Bà Vũ Minh Nghĩa chụp năm 19 tuổi

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong những năm đánh Mỹ, tôi đã nghe những trận đánh vang dội của Biệt động Sài Gòn vào các khách sạn, tòa đại sứ Mỹ... Câu chuyện về họ như một huyền thoại, mà lứa tuổi ấu thơ của tôi mong được gặp những chiến sĩ kiên cường ấy. Mới đây, tôi nghe tin ông Nguyễn Thanh Xuân, đội trưởng đội 5 Biệt động Sài Gòn đã ra đi. Tôi vội tìm đến nhà ông, và may mắn được gặp vợ ông-bà Vũ Minh Nghĩa, cũng là một chiến sĩ của đội 5 Biệt động Sài Gòn. Bà đã kể cho tôi nghe những chiến công lẫy lừng và chuyện tình éo le của người đội trưởng đội 5 Biệt động Sài Gòn.

Những chiến công vang dội

Ông Nguyễn Thanh Xuân (thường gọi là Bẩy Bê), sinh năm 1930, ở Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Ông tham gia chiến đấu ở trung đoàn 62 tỉnh Bình Thuận từ năm 1947. Ngay từ những trận đánh đầu tiên ông đã thể hiện tinh thần dũng cảm, mưu trí sáng tạo trong đánh địch, ông được kết nạp Đảng năm 1949. Năm 1956, tổ chức đưa ông vào Sài Gòn hoạt động với nhiều nghề nghiệp khác nhau để che mắt địch, lúc thì đạp xích lô, đạp xe ba gác, thợ may, bán dừa tươi, bán nước sâm, rau má… Ông bị địch bắt lần thứ nhất vào năm 1958. Sau ba năm giam cầm, không khai thác được gì, chúng buộc phải thả ông. Ra tù, ông về công tác ở ban Quân báo miền. Năm 1964, ông được giao chỉ huy đội 5 Biệt động Sài Gòn. Năm 1966 ông bị địch bắt, đày đi Côn Đảo cho đến năm 1973 mới được thả.

Thời kỳ là đội trưởng đội 5 Biệt động Sài Gòn, ông đã lập nên những chiến công vang dội làm chấn động cả thế giới, khiến kẻ thù hoang mang lo sợ. Những trận đánh lớn mà Bẩy Bê trực tiếp chỉ huy và tham gia đã đi vào sử sách. Trận đầu tiên là ngày 24-10-1964, ông chỉ huy và trực tiếp đánh khách sạn Caravell 10 tầng, cao nhất Sài Gòn lúc đó, bằng 37kg thuốc nổ, đánh sập và làm hư hại 43 phòng. Trận tiếp theo vào ngày 14-12-1964, ông trực tiếp chỉ huy và lái xe chở 200kg thuốc nổ, đánh sập và hư hại toàn bộ khách sạn Brink, tiêu diệt và làm bị thương 159 sĩ quan cấp tá Mỹ. Ngày 30-3-1965, ông Bẩy Bê là người lái chiếc xe chở 150kg thuốc nổ đánh hư hại toàn bộ Tòa đại sứ Mỹ trên đường Hàm Nghi, sát thương nhiều cố vấn Mỹ, trong đó có phó đại sứ Mỹ Ali Giôn-xơn…

Những chiến công vang dội của ông đã góp phần vào thành tích chung của đội 5 Biệt động Sài Gòn. Năm 1967, đơn vị được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nên truyền thống của đơn vị với 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng-mưu trí vô song-dũng cảm tuyệt vời-trung kiên bất khuất”.

Chuyện tình éo le

Bà Nghĩa như chìm vào trong ký ức của mấy chục năm về trước. Năm 1965, Vũ Minh Nghĩa mới 19 tuổi đầu, đã xung phong vào đội 5 Biệt động Sài Gòn. Nghĩa là con gái của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Đăng, quê ở Củ Chi, cả 9 anh chị em Nghĩa đều tham gia hoạt động cách mạng. Vào Đội biệt động, Nghĩa nhận đủ mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao: liên lạc, vận chuyển vũ khí thuốc nổ từ chiến khu vào thành, đưa tin tức từ thành ra cứ, lúc hợp pháp, lúc bán công khai, lúc bí mật. Đội trưởng Bẩy Bê lúc đó đã 35 tuổi. Ông và Minh Nghĩa thường xuyên đi công tác cùng nhau vào trinh sát trong thành. Ông đã giúp đỡ bà rất nhiều về kinh nghiệm chiến đấu và nghiệp vụ chuyên môn. Từ tình đồng chí, họ đã bước sang tình yêu lúc nào không biết. Giữa cuộc chiến đấu ác liệt, họ đã đến với nhau bằng tình yêu trong sáng, mãnh liệt. Dù không tổ chức đám cưới nhưng họ đã coi nhau như vợ chồng. Tháng 6 năm 1966, ông Bẩy Bê bị địch bắt lần thứ hai. Chúng dùng những đòn tra tấn dã man, hòng khai thác tin tức người chiến sĩ biệt động, nhưng ông đã thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường, quyết không khai báo. Không tìm được chứng cứ gì, địch đầy ông ra Côn Đảo. Còn bà Vũ Minh Nghĩa tiếp tục chiến đấu trong đội 5. Chiến dịch xuân 1968, đội 5 Biệt động Sài Gòn được giao nhiệm vụ đánh vào Dinh Độc Lập. 15 chiến sĩ, trong đó chỉ có bà Nghĩa là phụ nữ, thực hiện nhiệm vụ vào sáng mùng 2 Tết. Dự kiến sau khi chiếm dinh Độc Lập, bà sẽ là phát thanh viên kêu gọi các lực lượng địch đầu hàng. Thật không may, xe chở thuốc nổ phá cửa sau vào dinh đã không nổ. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 15 chiến sĩ biệt động với hàng trăm tên địch suốt ngày mùng 2 Tết. 8 đồng chí hy sinh, còn lại 7 người bị thương và vũ khí cạn kiệt bị địch vây bắt. Vũ Minh Nghĩa bị mảnh lựu đạn của địch, máu ra xối xả. Khẩu súng cạc-bin của bà hết đạn. Rồi bà và 6 chiến sĩ biệt động đội 5 lần lượt sa vào tay giặc. Qua một loạt nhà tù, bà bị chúng đày ra Côn Đảo. Cả hai vợ chồng bị giam ngoài đảo mà không gặp được nhau, không có tin tức gì của nhau.

Ông Bẩy Bê và bà Vũ Minh Nghĩa trong cuộc hành quân “Vang mãi khúc quân hành” do báo Quân đội nhân dân tổ chức. Ảnh tư liệu

Sau hiệp định Pa-ri 1973, địch phải trao trả tù nhân cho ta. Riêng trường hợp Bẩy Bê và một số tù nhân khác bị tra tấn đến tàn phế, không đi được. Chúng sợ trao trả sẽ bị báo chí phanh phui chế độ hà khắc nhà tù, nên chúng thả ông và hai tù nhân khác trong vùng chúng kiểm soát ở cánh đồng Chó Ngáp thuộc tỉnh Long An (tỉnh Hậu Nghĩa trước đây). Ông Bẩy Bê tìm cách móc nối cơ sở, được bà Võ Thị Tránh, một quần chúng của ta đưa về nhà bà ở ấp chiến lược Bầu Tre, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi (Năm 1963, bà Tránh lấy chồng là bộ đội huyện Củ Chi. Năm 1965, trên đường đi công tác về, anh bị trúng bom địch hy sinh, bỏ lại bà Tránh với người con gái chưa đầy 1 tuổi). Bà Tránh đón 3 tù nhân về nhà, nhìn cảnh các anh gầy gò, da xanh bủng, phải dùng hai chiếc ghế lết đi, bà không cầm được nước mắt. Tên trưởng ấp thấy người lạ đến nhà, đến truy hỏi. Bà phải nói dối là mấy người bạn làm ăn về chữa bệnh. Sau đó bà chuyển 3 ông ra ngoài căn cứ ấp Bầu Chứa, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Bà mua thuốc men, lương thực đưa vào căn cứ chăm sóc các ông. Ít ngày sau, ông Bẩy Bê hồi phục sức khỏe, ông trở về tiếp tục làm nhiệm vụ đội trưởng đội 5 Biệt động Sài Gòn. Tri ân tấm lòng tận tình chăm sóc của bà Tránh, hơn nữa đã nhiều năm không biết tin tức gì của Vũ Minh Nghĩa, nên ông đã đến với bà Tránh vào giữa năm 1973. Ông vận động bà Tránh tham gia vào đội 5 Biệt động Sài Gòn, họ trở thành đồng chí và bạn đời của nhau từ đấy. Đầu năm 1974, bà Tránh sinh con gái Nguyễn Thị Thanh Hồng, cũng là lúc bà Vũ Minh Nghĩa được trao trả về tại sân bay Lộc Ninh. Sau đó bà về công tác tại Quân báo Miền. Mãi đến đầu năm 1975, bà Nghĩa mới tìm gặp được ông tại Củ Chi, thì lúc đó ông đã có vợ và con gái. Éo le hơn, vợ ông Bẩy Bê là em họ bà Nghĩa. Bà Võ Thị Tránh sinh năm 1942, hơn bà Nghĩa 5 tuổi, nhưng về họ hàng bà là vai em của bà Nghĩa (mẹ bà Nghĩa là chị ruột mẹ bà Tránh). Chuyện tình riêng chưa kịp giải quyết, thì họ đã lao vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Người đội trưởng nhân nghĩa, ân tình

Ông đã không nghe lời khuyên của nhiều người bỏ bà Vũ Minh Nghĩa để lợi con đường tiến thân, mà trái lại ông đã chăm sóc bà chu đáo. Mãi đến năm 1980 (khi bà Nghĩa 34 tuổi), bà mới sinh con trai đầu lòng Nguyễn Thanh Hiệp và 1984 sinh con gái Nguyễn Thị Xuân Hạnh. Còn với bà Võ Thị Tránh, vợ của người đồng đội đã hy sinh, người đã hết lòng chăm sóc ông những ngày sau khi ra tù, là người đồng chí, người bạn trong chiến đấu thì làm sao ông có thể bỏ được, nhất là hai người đã có con chung và đã báo cáo với cơ quan. Ông báo cáo với tổ chức, ông có hai gia đình và trách nhiệm của ông với hai người vợ như nhau.

Năm 1992, ông Nguyễn Thanh Xuân về nghỉ hưu. Nghỉ hưu nhưng ông không ngơi nghỉ một ngày. Ông vẫn tích cực hoạt động các phong trào địa phương. Những năm gần đây, với vai trò Chủ nhiệm câu lạc bộ Truyền thống vũ trang Quân khu Sài Gòn-Gia Định, ông tiếp tục cùng cán bộ câu lạc bộ chăm lo đời sống vật chất tinh thần của các Cựu chiến binh. Câu lạc bộ đã vận động xây dựng được 52 căn nhà tình nghĩa-tình thương, đi tìm và cải táng hài cốt của đồng đội. Mới đây, khi còn nằm trên giường bệnh, biết mình không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, ông đã gọi vợ con lại viết tâm nguyện của mình: “Khi tôi qua đời, nếu tiền phúng điếu nhiều xin hiến tặng xây 2 căn nhà tình nghĩa, 1 căn cho phường 25, quận Bình Thạnh và 1 căn cho quận Bình Thạnh, số tiền còn lại sẽ chuyển tặng cho hội Khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh”. Một tuần sau, ngày 16-8-2006, ông Nguyễn Thanh Xuân từ trần. Đám tang rất đông các đoàn thể, đơn vị, cá nhân đến chia sẻ niềm thương tiếc tiễn đưa ông. Số tiền phúng điếu được hơn chín mươi triệu đồng. Cũng có ý kiến muốn lo tang lễ của ông xong hãy làm việc thiện. Nhưng cả hai bà vợ của ông đều từ chối: “Trước nay anh sống, lúc nào cũng lo cho mọi người, gia đình cảm phục tấm lòng anh. Bây giờ anh mất rồi, anh còn muốn làm được một việc tình nghĩa cuối cùng vì người nghèo, xin hãy làm đúng như lời anh dặn!”. Thế là cả hai người vợ của ông đã chuyển ngay số tiền được phúng viếng này đến quận Bình Thạnh và Hội Khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh, để các nơi này tiến hành xây dựng nhà theo tâm nguyện của người đã khuất. Thượng tướng Phan Trung Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng viết về người đồng chí của mình: “…Đồng đội và nhân dân ghi tạc công lao của đồng chí đã cống hiến hết mình vì Tổ quốc và nhân dân”.

ĐOÀN HOÀI TRUNG