QĐND - Đã mười lăm năm, kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định số 1592/QĐ-QP ngày 24-9-1996, thành lập Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, trực thuộc Binh chủng Công binh. Đến hôm nay, Trung tâm đã có những bước phát triển vượt bậc, ngày càng lớn mạnh về tổ chức biên chế, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, mở rộng về tầm hoạt động, đã có những thành tích đáng tự hào, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Với những thành tích đã đạt được, Trung tâm vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ đổi mới. Là Giám đốc đầu tiên, nhớ lại những ngày tháng gian nan, vất vả khi mới thành lập, tôi cảm nhận sâu sắc công lao và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh và Bộ tham mưu Binh chủng Công binh thời kỳ đó.
 |
Tọa đàm quốc tế tại Quảng Trị về khắc phục hậu quả bom mìn, tháng 11-2009. |
Vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, Bộ Quốc phòng (BQP) cho phép các đơn vị quân đội được làm kinh tế trên cơ sở ngành nghề chuyên môn, trang bị của đơn vị mình để cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ và trích một phần kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho đơn vị. Thực hiện chủ trương đó các cơ quan, đơn vị của toàn quân đều tổ chức các bộ phận, đơn vị làm kinh tế. ở Bộ tư lệnh Công binh (BTLCB), các cơ quan: Tham mưu, Chính trị, Kỹ thuật, Hậu cần, Viện Kỹ thuật, Phòng Công trình và các đơn vị trực thuộc đều triển khai các hoạt động như: Làm cầu, đường; Xây dựng các công trình thủy lợi; Khai thác gỗ; Khai thác, vận chuyển than để thêm thu nhập chăm lo đời sống cho cán bộ nhân viên... Riêng Phòng Khoa học Quân sự (KHQS), lực lượng chỉ là các đồng chí làm công tác chuyên môn, không có phương tiện, trang bị sản xuất, lãnh đạo chỉ huy phòng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Trưởng phòng đã chủ trương là sử dụng “chất xám” của cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học binh chủng, quyết tâm nhận và làm các công việc khó, ít người làm như: Nổ mìn phá dỡ công trình cũ; Lặn nổ mìn phá chướng ngại vật dưới đáy sông, biển; Phá đá ngầm… Lực lượng thi công là các đồng chí cán bộ tại chức của phòng và liên kết với các đơn vị như Lữ đoàn 249, Trường Tập huấn cán bộ. Công việc đầu tiên là lặn, nổ mìn phá chướng ngại vật dưới nước tại cảng Điền Công, Uông Bí cho Công ty Nạo vét đường sông số 1. Nhờ công trình này, phòng đã phục hồi được bộ lặn hình Trung Quốc trong trang bị của Lữ đoàn 249 bị hư hỏng nặng và tự huấn luyện đồng chí Thoán thành thợ lặn đầu tiên. Sau này, qua nhiều công trình Trung tâm đã huấn luyện được nhiều thợ lặn cho Lữ đoàn 239, Tiểu đoàn 93... Các cán bộ Phòng KHQS cũng rút được nhiều kinh nghiệm về tổ chức, chỉ huy thi công, kỹ thuật nổ mìn dưới nước... Tự tìm hiểu, học tập thêm các nội dung như: Định mức, đơn giá xây dựng cơ bản (XDCB); Cách thức liên hệ, ký kết hợp đồng; Trình duyệt và thanh quyết toán công trình... Dựa vào năng lực và kinh nghiệm của mình, Phòng KHQS ký tiếp các hợp đồng: Nổ mìn phá cụm cọc dưới nước trên thủy diện triền đà 3000 tấn của Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Hải Phòng; Nổ mìn phá dỡ ống khói lò số 1 bằng bê tông cốt thép cao 32m, 4 Xilô chứa xi măng cao 25m và 7 bệ lò quay bằng bê tông cốt thép khối lớn, Nhà máy xi măng Hải Phòng. Đặc biệt khó khăn là các công trình phá đá ngầm dưới nước ở Cồn Ngang (Cửa Tử) trên luồng sông Bạch Đằng và cải tạo triền đà 1000 tấn nhà máy đóng tàu Bạch Đằng. Do có quan hệ mật thiết, bảo đảm uy tín và tiến độ trong thi công nên phòng tiếp tục thi công các công trình: Phá khu phân xưởng bùn, hệ khung và mái lò xi măng trắng, khu nghiền than; Đục lỗ cấy bu lông các bệ lò nghiền; Phá lớp Côlê trên mái; Phá dỡ hệ thống mái phân xưởng nghiền xi măng bị sập đổ; Phá dỡ Đài liệt sĩ để giải phóng mặt bằng, thi công cầu Lạc Long, Thành phố Hải Phòng...
 |
Trung tâm Giáo dục nhận thức về hậu quả bom mìn tại Quảng Trị. |
Sau khi hoàn thành các công trình phá dỡ, chủ đầu tư giao công việc rà phá bom mìn bảo đảm an toàn cho thi công nạo vét luồng sông Tam Bạc đoạn từ ngã ba sông Tam Bạc đến cầu Hạ Lý, phục vụ thi công xây dựng cầu Lạc Long, đây là lần đầu tiên Phòng Khoa học quân sự (KHQS) thực hiện công tác rà phá bom mìn. Phòng KHQS đã liên kết với Viện Kỹ thuật Công binh là đơn vị có trang bị và chuyên môn rà phá bom mìn để thực hiện.
Nhận thấy có cơ sở và hướng phát triển nhất định nên ngày 25-7-1992, Bộ Tham mưu BTL Công binh có quyết định điều Trung tá Bùi Minh Tâm, Phó phòng KHQS kiêm trưởng Ban Quản lý kinh tế. Khi nhận bàn giao, ngoài vị trí làm việc là gian nhà cấp 4, bộ bàn ghế và khoảng 8 chiếc máy dò mìn do Liên Xô cũ sản xuất đã hư hỏng.
Ngày 18-10-1993, Trung tá Bùi Minh Tâm, Phó phòng KHCN&MT (Phòng KHQS cũ) giữ chức Chỉ huy trưởng đơn vị 14066 thuộc Bộ Tham mưu[2]. Bộ Tham mưu còn điều động 2 cán bộ kiêm nhiệm là đồng chí Trương Văn Toại (Trợ lý Phòng Khoa học công nghệ) và đồng chí Nguyễn Trọng Cảnh (trợ lý phòng tổ chức động viên) tăng cường, giúp triển khai các hoạt động của đơn vị 14066.
Đơn vị 14066 có nhiệm vụ đảm nhận công việc rà phá bom mìn (RPBM) và tổ chức cho các phòng, ban, đơn vị của Bộ Tham mưu cùng tham gia triển khai thực hiện. Thời gian đầu, các cán bộ của đơn vị 14066 đã khai thác triệt để các mối quan hệ đã có, tích cực tìm việc làm, ký kết hợp đồng và thi công nhiều công trình. Rà phá bom mìn trên mặt bằng xây dựng nhà máy nước Gia Lâm, xây dựng quốc lộ 183 tỉnh Hải Dương… Cùng với Công ty 25-3, Viện Kỹ thuật Công binh, đơn vị 14066 tham gia rà phá bom mìn khu công nghiệp Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội); RPBM cầu Việt Trì, cầu Tiên Cựu, bến phà Bính, luồng sông Đào, sông Tam Bạc, Nhà máy xi măng Chinh Phong và một số công trình quanh Hồ Tây, Hà Nội; Triển khai RPBM ở biên giới thuộc các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang. Ngoài rà phá bom mìn, đơn vị 14066 còn tiếp tục các công việc có thế mạnh và kinh nghiệm như: Phá dỡ khung bê tông cốt thép chợ Đồng Xuân bị cháy; di chuyển các xà lim ở Hỏa Lò, Hà Nội; phá dỡ hầm trú ẩn trong Bảo tàng Quân đội… Do hoạt động có uy tín và hiệu quả trong lĩnh vực RPBM, Bộ tư lệnh đã cử chỉ huy đơn vị 14066 đi dự các Hội nghị tổng kết, triển khai rà phá vật cản biên giới 6 tỉnh biên giới phía Bắc.
 |
Một số loại bom mìn trưng bày tại trung tâm.Ảnh: Đức Toàn |
Cuối năm 1994, trước yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, rất nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cần phải RPBM bảo đảm an toàn cho thi công xây dựng. Hoạt động RPBM trở nên sôi động, nhiều đơn vị tham gia, dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp và các đơn vị thường trực. Xét thấy nhiệm vụ RPBM sau chiến tranh đã trở thành yêu cầu bức thiết và lâu dài, BTL Công binh chủ trương thành lập một đơn vị chuyên Nghiên cứu khoa học Công nghệ kết hợp với ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực RPBM, theo mô hình Trung tâm, hoạt động theo Nghị định 135/HĐBT ngày 28-1-1992 của Hội Đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ). Nghị quyết số 690/NQĐU ngày 20-5-1996 của Đảng ủy Binh chủng đã chủ trương “…thành lập Trung tâm Rà phá bom mìn”. Triển khai nghị quyết của Đảng ủy Binh chủng, Nghị quyết của Đảng ủy BTM cũng chủ trương “xúc tiến thành lập Trung tâm Rà phá bom mìn”.
Ngày 24-9-1996, Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 1592/QĐ-QP Thành lập Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, tên viết tắt là BOMICEN. Thượng tá Bùi Minh Tâm, Phó phòng KHCN&MT giữ chức Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh.
Từ đó đến nay, mặc dù có nhiều nhiệm vụ mới, khó khăn nhưng Trung tâm luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã khẳng định được vị thế của mình, từng bước có sự phát triển ổn định vững chắc, đạt nhiều thành tích vẻ vang.
Ngày nay, Trung tâm được Bộ Quốc phòng giao thêm nhiệm vụ “Xử lý bom mìn đạn dược cấp 5”, nhiệm vụ “Đối ngoại Quân sự trong lĩnh vực bom mìn”, “Nhiệm vụ xử lý bom trong tình huống chống khủng bố”… Các đơn vị trực thuộc Trung tâm đã có vị trí đứng chân trên cả 3 miền đất nước. Theo đề án thành lập, hiện nay Trung tâm vẫn coi nhiệm vụ nghiên cứu tham mưu cho cấp trên trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo đề xuất của Trung tâm, Chương trình Quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ban chỉ đạo Quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Thủ tướng đứng đầu sẽ đi vào hoạt động; Công tác khắc phục bom mìn sau chiến tranh ở nước ta chắc chắn sẽ có bước phát triển mới vì mục tiêu nhanh chóng khắc phục, xử lý hết bom mìn, vật nổ vì hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình, ổn định và phát triển.
[1] Nguyên Đại tá, Giám đốc Trung tâm CNXL bom mìn (Giám đốc đầu tiên, giai đoạn 1996-2005).
[2] Đơn vị 14066 là tên đơn vị gọi theo con dấu số 14066, được BTL CB lâm thời thành lập từ năm 1986 để thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn cho công trình xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Tuy Hạ, Long Thành, Đồng Nai. Chỉ huy đầu tiên là Đại tá Nguyễn Văn Ất.
Bùi Minh Tâm [1]