Ông là mẫu cán bộ Nhà nước mà tôi ít thấy trong cuộc sống hiện nay: Năm 1994, đang là Phó tổng cục trưởng thường trực Tổng cục TDTT (nay là Ủy ban TDTT), ông đột nhiên xin cấp trên nghỉ việc để đi làm cho một công ty của Đức và Hồng Công, rồi 4 năm sau trở lại ngành nhận cương vị Viện trưởng Viện TDTT với những đề án táo bạo như “Chương trình quốc gia nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam” và “Chiến lược phát triển toàn diện bóng đá Việt Nam”…
Ông là giáo sư, tiến sĩ Dương Nghiệp Chí.
Hai bánh xe phát triển nòi giống
PV: Thưa giáo sư Dương Nghiệp Chí! Người ta nói rằng “Chương trình quốc gia nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam” của các ông học theo cách làm của người Nhật. Mà để phát triển nòi giống, người Nhật đã có những biện pháp rất hà khắc?
Giáo sư Dương Nghiệp Chí: Đó chỉ là tin đồn mà thôi! Thực ra, theo các tài liệu để lại thì sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, người Nhật đã tập trung trong 20-25 năm vào sự cải thiện nòi giống và nguồn nhân lực một cách khoa học và hệ thống. Họ xem dinh dưỡng và thể thao là hai chiếc bánh xe để đẩy sự phát triển nòi giống, cải tạo thể lực và tầm vóc con người.
Hiện nay, chiều cao trung bình người Việt Nam là 1m63,7 của nam và 1m53 của nữ. Như vậy là thấp so với châu Á. Muốn cho mỗi người khỏe mạnh, cả dân tộc khỏe mạnh thì cần phải có chiến lược phát triển con người. Chương trình của chúng tôi chú trọng tăng thể lực, tăng sức bền, sức sống, tạo thuận lợi cho phát triển chiều cao.
- Tôi thấy trên một vài tờ báo, người ta phê phán rất nặng nề chương trình này, rằng nó tốn kém và không thực thi?
- Phê phán nhưng họ chưa hiểu bản chất của vấn đề. Ví dụ như có người còn nói rằng, việc gì phải đề ra chương trình này, chương trình nọ, cứ cho mỗi người một cốc sữa mỗi ngày là xong! Nói thế thì quá đơn giản và tính ra thì tốn kém gấp trăm chương trình này. Mỗi cốc sữa chỉ 2 nghìn đồng thôi nhưng nhân cho từng ấy học sinh thì hàng năm mất hằng chục nghìn tỉ đồng như chơi mà không cơ bản. Phải làm thế nào để cho từng gia đình, từng cháu biết cách sử dụng dinh dưỡng khoa học, rồi hoạt động thể thao thế nào phù hợp nhu cầu và thành thói quen cho trẻ em mới tăng được thể lực và chiều cao.
- Vậy thì chương trình chỉ nêu về chiến lược hay có quy định về ăn sáng, ăn trưa, ăn tối... một cách chi tiết?
- Chương trình hướng dẫn thực đơn cho các gia đình về chế độ dinh dưỡng cho các cháu. Không những thế, chúng tôi còn về đến tận nông thôn, miền núi xem các gia đình sản xuất những gì để giúp họ tự túc được thức ăn.
Còn rèn luyện thân thể thì học nội khóa, ngoại khóa như thế nào cho tốt, rồi thành lập các CLB thể thao theo trường học…
- Một chương trình lớn như vậy liệu có tốn kém bằng chương trình “một cốc sữa 2 nghìn đồng” mà ông chế giễu?
- Rất tiết kiệm, tiết kiệm hơn nhiều! Chương trình của chúng tôi trong 5 năm chỉ tiêu tốn khoảng 600 tỷ đồng cho cả quốc gia, chỉ bằng chi phí xây dựng một chiếc cầu trung bình! Tất nhiên đó là số tiền về đầu tư tối thiểu cho các trường điểm về dụng cụ TDTT và nhân công, còn nhân dân thì phải lo trang phục và nước uống cho con em mình. Hiện nay, các bước của chương trình đã hoàn tất, chỉ chờ thường trực Chính phủ xem xét lần cuối cùng, chủ yếu về cơ chế chi tiêu tài chính rồi phê duyệt.
- Và ông hy vọng…
- Khả năng thực thi của chương trình là rất tốt, bởi vì các khoa thể chất của các trường đại học đều tham gia. Chúng ta phải làm thay đổi tư duy của gia đình và xã hội về chuyện học hành. Phải tạo điều kiện cho học sinh hoạt động, vui chơi, đừng làm trái với quy luật bình thường của các cháu. Vì vậy, chương trình được nhiều bộ, ngành có văn bản ủng hộ và thảo luận nhiều lần. Đây là vấn đề xã hội chứ không riêng gì ngành TDTT.
Ai xây dựng chiến lược cơ bản, người đó sẽ thắng
PV: Giáo sư còn là chủ biên “Chiến lược phát triển toàn diện bóng đá Việt Nam” với mục tiêu là đạt tốp 10 châu Á từ năm 2007- 2020. Liệu chỉ tiêu đó có quá cao khi ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 15 có câu nói khá hay: “Ta tiến bạn cũng tiến”?
Giáo sư Dương Nghiệp Chí: Chiến lược này đã được Đại hội thường niên của LĐBĐ Việt Nam tháng 1-2007 thông qua, nhưng sau khi suy nghĩ lại rất kỹ, tôi cho rằng không nên đặt ra chỉ tiêu vào tốp 10 châu Á nữa. Vì rằng trong một giai đoạn xây dựng cơ bản, ta đề ra những mục tiêu rất cơ bản, nhưng mục tiêu tổng quát không nên vội gắn vào chỉ tiêu cụ thể. Gợi ý đó của AFC ta nên coi là định hướng để mà phấn đấu.
Khi xây dựng chiến lược, chúng tôi đặt trong sự phát triển chung của bóng đá châu Á và thế giới. Theo tôi, nước nào chịu khó làm cơ bản, toàn diện thì nước đó có cơ hội bứt lên nhanh và chiến thắng. Hiện nay, châu Á chỉ có 5-6 nước xây dựng nền bóng đá cơ bản như chúng ta sắp làm mà thôi.
- Như vậy thì nước ta có ưu thế hơn nhiều nước khác trong khu vực để phát triển bóng đá?
- Đúng vậy, bởi vì nhân dân ta hâm mộ bóng đá, các cơ quan truyền thông ủng hộ mạnh mẽ. Thứ nữa là không có nước nào ở Đông Nam Á có sự phát triển cơ bản như chúng ta sẽ làm sắp tới. Ví dụ như họ chưa đặt ra tiêu chuẩn VĐV đội tuyển quốc gia cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu, tố chất thể lực như thế nào… để làm cơ sở cho hệ thống đào tạo trẻ tuyển “đầu vào” của mình.
Thực tế hiện nay thì đào tạo bóng đá trẻ ở một số nước Đông Nam Á, tiêu biểu là Thái Lan, tập trung hơn Việt Nam, còn chúng ta quá tản mạn, có tới hơn 30 cơ sở nhưng không có nơi nào đạt tiêu chuẩn. Nhưng họ hơn chúng ta tại thời điểm này, còn so với cái chúng ta định ra trong chiến lược (với điều kiện phải làm được), thì chưa ăn thua gì!
- Vậy vấn đề cốt lõi trong đào tạo tài năng trẻ của chiến lược là gì?
- Cần phải phân ra hệ thống quốc gia trong đào tạo trẻ, trong đó có Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quốc gia đang xây dựng và Học viện bóng đá của khoảng 6-7 tỉnh, thành phố. Đó là một hệ thống quốc gia, có quan hệ chặt chẽ với nhau và các cơ sở đó được gọi là loại 1, được Nhà nước Trung ương và địa phương đầu tư theo một phương thức nhất định.
Dưới hệ thống quốc gia đó là các “lò” đào tạo của các CLB và phải quan hệ chặt chẽ với hệ thống đào tạo quốc gia.
Hiện nay, chúng ta không có CLB nào liên quan đến nhau mà mạnh ai nấy làm. Liên đoàn bóng đá cũng không lo cho được bất cứ nơi nào, nên rất manh mún, tản mạn.
- Điều quan trọng nữa, theo tôi, là cần phải có tiêu chuẩn chung trong tuyển chọn tài năng trẻ…
- Ngoài khả năng trời phú, cần phải dự báo cho được tiềm năng của cầu thủ đó có phát triển được không. Chúng ta hiện nay coi trời bằng vung, đang bỏ qua yếu tố dự báo nên rất lãng phí trong đào tạo. Ở một con người không có năng khiếu thiên phú, yếu tố sinh học kém mà cứ đổ cơm đổ cháo vào để đào tạo thì chỉ tốn kém mà thôi!
Những vấn đề quan trọng về đào tạo trẻ đó chúng ta phải kiên quyết làm từ năm 2008, vì cuối năm 2007, Viện Khoa học TDTT mới có những dự báo về VĐV.
Thế nào là bóng đá chuyên nghiệp?
PV: Là một nhà khoa học, đồng thời là ngưòi từng làm công tác quản lý TDTT, giáo sư có thấy rằng, bóng đá của chúng ta còn phụ thuộc quá nhiều vào sự bao cấp của Nhà nước?
Giáo sư Dương Nghiệp Chí: Khâu yếu nhất của bóng đá Việt Nam là trình độ xã hội hoá thấp. So sánh ngay với một số nước trong khu vực, khi trình độ xã hội hoá của họ là 90-100%, thì chúng ta mới đạt 38%, còn 62% vẫn do Nhà nước quản lý. Thấp như vậy thì không thể nào theo kịp xu hướng của bóng đá thế giới được. Nghĩa là cốt lõi của Chiến lược phát triển bóng đá là xã hội hóa, mà tập trung vào các CLB chuyên nghiệp.
- Vậy trong Chiến lược đó, chỉ tiêu đề ra xã hội hóa bao nhiêu phần trăm?
- Đến năm 2015 là phải xã hội hoá 100%!
- Nghĩa là tách hẳn khỏi sự quản lý Nhà nước?
- Không phải vậy, mà cải tiến lại phương thức hỗ trợ của Nhà nước. Quản lý của Nhà nước với bóng đá bằng các văn bản pháp quy, chứ không can thiệp sâu như hiện nay. Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 6 tới phải tổ chức theo đúng quy định của FIFA. Bộ phận điều hành như Tổng thư ký, Phó Tổng thư ký không nằm trong BCH, mà do Liên đoàn thuê. Cần sớm thành lập tổ chức làm kinh tế bóng đá trong phạm vi toàn quốc chứ Liên đoàn không trực tiếp làm kinh tế như hiện nay. Bởi vì làm kinh tế bóng đá rất rộng. Nếu Liên đoàn cứ trực tiếp ký hợp đồng kinh tế là không ổn, bởi khi trình độ bóng đá phát triển cao thì điều đó sẽ gây mâu thuẫn với các CLB chuyên nghiệp. Còn đối với các CLB bóng đá chuyên nghiệp thì đến năm 2015 phải đủ tiêu chuẩn: hoặc là doanh nghiệp cổ phần hoặc doanh nghiệp tư nhân, tự chủ kinh doanh.
- Chúng ta đang đi theo mô hình chung của thế giới?
- Hiện nay thế giới có 2 loại mô hình: Mô hình mở (như bóng đá I-ta-li-a, Anh…) và khép kín (Pháp, Mỹ…). Hướng của chúng ta là đến năm 2020 xây dựng các CLB chuyên nghiệp theo mô hình khép kín với những đặc trưng: Chuyển nhượng cầu thủ hạn chế, trả lương cầu thủ không hoàn toàn theo thị trường quốc tế, kinh doanh đầy đủ 10 ngành hàng như phát hành cổ phiếu, lên sàn chứng khoán, đặt cược bóng đá… và tự chủ kinh doanh. Mô hình khép kín lợi nhuận không cao nhưng ổn định, ít mạo hiểm.
- Tôi thấy, hình như các CLB bóng đá Việt Nam hiện nay xây dựng theo 3 mô hình: Nhà nước quản lý, bóng đá doanh nghiệp, các CLB được cổ phần hoá như Bình Dương chẳng hạn…
- Không nên gọi đó là mô hình. Chúng ta chưa có mô hình gì cả, kể cả CLB nổi tiếng như Hoàng Anh Gia Lai, vì mấy vấn đề sau: Thứ nhất là anh chưa có quyền sở hữu tài sản thi đấu, mà còn phải thuê, mượn của Nhà nước. Khi chưa có tự chủ về tài sản kinh doanh thì làm sao nói đến tự chủ kinh doanh được? Thứ hai là chưa có CLB bóng đá nào của nước ta kinh doanh 10 ngành hàng. Vấn đề chuyển nhượng cầu thủ vẫn chưa nghiên cứu, tổng kết, và chưa có chuẩn để tính tiền lương, bảo đảm quyền lợi cho cầu thủ.
Chúng ta còn thiếu rất nhiều yếu tố để trở thành mô hình khép kín theo xu thế chung. Nói đúng hơn, chúng ta lạc hậu so với thế giới rất nhiều và điều này đến năm 2020 phải chấm dứt. Bóng đá Anh từ năm 1892, Nhà nước địa phương gần như cho không các CLB sân thi đấu, chỉ yêu cầu là phải kinh doanh và nộp thuế đầy đủ. Như vậy, sân vận động có đáng là bao so với tiền thuế mà CLB đã nộp hơn trăm năm nay? Còn ta thì cứ giữ khư khư SVĐ, không mở cho CLB kinh doanh thì không những Nhà nước không thu được thuế, mà hằng năm còn phải chi cho CLB gần chục tỉ đồng.
- Một vấn đề rất mới là đặt cược bóng đá. Xin hỏi giáo sư là đề án đó đã làm đến đâu rồi?
- Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi từ bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vì vậy, vướng mắc hiện nay là cứ cái gì đụng tới kinh tế thể thao là chưa có hành lang pháp lý, ví như đặt cược bóng đá. Vì vậy, giờ đây phải xây dựng điều lệ, quy định cho việc này mới thực hiện được. Giờ đây gia nhập WTO rồi thì đặt cược bóng đá đã trở thành thị trường chung của thế giới. WTO quy định hoạt động thể thao nằm trong nhóm công nghiệp giải trí, trong đó có đặt cược bóng đá. Vì vậy, các tập đoàn kinh tế lớn có quyền vào Việt Nam tổ chức đặt cược bóng đá, ta không thể ngăn cấm được.
- Có vẻ như thời gian làm kinh tế ở ngoài dù chỉ 4 năm, đã làm cho giáo sư năng động hơn, mặc dù trước đó rất nhiều người ngạc nhiên khi thấy một Tổng cục phó đột nhiên xin nghỉ việc.
- Tôi nói chân thành với anh là tôi thu hoạch khá nhiều trong thời gian làm ngoài, nhất là vấn đề xã hội hoá thể thao, là làm kinh tế để thoát khỏi sự bao cấp của Nhà nước. Cũng nhờ 4 năm vất vả đó mà tôi thay đổi nhiều về tính tình, không còn nóng tính, chủ quan mà biết mở rộng quan hệ ngoại giao hơn, biết cách giao tiếp hơn. Vì vậy, tôi không hề nuối tiếc khi xin nghỉ việc. Điều quan trọng đối với con người là hệ số cần của xã hội và đơn vị đối với mình như thế nào thôi. Còn lại, chức vụ chỉ là tạm thời…
-Xin cảm ơn giáo sư!
Hồng Sơn (thực hiện)