Huyện Nghi Xuân đang nỗ lực hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2018. Thế nhưng, trong các khu dân cư, dọc các tuyến đường từ thị trấn Xuân An đến thị trấn Nghi Xuân, rác thải sinh hoạt tràn lan ngoài đường. Người dân ở đây cho biết, hằng tuần công nhân vệ sinh môi trường chỉ thu gom hai lần, trong khi người dân không thể giữ rác trong nhà vài ngày nên đành mang ra đường đổ.

Rác thải tại huyện Đức Thọ đổ thành đống dọc đường.

Chúng tôi đi dọc đường đê sinh thái sông Lam, đoạn từ khối 7 thị trấn Xuân An đến khối 1 thị trấn Nghi Xuân, hai bên đường rác thải sinh hoạt và rác xây dựng đổ khắp nơi, có những chỗ choán gần hết đường đi. Chị Trần Thị Lương, ở khối 1, thị trấn Nghi Xuân là nhân viên vệ sinh môi trường cho biết: “Cứ hai ngày, chúng tôi đi gom rác trong khối một lần rồi đem ra đổ ở bãi trung chuyển, sau đó chờ xe đến chở đi xử lý".

Ông Lê Vĩ Hoàng, quyền Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Xuân, cho biết: “Huyện Nghi Xuân có 19 xã, thị trấn do hai đơn vị thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải là Hợp tác xã Tấn Phát và Công ty TNHH Môi trường Nghi Xuân. Sau khi thu gom sẽ đưa tới hai điểm xử lý ở Xuân Thành và Cương Gián. Khó khăn của địa phương là lượng rác thải rất lớn, song năng lực thu gom, xử lý hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trước mắt, huyện trích từ ngân sách hỗ trợ thêm các xã kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Hiện nay, huyện đang quy hoạch bãi xử lý rác ở Xuân Mỹ, nhưng quá trình triển khai thực hiện chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân”.

Ngược đường 8, chúng tôi đến huyện Đức Thọ, đây cũng là địa phương đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Vừa vào địa phận huyện Đức Thọ, cảnh tượng trước mắt chúng tôi là rác tràn ngập hai bên đường từ xã Đức Thủy đến thị trấn Đức Thọ. Đoạn đường này khoảng 10km, rác vương vãi dọc đường, hay đóng bao chất đống. Một số bãi rác được công nhân vệ sinh đốt tại chỗ, khói nghi ngút che hết tầm quan sát của người đi đường… Anh Phạm Hồng Hải, ở ngã tư Trổ, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ cho biết: “Xã cho xây một ô vuông khoảng 100m2để người dân bỏ rác. Tuy nhiên, không chỉ người dân trong xã mà người dân các xã lân cận cũng mang rác về đây đổ nên lượng rác rất lớn, trong khi xử lý chủ yếu là đốt tại chỗ, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân sống ở đây rất bức xúc và đã nhiều lần ý kiến nhưng xã, huyện chưa có hướng xử lý”.

Để làm rõ thêm vấn đề, chúng tôi đến xã Đức Thủy (Đức Thọ). Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Thế Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Đức Thủy cho biết: “Hiện nay, địa phương rất khó khăn trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, bởi từ tháng 3-2018, người dân quanh bãi rác Phượng Thành (Đức Hòa) ngăn cản không cho đổ rác vì cho rằng gây ô nhiễm không khí và nguồn nước… Hiện nay, tại bãi rác Phượng Thành, huyện chỉ cho phép 5 xã lân cận được tập kết rác, còn các xã khác huyện giao phải có nơi để xử lý. Thực tế, chúng tôi rất lúng túng chưa biết xử lý ra sao trong khi vừa qua tỉnh kiểm tra các tiêu chí về nông thôn mới thì xã đã mất 4 tiêu chí, trong đó có cả tiêu chí môi trường”.

Tại cuộc họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh vừa qua, nhiều ý kiến cử tri xoay quanh vấn đề rác thải, song ý kiến giải trình của UBND tỉnh cũng chỉ dừng lại một số vấn đề như: Nguồn kinh phí cho công tác vận chuyển, xử lý rác thải khá lớn (từ 96 đến 99 tỷ đồng/năm), trong đó ngân sách tỉnh đã phân bổ cứng 30 tỷ đồng, còn lại là ngân sách cấp huyện, xã. Tuy nhiên, các địa phương chưa bố trí kinh phí nên việc thực hiện đề án thu gom, vận chuyển rác thải đang gặp khó khăn. Một số địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn vị trí đặt khu xử lý rác thải do người dân phản đối, dẫn đến tiến độ triển khai các khu xử lý bị kéo dài gây ảnh hưởng đến môi trường. Việc triển khai lắp đặt lò đốt tại các địa phương còn chậm dẫn đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn...

Chúng tôi cho rằng, để xử lý tốt vấn đề rác thải sinh hoạt, tỉnh Hà Tĩnh phải có cách làm căn cơ, chỉ đạo đồng bộ các huyện và cùng tháo gỡ vướng mắc. Nếu để các địa phương tự xoay xở thì việc xử lý rác thải khó đạt hiệu quả. 

Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN