QĐND - Ở nước ta chưa có một đơn vị biên phòng nào lại đóng quân và quản lý cảng biển, cảng sông, cảng hàng không trên địa bàn của 3 tỉnh, thành phố như đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu. Những người lính quân hàm xanh đã ngày đêm miệt mài mang lại sự bình yên trên vùng biển miền Đông Nam Bộ...
Với 7 trạm kiểm soát, quản lý cảng biển và cảng hàng không Vũng Tàu, cùng hệ thống cảng dọc theo sông Dinh, sông Cái Mép, sông Thị Vải (chảy qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), sông Lòng Tàu, sông Đồng Nai (chảy qua tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai) và với 54 cảng, các chiến sĩ đang phải căng mình ra, “bơi” trên một địa bàn rộng lớn. Khối lượng công việc mà họ đảm nhiệm chiếm hơn 50% số lượng công việc của cả lực lượng Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
 |
Các chiến sĩ Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu tuần tra trên cảng biển Vũng Tàu.
|
Đơn vị nằm khiêm tốn giữa những dãy nhà, dãy kho xưởng rộng lớn của cảng Vũng Tàu. Nhưng ở những nơi dường như yên ả ấy, đã từng ẩn chứa biết bao nhiêu điều thú vị. Thượng tá Vũ Ngọc Ảnh, Chính trị viên của đơn vị kể: “Hai trạm xa nhất của chúng tôi ở Nhơn Trạch và Bình Dương cách đơn vị gần 100km. Trung tá Vũ Văn Mậu – Phó chỉ huy trưởng đơn vị phụ trách công tác trinh sát sôi nổi cho biết: “Công tác cửa khẩu bao giờ cũng chiếm gần 70% thời lượng làm việc của chúng tôi. Chỉ nói đến chuyện quản lý tàu xuất nhập cảnh, tàu chuyển cảng đã nặng đầu rồi”.
Tính từ đầu năm đến nay, Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu đã làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám hộ mục tiêu, giám hộ khu vực cho hơn 3.700 lượt chuyến tàu xuất nhập cảnh, trong số này có 74.500 thuyền viên, hơn 17.000.000 tấn hàng hóa, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng tàu chuyển cảng và hàng hóa đi theo cũng tăng khoảng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2010. “Công việc tăng nhưng lực lượng của chúng tôi không tăng. Nhiều đêm, lượng tàu ra vào cảng nhiều, anh em phải làm hết công suất để tàu, thuyền ra vào cảng nhanh” – Thiếu tá Lê Văn Hồng, Trạm phó trạm kiểm soát cảng Vũng Tàu nói. Ở một số cảng sông khác như Nhơn Trạch, Cái Mép, Phú Mỹ, Gò Dầu, lúc nào cán bộ, chiến sĩ cũng phải căng mình, làm ngày, thức đêm mới hoàn thành được nhiệm vụ. Thiếu tá Lê Văn Sáng – Trạm trưởng trạm Cái Mép hầu như ngày nào cũng phải có mặt từ 10 đến 15 tiếng đồng hồ ở các nơi “xung yếu”. Cái Mép hay Nhơn Trạch, Phú Mỹ là những cảng tiếp nhận cả chục lượt tàu, thuyền chở hàng hóa mỗi ngày. Chỉ nhìn vào các dự án đang được triển khai xây dựng ở khu công nghiệp Nhơn Trạch, hay các khu vực khác giáp ranh giữa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai như 2 nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch, khu công nghiệp Nhơn Trạch, Nhà máy khí-điện-đạm Phú Mỹ, cảng Phú Mỹ, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Phú Mỹ… cũng đủ thấy lượng hàng hóa ra vào đó lớn đến mức nào.
Số lượng tàu, thuyền ra vào các cảng biển, cảng sông luôn tấp nập, nhộn nhịp là điều đáng mừng nhưng đi kèm với nó là sự phức tạp, mất trật tự an ninh, trộm cắp, cướp giật… Đại tá Bùi Nam Đĩnh – Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ví von: “Với lượng hàng hóa, số người xuất nhập cảnh lớn hơn cảng Hải Phòng, cảng Vũng Tàu giống như một chàng trai đang cao lớn không ngừng. Tới đây, khi có cảng quốc tế, các tàu nước ngoài có thể đi thẳng vào mà không cần qua cảng trung gian, có lẽ phải thành lập “lữ đoàn biên phòng” cửa khẩu mới có thể quản lý nổi”. Theo thống kê của Bộ chỉ huy Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu, trong 10 năm qua, Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu đã phát hiện và xử lý 1.206 vụ án với 2.710 đối tượng vi phạm… Biên phòng cửa khẩu cũng kết hợp với cơ quan công an khởi tố 11 vụ án, thu giữ gần 1000 tép hê-rô-in.
Chúng tôi cùng Trung tá Vũ Văn Mậu đi “thị sát” cảng Vũng Tàu. Trong ánh nắng chói chang của ngày hè, những con tàu mang quốc tịch nước ngoài đang xuống hàng, “ăn” hàng ở cảng trông như những con cá voi trắng khổng lồ. Trên gương mặt các thủy thủ người nước ngoài ánh lên nét tươi vui rạng rỡ. Đó là thông điệp của sự tin cậy thân thiện, cởi mở và hạnh phúc. Một thủy thủ Nga nói rằng: “Thật vui và hạnh phúc khi đến đất nước Việt Nam, đến cảng biển Vũng Tàu”. Để mang lại sự bình yên, người chiến sĩ biên phòng phải bám biển, bám cảng, theo dõi, bắt giữ và xử lý nghiêm khắc các đối tượng phạm pháp. Có những chuyên án kéo dài hàng tháng, chiến sĩ biên phòng cửa khẩu phải cải trang thành thủy thủ, thành công nhân bốc vác, công nhân dầu khí, anh lái xích lô… ăn bánh mì, uống nước lọc, rồi thức trắng nhiều đêm trên biển để bắt giữ các đối tượng.
Ngồi trên chiếc ca nô rẽ sóng, anh em kể cho chúng tôi nghe chuyện đi giải quyết vụ việc theo công hàm của Tổng lãnh sự Nga. Chuyện là, vào cuối tháng 12-2009, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu Vũng Tàu nhận được công văn của Sở Ngoại vụ tỉnh kèm theo công hàm của Tổng lãnh sự quán Nga tại TP Hồ Chí Minh về việc hỗ trợ giải quyết vụ 4 thủy thủ Nga trên hai tàu Phu Hai 1 và Phu Hai 7 tuyên bố tuyệt thực không thời hạn vì chưa được chủ tàu thanh toán đủ tiền lương. Đơn vị cử cán bộ xuống tận nơi để xác minh, động viên các thủy thủ bình tĩnh, hợp tác với Bộ đội Biên phòng giải quyết vụ việc. Theo thư mời của Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu, ông Y-e-re-men-cô đại diện cho Công ty Antel và đại diện thủy thủ khiếu nại là ông A-lếch-xan-đơ Tan-cốp - Thuyền trưởng tàu Phu Hai 1 đã đến làm việc với chỉ huy đơn vị. Với cách giải quyết có tình, có lý, phân tích sâu sắc vấn đề, đại diện của Công ty Antel đã phải ký vào biên bản, xác nhận số tiền nợ của 4 thủy thủ tổng cộng là 54.015USD, hẹn sẽ trả tiền với sự chứng kiến của Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu. Tuy nhiên, nửa tháng sau, Công ty Antel vẫn không thực hiện đúng cam kết. Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu phải nhắc nhở, buộc họ phải ký vào bản cam kết lần thứ hai. Đến cuối tháng 1-2010, việc trả nợ mới hoàn tất. Ông A-lếch-xan-đơ Tan-cốp cảm động nói: “Không có Bộ đội Biên phòng Việt Nam, chưa biết bao giờ chúng tôi mới được nhận đủ tiền lương”.
Thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu nói: “Việc xử lý các vi phạm, khiếu nại của người nước ngoài đối với chúng tôi diễn ra hằng ngày. Nào là việc thủy thủ đi lên bờ quá thời gian quy định, việc gây rối, mất trật tự giữa người Việt Nam và người nước ngoài, nhập cảnh sai mục đích, tạm trú quá hạn…”. Trung tá Vũ Văn Mậu kể: “Bọn tội phạm ở các cảng biển, cảng sông ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Nếu không kiên trì, khôn khéo và cương quyết, khó có thể tóm cổ được bọn chúng”. Vụ Lê Tuấn Hoàn và đồng bọn tổ chức trộm cắp hàng hóa của tàu BIJIANG (Trung Quốc) đang trả hàng ở cảng Interflour Cái Mép – Tân Thành là một ví dụ. Theo tin báo, nhiều tàu nước ngoài vào trả hàng tại đây đều xảy ra tình trạng hao hụt hàng hóa với số lượng lớn mà không rõ nguyên nhân. Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu đã chỉ đạo Trạm Biên phòng cửa khẩu Cái Mép phối hợp với Ban giám đốc cảng theo dõi. Sau nhiều ngày đêm theo dõi, mật phục, ngày 26-1-2010, các chiến sĩ đã phát hiện xe ô tô biển số 57K - 0743 đi từ cảng ra có dấu hiệu nghi vấn như: Nhận hàng từ tàu BIJIANG không qua cân mà giao trực tiếp xuống sà lan. Qua kiểm tra chiếc xe này, lái xe đã thừa nhận trên xe có 4 tấn bã đậu lấy từ tàu ra không qua cân là do có sự chỉ đạo của Lê Tuấn Hoàn – một nhân viên giám sát giao nhận hàng tại cảng. Cuối cùng, Hoàn đã khai nhận toàn bộ thủ đoạn để lấy cắp hàng hóa của cả bọn. Từ đó, Biên phòng trạm Cái Mép còn phát hiện, bắt giữ thêm một số đối tượng khác tham gia vào đường dây trộm cắp hàng hóa của các tàu nước ngoài.
Còn nhiều vụ khác như: Vụ bắt nhóm trộm cắp gồm 6 tên ở cảng Interflour Cái Mép – Tân Thành cuối năm 2009, vụ tham ô trên tàu Hải Minh, vụ Phạm Quốc Hùng mua bán, trao đổi hàng hóa trái phép với tàu TEKNIK SAMUDRA, đổ chất thải xuống biển vào tháng 3-2010, vụ 14 phương tiện khai thác cát trái phép tại khu vực phao số 0 (Vũng Tàu) giữa năm 2010...
Một chuyện có thể đến bây giờ vẫn ít người biết: Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu là đơn vị đầu tiên phát hiện nhà máy Vedan xả nước thải độc hại vào sông Thị Vải. Vào những năm 2007, 2008, các tổ tuần tra biên phòng trên các cảng nằm ở sông Thị Vải thấy hiện tượng nước sông ngày càng đục đen hơn, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nhiều loại cá chết thối, trôi nổi lềnh bềnh. Đi về phía thượng nguồn, không thấy hiện tượng cá chết, nước trong xanh hơn. Sau nhiều ngày tháng, các chiến sĩ biên phòng đã khoanh vùng ảnh hưởng đến nguồn nước. Dọc từ cảng Nhơn Trạch đến cảng Đồng Nai, chỉ có nhà máy bột ngọt Vedan là đáng nghi vấn hơn cả. Những nghi vấn ấy được báo cáo về Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu. Ban chỉ huy báo cáo lên Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh. Cấp trên chỉ đạo cho đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm rõ sự việc. Bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều đường ống thải nước sau sản xuất chưa qua xử lý đã được phát hiện. Sai phạm của Vedan đã bị lật tẩy, buộc công ty này phải đền bù thiệt hại cho nhân dân các vùng bị ảnh hưởng hàng trăm tỷ đồng...
Chúng tôi đi từ Vũng Tàu về TP Hồ Chí Minh trong nắng ấm bình minh của một buổi sáng đẹp trời. Dọc theo các cảng biển, cảng sông, các chiến sĩ Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu vẫn cần mẫn làm nhiệm vụ, gìn giữ sự bình yên và khởi sắc trên vùng biển Đông Nam Bộ thân thương...
Bài và ảnh: Sĩ Bình – Phi Hùng