QĐND - Bây giờ thì mọi khó khăn, gian khổ đã lùi lại phía sau, 3 người con của ông bà, kết quả của mối tình chung thủy chờ đợi nhau xuyên biển Đông, vượt qua chiến tranh đã trưởng thành. Ngồi với chúng tôi trong căn nhà xây cất khiêm tốn nhưng thoáng đãng, hai ông bà bồi hồi nhớ lại những ngày đã qua.
Chuyện của bà
Bà tên cha mẹ đặt là Huỳnh Kim Chuổi, con thứ 12 trong gia đình nông dân ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Bà nhập ngũ năm 1964 với cái tên Huỳnh Biên Thùy và được biên chế vào đúng đơn vị của vị chỉ huy lừng danh Bông Văn Dĩa với nhiệm vụ nuôi quân, khi có tàu vào thì tham gia bốc xếp hàng. Ở rừng, bà cười ngất, nhưng vui lắm, doanh trại được cất khang trang, sạch sẽ và có những chiếc cầu xinh xinh bằng gỗ đước, gỗ tràm nối nhà nọ qua nhà kia. Ngoài khoảng thời gian cần phải vất vả bốc vác hàng hóa, nhanh chóng giải phóng tàu để trở ra Bắc vận chuyển chuyến mới thì cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ đoàn 962 cũng giống hệt như bất cứ đơn vị quân đội nào khác. Cũng luyện tập phương án chiến đấu, tăng gia sản xuất, văn hóa văn nghệ… Vào bộ đội, bà phát huy được sở trường của một cô gái sinh ra, lớn lên vùng sông nước miền Tây và nhanh chóng trở thành một cây văn nghệ. Giọng ca của Huỳnh Biên Thùy cùng Út Hòa, Ba Lệ, Bảy Thu cùng nhiều hạt nhân văn nghệ khác đã góp phần làm cuộc sống trong rừng vơi bớt khó khăn, vất vả. Bến Vàm Lũng (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) khi đó được anh em thủy thủy tàu không số gọi vui là “Sài Gòn mới” cũng chính từ cuộc sống thực vùng căn cứ trong chiến tranh ngày ấy.
 |
Vợ chồng thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng-Huỳnh Biên Thùy và bé Nguyễn Huỳnh Nam năm 1973. (Ảnh do gia đình cung cấp)
|
Một ngày bình thường, sau khi bà cùng các đồng đội đã cật lực vận chuyển một lượng hàng hóa lớn từ một con tàu mới cập bến, nghỉ ngơi, ăn uống xong thì được bác Hai Dĩa (Bông Văn Dĩa) xuống tận nơi thăm. Nói là thăm nhưng bà biết chắc có việc gì đó. Sau khi trò chuyện cùng anh chị em, bác Hai Dĩa mới nói: Anh em thủy thủ đi từ ngoài Bắc vào, gian khổ, vất vả, tụi bay xem tổ chức đêm văn nghệ cho vui đi. Vậy là, tổ văn nghệ lại được triệu tập và đối tượng được phục vụ chính là các thủy thủ trong đó có chàng thuyền phó đẹp trai tên Nguyễn Đắc Thắng, sau này là Anh hùng LLVT, thuyền trưởng tàu 43 và trở thành chồng bà sau đó 9 năm trong một đám cưới được tổ chức gọn nhẹ trong cứ.
Chuyện của ông
Ông tên thật là Nguyễn Văn Chín, khi nhập ngũ mới đổi thành tên Nguyễn Đắc Thắng quê huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang và gắn bó với đoàn tàu không số ngay từ những ngày đầu. Năm 1964, khi cùng tàu chở 80 tấn vũ khí vượt biển vào Cà Mau, thời gian chờ đợi bốc hàng, sửa chữa và chờ cho cơn bão tan, thời tiết ổn định cũng mất tròn nửa tháng. Sau buổi tối văn nghệ “định mệnh” ấy, trái tim chàng thuyền phó khi đó đã ngoài ba mươi bắt đầu loạn nhịp bởi giọng ca ngọt ngào của cô gái, ông nhớ đó là bài vọng cổ “Hoài tình”. Từ rung động của con tim, sự đồng cảm của lứa thanh niên sống trong vùng địch, gia đình tham gia cách mạng và có nhiều người thân đã ngã xuống nên họ đến với nhau thật nhẹ nhàng. 15 ngày ở lại bến, ông bà đã có dịp tìm hiểu nhau và đi đến quyết định hứa hôn. Báo cáo tổ chức, được sự nhiệt tình tác thành, họ đã hẹn chuyến tàu sau vào thì sẽ tổ chức đám cưới. Ông cười, hồi đó tụi tôi yêu nhau rồi nhưng vẫn “đứng xa xa” mà nói chuyện, không dám cầm tay...
Cuối cùng thì cũng bốc dỡ xong hàng hóa, khắc phục được những trục tặc nhỏ của con tàu và bão cũng đã tan. Ngày nhổ neo rời bến đã đến. Tình yêu mới nở đã buộc phải chia xa với lời hẹn ước lần trở lại sau sẽ làm đám cưới. Trước phút chia tay, bà tặng ông tấm hình và một chỉ vàng phòng thân. Còn ông thì ngoài tấm hình, không còn gì khác tặng bà.
Và 9 năm chờ đợi
Ông trở lại miền Bắc và báo cáo với tổ chức với mong muốn sẽ bố trí cho ông trên những con tàu chở hàng vào Cà Mau tiếp theo. Thế nhưng, như một sự thách đố, những chuyến hàng của ông sau đó, chuyến thì vào miền miền Trung, vào Bến Tre, chuyến thì vào Bà Rịa-Vũng Tàu mà không một lần trở lại Vàm Lũng…
Không trở lại được Vàm Lũng, chỉ có những lá thư được gửi đi gửi về qua những chuyến tàu hàng. Nhưng rồi thư từ cũng hiếm dần bởi tàu vào ngày một khó khăn do bị địch phong tỏa gắt gao. Thi thoảng, ông vẫn nhận được những món quà bất ngờ từ Vàm Lũng xa xôi. Đơn giản là những gói muối nhưng bên trong nó chất chứa bao tình cảm. Bà bảo, thì hồi đó cũng muốn nhắn nhủ ông ấy là: “Gừng cay muối mặn”, gửi cho ông ấy chút tình của người miền Tây.
 |
Anh hùng LLVT Nguyễn Đắc Thắng. Ảnh: ĐN
|
Sau 4 năm chờ đợi với những lá thư viết vội, năm 1968 bà nghe tin sét đánh: Ông hy sinh. Con tàu 43 cùng với vũ khí đạn dược của ông khi vào cửa Ba Làng An (Quảng Ngãi) thì bị địch phát hiện chặn đánh. Sau khi giáng trả địch, đúng là có chuyện theo phương án đã được thống nhất từ trước, ông lệnh hủy tàu. Đúng là con tàu đã nổ tung, hàng hóa đã bị hủy, ông và đồng đội đã dũng cảm chiến đấu nhưng không hy sinh toàn bộ như tin đồn. Hôm đó, tàu 43 bắn rơi 2 máy bay lên thẳng, bắn chìm một một tàu cao tốc và làm chiếc khác của địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Quần nhau với địch từ 10 giờ đêm hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, trong số 16 cán bộ, thủy thủ trên tàu có 3 đồng chí hy sinh và 12 người bị thương. Tình huống chiến đấu gấp gáp, nguy cấp, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng trước khi ra lệnh hủy tàu đã cho thủy thủ vào bờ, còn mình và một đồng đội nữa bị thương nhẹ ở lại tàu chuẩn bị điểm hỏa bộc phá. Ông là người rời tàu cuối cùng, may mắn bơi vào bờ và được nhân dân Ba Làng An nuôi giấu, che chở trong hầm bí mật. Sau đó, ông cùng đồng đội được đưa về bệnh xá Phổ Cường, Quảng Ngãi nơi có bác sĩ Đặng Thùy Trâm đang công tác. Sau hơn một tháng điều trị, những người lính thủy quyết định vượt Trường Sơn ra Bắc và sau hơn 3 tháng hành quân bộ, đã tới miền Bắc để tiếp tục lên đường theo tiếng gọi của tàu không số. Ông bảo, đánh nhau ác liệt như vậy, mọi thứ đều mất hết nhưng không hiểu sao, riêng tấm hình của bà thì vẫn luôn bên người, tiếp thêm sức mạnh để ông và đồng đội vượt qua những tình huống đối mặt với cái chết để trở về…
Với bà, dù được tin ông hy sinh, dù đã để băng tang nhưng không hiểu sao, mỗi lần nhìn vào tấm hình ông, bà tin tưởng chắc chắn ông không chết như tin đồn. Bà vẫn chờ, vẫn chờ ngày ông trở về…
Mãi đến tháng 7 năm 1972, phương án chở vũ khí vào Nam bằng tàu 2 đáy đi hợp pháp thu được kết quả tốt, ông lại được trở về Cà Mau trên một trong những chuyến đi như thế. Tháng 9 năm 1972 thì ông bà được tổ chức cho cưới. Tuần trăng mật của họ diễn ra trong một túp lều kín đáo lợp bằng lá dừa nước. Đây vốn là nơi làm việc của tổ cơ yếu, cách xa nơi làm việc của cơ quan đoàn bộ, đảm bảo cho họ một góc riêng tư. Sau đó, ông cùng vợ về ra mắt họ bên ngoại và xuống tàu ra Bắc. Năm 1973, bé Nguyễn Huỳnh Nam ra đời là kết quả của mối tình xuyên biển, xuyên chiến tranh của ông bà. Sau ngày giải phóng, ông bà có tiếp bé Nguyễn Quỳnh Mai và Nguyễn Huỳnh Hùng.
Hiện nay, trên cương vị Trưởng Ban liên lạc đoàn tàu không số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông lại tất bật với những kế hoạch thăm gặp đồng đội. Dõi ánh mắt tràn đầy yêu thương nhìn theo hút bóng ông ra cổng, bà quay lại nói với chúng tôi, tính ông vậy, làm việc và yêu thương gì cũng hết mình…
ĐỨC NGHĨA - VIỆT HÀ