Đây là thực trạng đáng lo ngại trong quản lý tài sản công mà câu chuyện trên là một dẫn chứng điển hình cần được xử lý để rút ra những bài học quản lý chung.

Quản lý lỏng lẻo, để nợ khó đòi kéo dài

Công ty HUDS thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Tại Hà Nội, công ty này đang cho các doanh nghiệp và cá nhân thuê hơn 500 ki-ốt, siêu thị tại 6 khu đô thị ở các quận: Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Hà Đông. Các ki-ốt này hầu hết nằm ở tầng 1 của các dự án đô thị, là phần “đất vàng” có thể sinh lời cao, có thể thu về nhiều tỷ đồng mỗi năm cho Nhà nước. Thế nhưng, điều lạ lùng là dù được giao quản lý suốt nhiều năm qua, HUD và HUDS lại để tình trạng nhiều đơn vị cố tình không trả tiền thuê ki-ốt kéo dài, với khoản tiền lên đến hơn 20 tỷ đồng.

Được biết, từ năm 2013, ở hai quận: Hoàng Mai và Long Biên, đã xuất hiện tình trạng khách hàng không nộp tiền thuê nhưng cũng không chịu trả lại ki-ốt khi hết hợp đồng. Tại quận Long Biên, Công ty HUDS thực hiện cho thuê 74 ki-ốt, 8 siêu thị với tổng diện tích mặt bằng là 5.384m2 ở Khu đô thị mới Việt Hưng. Thế nhưng, công ty này lại để cho 57 cá nhân, doanh nghiệp nợ 6,2 tỷ đồng và không trao trả lại mặt bằng. Tại quận Hoàng Mai, các ki-ốt, siêu thị cho thuê nằm ở tầng 1 Khu đô thị Linh Đàm, Khu đô thị Định Công, nhưng cũng để các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng trái phép và nợ 28,5 tỷ đồng.

Ngày 23-6-2016, UBND TP Hà Nội có Công văn số 5124/VP-DT giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để tham mưu, đề xuất UBND thành phố quản lý việc cho thuê các ki-ốt, siêu thị tại tầng 1 các tòa nhà chung cư theo đúng quy định pháp luật. Ngày 24-8-2016, Tổng công ty HUD và Công ty HUDS đã có báo cáo gửi Sở Xây dựng TP Hà Nội về tình hình quản lý, sử dụng diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 các chung cư do Công ty HUDS quản lý. Theo báo cáo này, công ty cho thuê ki-ốt với hợp đồng 2 năm, siêu thị là 5 năm với mức giá cụ thể như sau: Khu đô thị Linh Đàm là 143.358 đồng/m2/tháng; Khu đô thị Định Công 161.526 đồng/m2/tháng; Khu đô thị Pháp Vân 110.590 đồng/m2/tháng; Khu đô thị Mỹ Đình 163.480 đồng/m2/tháng; Khu đô thị Văn Quán 117.778 đồng/m2/tháng; Khu đô thị Việt Hưng 67.488 đồng/m2/tháng; Chung cư số 10 Hoa Lư là 250.000 đồng/m2/tháng. Theo báo cáo, tổng diện tích Công ty HUDS cho thuê là 30.178,7m2, số tiền tương ứng một năm phải thu về là hơn 43 tỷ đồng. Riêng với Khu đô thị Việt Hưng, diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 chung cư thuộc đối tượng bàn giao cho thành phố, công ty đã dừng ký hợp đồng với khách hàng. Nợ đọng chủ yếu ở các ki-ốt, siêu thị cho thuê tại Khu đô thị Linh Đàm, Khu đô thị Định Công, Khu đô thị Pháp Vân với số tiền tính đến thời điểm báo cáo vẫn còn 20,5 tỷ đồng (hơn 10 tỷ đã thu hồi từ năm 2013 đến thời điểm báo cáo).

Thiếu trách nhiệm hay “làm ngơ”?

Lý giải sự việc, Công ty HUDS lại cho rằng, do công ty này tăng giá thuê nên không thống nhất được về giá đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, ban quản lý một số tòa nhà tại Khu đô thị Bắc Linh Đàm có khiếu nại về việc quyền sở hữu các ki-ốt thuộc các tòa nhà. Thế nhưng, Kết luận số 78/KH-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ rằng, diện tích này là của Công ty HUDS.

Tại sao suốt gần 3 năm, Công ty HUDS không thu hồi công nợ, thu hồi mặt bằng đối với những cá nhân chây ỳ không trả nợ? Làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Bùi Hoàng Kiều, Giám đốc Công ty HUDS cho biết đã cố gắng hết sức, vận dụng tất cả những biện pháp tốt nhất nhằm thu hồi được tiền cho Nhà nước nhưng không ngờ gặp phải các đối tượng chây ỳ như thế, nên… không còn cách nào khác. Ông Kiều cũng “kêu ca” vướng mắc về “hành lang pháp lý” nên không có cách nào xử lý được những người chây ỳ. “Cùng lắm thì kiện họ ra tòa, nhưng tòa có xử chúng tôi thắng thì cũng dai dẳng nhiều năm, chưa biết bao giờ thu được tiền về”-ông Bùi Hoàng Kiều than thở.

leftcenterrightdel
Dãy ki-ốt do Công ty HUDS (thuộc Tổng công ty HUD) quản lý và cho thuê tại Khu đô thị Linh Đàm. 

Câu trả lời trên chưa có tính thuyết phục, bởi nếu đổ lỗi cho “hành lang pháp lý” thì cũng với “hành lang” ấy, tại sao trên địa bàn Hà Nội có hàng nghìn đơn vị cho thuê ki-ốt, kể cả tư nhân và Nhà nước, nhưng không có đơn vị nào để hầu hết người thuê “nhờn luật” không trả tiền thuê như đối với HUDS? Phải chăng chính vì sự thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết mà vừa qua, chẳng những không đòi được nợ, Công ty HUDS còn bị một số khách hàng chây ỳ trả nợ và ngang nhiên “kiện ngược” mà vẫn loay hoay không có biện pháp xử lý dứt điểm?

Để tồn tại bất cập trên, theo một số khách hàng có nhu cầu thuê ki-ốt mà không được thuê, có nghi vấn sự thông đồng giữa lãnh đạo công ty và các chủ thuê ki-ốt. Với mức giá cho thuê theo quy định hiện nay thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường nên nhiều người đã đứng ra thuê của công ty rồi cho thuê lại. Họ nhận tiền mà không trả cho công ty, phía công ty cũng không kiên quyết đòi nên họ “được thể làm liều”.  

Tìm hiểu tại Khu đô thị Linh Đàm, chúng tôi ghi nhận thực tế đúng như phản ánh trên. Tại đây, giá thuê ki-ốt tầng 1 ở khu vực này khoảng 500.000 đồng/m2/tháng. Còn tại Khu đô thị Văn Quán là khoảng 400.000 đồng/m2/tháng, cao hơn nhiều lần so với mức giá mà Công ty HUDS đã báo cáo với Sở Xây dựng TP Hà Nội. Ngoài ra, tìm hiểu của chúng tôi tại Khu đô thị Linh Đàm cũng cho thấy, có rất nhiều cửa hàng được cho thuê lại để ăn tiền chênh lệch. Thế nhưng, Công ty HUDS lại chỉ thừa nhận có 2 khách hàng thuê ki-ốt rồi cho người khác thuê lại để ăn tiền chênh lệch 4,5 triệu đồng/tháng.

Quản lý yếu kém, có nguy cơ gây thất thu hơn 20 tỷ đồng nhưng ông Bùi Hoàng Kiều lại có những phát biểu hết sức thờ ơ khi trao đổi với phóng viên: “Việc thất thu này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp để thu hồi dần khoản nợ trên”.

Được biết, năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2014 tại 234 doanh nghiệp nhà nước và chỉ ra nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý hoặc sử dụng đất không hiệu quả, để bị lấn chiếm, tranh chấp… Riêng với HUD, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số sai phạm trong xác định giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn Nhà nước khi cổ phần hóa, nhưng không thấy nhắc đến việc quản lý lỏng lẻo, có nguy cơ thất thoát hàng chục tỷ đồng tiền cho thuê ki-ốt.

Đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị sớm thanh tra, kiểm tra toàn diện sự việc, có giải pháp thu hồi số tiền hơn 20 tỷ đồng về cho Nhà nước.

Bài và ảnh: VĂN THI - CÔNG MINH