QĐND - Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bày tỏ bức xúc khi bị một số trang mạng internet mạo danh tên tuổi, nhằm phục vụ mục đích tuyên tuyền chống phá Đảng và Nhà nước ta. Dư luận mong muốn các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, đồng thời, xử lý nghiêm chủ nhân của các website, blog này.

Sinh viên Nguyễn Văn Ý (bên trái) trình bày với phóng viên về việc bị một số trang mạng mạo danh. Ảnh: Vũ Đình

 

Trong lá đơn gửi tới các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng, ông Phan Huy Thanh, cán bộ hưu trí ở phường 1, TP Bảo Lộc cho biết: Vừa qua, trên mạng internet có một số cá nhân, tổ chức đã mạo danh tên tuổi của ông để đưa vào danh sách những người ký tên ủng hộ cái gọi là “Lời tuyên bố của các công dân tự do”, ông Thanh khẳng định: “Là đảng viên, tôi hết sức bất bình trước việc làm trên, đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm hành vi mạo danh của một số trang mạng này”...

Ông Phan Huy Thanh không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều người dân ở Lâm Đồng thời gian gần đây cũng bất ngờ khi phát hiện thấy tên mình trong danh sách ủng hộ những cái gọi là “Kiến nghị 72”, “Lời tuyên bố của các công dân tự do”, “Yêu cầu trả tự do cho các nhà dân chủ đối lập"... do một số phần tử cơ hội, phản động lập với những nội dung như: Đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phi chính trị hóa quân đội; đòi thả một số đối tượng vi phạm pháp luật đã bị các cơ quan chức năng của Nhà nước ta xử lý như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Cù Huy Hà Vũ… Không chỉ đưa ra những luận điệu lạc lõng, sai trái, các trang mạng này còn tổ chức kêu gọi mọi người ký tên ủng hộ nhằm “tạo sức ép dư luận và thức tỉnh những người yêu nước…”.

Tên của bạn Nguyễn Văn Ý, sinh viên Khoa Du lịch (Trường Đại học Đà Lạt) trong một danh sách ủng hộ “Lời tuyên bố của các công dân tự do”. Ảnh: Vũ Đình

 

Cũng theo các trang mạng này thì đến nay, đã có hàng nghìn lượt người ký tên ủng hộ, riêng danh sách ủng hộ “Lời tuyên bố của các công dân tự do” do Nguyễn Đắc Kiên “nặn” ra thì đến nay, đã có hơn 8000 người ký tên, trong đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tới 51 người. Tuy nhiên, qua điều tra, khảo sát của chúng tôi cho thấy, hầu hết đều là mạo danh hoặc không có thật.

Bạn Nguyễn Văn Ý, sinh viên năm thứ 3, Khoa Du lịch, Trường Đại học Đà Lạt cho biết: “Tháng 3 năm 2013, trên một số trang mạng xuất hiện tên của em trong danh sách những người ký tên ủng hộ “Lời tuyên bố của các công dân tự do”, trong khi bản thân em không làm việc này”.

Một số người dân tại TP Đà Lạt như ông Trịnh Minh Đức, sinh 1938, trú tại 48B, Hai Bà Trưng, phường 6; ông Nguyễn Thanh, trú tại số 115, Phước Thành, phường 7... cũng bất ngờ và bức xúc khi tên tuổi của họ bị đưa vào danh sách trên.

Bên cạnh việc mạo danh tên tuổi công dân, chủ các website, blog còn vẽ ra những danh sách “ma” nhằm đánh lừa bạn đọc. Ví dụ, trong danh sách ký tên ủng hộ “Lời tuyên bố của các công dân tự do” có hai phóng viên tên là Hoàng Thanh Trúc và Phan Hoàng Tĩnh Xuyên, nhưng trên thực tế thì ở Lâm Đồng không hề có phóng viên nào có tên như vậy. Tương tự, bản danh sách còn có 3 người ở xã Trạm Hành, TP Đà Lạt gồm: Nguyễn Thị Hằng, làm nghề trồng hoa; Nguyễn Hữu Bình, làm nghề trồng rau; Hồ Văn Mạnh, làm rẫy. Mang danh sách này tới xã Trạm Hành hỏi người dân và chính quyền địa phương thì được biết, toàn xã Trạm Hành hiện không có ai tên là Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Hữu Bình, Hồ Văn Mạnh làm nghề trồng rau, trồng hoa, làm rẫy. Bi hài nhất là trong một số bản danh sách còn có cả những người đã chết, như trường hợp ông Nguyễn Văn Long, cán bộ kiểm lâm, sinh năm 1950, nguyên quán Mỹ Đức, Hà Nội, trú quán thôn Đăng S’Rôn, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng đã ký tên ủng hộ “Lời tuyên bố của các công dân tự do”, nhưng trên thực tế thì ông Long đã mất ngày 24-7-2005.

Sinh viên Nguyễn Văn Ý cho biết: “Khi thấy tên em xuất hiện trên mạng, một số người thân, bạn bè đã lên án cho rằng, em còn trẻ, là sinh viên mà không lo học tập lại đi nghe lời tuyên truyền của kẻ xấu. Em phải ra sức thanh minh, giải thích”. Cô Phạm Thị Kim Oanh, giáo viên Trường Tiểu học Phước Cát 1, huyện Cát Tiên cho rằng: "Việc bị một số trang mạng mạo danh đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, danh dự của bản thân, khiến cuộc sống của tôi bị xáo trộn. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm và xử lý nghiêm những kẻ đã mạo danh tôi".

Có thể nói, việc mạo danh cũng như tạo ra danh sách "ma" để đánh lừa dư luận cho thấy, bản chất gian dối của các phần tử cơ hội, phản động. Chưa bàn đến việc sử dụng internet để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước, chỉ riêng hành vi mạo danh tên tuổi công dân của chủ nhân các trang mạng cũng đã đủ để dư luận lên án và là cơ sở để luật pháp nghiêm trị.

Điểm e, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về “Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” quy định rõ, các hành vi bị cấm như: Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân”. Trao đổi về vấn đề này, luật sư Hồ Thị Ngọc Dung, Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa (TP Đà Lạt) cho rằng: “Khi phát hiện tên tuổi của mình bị các đối tượng mạo danh, người dân có thể kiện chủ nhân của các website, blog này ra tòa”.

 

VŨ ĐÌNH ĐÔNG