QĐND - Ngay khi mới gặp bà Ca Lê Du, tôi đã muốn gọi ngay là má, “má Bến Tre”. Cái gợi rất xứ sở từ má đã đến không phải bởi hình ảnh mái tóc dài vì má không còn búi tóc, hay vì giọng nói đặc Bến Tre. Nó đến từ chính bộ bà ba đen cùng chiếc khăn rằn quen thuộc mà má đã mặc và đặc biệt là những ký ức và nỗi nhớ khôn nguôi về người em ruột tên Ca Lê Hiến, có bút danh là Lê Anh Xuân. Nhà thơ Lê Anh Xuân là tác giả tác phẩm “Tiếng gà gáy”, đặc biệt nổi tiếng với bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”.
 |
Bà Ca Lê Du (bên trái) trong lễ kỷ niệm 55 năm Đội quân tóc dài. Ảnh: Xuân Khoa
|
Tôi tên là Ca Lê Du, đến từ tỉnh Bến Tre, quê hương Đồng Khởi. - Má giới thiệu rõ là vậy khi bắt đầu trò chuyện cùng tôi. - Từ năm 1950, mới 16 tuổi, tôi đã tham gia hoạt động phụ nữ ở cơ quan phụ nữ Nam Bộ. Dòng máu cách mạng, tinh thần cách mạng ở sẵn trong tôi. Ba mẹ tôi cũng đều hoạt động cách mạng. Năm 1954, dù cả nhà đã tập kết ra Bắc, nhưng tôi còn trẻ, đang sôi sục, hừng hực, ham tiến bộ, ham đấu tranh nên sẵn sàng tình nguyện ở lại chiến đấu, không suy nghĩ. Tôi có thuận lợi là hội trưởng hội phụ nữ một xã của huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre nên trong các cuộc đấu tranh quy mô luôn có mặt. Tôi tham gia đấu tranh trong đội quân tóc dài. Gia đình của tôi, chồng cũng thoát ly tham gia cách mạng, ở nhà tôi vừa hoạt động vừa nuôi ba đứa con, phải làm sao vừa công tác được vừa sản xuất được. Tôi tính toán, sắp xếp trong ngày, ví dụ đi đấu tranh buổi sáng thì buổi chiều tôi ra đồng lao động làm 3 công ruộng, hoặc ngược trở lại. Nhờ vậy, tôi vừa nuôi con vừa đóng góp nuôi quân, nuôi bộ đội.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, má Ca Lê Du đã mất đi người chồng và một người em trai. Má đã vượt qua nỗi đau để tiếp tục chiến đấu. Người em trai đó là nhà thơ Lê Anh Xuân. Má tâm sự: Ca Lê Hiến là đứa em tôi thương nhiều nhất. Hai chị em đã cùng chứng kiến, cùng vượt qua bom đạn của kẻ thù. Năm 1965 em tôi về, đến năm 1968, em tham gia Chiến dịch Mậu Thân và hy sinh. Khi biết tin mất mát, tôi đau lắm. Sau 10 năm đi tập kết, khi đã là giảng viên đại học, chuẩn bị đi nghiên cứu sinh, nhưng em tôi đã kiên quyết trở lại miền Nam chiến đấu. Khi về tiểu ban văn nghệ ở quê hương, em đã tìm về quê nội ở tận Tân Thành Bình, tỉnh Bến Tre thăm nhà, thăm chị. Tôi không thể nào quên buổi chị em gặp nhau lần đầu tiên sau 10 năm xa cách ấy. Hồi đó, tôi là cán bộ phụ nữ, đi công tác, không có mặt ở nhà lúc em nó về. Đang làm thì có người gọi: Chị Ba ơi, chị về có khách. Tôi vội vã về liền. Về đến nhà, thấy nó đang đứng trước cửa, tôi sững lại. Rồi hai chị em tiến đứng cạnh nhau, không nói được tiếng nào. Một lúc sau, tôi mới nói: Hiến! Lúc ấy, hai chị em mới ôm nhau khóc. Vẫn biết là em nó về miền Nam rồi nhưng mình đâu có biết lúc nào được gặp. Người gọi tôi cũng không báo là ai đến nhà nữa nên tôi vừa thấy vui vừa xúc động. Nỗi xúc động quá đột ngột. Nó nhìn thấy ba đứa con của tôi, biết tôi vừa hoạt động vừa nuôi con nhỏ thì rất thương. Tính đến giờ đã là 50 năm mà sao kỷ niệm đó vẫn làm tôi nhớ hoài.
Hồi nhỏ, hai chị em tôi cũng rất gắn bó. Năm 1945, ba má tôi đi thoát ly, tham gia kháng chiến, để năm chị em tôi ở với ông bà nội, mà Hiến là nhỏ nhất, lúc ấy mới 5 tuổi. Hiến sinh năm 1940. Tôi khi ấy 12 tuổi. Chị em quấn quýt với nhau, thương nhau lắm. Chúng tôi thường cùng nhau leo trèo hái trái cây, nào là vú sữa, nào là khế, là dừa… Hiến là con trai nhưng hiền lắm, hiền nhất nhà, như con gái. Tôi thương và nhớ Hiến nhất trong số các em. Hiến từng làm bài thơ “Trở về quê nội” chính là từ tình cảm trong thời gian ở chung với ông bà nội đó. Sau khi thoát ly đi hoạt động về gặp ba tôi, năm 1949, má tôi mới sinh thêm một em nữa. Vậy là nhà tôi có 6 anh chị em. Anh hai là Ca Lê Dân, dưới tôi là Ca Lê Thuần (nhạc sĩ), Ca Lê Hồng (đạo diễn, NSƯT), đến Ca Lê Hiến (chính là nhà thơ Lê Anh Xuân) và út là Ca Lê Thắng.
Dịp Hiến về, đồn bốt giặc giăng đầy, đêm đến, chúng tôi đi phá. Lần chúng tôi đi phá lộ cho giao thông đứt đoạn, Hiến bảo tôi: Chị Ba ơi, chị Ba dắt em đi phá với! Thấy em hăng hái quá, tôi đã đưa em đi cùng. Sau lần đó, Hiến đã sáng tác bài thơ “Phá hoại đêm trăng”. Tiếc là giờ tôi không còn nhớ câu nào của bài đó, nhưng những bài thơ khác Hiến đã làm thì tôi nhớ. Như bài “Dừa ơi!”. Tại sao phải nhớ là vì, chị em tôi ở quê hương có toàn dừa không à. Nên tôi nhớ dữ lắm. Hiến đã đọc cho tôi nghe bài này và tôi nhớ”.
Nói rồi má Ca Lê Du đưa tay xoắn lấy chiếc khăn rằn đang khoác ở cổ, đọc chậm, vẻ rất xúc động: Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ/Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ/Cứ mỗi chiều dừa reo trước gió/Tôi hỏi nội tôi: Dừa có tự bao giờ? Tôi cũng nhớ bài thơ cuối cùng Hiến làm, đó là bài "Dáng đứng Việt Nam". Bài thơ có đoạn thế này: Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/Nhưng anh gượng đứng lên, tì súng trên xác trực thăng/Và anh chết khi đang đứng bắn/Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng…
Tại sao tôi nhớ bài thơ đó nhiều biết không? Má Du hỏi tôi câu này, khi tôi cũng đang trôi mình trong hình ảnh oai hùng, bi tráng mà bài thơ mang lại. Má hỏi mà không đợi trả lời và giải thích ngay rằng, vì bài thơ này ca ngợi anh chiến sĩ Giải phóng quân đã chết trên đường băng Tân Sơn Nhất cho nên má nghĩ đến người em, cũng là chiến sĩ, là nhà thơ đã ngã xuống vì Tổ quốc… Má cũng nhớ chồng, người đã hy sinh năm 1970, sau nhà thơ Lê Anh Xuân 2 năm. Khi đó, chồng má là ủy viên Ban công vận tỉnh Bến Tre. Trên đường đi công tác, ông đã bị trúng rốc-két từ máy bay địch. Hai nỗi đau thương mất mát của gia đình má đã khiến má chảy không biết bao nhiêu nước mắt. Nhưng rồi má suy nghĩ lại rằng: “Ba đã tập kết ra Bắc, là một chiến sĩ cách mạng, còn tôi cũng tham gia phong trào Đồng Khởi, hoạt động phụ nữ, giờ phải gạt nước mắt, cố gắng kiên định lập trường cách mạng của bản thân. Tôi tham gia lực lượng đấu tranh chính trị, làm công tác chỉ huy, cái kiên cường đã có sẵn trong lòng rồi. Tôi nghĩ phải ráng giữ vững để khi đất nước thống nhất, ba má trở về, sẽ hãnh diện khi có một đứa con trai, là nhà thơ Lê Anh Xuân, đã đóng góp xương máu cho đất nước, còn con gái, 20 năm ở lại miền Nam, công tác chiến đấu, không bị gục ngã trước bom đạn của kẻ thù… ”.
Trước khi chia tay, má Du có nhắc đến người yêu từ ngày còn ở miền Bắc của nhà thơ Lê Anh Xuân. Đó là Bùi Xuân Lan, em của nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức), tác giả tác phẩm “Hòn đất”. Hai người xa nhau khi Lê Anh Xuân trở về Nam, Xuân Lan đi học ở Trung Quốc. Trong nhật ký của Lê Anh Xuân có nhắc đến mối tình này. Giờ đây, mỗi năm vào dịp làm đám giỗ cho người em, má Ca Lê Du luôn nhận được cuộc gọi hỏi thăm của bà Xuân Lan. Và cũng ngày ấy, hằng năm, bà Xuân Lan vẫn đến viếng mộ nhà thơ Lê Anh Xuân ở Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.
QUỲNH LINH