Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã có mặt tại đầu nguồn nước thuộc khu vực đội 8, xã Mường Báng (Tủa Chùa) mà theo phản ánh của người dân nơi đây trẻ con vẫn thường xuyên xuống tắm, giặt. Đó là một hồ nước rộng chừng vài trăm mét vuông, khu vực xung quanh người dân vẫn trồng lúa và cây nông nghiệp. Hồ nước này là nguồn cung cấp chính cho nhà máy nước của huyện Tủa Chùa. Từ đây, nước được bơm về khu xử lý bằng hai máy bơm chuyên dụng có công suất 30KW và 37KW. Ngoài ra, nhà máy còn sử dụng một nguồn nước được dẫn trực tiếp từ suối Nậm Seo, xã Mường Báng bằng đường ống Ø110. Có mặt tại hiện trường, ông Trần Văn Tuấn, Đội trưởng Đội cấp nước huyện Tủa Chùa, Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên, cho biết: "Hồ nước này không hoàn toàn thuộc thẩm quyền bảo vệ và quản lý của công ty vì nó còn là nơi cung cấp nước sinh hoạt và sử dụng vào mục đích thủy lợi cho người dân trong khu vực. Mặt khác, toàn bộ diện tích khu vực này cũng chưa được bàn giao cho công ty quản lý, khai thác, mà vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương nên việc bảo vệ nguồn nước là rất khó…".

Khu vực hồ cung cấp nước cho nhà máy nước ở thị trấn Tủa Chùa.

Chúng tôi đã tìm đến khu vực nhà máy xử lý nước để tìm hiểu quy trình xử lý các nguồn nước nói trên trước khi cung cấp cho người dân. Theo một công nhân đang làm việc tại đây: Sau khi nước được dẫn về sẽ chảy vào bể lắng và được “châm” phèn để làm trong (nếu như nguồn nước bị đục); sau đó chảy qua bể lọc cát sang một bể chứa có thể tích 500m3 và được khử khuẩn bằng hóa chất clo. Tiếp đó, nước được bơm lên bể cấp cũng có thể tích 500m3 rồi phân phối đến từng hộ dân.

Trả lời câu hỏi rằng, tại sao nước đã xử lý qua nhiều công đoạn như vậy mà khi cung cấp cho người dân vẫn có hiện tượng đục hoặc có màu vàng kèm theo mùi gây cảm giác khó chịu, ông Trần Văn Tuấn cho biết: "Vừa qua, có xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn lên bể cấp do máy xúc của một đơn vị thi công công trình nên xảy ra tình trạng như người dân phản ánh. Tuy nhiên, hiện tượng đó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn". Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn đến khu vực xảy ra sự cố và kiểm tra thực tế nơi nguồn nước được lấy từ suối Nậm Seo thì ông Tuấn không hợp tác.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nhà máy nước này đang cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.100 hộ dân thuộc thị trấn Tủa Chùa và một phần xã Mường Báng với giá 8.700 đồng/m3, trong đó bao gồm cả thuế và phí bảo vệ môi trường. Với mức giá như vậy nhưng người dân lại phải sử dụng nguồn nước có nhiều dấu hiệu ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh nên gây ra những bức xúc trong dư luận suốt thời gian qua. Ngày 30-6, tại buổi tiếp xúc cử tri thị trấn Tủa Chùa và xã Mường Báng của Đoàn đại biểu Quốc hội, cùng Tổ đại biểu HĐND tỉnh và Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ huyện Tủa Chùa tổ chức nhiều ý kiến phản ánh gay gắt về chất lượng nước sinh hoạt không bảo đảm. Ngay sau đó, đoàn đại biểu có mặt tại buổi tiếp xúc tiến hành kiểm tra thực tế nhưng hiện chưa đưa ra kết luận và giải pháp cho vấn đề đã nêu.

Công trình nước sinh hoạt tại Tủa Chùa được xây dựng và khánh thành từ năm 2008, sau đó UBND huyện bàn giao cho Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên quản lý và khai thác. Tuy nhiên, do không có quy chế phối hợp trong kiểm tra, giám sát giữa UBND huyện và đơn vị khai thác nên dẫn đến tình trạng chất lượng nước không được kiểm soát trong suốt thời gian qua. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần sớm vào cuộc để điều tra về chất lượng nguồn nước sinh hoạt và có các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn nguồn nước cũng như sức khỏe cho hàng nghìn hộ dân nơi đây.

Bài và ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG