KTT 3 tầng thuộc tổ dân phố 13, phường Nguyễn Trãi (Hà Đông) gồm 4 dãy nhà 3 tầng (A, B, C, D), trong đó dãy A, B, C được xây dựng từ năm 1976 đến 1978. Ban đầu, đây là nhà chia cho các lãnh đạo cấp từ trưởng phòng trở lên của các ban, ngành tỉnh Hà Tây-Hà Sơn Bình cũ. Khi đó, được sinh sống ở đây là niềm mơ ước của nhiều người. Trải qua hơn 4 thập kỷ, khu nhà hiện nay trông nhếch nhác, nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc, bên cạnh là những tòa nhà cao chót vót. Khảo sát thực tế khu nhà, phóng viên thấy tường, cầu thang, trần nhà, cột nhà, phòng ở đều ẩm thấp, bong tróc từng mảng, nhiều chỗ lộ ra phên sắt đã hoen gỉ và xuất hiện những vết nứt. Vì trũng so với xung quanh nên nhà nào ở tầng 1 cũng xây gờ chắn để tránh nước tràn vào khi mưa xuống.

Dãy A khu tập thể 3 tầng.

Ông Dương Đức Vị ở tầng 3, dãy A, phòng 306 chỉ cho chúng tôi một khoảng thủng to trên mái nhà dãy A, nhìn rõ ánh sáng mặt trời. “Dãy A và B có tầng 3 chỉ lợp ngói nhưng nay đã mủn hết và võng xuống. Gọi khu 3 tầng là khu ổ chuột cũng không sai vì đêm đến chuột chạy ầm ầm trên mái. Nhà tôi đã 4 lần thuê ốp trần nhưng tình trạng dột cũng không cải thiện nên khi trời mưa, trong nhà dột như ngoài sân. Nhiều lần chúng tôi thuê thợ trèo lên thay ngói nhưng họ bảo đến cả chỗ buộc dây bảo hiểm cũng có nguy cơ bục nên không nhận”, ông Dương Đức Vị kể.

Bà Đắc Thị Hiên ở tầng 1, dãy B, phòng 112 cho biết: “Dù đã tôn nền nhưng từ Tết đến nay 3 lần nhà tôi bị nước tràn vào, đến mùa mưa thì còn nhiều hơn. Nhà vệ sinh tầng 1 ở đây không tiêu được, nhiều nhà phải tôn cao và xây mấy bậc để bước lên, còn trần nhà vệ sinh thì thường xuyên thấm dột từ tầng trên xuống. Tình trạng phải đội nón vào nhà vệ sinh không còn là chuyện xa lạ ở đây”.   

Được biết, nguyện vọng của hầu hết người dân là mong muốn doanh nghiệp xây mới khu nhà để có nơi ở tốt hơn nhưng đến cuộc họp lần thứ tư (cuối năm 2018) vẫn còn 14/193 hộ không đồng ý nên mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. Đầu năm 2019, đại diện cư dân đã có văn bản gửi lên cấp trên kiến nghị thành phố giải quyết theo hướng chỉ cần 80% hộ đồng ý là có thể tiến hành xây mới vì khu nhà đã ở mức nguy hiểm. Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai là doanh nghiệp được UBND thành phố cho phép khảo sát, điều tra xã hội học, lập quy hoạch bản đồ dự án 1/5.000 và đàm phán với nhân dân. Điểm nghẽn chính là bởi một số hộ cho rằng hệ số đền bù và phần hỗ trợ diện tích sử dụng ngoài sổ đỏ của các hộ tầng 1 và 2 cần cao hơn nữa vì đây là khu đất vàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lại Tuấn Ngọc, Trưởng phòng Quản lý bất động sản, CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho biết: “Đối với diện tích trên sổ đỏ, hệ số khung đền bù của Nhà nước là 1,4 nhưng chúng tôi đã hỗ trợ lên tới 2,2. Đối với phần diện tích cơi nới, chúng tôi hỗ trợ tầng 1 là 1 ki ốt 25m2 hoặc 450 triệu đồng, tầng 2 là 150 triệu đồng, tầng 3 là 100 triệu đồng. Như vậy đã chiếm khoảng 20.000m2, tức hơn 1/3 (khoảng 37%) diện tích dự án được duyệt, trong khi chúng tôi còn phải chi phí: Tiền di chuyển đi và về (10 triệu đồng/hộ), tiền thuê nhà tạm 30 tháng xây dựng (6 triệu đồng/hộ/tháng) và có quà tặng mỗi hộ 3 chiếc điều hòa. Cân đối tài chính, dù rất khó khăn, chúng tôi vẫn quyết tâm làm nhưng đến nay chưa đạt được đồng thuận của tất cả hộ dân”.

Ông Lại Tuấn Ngọc cho biết, theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, với công trình xuống cấp nghiêm trọng, có mức độ nguy hiểm cao nhất (mức độ D) thì cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức thực hiện hoặc giao đơn vị uy tín mà không cần sự đồng thuận của tất cả cư dân; với công trình chưa ở mức độ D thì cần sự đồng thuận của 100% cư dân. Theo ông Ngọc, nhà A và B KTT 3 tầng xét về trực quan và niên hạn công trình có thể đánh giá đang ở mức độ D. Được biết, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã được duyệt kinh phí và tiến hành kiểm định công trình này cuối năm 2019 nhưng đến nay doanh nghiệp chưa nhận kết quả.

Thiết nghĩ, kết quả kiểm định công trình cần sớm được công bố và thông báo cho người dân, doanh nghiệp biết. Trong trường hợp công trình chưa ở mức độ D thì mấu chốt vẫn cần sự đồng thuận của tất cả hộ dân. 

Bài và ảnh: KIM DUNG