Giữa thời buổi thị trường sách báo nhiều như mưa mùa hạ hiện nay, mảng sách lý luận phê bình điện ảnh vẫn hiếm hoi, thưa thớt. Một bữa, tình cờ tìm thấy cuốn “Điện ảnh của nhu cầu phát triển văn hóa”, tên tác giả ngoài bìa khiêm tốn, không học hàm, học vị, không chút ấn tượng với một kẻ ngoại đạo về điện ảnh như tôi. Nhưng, chính những thú vị từ cuốn sách ấy đã khiến tôi tìm đến gặp anh, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hiệp.
PGS, TS Trần Thanh Hiệp nguyên là Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật của Điện ảnh Quân đội. Anh là Tiến sĩ điện ảnh đào tạo chính qui đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp khóa nghiên cứu sinh VGIK (Đại học Điện ảnh Mát-xcơ-va-1985). Từ năm 2003, anh là Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội; đồng thời là một nhà biên kịch, nhà lý luận điện ảnh, thành viên Hội đồng Trung ương duyệt kịch bản.
Mong điện ảnh phát triển nhanh như... công nghệ thông tin
PV: Thưa phó giáo sư, đọc cuốn “Điện ảnh của nhu cầu phát triển văn hóa” của anh, có một điều khiến tôi băn khoăn: những hạn chế, yếu kém của điện ảnh Việt Nam anh đã viết, đã dự báo, đã kiến nghị trong các bài viết cách đây hơn 10 năm, bây giờ vẫn vậy?
PGS-TS Trần Thanh Hiệp: Nhìn lại lịch sử, khi điện ảnh Việt Nam chập chững bắt tay vào làm bộ phim truyện đầu tiên năm 1959 – phim Chung một dòng sông thì điện ảnh thế giới đã trải qua những giai đoạn phát triển rực rỡ. Ngay từ ngày ấy, chúng ta đã thấy sự thiếu hụt, khoảng cách của điện ảnh nước nhà so với thế giới. Vẫn biết khoảng cách phát triển kinh tế, khoảng cách kỹ thuật không đồng nhất giản đơn với khoảng cách văn hóa nhưng cũng không nên quên sự phát triển của nghệ thuật thứ bảy không phải chỉ trên cái nền văn hóa mà còn phải có nền tảng kinh tế nữa. 20 năm đổi mới, nhiều thành tựu nhưng điện ảnh vẫn đang ở mức chậm phát triển. Điện ảnh lại là lĩnh vực nghệ thuật rất công phu, sự phát triển, đổi thay cần có nền tảng kinh tế, có con người, có cơ chế, có nhiều thứ khác nữa. Phát triển điện ảnh đâu đơn thuần như công nghệ thông tin, có thể đi tắt, đón đầu để phát triển rất nhanh. Tôi nghĩ rằng, những người làm điện ảnh không nên nói theo kiểu vuốt ve nhau: “Anh em mình tài lắm, đâu có thua kém thiên hạ, chẳng qua vì chúng ta thiếu tiền, kỹ thuật điện ảnh của chúng ta quá lạc hậu”. Sự thật thì chúng ta còn hạn chế cả về nghệ thuật và kỹ thuật. Muốn xóa bức tranh ảm đạm của nghệ thuật thứ bảy hiện nay, điện ảnh Việt Nam phải vững cả hai chân “nghệ thuật và kỹ thuật”, và còn rất nhiều điều phải làm, làm một cách đồng bộ.
- Thời chiến tranh, thiếu phương tiện, thiếu con người, thiếu tiền, thiếu đủ thứ thì chúng ta từng có rất nhiều phim hay. Bây giờ có điều kiện hơn thì phim lại có phần kém hơn. Có thể lý giải thế nào về điều này?
- Chim vành khuyên, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười… không phải là những phim được đầu tư nhiều nhất, phương tiện hiện đại nhất nhưng vẫn thành công. Kỹ thuật chỉ có thể chắp cánh cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ chứ không thể thay thế được đôi cánh của nghệ thuật. Khi chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị cần thiết nên không thể tránh được sự chao đảo. Nhìn nhận một cách khách quan thì không phải tất cả phim thời chiến đều là vàng cả đâu, cũng có phim yếu kém đấy. Tác giả - tác phẩm - người xem là mối quan hệ định mệnh của điện ảnh. Trong cơ chế thị trường, mối quan hệ ấy được đặt ra trong một tương quan mới. Nếu giải quyết không thỏa đáng quan hệ này thì điện ảnh sẽ rơi vào tình thế khủng hoảng, yếu kém. Một số nhà báo và một số nhà điện ảnh hiện nay có thói quen nói rằng: người xem hôm nay quay lưng lại với điện ảnh. Thực ra phải nói rằng, với một số phim của ta, một số nhà điện ảnh đang quay lưng lại với người xem. Anh làm phim mà không nghĩ tới người xem, không biết họ đang cần gì, chờ đợi gì thì là lỗi tại anh chứ. Không nên quên rằng ngày được coi là Ngày Điện ảnh thế giới ra đời không phải là ngày ra đời cái… máy quay hay ngày ra đời bộ phim đầu tiên mà chính là ngày người ta tổ chức buổi chiếu phim đầu tiên trước công chúng.
Thấy gì sau làn sóng phim Hàn Quốc
PV: Là một chuyên gia về điện ảnh, phó giáo sư nghĩ sao khi hằng ngày bật ti vi lên, thấy tràn ngập phim Hàn Quốc, Trung Quốc?
PGS-TS Trần Thanh Hiệp: Tràn ngập một phần do các đài truyền hình nhập về quá nhiều. Nhiều phim hay, nhưng cũng nhiều phim thương mại, chưa phải đã hay. Không có nền điện ảnh nào, dù lớn đến đâu, chỉ sản xuất toàn phim hay. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận: Hàn Quốc đang nổi lên trong lĩnh vực điện ảnh. Họ có nhiều phim “xuất ngoại”. Và thật đáng suy ngẫm khi họ cũng đã từng có một nền điện ảnh như… chúng ta hiện nay. Nên nhớ rằng, điện ảnh Hàn Quốc bây giờ có nhiều phim gây được sự chú ý nhưng cách đây khoảng mươi năm cũng trong tình trạng khủng hoảng. Những phim sản xuất ra đều có nội dung nghèo nàn, cách thể hiện đơn điệu. Song từ khoảng thập niên 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã có một loạt chính sách nhằm phát triển nền điện ảnh hữu hiệu. Việc đầu tiên là Hàn Quốc đã cử hàng trăm sinh viên sang nước ngoài học nhiều chuyên ngành như đạo diễn, diễn viên, biên kịch, quay phim, tổ chức sản xuất, tiếp thị và phát hành phim. Khi trở về họ đã làm nên những bộ phim hay mà chúng ta được xem ngày nay. Chính phủ Hàn Quốc cũng chú ý đầu tư các cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành điện ảnh có tầm quốc tế đồng thời đầu tư cho điện ảnh có bài bản, có kiểm soát. Điện ảnh Hàn Quốc hồi sinh cũng nhờ sự hậu thuẫn rất lớn của nền kinh tế của họ.
- Phim Việt Nam chưa hay, chưa hấp dẫn hiện nay, không thể không có lỗi của các cơ sở đào tạo, trong đó có Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh?
- Đúng vậy! Khi nói công tác đào tạo có đóng góp quan trọng tạo nên thành tựu của Điện ảnh Việt Nam mấy chục năm qua thì cũng phải nói thêm một vế khác. Công tác đào tạo không thể không có một phần trách nhiệm trước những vấn đề đầy nhức nhối, nhiều trăn trở của điện ảnh Việt Nam hôm nay. Vấn đề đào tạo nhân lực cho điện ảnh cũng còn khá nhiều bất cập. Không thể có phim hay nếu không có biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên giỏi. Hằng năm, kinh phí Nhà nước cấp cho trường chia đều cho đầu sinh viên được khoảng 5 triệu rưỡi. Trong lúc đó một sinh viên Việt Nam học tại Trường Điện ảnh Mát-xcơ-va mỗi năm Nhà nước phải trả học phí cho bạn là 12.000USD. Kinh phí đào tạo một sinh viên điện ảnh tại Học viện Bắc Kinh là 11.000USD/năm… So sánh mức đầu tư như vậy, chúng ta mới có thể hiểu sinh viên của chúng ta đang học trong điều kiện khó khăn như thế nào. Tuy vậy, Trường được sự quan tâm rất lớn của Bộ Văn hóa - Thông tin, đang có những cố gắng rất lớn đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới đội ngũ giảng viên, phối hợp với các hãng phim, nhà hát, đài truyền hình tạo điều kiện thực hành cho sinh viên. Năm vừa qua nhiều chuyên gia về sân khấu, điện ảnh truyền hình từ Mỹ, Anh, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Đức, Nga, Thụy Điển... đã được mời sang Trường giảng dạy để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của Trường. Trường đang có những chuyển biến tích cực đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của điện ảnh.
- Có người nói xem phim Việt Nam “chán” vì hai lý do. Một là, diễn viên chủ yếu từ bên sân khấu chuyển sang. Hai là, toàn gương mặt cũ, cách tuyển diễn viên như đài Truyền hình Việt Nam mở các lớp chọn diễn viên truyền hình có phải là một hướng hay?
- Chuyện diễn viên sân khấu đi đóng phim theo tôi là bình thường, thế giới họ cũng vậy. Nhiều người cứ nghĩ diễn viên điện ảnh của mình yếu vì học chung cả sân khấu và điện ảnh. Song đó không phải là lý do. Ở một trường điện ảnh lớn như Mát-xcơ-va, các bài tập chủ yếu về diễn xuất của diễn viên điện ảnh vẫn là những tác phẩm kịch kinh điển như Hăm-lét, Ô-ten-lô… Cái chính là người diễn viên phải hiểu và thể hiện đúng ngôn ngữ điện ảnh để không bị “kịch hóa”. Tuy nhiên, để nâng cao tính chuyên nghiệp, trong tương lai chúng tôi sẽ hướng tới tách riêng hai chuyên ngành đào tạo này… Còn chuyện diễn viên cũ mòn cũng đúng một phần. Để đóng vai Cúc Đậu, Củng Lợi phải mất biết bao thời gian về những vùng nông thôn, lăn lộn với thực tế để xem người phụ nữ vùng sâu, vùng xa sống như thế nào. Còn ở ta, nhiều khi diễn viên đóng phim theo kiểu “chạy sô”, sáng đóng cảnh sát hình sự, tối lại đóng tội phạm. Diễn viên không sống đến tận cùng cuộc sống của nhân vật, làm gì vai diễn chả hời hợt, nhàm chán? Còn về việc tuyển diễn viên như Đài truyền hình làm, tôi không phản đối nhưng cũng không cho rằng đó là “cứu cánh”. Không thể qua những “cua” học ngắn hạn ấy mà hy vọng sản sinh ra lớp diễn viên tài năng. Nghề này cần phải được đào tạo cơ bản, không thể ăn xổi ở thì. Cũng như dạy để anh biết quay phim thì dễ thôi; nhưng dạy để anh biết “làm phim” với tư cách, tài năng, tâm hồn của một người nghệ sĩ thì không đơn giản!
Phim về người lính - những trăn trở
PV: Từng là Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật của Điện ảnh Quân đội, lại là ủy viên Hội đồng duyệt kịch bản phim Trung ương, phó giáo sư nhận xét gì về đề tài chiến tranh cách mạng trên phim ảnh hiện nay?
PGS-TS Trần Thanh Hiệp: Từng là người lính, tôi không thể không suy nghĩ và sốt ruột khi các nhà làm phim nước ngoài đã, đang có nhiều bộ phim hay về cuộc chiến tranh Việt Nam mà chúng ta phải “mua lại” rồi trầm trồ hoặc đòi hỏi họ phải có cái nhìn về chiến tranh như chúng ta, trong khi chính chúng ta lại chưa có những bộ phim tầm cỡ. Càng ngày trên màn ảnh điện ảnh Việt Nam, truyền hình Việt Nam, số phim truyện, phim tài liệu lấy nhân vật chính là người lính càng ít. Khi đất nước hòa bình, tỷ lệ phim về đề tài chiến tranh giảm đi là điều bình thường. Nhưng đề tài chiến tranh, qua thực tế phát triển của điện ảnh thế giới luôn là một mảng hấp dẫn, là trận địa của những xung đột tư tưởng, của sự thử thách lương tri. Chưa có những bộ phim truyện, phim tài liệu tầm cỡ về chiến tranh Việt Nam là một câu hỏi lớn đáng suy nghĩ với những người làm điện ảnh. Và cũng đáng suy nghĩ khi nhiều bộ phim sử thi nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng song kết quả không như mong đợi. Điện ảnh Quân đội đã có vị trí rất đáng kể trong lịch sử điện ảnh dân tộc. Mặc dù trong quá trình phát triển có lúc thăng lúc trầm nhưng Điện ảnh Quân đội đã tạo ra được diện mạo riêng, bản sắc riêng. Nhiều tác phẩm mà Điện ảnh Quân đội đã góp phần quan trọng khẳng định được vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam. Nhiều thước phim của Điện ảnh Quân đội đã đến với bạn bè quốc tế như những sứ giả của sự thật về chiến tranh, giúp bạn bè quốc tế hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, Điện ảnh và truyền hình ngày càng có vị trí vô cùng quan trọng. Trong lĩnh vực tư tưởng, đó là vũ khí hết sức lợi hại. Tôi mong anh em Điện ảnh Quân đội sẽ phát huy được truyền thống của mình, có cách làm phim phù hợp với hoàn cảnh mới, mãi mãi xứng đáng là những nghệ sĩ - chiến sĩ.
- Luật Điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua, theo Phó giáo sư sẽ góp phần giải quyết được những vấn đề gì của Điện ảnh Việt Nam?
- Việc Luật Điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết. Ra đời nửa thế kỷ nhưng nay ngành điện ảnh mới có được luật riêng cho mình. Điện ảnh cũng như mọi lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, làm sao có thể tồn tại khi không tuân thủ pháp luật. Ngược lại, trong thời buổi hội nhập, muốn hợp tác quốc tế về điện ảnh, người ta cũng phải xem anh “chơi” theo luật nào chứ? Đã từ lâu, những người làm điện ảnh mong muốn có luật này rồi. Tôi còn nhớ cách đây vài năm, khi có chủ trương xã hội hóa điện ảnh, trả lời một phóng viên báo Quân đội nhân dân, nhà điện ảnh Lý Huỳnh còn phải phân vân: “Nếu Nhà nước cho mở hãng phim tư nhân, tôi cũng chưa dám”. Chưa dám vì sợ làm ăn chưa hiệu quả, hành lang pháp lý chưa thông thoáng. Nay tình hình đã khác, Luật Điện ảnh có mục tiêu rất rõ ràng là thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh, đồng thời bảo đảm được sự quản lý hiệu quả của nhà nước. Tuy nhiên, không phải không còn có người băn khoăn ở điều này điều kia. Riêng quan điểm của tôi, không nên cầu toàn mà nên ủng hộ và nhanh chóng đưa Luật Điện ảnh đi vào cuộc sống rồi chính cuộc sống sẽ mách bảo chúng ta điều chỉnh, bổ sung những gì khiếm khuyết. Không nên coi Luật Điện ảnh là cây gậy thần vạn năng. Điện ảnh có phát triển hay không, phát triển như thế nào, đầu tiên, tất cả phải từ con người.
- Xin cảm ơn Phó giáo sư!
NGUYỄN VĂN MINH-NGUYỄN CÔNG DŨNG (thực hiện)