước nhà hiện nay như thế nào?
GS Hà Văn Cầu: Thật buồn là ngành nghề sân khấu truyền thống lại xuống cấp đến như thế!
P.V: Xin GS nói rõ hơn?
GS Hà Văn Cầu: Từ năm 1985, trước khi diễn ra Hội diễn sân khấu chèo tổ chức tại TP Vinh (Nghệ An) tôi đã thấy được điều đó. Với trách nhiệm của một nhà nghiên cứu, tôi đã báo cáo lên cấp trên nhưng tiếc rằng không ai nghe. Quả đúng như vậy, khi Hội diễn đã cận kề, nhiều vở diễn bị đổ, lúc đó mấy người có uy tín trong làng chèo mới đi… chữa cháy. Kết thúc hội diễn, NSND Tào Mạt đã nói với tôi: “Ông đào tạo ra bao nhiêu tác giả, nhưng kết cục chỉ có mỗi ông là tác thật”!
P.V: Phải chăng đó là “cái chết được báo trước”?
GS Hà Văn Cầu: Đến những hội diễn chèo sau đó, cái “lỗ hổng” về chèo ngày càng lớn mà không thấy các nhà quản lý có trách nhiệm lên tiếng. Đặc biệt, là Hội diễn chèo tại Quảng Ninh năm 2005 thì sự “gieo vừng ra ngô” lại càng nghiêm trọng.
P.V: Ta vẫn thường nói gieo gì gặt nấy. Còn chèo tại sao lại gieo vừng ra ngô thưa GS?
GS Hà Văn Cầu: Bác Hồ đã từng căn dặn các nhà làm nghệ thuật truyền thống nước nhà là “Đừng gieo vừng ra ngô”. Bác nói: Phải tìm trong truyền thống 4 cái: Cái tốt, cái hay để duy trì, làm tốt và làm hay thêm; Cái lạc hậu, cái dở để gạt bỏ; Cái tốt nhưng chưa hay phải làm cho hay; Cái còn thiếu để phục vụ người hôm nay thì phải tham khảo cách làm của bạn bè trên thế giới, làm giàu cho mình.
Tốt, xấu, hay, dở là Bác nói cả nội dung chứ không riêng gì hình thức. Truyền thống không thể đứng yên mà luôn luôn tiến hóa để thích nghi với thời đại mới. Tiếp thu tinh hoa của thế giới phải có chọn lọc cho phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam.
P.V: Vậy sự yếu kém trong nghệ thuật chèo của ta hiện nay là gì?
GS Hà Văn Cầu: Đầu tháng 2 vừa rồi, đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp vở chèo “Mai An Tiêm” của Đoàn chèo Phú Thọ. Tôi thất vọng. Thất vọng vì những người làm chèo không hiểu cặn kẽ lịch sử. Ông cha ta ngày xưa không đến nỗi thô thiển thế đâu. Lại còn phục trang không đúng. Làm chèo như thế thì phản cảm quá!
P.V: Phải chăng cái sai sót của các tác giả, đạo diễn chủ yếu là do vốn sống còn nghèo?
GS Hà Văn Cầu: Cách đây vài năm, trong một hội thảo khoa học về nghệ thuật chèo, tôi đã đọc một bài tham luận. Sau khi trình bày nhiều người… giật mình. Những luận đề mà tôi nêu ra đã được chuẩn bị trước đó cả năm trời. Tôi nêu lên 4 điểm yếu “cốt tử” của nghệ thuật chèo hiện nay. Đó là quan điểm về kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc của người làm nghề còn mơ hồ. Có người mô phỏng y nguyên hình tượng nhân vật truyền thống; có người vận dụng kỹ xảo kịch nói, thực như sự thực. Rõ ràng là chỗ tả, chỗ hữu, tùy tiện, không có tính tự giác trong ngành nghề. Xa rời truyền thống, chí ít cũng thiếu tin tưởng vào truyền thống. Lấy việc trình bày quá hoành tráng, dùng xiêm y lộng lẫy kiểu Tàu thay thế cho phục trang dân tộc. Tiếng cười của chú Hề chèo không còn đất hoạt động vì tình tiết quá gấp gáp kiểu kịch nói. Nhiều kịch bản được sáng tạo vội vã. Đa số các vở diễn gần đây đều có ý đồ sống sượng mà không thấy tư tưởng chủ đề. Vở nào cũng rất đông nhân vật mà không thấy CON NGƯỜI. Hầu như mọi nhân vật đều nói bằng lời tác giả, vì tác giả chưa kịp hiểu nhân vật. Khuynh hướng hình thức, lai căng ngày càng nặng, đặc biệt là không thống nhất phong cách trong trình diễn. Người xem thấy rõ mâu thuẫn giữa thực diễn với ý diễn, giữa thực cảnh với tâm cảnh. Hệ quả là nhiều vở diễn gần đây không bảo đảm 3 chức năng: nhận thức (cả lịch sử và hiện tại), giáo dục thẩm mỹ (theo đường lối của Đảng) và giải trí (theo hướng tiến bộ).
P.V: Đâu là nguyên nhân, thưa GS?
GS Hà Văn Cầu: Có rất nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi, trước hết là lực lượng tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ về chèo quá ít, phải bao sân. Đã ít lại thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc và xã hội hiện đại. Thứ hai là cơ quan quản lý rất cồng kềnh lại thiếu năng lực. Người cầm trịch thường dựa dẫm vào cấp dưới, khi đánh giá tác phẩm thường phát biểu chung chung, không có giá trị chỉ đạo. Đội ngũ cán bộ trong ngành phần lớn có bằng cấp (Thạc sĩ, Tiến sĩ) nhưng thiếu năng lực. Có trong tay tấm bằng rồi, họ cho như thế là đủ, không cần học hành gì nữa. Cơ quan quản lý rất lúng túng trong việc uốn nắn phương hướng cho các đoàn nghệ thuật. Vì không đủ trình độ thẩm định nên khi duyệt vở không khẳng định được vở tốt, xấu. Gần đây có khá nhiều vở đã được cơ quan chức năng thông qua về kịch bản nhưng khi dàn dựng thì lại bị đổ.
P.V: Thế “ Mong đợi ngậm ngùi” của GS là gì?
GS Hà Văn Cầu: Cứ mong chèo cũng được quan tâm như “Bài hát Việt” (cười).
Chèo như là... thở
P.V: Điều gì khiến GS dành trọn cả cuộc đời cho nghệ thuật chèo dân tộc?
GS Hà Văn Cầu: Tôi sinh ra tại Thái Bình, nơi mà nghệ thuật hát chèo được nuôi dưỡng và thăng hoa. Tôi cũng được thừa hưởng sự giáo dưỡng trong một gia đình nho học. 15 tuổi đã được nghe giảng về nho, y, lý số, trong khi học tiếng Pháp. 19 tuổi tôi viết vở “Mưu cập lệch”. Sau này đi theo kháng chiến, tôi may mắn được sắp xếp vào ngành sân khấu. Ngày mới về tiếp quản Thủ đô, tôi làm việc trong ban nghiên cứu sân khấu, được tiếp cận với nhiều học giả lớn như cụ Trần Văn Giáp, GS Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, lại cùng làm việc với nghệ sĩ Lộng Chương, Trần Huyền Trân. Thấy tôi chịu học, các thầy cho phép tôi được vào thư viện quốc gia để “đọc ké”. Lúc bấy giờ thư viện quốc gia mới được thực dân Pháp bàn giao cho chính quyền cách mạng, chưa được kiểm kê. Hằng ngày, tôi mang theo một cái bánh mì, đọc suốt ngày. Suốt 10 năm làm “Con mọt sách” là 10 năm tôi âm thầm xây nền móng cho ngôi nhà kiến thức. Càng nghiên cứu, tôi càng khám phá ra nhiều điều mới mẻ, mà một trong số đó là kịch tính trong chèo. Kịch tính trong chèo hoàn toàn không giống với sân khấu phương Tây, cái mà thường phân tuyến ta - địch, mâu thuẫn. Cái hấp dẫn trong kịch tính chèo chính là những tình huống trớ trêu buộc nhân vật phải vượt qua.
P.V: Với 42 vở chèo, hàng chục công trình nghiên cứu về chèo, GS đã chịu… dừng lại chưa?
GS Hà Văn Cầu: Tôi khoe với anh cái này. Đây là cuốn “Lịch sử nghệ thuật chèo” mài miệt làm trong nửa thế kỷ, vừa được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng giải “sách hay” (giải Bạc). Tôi chưa nghỉ lấy một ngày. Chèo đối với tôi như cơm ăn nước uống hằng ngày. Và cũng như là thở vậy.
Đừng để mất chèo!
P.V: Thưa GS, ngày nay công chúng không còn mặn mà với chèo như ngày xưa. Hôm nọ về Thái Bình, đến một làng trước đây được coi là một trong những chiếc nôi của chèo cổ, tôi chỉ thấy người có tuổi hát chèo, còn thanh niên thì chỉ mê pốp, rốc…
GS Hà Văn Cầu: Lỗi ấy không hoàn toàn thuộc về công chúng. Các cụ ngày xưa từng nói “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
P.V: Có nghĩa là…
GS Hà Văn Cầu: Những người làm chèo phải tự kiểm điểm mình trước. Ngày mới giải phóng Thủ đô, sau khi xem một vở chèo, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Trần Huy Liệu đã triệu một số cán bộ nghiên cứu đến trao đổi về vở. Đồng chí Trường Chinh đòi hỏi tác giả phải có cái nhìn sáng suốt của người làm chính trị để thấy cái được, cái hỏng. Đồng chí Trần Huy Liệu bảo tôi “Chính trong từ chính trị có nghĩa là Chính kỳ bất chính”. Tức là làm cho cái không ngay thẳng trở thành ngay thẳng. Chữ chính ấy lại có “bán văn” ở bên, nên có ý là dùng cách “đẹp đẽ” (ta hiểu làm nghệ thuật) để uốn nắn con người. Chính trị trong sân khấu chính là đề cao chủ thể con người mới, con người XHCN. Không ít vở diễn gần đây đưa ra những vấn đề nổi cộm của xã hội một cách tự nhiên chủ nghĩa mà chẳng vì con người. Tại sao con người với con người không thể là bạn? Đảng, chính quyền đi đâu mà công dân phải tự cân bằng lấy pháp luật như xã hội đen vậy?
P.V: Theo ý kiến GS phải làm gì để vực dậy nghệ thuật chèo, kéo công chúng trở lại với chèo?
GS Hà Văn Cầu: Phải có một cuộc "đại phẫu thuật" cho nghệ thuật chèo. Trước hết phải kiện toàn lại bộ máy quản lý, chỉ đạo ngành, bố trí đúng người, đúng việc, tránh "ngồi nhầm ghế". Phải đổi mới công tác đào tạo. Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh có đào tạo tác giả, đạo diễn nhưng khi học xong về đơn vị phần lớn làm việc khác. Chú ý đầu tư cho công tác lý luận - phê bình sân khấu dân tộc. Lý luận phê bình sân khấu dân tộc phải đi trước một bước. Cần có chính sách khuyến khích các tác giả viết kịch bản mới. Đất nước đang trong thời kỳ CNH-HĐH, hội nhập quốc tế, rất nhiều vấn đề mới nảy sinh, cần mở những cuộc hội thảo cho các tác giả cũ và mới để nắm vững nghiệp vụ từ đó mới có những tác phẩm đích thực về chèo.
P.V: Như vậy vẫn còn kịp, chưa muộn phải không giáo sư?
GS Hà Văn Cầu: Tôi rất mừng là mấy năm gần đây, Đảng ta đã phát động phong trào học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật. Tôi thấm thía câu nói của Bác: “Nghệ thuật là một mặt trận, các nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Từ đó suy ra: Gọi là mặt trận thì phải có hai phe, chí ít cũng là tích cực và tiêu cực, đấu tranh lẫn nhau, do đó người viết phải xác định rõ lập trường đứng về phe nào để khắc phục phe nào. Gọi là mặt trận đấu tranh thì bao giờ cũng phải có chỉ huy, có tham mưu và tác chiến. Hiện tại, chỉ huy của ta thiếu tư duy chiến lược, kể cả tư duy chiến dịch, làm sao chỉ huy được khi bỏ qua nhiều khâu, nhiều việc cần làm. Hiện tình nghệ thuật yếu chỗ nào, cần làm gì để sửa chữa… chưa bao giờ thấy đề cập đến.
P.V: Đấy là tầm vĩ mô còn…
GS Hà Văn Cầu: Nước ta hiện có 17 đoàn nghệ thuật và nhà hát chèo. Con số đó không ít. Cũng phải thấy một hiện tượng đáng mừng - rất đáng mừng là đội ngũ diễn viên hiện nay rất giàu tài năng và có bản lĩnh. Nếu Phú Kiên (Nhà hát chèo Việt Nam) gặp được một vai ưng ý hơn chắc chắn sẽ trở thành một hiện tượng chèo đầu thế kỷ XXI này. Các diễn viên của Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình… cũng có thể còn dang rộng cánh đại bàng bay tới những chân trời rộng lớn hơn, nếu có vở hay.
P.V: Mới đây, một số nghệ sĩ làm chèo chuyên nghiệp đã được Nhà nước tôn vinh NSƯT, NSND. GS bình luận gì về điều này?
GS Hà Văn Cầu: Tôi rất mừng. Đó là sự ghi nhận của Nhà nước đối với cá nhân các nghệ sĩ và cả ngành chèo. Nhưng tôi nghĩ rằng chèo vẫn trong cơn bĩ cực. Thực tiễn mới là tiêu chuẩn và thước đo chân lý. Tôi chân thành đề nghị các đồng chí quản lý văn hóa dựa vào thực tiễn sân khấu chèo của nước nhà hiện nay để rút ra các kết luận khoa học nhất và có chủ trương, chính sách thích hợp nhất để chỉ đạo ngành nghệ thuật dân tộc này. Đừng để mất chèo!
P.V: Xin cảm ơn GS!
NGUYỄN ĐÌNH PHƯỢNG (thực hiện)