Dày đặc đại lý, 1.001 chiêu trò câu khách
Ngoài trang web bán hàng không đăng ký với Bộ Công Thương, doanh nghiệp này còn đẩy mạnh bán hàng qua hệ thống trang mạng xã hội mà nhiều nhất là trang cá nhân của chính bà Nguyễn Thu Trang, Chủ tịch HĐQT Công ty. Bằng việc sử dụng hình ảnh của rất nhiều người nổi tiếng, như: Người đẹp Ngọc Trinh, Á hậu Dương Tú Anh, nghệ sĩ Ốc Thanh Vân…, công ty quảng bá hình ảnh, tạo niềm tin với khách hàng.
Công ty TS Việt Nam còn xây dựng một hệ thống dày đặc các đại lý, cộng tác viên tham gia bán các sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... được quảng cáo là nhập khẩu từ Hàn Quốc, New Zealand, Iran… nhưng cơ quan chức năng cho biết, toàn bộ hàng hóa thu giữ đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo bà Nguyễn Thu Trang, hiện công ty có một hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc với hơn 500 đại lý, cộng tác viên.
Một số sản phẩm mỹ phẩm bị lực Quản lý thị trường thu giữ. Ảnh: TTXVN.
Trang cá nhân Nguyen Thu Trang (TS Group) của bà Nguyễn Thu Trang và Fanpage "Cuộc sống thượng lưu" trên mạng xã hội
facebook thường xuyên đăng bài tuyển “tổng đại lý, đại lý các cấp và cộng tác viên”. Một bài viết gần đây nêu: “Gọi ngay 01233508488 để nhận chính sách đăng ký làm đại lý ngay khi còn cơ hội. Chỉ vài ngày nữa thôi, Saffroniran sẽ phủ kín Việt Nam và 25 nước với tốc độ chóng mặt”.
"Nữ hoàng mỹ phẩm" Nguyễn Thu Trang còn “thần thánh hóa” công dụng của các sản phẩm do Công ty TS Việt Nam phân phối như khi giới thiệu sản phẩm Saffron, bà Trang viết: “Bạn có thể sở hữu sản phẩm Saffron cao cấp nhất nhập khẩu từ Iran với giá cực kỳ phù hợp”, “Saffron được coi là thần dược, có thể giúp trẻ hóa, chống lão hóa; trị căng thẳng, trầm cảm; phòng, chống ung thư, bệnh tật và tăng sức đề kháng”. "Saffron có thể trị sẹo mụn, nám, trắng sáng da, tẩy da chết, điều trị da khô, tẩy quầng thâm". Tất nhiên, sản phẩm này cũng rất “chát” khi có giá 1.230.000 đồng/hũ.
Để tăng doanh số, Công ty TS Việt Nam thường xuyên đưa ra khuyến mại khủng, như: Mua 2 Kem đặt đông y Xuân Hồng tặng một Tinh chất rửa vệ sinh Xuân Hồng 120ml; mua 4 sản phẩm mới Ann tặng một kem Ann tảo 5gr; uống nước đẹp da nhận quà thật đã với giải nhất là điện thoại Sony Xperia Xa có giá 4 triệu đồng… Công ty còn đăng tải hình ảnh những đoạn trao đổi giữa khách hàng và đại lý, bình luận giữa khách hàng và đại lý (nhiều người cho biết thực chất là do "dàn dựng") để quảng bá công dụng của sản phẩm. Về phương thức kinh doanh của Công ty TS Việt Nam, nhiều người cho rằng, giống với mô hình kinh doanh đa cấp.
Hàng nhập khẩu đóng bao bì… tại Hà Đông
Ngày 18-10-2017, Đội Quản lý thị trường Số 6, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đột xuất kho xưởng của Công ty TS Việt Nam, có địa chỉ tại lô 18, khu hành chính mới phường Hà Cầu, quận Hà Đông. Thời điểm kiểm tra, kho xưởng của công ty có hơn 10 loại mỹ phẩm. Sự thật được phơi bày khi toàn bộ lô hàng từ nguyên liệu đầu vào, Công ty TS Việt Nam đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ.
Cơ quan chức năng nhận định: Nhiều dòng sản phẩm làm trắng da có dấu hiệu làm giả nguồn gốc xuất xứ, khi nhãn mác ghi xuất xứ tại New Zealand, Hàn Quốc nhưng được đóng bao bì tại kho xưởng tạm ở quận Hà Đông. Những sản phẩm còn lại không rõ nơi sản xuất và không công bố chất lượng theo quy định. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều thùng giấy, bao tải chứa sản phẩm đã đóng gói, cùng các nguyên liệu cũng như bao bì, tem chống hàng giả, giấy hướng dẫn sử dụng sản phẩm, các vỏ hộp, bao bì sản phẩm trong kho xưởng này.
Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu giữ và niêm phong toàn bộ số hàng gồm 14.000 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc của Công ty TS Việt Nam, ước tính lô hàng trị giá 11 tỷ đồng.
Giải thích lòng vòng, có dấu hiệu vi phạm hình sự
Chiều 30-10-2017, bà Nguyễn Thu Trang tới Đội Quản lý thị trường Số 6 để giải trình: “14.000 sản phẩm bị thu giữ do Công ty TS Việt Nam nhập của các nhà sản xuất”. “Do sợ trong quá trình vận chuyển, các sản phẩm và bao bì bị móp méo, biến dạng nên chúng tôi đã đề nghị nhà sản xuất cung cấp sản phẩm và bao bì tách riêng để đưa về khu xưởng của công ty tiến hành đóng gói. Tất cả sản phẩm và bao bì đều do nhà sản xuất cung cấp”. Bà Trang cũng tỏ ra rất "hồn nhiên", cho rằng không vi phạm các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ cũng như dấu hiệu sản xuất hàng giả.
Khi ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường Số 6 yêu cầu bà Nguyễn Thu Trang cung cấp thông tin nhà sản xuất để tiến hành kiểm tra, bà Trang giải thích lòng vòng: “Nhiều nhà sản xuất tự đến công ty chào hàng với bộ phận mua hàng nên chúng tôi không lưu giữ thông tin. Sau khi cơ quan chức năng thu giữ 14.000 sản phẩm, chúng tôi đã liên hệ với nhà sản xuất nhưng tất cả đều... không liên lạc được”.
Ngày 31-10-2017, tại buổi họp xin ý kiến tham vấn phân loại hồ sơ, hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm tại Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội khẳng định: “Căn cứ hồ sơ, vụ việc này có dấu hiệu hình sự rõ ràng (giả xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa). Các sản phẩm đều không có hóa đơn chứng từ, có các dụng cụ để dán mác hàng hóa”. Đại diện Công an TP Hà Nội cũng nhận định: “Đây là vụ việc có nhiều dấu hiệu buôn bán, sản xuất hàng giả. Để xác định có phải là tội phạm hay không cần có quá trình xác minh điều tra để làm rõ: Sản phẩm này của ai, giả như thế nào?”.
“Đây là vụ việc vi phạm có quy mô lớn”, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đánh giá và thống nhất: Căn cứ hồ sơ vụ việc, ý kiến đại diện của các ngành cùng thống nhất vụ việc trên có dấu hiệu hình sự, Đội Quản lý thị trường Số 6 chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật thu giữ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC 46), Công an TP Hà Nội để tiếp tục điều tra, xác minh theo quy định.
TRÍ HOÀNG