Tôi yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, yêu Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương, bởi Đỗ Phủ, Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn có trái tim lớn, đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Thơ sinh ra không phải để người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu, mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận.
Thơ là sự đồng cảm
PV: Thưa nhà thơ Vương Trọng! Anh đã viết như vậy trong cuốn “Tự bạch của nhà văn Việt Nam hiện đại”. Đó phải chăng là quan điểm sáng tác của anh?
Nhà thơ Vương Trọng: Đó là quan niệm về thơ của tôi! Thơ có nhiều cách hay, nhưng theo tôi vấn đề truyền cảm là quan trọng nhất.
Tôi nói yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương bởi ngoài tài thơ ra, hai đại thi hào còn có trái tim lớn, đau nỗi đau của người bất hạnh. Thơ là sự đồng cảm. Tôi luôn nghĩ về trách nhiệm công dân của nhà thơ, tức là sự có ích. Vạn sự trên đời, cái gì có ích mới tồn tại lâu dài.
- Chính vì vậy mà anh viết “Bên mộ cụ Nguyễn Du”, “Với đứa con ngoài giá thú”, “Hai chị em”… đã làm xúc động bạn đọc…
- Tôi nghĩ, làm thơ hay để người đời ngâm nga thì đó cũng đã có ích rồi, nhưng nếu ý tưởng trong bài thơ ấy có thể thay đổi sự bất hợp lý của cuộc đời thì thơ ấy càng có ích hơn. Ý thức của tôi là thế, dĩ nhiên giữa ý thức và thực hiện còn có khoảng cách.
- Anh từng kể rằng, tuổi thơ của anh rất nghèo khó.Chính như vậy nên phải chăng anh đồng cảm với những thân phận khốn khổ?
- Điều đó chỉ một phần thôi. Tôi rất thích câu thơ của Nguyễn Du: “Tương liên bất tại đồng”. Thương nhau không phải do hoàn cảnh giống nhau, bởi có những vĩ nhân xuất thân từ gia đình quyền quý vẫn thương người nghèo. Hoàn cảnh khó khăn của tuổi thơ làm cho người ta sau này dễ xúc động, đồng cảm với người cùng khổ, nhưng cái gốc của nó là khác, nói nôm na là do cái “tạng” người nó vậy. Giờ tôi ngồi đây, mở cửa sổ ra, nghe mấy bà, mấy cô rao mua bán ve chai, thấy rất buồn và rất thương…
- Và giờ đây, người đọc thấy trong thơ anh những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui?
- Tình cảm con người thường được xây dựng bằng kỷ niệm, nên tuổi thơ rất quan trọng. Vì thế nhiều bài thơ tôi viết bằng kỷ niệm như bài Khóc giữa chiêm bao viết về mẹ tôi. Mẹ tôi mất ở quê (Đô Lương-Nghệ An) năm 1969, nhưng ở Hà Nội, thỉnh thoảng tôi vẫn mơ thấy mẹ về. Mỗi lần như vậy tôi đều khóc, tỉnh dậy nước mắt ướt đẫm trên gối. Với tôi, kỷ niệm về người mẹ bao giờ cũng gắn với buồn thương: “Đồng sau lụt, bờ đê sụt lở/ Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn…”. Đối với thơ, chức năng kỷ niệm làm được nhiều việc. Làm thơ tình cảm thì kỷ niệm cực kỳ quan trọng. Nó như một nguyên vật liệu hết sức cần thiết cho sáng tác thi ca.
- Có lẽ ở một độ tuổi nào đó, người ta mới sống bằng kỷ niệm, bởi khi người ta trẻ còn phải hăm hở nhìn về phía trước, chứ không sống bằng hoài niệm, bằng sự “ngoảnh lại” như thế hệ các anh?
- Tuổi trẻ bao giờ cũng có ưu thế, kể cả trong sáng tác thơ văn. Nhưng phải nhớ rằng, tuổi trẻ là có ưu thế chứ sinh sau không có ưu thế gì với thơ cả. Ai chẳng có một thời tuổi trẻ. Nhưng một số lớp trẻ bây giờ ngộ nhận, tưởng sinh sau là mới mẻ. Sinh sau 50 năm, 100 năm cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Tuổi trẻ thích bay nhảy, thích đi xa, đó là cái chung không riêng gì thơ văn. Nhưng đến một tuổi nào đó sẽ thấy khác, mới trở về nguồn cội. Điều đó không riêng cho thế hệ nào cả.
Các cụ ngày xưa cũng yêu ghê lắm!
PV: Anh có thường đọc thơ của lớp trẻ hiện nay không?
Nhà thơ Vương Trọng: Tôi vốn là biên tập viên thơ của Văn nghệ quân đội trong nhiều năm nên lẽ dĩ nhiên tôi thường phải đọc thơ, kể cả những bài tôi không thích. Nhiệm vụ của biên tập viên là vậy. Thơ lớp trẻ số đông vẫn theo lối truyền thống, chỉ có một số là “phá phách”. Số này rất ít nhưng hay nói nên người ta nhầm tưởng là nhiều.
Có một số bạn trẻ có quan niệm mà tôi không hiểu nổi: nổi tiếng trước, làm thơ sau, nên sinh ra thơ quái thai. Chính vì muốn “nổi tiếng”, muốn làm cho người ta chú ý nên họ đã làm đủ thứ, kể cả văng tục, rồi đưa các bộ phận sinh dục lên thơ!
- Những nhà thơ này tồn tại được là do sự nâng đỡ của những người đi trước, nhân danh sự đổi mới, sự hiện đại trong thơ…
- Tôi luôn luôn phân biệt giữa hiện đại và quái thai. Hiện đại bao gồm hai tiêu chí: khi nó xuất hiện thì trước đó chưa có, và nó hiệu quả hơn cái đã có. Thơ hiện đại phải có tiêu chí đó. Tôi ví dụ đơn giản như thế này: Đi xe đạp hiện đại hơn đi bộ, đi xe máy hiện đại hơn đi xe đạp, vì nó nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chứ một người lành lặn mà bôi bẩn rồi bò trên đường thì không thể hiện đại được, mà là lập dị!
- Viết về sex thì không chỉ lớp trẻ, mà các cụ nhà ta trước đây cũng từng đã đề cập không ít. Tôi nhớ câu thơ của anh trong “Đêm rượu Điện Biên”: Hồn nhiên mắt mở trăng tinh khiết/ Khuôn ngực nồng nàn trăng nhú đôi…
- Một số người cho rằng cuộc sống có cái gì thì thơ có cái đó. Tôi không đồng ý. Tôi cho rằng cuộc sống như ngôi nhà, còn thơ như mặt tiền, như phòng khách. Ngôi nhà bao giờ cũng có công trình phụ nhưng không ai bày nó ra mặt tiền cả. Thúy Kiều 15 năm lưu lạc nhưng Nguyễn Du chỉ mô tả những cái thiết thực cho thơ, ngay cả chuyện ăn uống ông cũng không hề đề cập tới. Cuộc sống là muôn màu muôn vẻ, nhưng thơ nên khai thác cái đẹp, cái thẩm mỹ để đưa đến cho người đọc, chứ không nên bê mọi thứ lên thơ.
- Anh vừa nói sinh sau chắc gì đã hơn sinh trước, nghĩa là trong tình yêu chưa chắc thế hệ nào đã “dữ dội” hơn thế hệ nào?
- Phương thức để thể hiện tình yêu thì mỗi thời một khác, chứ tình yêu xuất phát từ trái tim thì đừng nghĩ đời sau hơn đời trước. Phương thức tỏ tình hiện nay có di động, chát, thư điện tử… Nhưng gốc của tình yêu đâu phải là cái để thể hiện, mà là trái tim. Mà đã trái tim thì đừng có nghĩ là thế hệ sau đa cảm hơn thế hệ trước. Nguyễn Du mới mười mấy tuổi đã yêu cô lái đò Đỗ Thị Nhật trên sông Nhị Hà, hay Nguyễn Công Trứ cũng yêu mãnh liệt và “hiện đại” lắm chứ: “Tân nương nhược vấn tân lang kỷ/ Ngũ thập niên tiền nhị thập tam”(Cô dâu mới hỏi chàng rể anh bao nhiêu tuổi; Chàng rể cười mà rằng: 50 năm trước ta mới 23 tuổi).Tình yêu của thế hệ chúng tôi cũng dữ dội, hiện đại lắm chứ: Đã yêu thì yêu như lửa đốt/ Cây cành nào cũng phải cháy thành tro…
- Câu thơ rất hay trong “Triết lý khi yêu”. Anh còn ca ngợi mối tình Mỵ Châu-Trọng Thủy mà một thời ta thường phê phán…
- Tôi nghĩ rằng, người xây dựng truyền thuyết về Loa thành không bao giờ lên án Mỵ Châu, mà ca ngợi tình cảm “vượt biên giới” và lên án bọn phong kiến lợi dụng tình yêu đôi lứa. Cái chết của Mỵ Châu là cái chết đau thương, cái chết của mối tình chân thành, chung thủy, chết mà không biết mình có tội tình gì: Mấy ngàn năm dâu bể, lở bồi/ Lúc yên bình và cả khi giặc giã/ Xin đừng trách Mỵ Châu thêm nữa/ Yêu chân thành, thật có tội gì đâu?
Thế mạnh của nhà thơ là có trái tim nhạy cảm
PV: Ngoài tình yêu và đề tài khác, anh viết rất nhiều thơ thế sự, và như nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét, đó mới là mỏ quặng đích thực của nhà thơ Vương Trọng?
Nhà thơ Vương Trọng: Thế sự là chuyện của cuộc đời. Những bài thơ của tôi như Bên mộ cụ Nguyễn Du, Với đứa con ngoài giá thú, Hai chị em, Trò chuyện với nàng vọng phu… là trò chuyện với cuộc đời. Tôi thích thơ thế sự có lẽ do cái “tạng” tôi đã nói ban đầu. Cuộc đời có nhiều chuyện éo le, đau buồn, bất hạnh để người ta thông cảm. Đó cũng là đề tài dễ gây xúc động lòng người nhất.
“Thế sự phù vân chân khả ai” - chuyện cuộc đời nó như mây nổi, thật đáng buồn… Điều đó nó quán xuyến trong cuộc đời và thơ Nguyễn Du. Quá trình dịch hai tập thơ chữ Hán Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm tôi càng hiểu ông hơn.
Trái tim của Nguyễn Du là trái tim lớn, và bao giờ ông cũng tìm chi tiết đời thường để bày tỏ tình thương. Thăm mộ Đỗ Phủ, nhiều người ca ngợi ông là thầy thơ của muôn đời, riêng Nguyễn Du viết: Độc bi dĩ vực ký cô phận… Nguyễn Du buồn cho bậc thánh thơ này khi chết phải chôn ở đất người. Có lẽ, thơ thế sự là điều kiện để trái tim, tình thương của mình được thể hiện.
- Nguyễn Du thương cho Đỗ Phủ, còn anh thương cho Nguyễn Du “Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây” một thời gây xôn xao dư luận…
- Bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du tôi viết năm 1982 và lập tức gây xôn xao dư luận giống như một bài báo chống tiêu cực. Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh lúc đó phản đối dữ lắm. Họ tổ chức hội thảo rồi ra hẳn một tập thơ viết về mộ cụ Nguyễn Du để phủ nhận bài thơ của tôi. Mặc dù hội thảo như vậy nhưng trước áp lực của công luận, tỉnh vẫn phải chuẩn bị để xây mộ cụ và giờ đây trở thành Khu di tích Nguyễn Du.
- Một bài thơ khác của anh, bài “Với đứa con ngoài giá thú” đã làm lay chuyển ý thức của xã hội về vấn đề nhạy cảm…
- Bài này tôi viết năm 1986 để bênh vực những người phụ nữ có con ngoài giá thú, lúc mà dư luận xã hội còn rất nặng nề về chuyện này. Nếu tôi nhớ không nhầm thì sau khi bài thơ ra đời được một năm, Nhà nước ta mới có chính sách về con ngoài giá thú.
- Không những trong Truyện Kiều, mà trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du đều chan chứa tình yêu thương với con người. Ông viết về bốn mẹ con một người đi ăn xin, về người hát rong ở Thái Bình, viết về một ông già kéo xe giữa trời nắng gắt, về những người dân chết đói ở Hà Nam. Những câu hay nhất của ông là viết về những cô gái làm nghề mại dâm, về trẻ em, những người buôn thúng bán gánh… Vậy phải chăng thơ hay phải nói đến cái đau thương, cái bi kịch trong cuộc sống?
- Cái hay của thơ có nhiều loại: Cái hay của triết lý sâu sắc như thơ Chế Lan Viên, hoặc có sự gắn kết với vũ trụ như Huy Cận, rồi dân dã như Nguyễn Bính… Nhưng tôi thích nhất thơ Nguyễn Du, bởi ông kết hợp được cả hai: Ông nói về thân phận đau đớn của con người và sự tài hoa của thơ. Ông đi vào những cuộc đời bất hạnh và đồng cảm với họ một cách rất tài tình. Nếu thơ mà triết lý thì các triết gia giỏi hơn, còn nói về các quy luật thì làm sao bằng các nhà bác học… Chỉ có một cái “vũ khí” rất mạnh của nhà thơ: đó là trái tim nhạy cảm, đau thương, buồn vui trước hoàn cảnh cuộc đời người khác. Thứ nữa, họ có phương tiện truyền những xúc động của mình đến bạn đọc. Xuân Diệu có nói: thông minh của nhà thơ là rất cần thiết nhưng phải bằng trái tim chứ không phải là bộ óc.
Nhân nói chuyện thơ thế sự, tôi xin đọc cho anh nghe bốn câu thơ cuối trong bài thơ Sơn cư mạn hứng tôi đã dịch để hiểu thêm tâm trạng của Nguyễn Du về quê Tiên Điền sau mười năm gió bụi sống ở Thái Bình quê vợ: Lòng quê dưới ánh trăng ngời/ Đầu mùa tiếng Nhạn nhắc thời biệt ly/ Các em từ độ phân kỳ/ Bặt tin, thư vắng biết gì nữa đâu…
- Xin cảm ơn anh!
HỒNG SƠN (thực hiện)