Buổi sáng một ngày đầu tháng 11, chúng tôi đến chợ Vĩnh Yên, một chợ mới xây trên diện tích đất của phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên. Các dãy ki-ốt được thiết kế xây dựng rất khang trang, sạch đẹp. Nhiều mặt hàng được các tiểu thương bày bán, từ các loại rau quả, hàng tươi sống đến đồ điện, nhựa, bánh kẹo, vải vóc, quần áo… nhưng có rất ít người đến mua bán, trao đổi hàng hóa.

Bà Phạm Thị M. có 30 năm buôn bán tại chợ Vĩnh Yên chia sẻ: “Bố mẹ tôi cùng với nhiều gia đình trên địa bàn hai phường Ngô Quyền và Đống Đa trước đây từng hiến đất để xây dựng chợ. Nay vì chợ cũ xuống cấp, xập xệ, tỉnh và thành phố xây dựng chợ mới và thay đổi luôn thời hạn cho thuê ki-ốt, chỉ hai năm. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của hàng nghìn hộ kinh doanh ở chợ. Chúng tôi rất mong muốn được đối thoại”.

Khu bán hàng thực phẩm chợ Vĩnh Yên.

Ông Phan Văn L. đã buôn bán lâu năm ở chợ Vĩnh Yên cho biết thêm: “Trước khi xây dựng chợ mới, Ban Quản lý chợ và thành phố không thông báo rõ những chủ trương, hoạch định của thành phố đến tiểu thương. Trong khi đó hợp đồng thuê ki-ốt bán hàng giữa Ban Quản lý chợ với các tiểu thương vẫn còn hiệu lực, thời gian thuê ghi rõ là đến lúc nào không kinh doanh nữa thì thôi. Nay xây chợ mới không thương thảo thanh lý hợp đồng cũ và ép chúng tôi ký hợp đồng mới thời hạn chỉ hai năm thì làm sao chúng tôi có thể yên tâm đầu tư buôn bán kinh doanh được”.

Chợ Vĩnh Yên cũ được xây dựng từ đầu những năm 1980, qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp trầm trọng, ẩm thấp, mất vệ sinh và có nguy cơ cháy nổ cao. Trước thực trạng đó, Thành ủy, HĐND, UBND TP Vĩnh Yên đã có nhiều cuộc họp bàn thảo vấn đề xây dựng lại chợ Vĩnh Yên. Sau khi báo cáo cấp có thẩm quyền và làm các thủ tục cần thiết, tháng 4-2016, chợ được khởi công xây dựng, đến tháng 7-2018 hoàn thành. Từ ngày 1-8-2018, chợ được đưa vào khai thác sử dụng. 

 Chợ được thiết kế xây dựng một tầng chìm, ba tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 21.300m2 với số vốn đầu tư 255 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Chợ có 1.200 ki-ốt với hệ thống phòng cháy, chữa cháy hiện đại, cây xanh, cấp thoát nước, thông gió phục vụ tốt cho nhu cầu kinh doanh của các tiểu thương. Chợ chia làm hai khu: Khu chính gồm 1 tầng hầm, 3 tầng nổi, trong đó tầng 1 là nơi kinh doanh các mặt hàng sứ, đồ nhựa gia dụng, giày, dép, túi xách; tầng 2 kinh doanh vải, quần áo, thời trang; tầng 3 kinh doanh ẩm thực và là nơi làm việc của Ban Quản lý chợ.

Ngày 21-8-2018, UBND TP Vĩnh Yên ban hành Quyết định số 2540/QĐ-UBND về việc quy định hoạt động kinh doanh, khai thác và quản lý chợ Vĩnh Yên. Tại Điều 2 có ghi “thời hạn thuê địa điểm kinh doanh giữa Ban Quản lý chợ và các tiểu thương tối đa là hai năm”. Căn cứ vào quyết định này, từ đầu tháng 9 đến nay, Ban Quản lý chợ yêu cầu các tiểu thương ký hợp đồng thuê địa điểm bán hàng tại chợ thời hạn hai năm. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương không ký và có đơn thư gửi các cấp có thẩm quyền xem xét.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Tạo, Chánh văn phòng UBND TP Vĩnh Yên, cho biết: “Chủ trương của thành phố xây dựng chợ mới để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tiểu thương buôn bán kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Vì là xây dựng mới nên phải ban hành các quy chế hoạt động. 100% các tiểu thương kinh doanh ở chợ cũ đã được nhận ki-ốt kinh doanh ở chợ mới. Mục đích ký hợp đồng hai năm là để các tiểu thương không sang nhượng hoặc cho thuê lại. Sau hai năm nếu các chủ hộ vẫn kinh doanh, chấp hành tốt các quy định, Ban Quản lý chợ sẽ ký hợp đồng tiếp”.

Thiết nghĩ, để bà con yên tâm đầu tư kinh doanh lâu dài, các cấp chính quyền TP Vĩnh Yên cần tổ chức đối thoại, giải đáp thắc mắc của tiểu thương, tạo sự đồng thuận, không để khiếu kiện vượt cấp làm phức tạp tình hình.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN