QĐND - Ý định về Bình Định tắm biển Quy Nhơn, ăn kẹo mạch nha, nếm mứt khoai mật và thăm tháp Chăm cổ... đã có trong tôi từ lâu cho một chuyến du lịch. Bởi vậy, khi được mời đến Bình Định tìm di tích cổ mà không phải tháp Chăm thấy cũng băn khoăn. Nhưng xem lại sách sử, đặt vé tới Bình Định, dành mấy ngày ở đó... tôi nhận ra mình đã không lãng phí thời gian.

Năm ngày là ngắn, nhưng mấy thế kỷ dường như cũng không quá dài với những gì còn nhìn thấy và đang được hy vọng tìm thấy ở đây.

Chuyện xưa lưu truyền...

Đất Bình Định tự hào với hai thành cổ: Thành Đồ Bàn và thành Hoàng đế. Thành Đồ Bàn cho người ta hoài tưởng về kinh thành xưa của người Chăm. Thành Hoàng đế gắn với ba anh em tài hoa, khí phách nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Họ đã lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa lập nên triều đại Tây Sơn. Khu vực An Nhơn, cách Quy Nhơn chừng hơn 20km về hướng Tây Bắc, năm 1778, được chọn lập kinh đô, lấy tên là thành Hoàng Đế.

Dấu tích đoạn tường được xây bằng đá ong.

 

Thành Hoàng Đế là nơi khẳng định vị thế, sức mạnh Tây Sơn. Tường thành được xây bằng đá ong. Cạnh tường có hào sâu. Đường đi được lát đá, chủ yếu là đá hoa cương. Thành có hình chữ nhật gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Mỗi vòng thành đều làm 4 cửa theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Chu vi Thành Ngoại là 7.400m. Hoàng Thành (hay Thành Nội) và Tử Cấm Thành cũng đều có hình chữ nhật. Hoàng Thành dài 430m, rộng 370m. Tử Cấm Thành có tổng diện tích 21.600m2, chiều dài 174m, rộng 126m...

Tổng thể kiến trúc Hoàng Thành được nhấn bằng các tháp, chùa, gò, tượng, chủ yếu là tượng động vật. Trong các tháp nổi tiếng nhất là tháp Cánh Tiên, có chiều cao khoảng 20m. Tháp được trang trí bằng các hình tượng quái vật, rắn, voi, được tạc bằng đá trắng. Một số chùa nằm rải rác như Chùa Thập Tháp ở phía Bắc, chùa Nhạn Tháp nằm phía Nam. Gò nổi nhất là gò Thập Tháp, với 10 ngôi tháp Chàm.

Qua thời gian, thành Hoàng đế có nhiều biến chuyển. Thành thuộc về vua Cảnh Thịnh vào năm 1793. Thành được đặt tên mới là thành Bình Định dưới thời Nguyễn Ánh. Theo Đại Nam liệt truyện chính biên thì Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Thượng thư Ngô Tùng Châu được giao trấn thủ. Khi quân Tây Sơn tấn công chiếm lại thành, Võ Tánh tự thiêu ở lầu Bát giác, Ngô Tùng Châu cũng đến với cái chết bằng cách uống thuốc độc. Năm 1801, hay tin Phú Xuân thất thủ, quân Tây Sơn bỏ thành Hoàng Đế rút ra Bắc. Thành Hoàng đế bị phá và được xây dựng làm trấn thành Bình Định. Tên gọi thành Bình Định tồn tại đến năm 1814 - khi Nguyễn Ánh dời thủ phủ tới địa điểm mới cách đó chừng 5km.

Trên nền cung điện Bát giác lầu của nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn cho xây lăng mộ Võ Tánh và đền Song Trung, khuôn viên hình chữ nhật, có tường đá ong, cổng Tam quan ở hướng Nam trên móng tường thành cũ. Đây cũng chính là di tích nằm trong tổng thể các địa chỉ, địa danh thuộc và liên quan đến thành Hoàng Đế xưa may mắn còn lưu lại một số dấu tích kiến trúc ở đất võ Bình Định. Đến đây, thêm một lần khẳng định rằng, chính kiến trúc đặc trưng với chất liệu sẵn có của người Việt đã làm nên sức trường tồn không chỉ về lịch sử và văn hóa.

Nay tìm và định vị...

Ý tưởng khai quật, phục dựng dấu tích thành cổ ở Bình Định là mong mỏi của không chỉ người dân nơi đây. Tất cả đã trở nên đầy hy vọng khi cuộc khảo cổ đầu tiên được tiến hành. Bốn năm liền, từ năm 2004 đến 2007, công tác khảo cổ đã làm xuất lộ một số dấu vết kiến trúc cung đình khá thuyết phục. Nền móng cũ như cung điện lầu Bát giác, thủy hồ… dần có thêm nhiều thông tin cụ thể.

Và cuộc khảo cổ lần thứ 5 đã được tiến hành trong gần 60 ngày vào quý 4-2012 vừa qua với diện tích khai quật khoảng 900m². Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Khảo cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam trực tiếp phụ trách đợt khai quật này.

Du khách bên con voi đá của Thành Hoàng Đế xưa. Ảnh: Thu Quỳnh.

 

Qua 5 cuộc khảo cổ, các nhà khoa học và những người quan tâm vẫn mong có thêm nhiều chứng cứ để trước hết là phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai trùng tu, phục hồi thành cổ. Cùng với đó là mong muốn thống nhất được quan điểm, sự nhìn nhận về những vấn đề còn đang có nhiều ý kiến tranh luận.

Thành Hoàng Đế được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia năm 1982, nghĩa là không phải quá muộn so với nhiều di tích. Vì thế cũng so với các vùng kinh thành cổ khác, di tích còn lại ở đây đủ để cho mọi người nhìn ngắm trong đôi ngày và tìm hiểu trong nhiều ngày. Theo chị Hoàng Thị Kim Bình, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Bình Định thì thành cổ hoàn toàn có thể trở thành một điểm du lịch lịch sử, văn hóa quý giá, thu hút được du khách trong và ngoài nước, rất cần được đầu tư. Công tác bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử như thành Hoàng đế đã được quan tâm. Trong năm 2012, nơi đây đã được chọn là một địa điểm biểu diễn của Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV. Sự gắn kết giữa hoạt động biểu diễn nghệ thuật với quảng bá các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như vậy bước đầu có hiệu quả khá tốt. Với sự phát triển của hình thức du lịch lịch sử, du lịch tâm linh... khu vực thành cổ có thể trở thành một điểm nhấn quan trọng.

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường khảo cổ đã qua gần chục năm, xem lại những chứng tích vẫn trào dâng một nỗi lo về những chứng tích lịch sử đang có nguy cơ tiếp tục trở thành phế tích. Những đoạn tường thành được xây bằng đá ong còn sót lại như kiên gan, dãi dầu cùng mưa nắng đang bong lên. Cùng với đó là khuôn viên lăng mộ thờ Võ Tánh, rồi lầu bát giác, hồ bán nguyệt, con lân đá ngay trước sân lăng, tấm bia bằng đá trắng ghi công, chữ khắc vẻ nửa còn nửa mòn... Dấu còn vết mất, cứ ẩn hiện cùng những suy tưởng không cùng về thịnh suy của những triều đại và cách lưu truyền, định vị bằng kiến trúc...

LINH ỨNG