QĐND - Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa chỉ đạo cơ quan chức năng khảo sát thực trạng các trung tâm điều dưỡng thương binh và đời sống, chính sách thương binh, bệnh binh (TBBB) nặng từ 81% trở lên (kể cả số đang điều dưỡng tại các trung tâm và số đang sinh sống tại các địa phương) để tìm hướng hỗ trợ, giúp đỡ.
Cơ sở vật chất các trung tâm xuống cấp
Trao đổi về thực trạng cơ sở vật chất của các trung tâm điều dưỡng TBBB nặng, Đại tá Trần Quốc Dũng, Phó cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị cho biết:
- Thực hiện chủ trưởng của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, qua khảo sát thực tế đời sống của TBBB nặng trên toàn quốc, nhất là các trung tâm điều dưỡng TBBB nặng chúng tôi nhận thấy: Hầu hết các trung tâm được thành lập từ những năm 1970, chủ yếu là nhà cấp 4, đã sửa chữa nhiều lần và hiện đang xuống cấp. Nhiều công trình công cộng như: Hệ thống nước sạch, xử lý nước thải, rác thải… không còn khả năng sử dụng. Các trang thiết bị dùng chung phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của TBBB nặng đã quá cũ; nhiều nơi chưa có máy điều hòa ở khu hội họp, sinh hoạt công cộng. Các trang bị, dụng cụ y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phương tiện khám cận lâm sàng hoặc cấp cứu tại chỗ đã qua nhiều năm sử dụng, thậm chí nhiều loại không còn sử dụng được. Phương tiện xe cứu thương, xe chở thương, bệnh binh sử dụng hơn 10 năm, không phải loại chuyên dùng, không có hệ thống cấp cứu và đã hết thời gian lưu hành… Cơ sở vật chất như trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, cứu chữa TBBB nặng, nhất là đối với người tuổi cao, người liệt vận động, người mắc bệnh tâm thần.
Không chỉ điều kiện chăm sóc còn nhiều thiếu thốn mà theo giám đốc các trung tâm điều dưỡng thương binh, hiện tại mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với TBBB suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên còn thấp: Trung bình là 4.329.000 đồng/người/tháng; TBBB có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng là 4.939.000 đồng/người/tháng; mức ăn khi điều dưỡng tại trung tâm khoảng 1.500.000 đồng/người/tháng (TBBB phải nộp từ tiền trợ cấp hằng tháng). Như vậy, hằng tháng số tiền trợ cấp, phụ cấp còn lại từ 2.850.000 đồng đến 3.439.000 đồng/người/tháng. Với số tiền này, TBBB nặng còn phải dành dụm chăm lo cho sinh hoạt gia đình, nuôi con ăn, học. Vì thế, một số trung tâm, TBBB tự lo bữa ăn hằng ngày hoặc nộp tiền ăn với mức rất thấp để tiết kiệm chi tiêu.
 |
Khám bệnh cho thương binh nặng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Lạng Giang (Bắc Giang). Ảnh: Việt Hưng
|
Về nhà ở, theo Đại tá Đào Tô Hiệu, Trưởng phòng Hậu phương Quân đội, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị thì từ những năm 1995, đối tượng thương binh nặng đã được xây tặng nhà tình nghĩa, với mức trợ cấp từ 8 đến 15 triệu đồng/căn, nhưng đến nay cũng đã xuống cấp nhiều. Hơn nữa, số đông con đẻ của TBBB nặng do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp, không có việc làm ổn định, chủ yếu lao động tự do hoặc làm nông nghiệp nên đời sống gặp khó khăn.
Quân đội chung tay chăm sóc TBBB nặng
Trước thực trạng nêu trên, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các đơn vị, doanh nghiệp quân đội đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân chăm sóc người có công, đặc biệt là đối tượng TBBB nặng và gia đình liệt sĩ; TBBB có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Theo Đại tá Trần Quốc Dũng thì ngoài các hoạt động kết nghĩa, nhận đỡ đầu các trung tâm; hỗ trợ vật chất, phương tiện, kinh phí, làm nhà tình nghĩa, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho TBBB nặng, Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị số 97/CT-BQP ngày 18-7-2011 về tuyển dụng, giải quyết việc làm cho con đẻ của TBBB nặng đang điều dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng thương binh. Hiện nay, có hơn 2000 cháu là con TBBB nặng đang làm việc trong các doanh nghiệp quốc phòng, trong đó có 155 trường hợp là con đẻ của TBBB nặng đang sống tại các trung tâm điều dưỡng thương binh trên toàn quốc.
Mới đây, trên cơ sở kết quả khảo sát thực trạng các trung tâm điều dưỡng TBBB nặng, Bộ Quốc phòng đã quyết định trích hơn 16,5 tỷ đồng (từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ toàn quân cho hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và nguồn tiết kiệm của Bộ Quốc phòng) hỗ trợ các trung tâm điều dưỡng thương binh có nhiều khó khăn, gồm: Xe cứu thương, thiết bị y tế khám, chữa bệnh ban đầu; trang, thiết bị dùng chung (điều hòa, máy giặt công nghiệp, máy lọc nước, phương tiện nghe nhìn…), đồng thời, tiếp tục rà soát các trung tâm còn lại, triển khai hỗ trợ trong năm 2014 và 2015. Đề cập đến những chủ trương, việc làm cụ thể của Bộ Quốc phòng, ông Lương Thế Tập, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa cho rằng:
- Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã ưu tiên đối với TBBB mất sức lao động 81% trở lên, có thương tật đặc biệt nặng, kể cả số ở trung tâm và số anh em sinh sống tại gia đình, được khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện quân đội. Đặc biệt, trong thời gian điều trị, Bộ Quốc phòng hỗ trợ một phần tiền ăn yêu cầu theo bệnh lý. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được biết, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lựa chọn, tuyển dụng, bố trí việc làm cho con đẻ TBBB nặng đang điều dưỡng tại các trung tâm theo tinh thần Chỉ thị 97 (từ nay đến hết năm 2015 khoảng 200 cháu). Cùng với đó, Bộ Quốc phòng cũng tập trung triển khai xây dựng 100 nhà tình nghĩa tặng TBBB nặng từ 81% trở lên đang điều dưỡng tại các trung tâm hoặc đã về gia đình có khó khăn về nhà ở với định mức 60 triệu đồng/nhà… Những việc làm trên của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và cán bộ, chiến sĩ toàn quân thể hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là cách tri ân sâu sắc, thiết thực nhất của các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ đối với những người đã hiến dâng máu xương của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
DUY THÀNH