QĐND - Đình Hồng Thái cũng có những cây đa cổ thụ, cành lá sum sê xanh tốt. Đình lợp lá cọ, cột gỗ phong rêu, đứng giữa một khu đất rộng, cỏ mọc xanh rì, cây cao bóng cả, phong cảnh thật là trầm mặc. Phía sau đình không xa là bản làng có một cái giếng con, nước trong leo lẻo quanh năm, nhân dân vẫn gọi là “giếng ngọc”. Xế về phía bên trái, trước cửa đình là dòng sông Đáy hẹp như một dòng suối lớn, êm đềm chảy giữa hai bờ lau sậy. Có lẽ cũng giống như ở Kim Long, nhân dân ở đây từ lâu đã tự hào về phong cảnh đẹp của quê hương mình, đồng thời cũng đã từ lâu mơ ước một cuộc đời tươi sáng hạnh phúc hơn, cho nên đã có hai vế câu đối khắc ở cột đình:
“Đễ giang tả bão linh nguyên hội
Ngọc tỉnh hữu triều thụy khí chung”
Tạm lược dịch là: Dòng sông Đáy bao bọc bên trái chẳng khác gì một nguồn linh thiêng tụ hội lại. Bên phải có giếng ngọc chầu, tựa như có khí đẹp chung đúc về.
Có đồng chí cán bộ biết chữ Hán dịch lại hai câu đối ấy cho tôi nghe và mỉm cười nói: “Có lẽ nhân dân ở đây đã tiên đoán được từ lâu là sẽ có ngày ngôi đình này được chọn làm nơi để tiếp đón người chiến sĩ vĩ đại, vị cứu tinh của dân tộc mình về xây dựng thủ đô cách mạng, nên mới có hai vế đối đẹp đẽ, hàm súc như thế!”.
 |
Bác Hồ thăm đình Tân Trào, tháng 3-1961. Ảnh tư liệu |
Có một chuyện mà nhiều đồng chí cho tới bây giờ vẫn còn nhớ và không khỏi buồn cười. Ngay hôm sau mới tới Tân Lập, Bác đi thăm luôn chỗ ở của đơn vị Giải phóng quân đóng ở đó. Chúng tôi vẫn giữ bí mật, ngay cả với đồng chí chỉ huy đơn vị. Bác thấy chỗ ăn, chỗ ở của bộ đội không được trật tự cho lắm, bèn gặp đồng chí chỉ huy góp ý kiến. Đồng chí chỉ huy vốn là người nóng nảy, thấy vậy có ý không bằng lòng: “Phê bình chúng tôi, chuyện ấy đã có cấp trên của chúng tôi”. Bác vẫn hồn hậu, tươi cười đáp: “Tôi là người dân, tôi cũng có quyền phê bình góp ý với bộ đội chứ! Bộ đội cách mạng là bộ đội của dân cơ mà!”. Đồng chí chỉ huy đơn vị nghe ra ngay, không dám nói nữa.
Hôm sau gặp tôi, đồng chí lắc đầu: “Có ông cụ già không biết ở xã nào đến, nói năng cừ lắm, phê bình mà tôi cũng phải chịu”. Tôi cười, nói nhỏ: “Lãnh tụ của phong trào cách mạng ta hiện nay đấy!”. Đồng chí chỉ huy đơn vị trợn tròn mắt: “Có thật không?”. Từ đó, mỗi khi nhắc lại câu chuyện ấy, đồng chí vẫn không khỏi đỏ mặt.
Từ khi Bác và Trung ương về Tân Trào, nhân dân trong khu giải phóng nói chung và Tân Trào nói riêng ngày càng được hưởng đầy đủ những quyền lợi tốt đẹp mà cách mạng đã mang tới như: Phổ thông bầu cử hội đồng nhân dân, mở rộng bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, thực hiện nam nữ bình đẳng và “đời sống mới”, bãi bỏ các thứ thuế má vô lý, nặng nề, nhục nhã mà đế quốc, phát xít bắt nhân dân ta phải còng lưng cống nạp…
Đời sống tươi vui, lành mạnh, cách mạng và chiến đấu của nhân dân khu giải phóng đã được một đồng chí cơ sở người địa phương phản ánh một phần nào trong bài vè do đồng chí sáng tác và được truyền miệng khá rộng rãi trong nhân dân Tân Trào, Hồng Thái khi đó. Tôi còn nhớ được một vài đoạn:
Hạ thiên nông vụ đã qua
Ngồi rồi cầm bút chép ra một bài
Kể ra lịch sử chẳng sai
Đến năm Ất Dậu (tức năm 1945) ai ai một lòng
Tháng Hai (tức tháng 3-1945) cách mạng khởi công
Noi gương giòng giống Lạc Hồng nổ ra
Trong xuân, mồng tám thực là
Cán bộ về đến đất nhà Kim Long
Từ giờ việc Pháp bỏ không
Bây giờ việc nước theo cùng Việt Minh
Giặc Tây đến lúc phải kinh
Việt Minh đã nổi, dân tình đều theo
Việc văn (ý nói việc chính trị) đặt kể cũng nhiều
Còn như việc võ mọi điều kể qua:
Chánh phó tự vệ cắt ra.
Canh gác túc trực lối ba bốn người
Để mà phòng thủ mọi nơi
Xem ai phản động vậy thời điều tra
Bao giờ giành nước cộng hòa
Cán bộ đi khỏi dân đà ngẩn ngơ (ý nói tổng khởi nghĩa xong, cán bộ rút đi nơi khác)
Vì chung cơ hội đang chờ
Tháng tư vừa thấy Cụ Hồ về đây
Thật là cơ hội rồng mây
Cùng nhau theo Cụ đánh Tây diệt thù
Lập trường “quân chính” chiến khu
Cùng nhau lấy máu trả thù mới cam.
Cụ Hồ người thật đảm đang
“Truyền thanh tuyến điện” Cụ mang trong mình
Tháng Tư Cụ mới khởi hành
“Truyền thanh” nghe nói rành rành chẳng sai
Ngoại giao Cụ thật anh tài
Nội trị thật cũng chẳng ai sánh cùng…”
Trong bài vè có câu “Lập trường quân chính chiến khu”, trường quân chính ấy là trường Quân chính kháng Nhật theo chỉ thị của Bác đã được thành lập ở Khuổi Kịch. Tại Tân Trào, Bác chăm lo đủ mọi mặt công tác cách mạng, đặc biệt là việc đào tạo cán bộ.
Trước đây, khi còn bôn ba hải ngoại, Bác đã đào tạo nên biết bao cán bộ quý cho cách mạng nước nhà. Hầu như phần đông các đồng chí Trung ương của Đảng ta đều là những người do chính tay Bác dìu dắt. Tới nay, cách mạng đang ở giai đoạn phát triển cao nhất, cán bộ có bao nhiêu cũng còn là thiếu, Bác lại càng chú ý điều đó nhiều hơn. Bác luôn luôn nhắc lại câu nói của Xta-lin: “Cán bộ quyết định hết thảy”.
Trích Hồi ký của cố Thượng tướng Song Hào (tập “Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng”, NXB Quân đội, năm 1970).