Những chiến sĩ cựu tù Côn Đảo rước ảnh Bác Hồ sau ngày toàn thắng (ảnh chụp lại từ bảo tàng Côn Đảo).

Tháng Năm, ra Côn Đảo, dù biết không phải ai cũng may mắn được tới vùng đảo thiêng liêng này nhưng tôi vẫn tự nhủ với mình: "thế là hơi muộn". Muộn, thiếu thông tin, nên tôi bấm điện thoại hỏi Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, báo Quân đội nhân dân, một trong những nhà báo quân đội đầu tiên có mặt ở Côn Đảo ngay từ những ngày đầu giải phóng. Từ đầu dây, giọng anh Hùng xúc động: "Ấn tượng những ngày đầu à! Cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, nụ cười, nước mắt...".

"Như có Bác trong ngày vui đại thắng"

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng kể: Theo đoàn cán bộ ra giải phóng Côn Đảo, có một hình ảnh mà đến giờ tôi vẫn không thể nào quên là hàng nghìn cựu tù Côn Đảo, mỗi người đều tự kiếm tìm cho bằng được một mảnh gỗ, một mảnh tôn, một mẩu bìa, mẩu vải… hay bất cứ thứ gì màu đỏ để tự làm cho mình một ngôi sao màu cờ Tổ quốc treo lên ngực. Và hàng nghìn người tù vừa "rũ bùn đứng dậy" nâng niu, túm tụm chụp ảnh chung trước ảnh Bác Hồ.

33 năm đã trôi qua, ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư đảo ủy Côn Đảo lâm thời sau ngày giải phóng vẫn nhớ như in: "Sau khi chiếm cơ quan vô tuyến viễn thông, tôi đánh ngay một bức điện: "Anh em tù chính trị đã thiết lập chính quyền cách mạng ở Côn Đảo từ sáng 1-5. Yêu cầu được sự chỉ đạo của Chính phủ cách mạng lâm thời. 2 giờ chiều 2-5, có người đến báo: "Sài Gòn yêu cầu được trực tiếp nói chuyện với đồng chí Hai Tân". Tôi lên xe Jeep đến ngay đài vô tuyến viễn thông. Từ đầu kia đường dây ở Sài Gòn có tiếng: "Vũ Hồng, Hai Phong đây. Đã nhận được tin điện. Yêu cầu cho biết, anh em cần gì để gửi ra".

Lúc đó, ông Hai Tân đã nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Chúng tôi chỉ cần một số cờ Tổ quốc, cờ Đảng và ảnh Bác thôi". Sự thật thì bao năm sống trong tù ngục đọa đày, họ thiếu thốn đủ thứ: thiếu cơm, thiếu áo, thiếu nước, thiếu tự do, thiếu một nơi ăn, chốn nghỉ của… con người… Nhưng trong ngày toàn thắng, thứ thiếu nhất với họ lại là cờ Đảng, cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ - những biểu tượng thiêng liêng của lý tưởng cả một đời khao khát, nay đã thành hiện thực. Nghe những lời gan ruột ấy, người bên này, người bên kia đầu dây, đều khóc…

Sáng 4-5-1975, quân giải phóng đổ bộ lên đảo. Trong số rất nhiều thứ mang ra Côn Đảo, có tới 500 tấm ảnh Bác in lụa được chuyển gấp xuống chuyến tàu đầu tiên. Hàng nghìn cựu tù mang cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cùng với cư dân trên đảo reo hò vang dội. "Ngày gặp mặt", sau phút trùng phùng là lễ rước ảnh Bác Hồ đã làm rơi nước mắt biết bao con người sau hàng chục năm tranh đấu…

Ảnh, khẩu hiệu về Bác Hồ trước nhà chúa đảo năm xưa.
Có Bác trong tim

Chủ quán cà phê phía ngoài bảo tàng Côn Đảo là ông Bảy Oanh, một cựu tù Côn Đảo năm xưa, sau giải phóng tình nguyện ở lại đảo. Ông tâm sự: "Chỉ những người tù Côn Đảo mới hiểu tại sao mỗi tấm ảnh Bác Hồ lại thiêng liêng đến thế".

Hình ảnh Bác Hồ đã là ngôi sao dẫn đường cho ông già Cao Văn Ngọc vượt lên mọi đòn roi, tra tấn của kẻ thù. Ngày 31-7-1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Cao Văn Ngọc về những thành tích đấu tranh kiên cường, bất khuất trong nhà tù Côn Đảo. Ông là người đầu tiên, người duy nhất cho đến hôm nay được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân do thành tích đấu tranh trong tù, dù ông chưa phải là bộ đội, cũng chưa phải là đảng viên. Ông sinh năm 1897 tại làng An Ngãi, huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu), từng làm hương quản làng rồi giác ngộ cách mạng từ mùa thu 1945, làm thư ký hội nông dân cứu quốc. Ông bị bắt năm 1956 khi mang 3 xấp tài liệu tuyên truyền cho hiệp định Giơ-ne-vơ. Địch đày ra Côn Đảo, ngoài 60 tuổi, già yếu nhưng luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tố Cộng, chống ly khai, mặc địch tra tấn, bỏ đói triền miên, xối nước lạnh trong chuồng cọp. Tên Phạm Sau, trưởng trung tâm cải huấn thường dụ dỗ: "Ông đâu phải là đảng viên mà chống ly khai và có duyên nợ gì với Hồ Chí Minh mà phải theo, đến nỗi phải ở tù?". Ông hiên ngang trả lời: "Cụ Hồ giải phóng cho dân tộc khỏi ách nô lệ, tôi mắc nợ khoản đó, tôi phải trả suốt đời". Ông hy sinh năm 1961, sau một trận khủng bố đẫm máu. Ngày nay, ở trung tâm thị trấn Côn Đảo, có một ngôi trường phổ thông mang tên Cao Văn Ngọc…

Trong tập hồ sơ tù nhân Côn Đảo còn lưu câu chuyện anh Nguyễn Văn Mười, quê Mỹ Tho, xuất thân là giang hồ theo kháng chiến, làm đến tiểu đoàn trưởng thì bị địch bắt. Trong tù, anh xóa dần các vết xăm giang hồ và xăm lên mình hàng chữ "Suốt đời trung thành với Hồ Chủ tịch". Bọn giang hồ bắt anh xóa, đánh anh không biết bao nhiêu trận, anh vẫn nói: "Chúng mày có róc xương, lột da tao cũng không từ bỏ lãnh tụ, không ngừng chiến đấu". Trong một trận đòn năm 1961, anh liên tục hô Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm cho đến khi tắt thở. Lòng tôn kính Bác Hồ đã nâng anh từ một kẻ giang hồ thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Những ai đã từng đọc tác phẩm Bất khuất nổi tiếng của Nguyễn Đức Thuận hẳn không quên hình ảnh kiên cường của anh Lưu Chí Hiếu. Bị đánh dập phổi, ho ra máu 9 tháng ròng nhưng anh vẫn luôn là ngôi sao sáng nhất trong phong trào đấu tranh chống ly khai. Anh chọn con đường quyết tử, hy sinh ngay trong đêm Chúa Giáng sinh sau khi kẻ địch xối nước suốt đêm, kiên quyết không ly khai, không chào cờ giặc, không hô đả đảo Hồ Chí Minh. Theo báo cáo của đồng chí Nguyễn Đức Thuận tại Trung ương Cục sau khi được trả tự do thì lực lượng chống ly khai chỉ còn 6 người trong chuồng cọp. Nguyễn Đức Thuận, người có cương vị lãnh đạo cao nhất đã trao đổi với anh Phan Trọng Bình chủ trương "nhượng bộ một phần trăm để cứu mạng sống". Lưu Chí Hiếu là người phản đối đầu tiên. Anh lết đến nói: "Các anh bàn gì thì bàn, nhưng đừng bàn ly khai Đảng. Đảng dạy chúng ta chiến đấu chứ không dạy chúng ta đầu hàng. Dẫu có hy sinh đến người cuối cùng thì thời gian và lịch sử sẽ báo cáo lại với Đảng, với Bác…".

Tháng Năm, từng ngả đường, góc phố Côn Đảo đều rạng ngời màu đỏ. Màu đỏ chứa chan như máu của buổi trưa trong nghĩa trang Hàng Dương. Màu đỏ của băng rôn, khẩu hiệu treo dọc đại lộ Tôn Đức Thắng. Màu đỏ của cờ Tổ quốc phần phật trên những con tàu cá, tàu du lịch đậu kín cảng Bến Đầm… Cùng với khẩu hiệu, tôi quan sát, ở Côn Đảo có rất nhiều pa-nô, ảnh Bác Hồ trên những con đường. Ngay trước cổng bảo tàng Côn Đảo, xưa là biệt thự của 53 đời chúa đảo, một cổng chào lớn với ảnh Bác và dòng khẩu hiệu lớn "Hồ Chủ tịch vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta". Đi trong màu đỏ tha thiết ấy, bây giờ thì tôi đã hiểu, vì sao ở Côn Đảo, có nhiều ảnh Bác Hồ đến thế...

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH