QĐND - Năm nay là năm thứ hai mươi lăm, Đoàn vận tải Hồng Hà (Tổng cục Hậu cần) tham gia vận tải phục vụ Trường Sa. Mấy năm nay, do yêu cầu nhiệm vụ tăng nên suốt Xuân, Hạ, Thu, Đông đều là mùa vận tải Trường Sa, nhưng tấp nập nhộn nhịp nhất vẫn là từ cuối Xuân đến đầu Thu, là những ngày biển tương đối yên ổn...

Đọc sách báo trong CLB sĩ quan tàu 51-11-75.

Chúng tôi về Đoàn vận tải Hồng Hà một ngày đầu tháng tư vừa qua, khi những con tàu đã “no” hàng đang chuẩn bị nhổ neo đi Trường Sa. Từ đầu năm đến nay, đoàn đã thực hiện 6 chuyến vận tải Bắc-Nam bảo đảm an toàn, đúng kế hoạch về thời gian và khối lượng. Năm nay, khối lượng vận tải trên giao tăng gấp đôi năm ngoái nên cùng lúc đơn vị phải triển khai nhiều mũi, nhiều hướng, thành lập các hải đội lâm thời để điều hành công việc. Tôi tỏ ý “cảm thông, chia sẻ” với anh em về những khó khăn, vất vả do việc khối lượng vận tải tăng gấp đôi, không ngờ mọi người lại nói: Thế là may, là vui chứ! Khối lượng nhiều hơn thì được chạy nhiều hơn. Được chạy nhiều hơn thì thời gian huấn luyện thực hành trên biển cũng nhiều hơn, chứ cứ huấn luyện “chay” trên bờ thì chán lắm. Với lại, có vận hành thường xuyên thì máy móc mới thông suốt, ít hỏng hóc. Đặc biệt, cứ phải ra khơi thì vỏ tàu mới sạch chứ nằm lâu trên bến thì chỉ tổ làm mồi cho hà bám...

Thì ra cái nghề vận tải biển cũng có lắm chuyện “ngược đời” như thế! Năm nay, ngoài niềm vui được chạy nhiều, chở nhiều còn có điều đặc biệt nữa là đa số cử tri là thuyền viên của Đoàn vận tải Hồng Hà sẽ được bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại các điểm bầu cử trên huyện đảo Trường Sa. Do đặc thù công tác nên từ giữa tháng 2-2011 đơn vị đã chủ động liên hệ với cơ quan chính trị cấp trên để có tài liệu về bầu cử cho cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu. Phòng Chính trị của đoàn cũng đã chủ động liên hệ, phối hợp với Sở chỉ huy vận tải Trường Sa của Quân chủng Hải quân để lên kế hoạch hải trình từng tàu phù hợp với lịch bầu cử tại các xã đảo, theo đó mà cấp giấy giới thiệu và lập Thẻ cử tri cho từng người...

Bầu cử là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân. Được thực hiện quyền và nghĩa vụ ấy ở Trường Sa thì càng ý nghĩa thiêng liêng gấp bội. Kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nào cũng vậy, do điều điện đặc biệt nên các điểm bầu cử trên huyện đảo Trường Sa thường được phép tổ chức sớm hơn ở đất liền. Điều đó cũng thêm một chút “hãnh diện” và háo hức cho những ai được bầu cử trên địa phận của Tổ quốc giữa trùng khơi. Ở Đoàn vận tải Hồng Hà, nhiều cán bộ, nhân viên từng may mắn được đôi lần cầm lá phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở Trường Sa, như: Thiếu tá Bùi Huy Thái, Chính trị viên tàu 51-11-82; Đại úy Nguyễn Xuân Đức, Trợ lý kỹ thuật Tiểu đoàn 2; Thượng úy QNCN Phạm Hồng Phi và Thượng úy QNCN Phạm Văn Trung, lái trưởng và máy trưởng tàu 51-11-51 v.v... Trò chuyện với anh em, ai cũng hào hứng kể về những ấn tượng sâu sắc của mình trong những lần được tham gia bầu cử ở Trường Sa, bởi đó còn là một trong những dịp hội ngộ quân dân đông vui hiếm hoi giữa vời vợi biển khơi. Ngày thường, làm sao có thể tay bắt mặt mừng với đầy đủ bà con trên đảo, ngư dân các thuyền đánh cá trên vùng biển quanh đảo, cán bộ, nhân viên các ngành khí tượng-thủy văn và nuôi trồng thủy sản v.v...

Thuyền trưởng Đinh Đăng Ruấn (đứng phía trong) trao đổi về hải trình chuẩn bị đi Trường Sa qua các số liệu lưu trên màn hình ra-đa. Ảnh: Hồng Hà

Nhiều kỷ niệm về bầu cử ở Trường Sa nhất có lẽ là Thiếu tá Đinh Đăng Ruấn, Thuyền trưởng tàu 51-11-75. Gần chục năm nay, Ruấn đã tham gia hơn 30 chuyến vận tải ra Trường Sa, đến hầu hết các đảo nổi, đảo chìm đang có quân và dân ta lao động, công tác ở ngoài đó. Năm 2002, tàu các anh chở hàng ra đảo Phan Vinh, được tham gia bầu cử Quốc hội khóa XI ở đó. Hôm ấy là một ngày nắng đẹp, chiếc xuồng từ đảo ra đón anh em trên tàu cắm lá cờ đuôi nheo thêu dòng chữ “Tổ công tác bầu cử” bay phần phật thật vui mắt. Vui nhất là lần ấy hai ứng cử viên đơn vị bầu cử thuộc huyện Trường Sa là đồng chí Đỗ Xuân Công-Tư lệnh Quân chủng Hải quân và đồng chí Hạnh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa đều trúng cử với số phiếu cao. Năm 2004, tàu các anh chở hàng ra đảo Sơn Ca, được bỏ phiếu bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa và huyện đảo Trường Sa ở ngoài đó. Lần ấy cử tri “vãng lai” còn có Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng và Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương ra thăm đảo. Năm 2007, tàu 51-11-75 của Đinh Đăng Ruấn chở hàng ra Song Tử Tây, cùng quân và dân trên đảo tham gia ngày bầu cử Quốc hội khóa XII. Lần ấy còn có nhiều cử tri là các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ra xây dựng Trạm xá quân-dân y và Đoàn đại biểu Bộ tư lệnh Công binh ra xây dựng nhà tình nghĩa cho bà con ngư dân trên đảo. Trước đó, mùa hè năm 2006, tàu 51-11-75 của các anh đã tham gia vận chuyển người, phương tiện và vật liệu cho Bộ đội Công binh ra xây dựng nhà tình nghĩa, có cả một đàn dê giống tặng đảo. Ban đầu chỉ nghĩ là nuôi thử xem có sống được không, nào ngờ năm sau ra thấy đàn dê cứ béo tròn, tí tởn và sinh sôi thêm mấy chú dê con nữa. Thế là chào mừng ngày bầu cử Quốc hội trên đảo, cả khách lẫn chủ được một bữa liên hoan tiết canh, tái dê với đủ món gia vị cây nhà lá vườn, xôm đáo để...

Năm nay chắc chắn lại thêm một dịp Ruẩn và anh em trên tàu được tham gia bầu cử Quốc hội khóa XIII ở Trường Sa. Bầu cử ở đảo nào thì phải đợi đến khi vào tập trung ở Quân cảng Vùng D mới biết chính xác, nhưng anh em tàu 51-11-75 rất mong lại được bầu cử ở Song Tử Tây. Tôi nói vui: Lần này không khéo quân y đảo cấm món tiết canh, tái dê rồi! Thuyền trưởng Đinh Đăng Ruẩn cải chính rất nghiêm trang: Tháng 4-2009, một nam công dân chào đời ở đảo Song Tử Tây, được đặt tên là Nhật Minh, nghĩa là “Ngày Đẹp”. Dịp ấy tàu các anh chở hàng ra đảo, đến thăm và chụp ảnh đầy tháng cu Minh. Từ đó đến nay chưa có dịp ra lại Song Tử Tây để tặng ảnh cho cháu. Thằng cu trông rất kháu...

Bỗng nhiên tôi cũng ao ước dịp này được ra bầu cử ở đảo Song Tử Tây. Một bức ảnh về ngày bầu cử Quốc hội ở huyện đảo Trường Sa, có chú bé lên hai bụ bẫm trên tay người mẹ trẻ đến bên hòm phiếu cùng các chú bộ đội, là tác phẩm mà bất kỳ người làm báo nào cũng ao ước...

Ghi chép của Mai Nam Thắng