Ngành sản xuất vôi tại nước ta hiện nay chủ yếu vẫn theo công nghệ nung thủ công và sinh ra lượng khí thải độc hại lớn. Nhằm hạn chế tiến tới chấm dứt thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố đến năm 2020 phải xóa bỏ hoàn toàn các lò vôi thủ công nằm trong khu dân cư trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, không những không chuẩn bị phương án di dời, những lò vôi tại thị trấn Kiện Khê vẫn tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất cũng như đầu tư máy móc thiết bị cơ giới để tăng công suất lên hàng trăm tấn vôi thành phẩm mỗi ngày. 

 
Các lò vôi thủ công nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ cơ sở sản xuất vôi tại đây đều không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường xung quanh khu vực sản xuất. Mái tôn nhà ở của các hộ dân đều bị bạc màu, bụi vôi siêu mịn phủ dày đặc, hoa màu héo khô, xoăn lá, khắp trong thôn, trong xóm khói bụi mù mịt. Ban đêm, khi các lò vôi hoạt động hết công suất, dỡ lò, đổ than thì người dân dù có đóng kín cửa khói bụi vẫn xộc vào nhà. Bà Vũ Thị Oanh ở tiểu khu La Mát cho biết: "Ô nhiễm khí độc, tiếng ồn từ những lò vôi nằm ngay trong khu dân cư là điều mà người dân chúng tôi phải chịu đựng từ hàng chục năm nay. Hậu quả là hầu hết người dân ở đây đều mắc các bệnh về đường hô hấp, như: Viêm phổi, viêm xoang, viêm phế quản... 258 hộ dân tại đây luôn mong mỏi môi trường sống được cải thiện, trẻ em được hưởng không khí trong lành và yên tĩnh để học hành...".

Theo quy định tại Điểm 4.5, Mục II, phần thứ nhất Quyết định số 3722/2002/QĐ-BYT ngày 10-10-2002 của Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động, khoảng cách tối thiểu từ xưởng sản xuất vôi đến khu dân cư là 1.000m. Tuy nhiên, tại thị trấn Kiện Khê, những lò vôi này nằm ngay sát nhà dân nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Bên cạnh việc ảnh hưởng đến môi trường sống, hiện nay tuyến đường giao thông chính của tiểu khu cũng hư hỏng nặng do xe quá khổ, quá tải lưu thông chở vật liệu. Đường bị cày nát, xuất hiện nhiều “ổ voi” nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Việc phun nước nhằm giảm bụi của các lò vôi khiến mặt đường lại càng lầy lội, khó di chuyển. Chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ ở ngoài cổng các lò vôi, chúng tôi đã đếm được hàng trăm lượt xe tải hạng nặng ra vào để chở vật liệu.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quyết Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê, cho biết: "Các lò vôi trên địa bàn thị trấn hình thành từ rất lâu, khoảng giữa thập niên 1950, hiện còn 26 lò vôi đang hoạt động. Việc tác động xấu đến môi trường từ hoạt động sản xuất vôi cũng khiến chính quyền địa phương phải xây dựng nhiều phương án xử lý. Tuy nhiên, đây là ngành nghề truyền thống cũng như duy trì việc làm cho lao động địa phương nên chúng tôi chưa thể giải quyết dứt điểm. Với chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của mình, chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện, UBND tỉnh để xem xét phương án di dời các lò vôi. Thị trấn cũng đang thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng khu sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện tại, hằng ngày chúng tôi tiến hành phun nước cho đường đỡ bụi, yêu cầu các lò vôi hạn chế xe quá khổ, quá tải, che chắn cẩn thận và không đầu tư thêm các cơ sở sản xuất mới".

Quá trình tìm hiểu, người dân địa phương cho chúng tôi biết thêm, mới đây, UBND tỉnh Hà Nam đã có văn bản yêu cầu các lò vôi thủ công phải chấm dứt hoạt động kinh doanh trước ngày 30-10-2018. Thời hạn xóa bỏ hoàn toàn các lò vôi thủ công đã được xác định, nhưng thực tế cho thấy, việc loại bỏ lò vôi thủ công không hề dễ dàng bởi chính quyền cơ sở quản lý trực tiếp vẫn khá lúng túng trong cách giải quyết. Các biện pháp mà chính quyền địa phương đưa ra hiện nay chỉ là “cho có” và khó thực hiện.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG