Ngôi trường gần 100 năm tuổi

Trường THPT Châu Văn Liêm được chính quyền Pháp xây dựng từ năm 1917, với tên gọi Collège de Cantho, là một trong hai ngôi trường lớn và có lịch sử lâu đời nhất vùng ĐBSCL (sau Trường Trung học Mỹ Tho 38 năm). Qua 5 lần đổi tên, từ tháng 11-1985 đến nay, trường mang tên THPT Châu Văn Liêm. Nhắc đến Trường THPT Châu Văn Liêm, nhiều người dân đất Tây Đô nói riêng, ĐBSCL nói chung không giấu được niềm tự hào, bởi ngôi trường mang dấu ấn lịch sử và là "chiếc nôi" đào tạo nhân tài cho thành phố. Đã có nhiều thế hệ học trò trưởng thành, giàu lòng yêu nước từ ngôi trường này, như các đồng chí: Châu Văn Liêm, Phạm Văn Bạch, Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Lương Định Của...

Trường THPT Châu Văn Liêm đang đứng trước nguy cơ bị phá bỏ. 

Trường THPT Châu Văn Liêm là một quần thể kiến trúc Pháp hiếm hoi còn giữ được khá nguyên vẹn của Cần Thơ. Với những nét kiến trúc độc đáo và duyên dáng, trường Châu Văn Liêm nổi lên như một viên ngọc sáng, nhất là trong bối cảnh nhiều công trình di sản kiến trúc Pháp của Cần Thơ đã và đang bị biến dạng hoặc hoàn toàn biến mất, còn các công trình kiến trúc mới thì chưa khẳng định được vị thế của mình.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, hiện nay, trường đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Từ sau năm 1975 đến nay đã có 3 lần sửa chữa lớn, như: Thay toàn bộ đòn tay, rui, mè và các hạng mục khác để bảo đảm công tác dạy và học. Nhưng, các lần sửa chữa này chỉ mang tính tạm thời, không thể sử dụng lâu dài. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ đã xin ý kiến UBND TP Cần Thơ để sửa lại toàn bộ ngôi trường này. Theo đó, có 4 phương án được đưa ra là: Cải tạo cơ bản; cải tạo toàn diện; cải tạo kết hợp xây mới và xây mới hoàn toàn theo kiến trúc cũ. Tuy nhiên, trước thông tin này, nhiều ý kiến dư luận khác nhau đã được đưa ra, nhiều người cho rằng, đập bỏ xây mới vì trường xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm đến thầy cô và học sinh. Bên cạnh đó, đại đa số người cho rằng, ngôi trường vẫn có thể trung tu nhằm giữ lại những nét cổ kính, giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống đã gắn liền với ngôi trường gần 100 năm tuổi.

Em Nguyễn Ngọc Hoàng Thái-học sinh niên khóa 2012-2015 của trường chia sẻ: “Khi hay tin trường sẽ bị phá bỏ để xây lại em thấy hơi buồn. Em rất tự hào vì đã được học ở một ngôi trường có bề dày lịch sử như vậy. Giờ dù đã ra trường nhưng em vẫn muốn nhìn thấy cảnh trường như cũ, vì nếu như xây dựng lại dù kiến trúc như thế nào đi nữa thì vẫn là trường mới, tuổi của nó cũng sẽ thay đổi”.

Hoàn toàn có thể trùng tu

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá trị của Trường THPT Châu Văn Liêm đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một trường học thông thường để trở thành một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu, nơi lưu giữ một phần ký ức của thành phố.

Là một trong những người không đồng tình với quyết định phá dỡ trường Châu Văn Liêm, KTS Trương Công Mỹ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Cần Thơ cho rằng: Một ngày nào đó TP Cần Thơ phát triển mà ông ví như Xin-ga-po hiện tại thì những công trình như Trường THPT Châu Văn Liêm là một viên ngọc vô cùng quý. “Ở TP Hồ Chí Minh và một số nơi, các trường, các công trình tuổi đời cao hơn so với trường Châu Văn Liêm vẫn được giữ lại. Chúng ta có bức bách đến độ phải xây dựng lại mà phá bỏ công trình lịch sử cả 100 năm mới tạo lập được?”-ông Mỹ nhấn mạnh.

Theo KTS Trần Trí Thông, Phó chủ tịch Hội KTS Cần Thơ cho biết, sau khi nghe thông tin về việc này, ông đã đi khảo sát tại Trường THPT Châu Văn Liêm và nhận thấy, đúng là nhiều phần của trường đã bị hư hỏng và xuống cấp nặng nề, nếu để như vậy sử dụng sẽ dễ dẫn tới nguy hiểm. “Các bức tường chịu lực của trường được xây dưới thời Pháp thuộc hầu như là còn nguyên vẹn, chỉ bị nứt một số chỗ do thời gian nên việc đập bỏ hoàn toàn ngôi trường là không cần thiết và rất đáng tiếc. Thay vào đó, chúng ta nên khảo sát, kiểm tra kỹ lưỡng, bóc tách các lớp để sửa chữa nhằm giữ lại những kiến trúc có giá trị và bỏ đi những kiến trúc gần đây, những chỗ bị xuống cấp…”-KTS Trần Trí Thông bày tỏ.

Cùng quan điểm, TS, KTS Khuất Tân Hưng, Phó trưởng Bộ môn Lý luận và Bảo tồn di sản, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định: "Với một công trình vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị kiến trúc, giá trị thẩm mỹ và cả giá trị sử dụng, theo tôi không nên đập bỏ. Phần xuống cấp, kém an toàn nhất ở Trường THPT Châu Văn Liêm là phần cấy ghép về sau nên loại bỏ. Còn kết cấu của tòa nhà gốc vẫn rất chắc chắn, hoàn toàn có thể được trùng tu, tôn tạo để tiếp tục sử dụng làm lớp học hoặc chuyển đổi chức năng một phần. Theo kinh nghiệm của tôi, với những công trình còn khá nguyên vẹn như trường Châu Văn Liêm, kinh phí bảo tồn sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với việc phá đi xây lại”.

Việc giữ lại những công trình kiến trúc có giá trị của thời xưa là một điều rất nên làm. Điều đó thể hiện thái độ trân trọng với lịch sử. Với bề dày truyền thống gần 100 năm, Trường THPT Châu Văn Liêm là một trong những nơi lưu giữ ký ức để mỗi người dân có thể tự hào khi nói về thành phố của mình.

Bài và ảnh: THÚY AN