Ông Nguyễn Văn Dũng là nhân vật chính trong loạt bài “Vụ án oan của một gia đình cựu chiến binh ở Tây Ninh: Tiếng gọi công lý sau gần 4 thập kỷ”, đăng trên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) số ra các ngày 8 và 9-9-2017. Đây là vụ án oan sai phức tạp, thời gian diễn ra đã lâu, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị và cuộc sống của hàng chục con người trong một gia đình, được dư luận đặc biệt quan tâm.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc gặp gỡ nguyên đơn và các nạn nhân oan sai tại phiên tòa sơ thẩm.

Sau khi Báo QĐND đăng loạt bài điều tra nói trên cùng một số bài báo, ý kiến hồi âm của đại diện các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương lần lượt được báo đăng sau đó, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã 5 lần gặp gỡ ông Nguyễn Văn Dũng để thương lượng và đề nghị mức bồi thường thiệt hại hơn 586 triệu đồng. Ông Dũng không chấp thuận do mức bồi thường phía Viện KSND tỉnh Tây Ninh đề nghị là quá thấp so với những thiệt hại thực tế về vật chất, tinh thần, danh dự công dân mà ông cùng 7 thành viên trong gia đình phải gánh chịu suốt hơn 40 năm qua. Vì vậy, ông Dũng đã khởi kiện vụ việc ra TAND huyện Gò Dầu và được TAND huyện Gò Dầu ra Quyết định thụ lý số 29/2018/TLST-DS ngày 5-2-2018. Ngày 19-6-2018, TAND huyện Gò Dầu ra Quyết định số 36/2018/QĐXXST-DS đưa vụ án về tranh chấp “Yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự” ra xét xử công khai. Tiếp đó, ngày 27-7-2018, TAND huyện Gò Dầu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về việc: “Tranh chấp về bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Dũng và bị đơn là Viện KSND tỉnh Tây Ninh, người đại diện là ông Thân Văn Danh, Trưởng phòng Thanh tra, Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn xét xử ngay sau khi khai mạc do Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn phát hiện những sai sót trong thủ tục tố tụng về thành phần Hội thẩm nhân dân. Theo đó, quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND huyện Gò Dầu xác định, trong thành phần tiến hành tố tụng có hai hội thẩm nhân dân, gồm: Ông Nguyễn Tuyễn và bà Phan Thị Kiên. Tuy nhiên, tại phiên tòa, vị trí của bà Phan Thị Kiên được thay bằng ông Mai Văn Thẩm mà không nêu rõ lý do.

Phiên tòa sơ thẩm được mở lại vào ngày 12-9-2018. Tại phiên sơ thẩm này, TAND huyện Gò Dầu đã ra Bản án số 55/2018/DS-ST, quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Dũng yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự đối với Viện KSND tỉnh Tây Ninh. TAND huyện Gò Dầu buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường thiệt hại cho ông Dũng với tổng số tiền 615.179.432 đồng (Sáu trăm mười lăm triệu, một trăm bảy mươi chín ngàn, bốn trăm ba mươi hai đồng).

Trong đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh Tây Ninh ngày 24-9-2018, ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng: Bản án số 55/2018/DS-ST ngày 12-9-2018 của TAND huyện Gò Dầu thiếu công bằng, công tâm. Việc TAND huyện Gò Dầu không chấp nhận yêu cầu bồi thường về khoản thu nhập thực tế bị mất suốt gần 40 năm từ ngày ông Dũng được trả tự do đến ngày vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm; thiệt hại về vật chất do sức khỏe giảm sút, thiệt hại về chi phí chữa trị bệnh trong thời gian dài sau ngày ra tù; thiệt hại về uy tín, danh dự, nhân phẩm mà cha mẹ, vợ con ông bị ảnh hưởng từ vụ án oan sai… là thiếu sót. Ông Dũng yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại của nguyên đơn một cách công bằng, công tâm, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị oan sai theo pháp luật và đạo lý.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm cho rằng, việc TAND huyện Gò Dầu không đưa 7 người trong gia đình ông Dũng cùng bị oan sai trong vụ án vào tham gia tố tụng là một thiếu sót, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Vụ án oan sai này liên quan trực tiếp đến 9 nạn nhân trong một gia đình, nhưng quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND huyện Gò Dầu chỉ đề cập đến một nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Dũng là chưa phù hợp. Đối với những vụ án tranh chấp dân sự, các cơ quan tố tụng cần coi trọng hình thức thương lượng, hòa giải nhưng trong vụ án này, việc thương lượng, hòa giải chưa được các cơ quan tố tụng coi trọng. Trước khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, Viện KSND tỉnh Tây Ninh cần phải xin lỗi công khai ông Nguyễn Văn Dũng và các nạn nhân…

Trong một diễn biến khác, ngày 23-9-2018, Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh (CCB) Mặt trận 479, Quân khu 7 (gọi tắt là Ban liên lạc), đơn vị CCB Nguyễn Văn Dũng công tác và chiến đấu trước đây, do Thiếu tá, CCB Trịnh Duy Sơn là đại diện, đã có buổi làm việc với Viện KSND tỉnh Tây Ninh, do ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Chánh văn phòng Viện KSND tỉnh Tây Ninh đại diện, thừa ủy quyền của Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Ban liên lạc kiến nghị Viện KSND tỉnh Tây Ninh có tinh thần trách nhiệm và thái độ hợp tác tích cực nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho CCB Nguyễn Văn Dũng và những người bị oan sai theo pháp luật và đạo lý. Thay mặt lãnh đạo Viện KSND tỉnh Tây Ninh, Chánh văn phòng Nguyễn Ngọc Hạnh bày tỏ thiện chí và hứa sẽ làm hết tinh thần trách nhiệm để giải quyết vụ án oan sai theo đúng các quy định của pháp luật. Đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh yêu cầu ban liên lạc và những người bị oan sai có đơn kiến nghị Viện KSND tỉnh Tây Ninh đề nghị xem xét, cấp quyết định đình chỉ điều tra vụ án cho những người bị oan sai trong gia đình ông Nguyễn Văn Dũng để có cơ sở pháp lý giải quyết những thủ tục tố tụng tiếp theo. Mặc dù vụ án oan sai kéo dài gần 4 thập kỷ, song cho đến nay mới chỉ có ông Nguyễn Văn Dũng có quyết định đình chỉ điều tra vụ án theo Quyết định số 15/KSĐT-TA ngày 11-5-1983 của Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Việc các nạn nhân còn lại trong gia đình ông Dũng không (chưa) nhận được quyết định đình chỉ điều tra là một trong những vướng mắc khiến TAND huyện Gò Dầu cho rằng, không có căn cứ để đưa những người này tham gia tố tụng.

Ngay sau cuộc làm việc, ban liên lạc đã có đơn kiến nghị gửi Viện KSND tỉnh Tây Ninh, Viện KSQS Quân khu 7, TAND tỉnh Tây Ninh và các cấp liên quan, đề nghị phối hợp xem xét, giải quyết vụ án oan sai của 8 nạn nhân một cách thấu tình, đạt lý.

Bài và ảnh: TÙNG SƠN - HOÀNG TIẾN