Các "xe dù" liều lĩnh dồn khách, bắt khách ngay trên đường cao tốc thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: QUANG HUY
“Xe dù” gây thất thu thuế hàng nghìn tỷ đồng
Đi sâu tìm hiểu về nạn “xe dù, bến cóc”, phóng viên được một vị lãnh đạo của hãng xe Phương Trang là hãng xe lớn ở khu vực phía Nam “bật mí”: Qua theo dõi của chúng tôi, xe khách trá hình ở TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng và hiện nay có hàng nghìn chiếc thường xuyên hoạt động. Lý do chính khiến nhiều nhà xe sử dụng xe khách trá hình là nhằm trốn các loại thuế, phí, cụ thể là phí dịch vụ bến bãi, thuế VAT, thuế thu nhập... Tính ra, mỗi năm, riêng TP Hồ Chí Minh đã thất thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế vì “xe dù, bến cóc”.
Trong vai hành khách từ Hà Nội đi du lịch Sa Pa, chúng tôi đã gọi điện đặt chỗ của nhà xe Camel travel và nhà xe Hưng Thành. Gắn phù hiệu xe du lịch và xe hợp đồng, nhưng 2 nhà xe này “vô tư” đón khách lẻ, thu tiền trực tiếp của hành khách rồi hỏi tên để ghi vào danh sách nhằm đối phó khi cơ quan chức năng kiểm tra. Điều đáng nói hơn là những xe này ngày nào cũng chạy tuyến Hà Nội-Sa Pa mà không bị lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý vì vi phạm Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (theo đó, xe chở khách theo hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức...; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến như xe khách đăng ký chạy tuyến cố định). Thậm chí, khi theo các xe này lên khu du lịch Sa Pa, chúng tôi thấy hoạt động của xe khách trá hình tại đây vô cùng lộn xộn; tình trạng xe hợp đồng, xe du lịch dồn khách cho nhau diễn ra rất phổ biến và nhiều xe còn ngang nhiên vào đón khách tại Bến xe thị trấn Sa Pa mà ban quản lý bến xe này vẫn... làm ngơ!
Chúng tôi tính sơ bộ, với mức giá 220.000 đồng/khách x 40 khách (xe 45 chỗ), mỗi lượt xe khách trá hình từ Hà Nội lên Sa Pa thu tổng số 8,8 triệu đồng và ngày 2 lượt đi-về là 17,6 triệu đồng. Với việc trốn được 10% thuế VAT từ tiền bán vé, mỗi xe đã gây thất thu thuế 1,76 triệu đồng/ngày; cộng với 2 lần không mất phí dịch vụ qua bến xe (khoảng 300.000 đồng/lần) thì mỗi chiếc xe khách trá hình này đã thu lời (phi pháp) cao hơn xe khách "xịn” đăng ký hoạt động trong bến và chạy cùng tuyến tới 2.360.000 đồng/ngày. Đó là chưa kể các hãng xe khách trá hình còn trốn được thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, tổng số tiền trốn các loại thuế, phí của mỗi chiếc xe khách trá hình trong một năm lên tới vài trăm triệu đồng-khoản tiền này còn lớn hơn tổng số tiền thu thuế của một xã thuần nông!
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi từ các cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT thì hiện tại cả nước có hơn 7.000 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch, với tổng số lượng phương tiện khoảng 35.000 xe. Chỉ cần một phần nhỏ số xe này hoạt động như xe khách trá hình thôi thì ngân sách Nhà nước đã bị thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Một con số khổng lồ! Đó là chưa kể tình trạng đa số các “xe dù” thường trốn đóng phí bảo hiểm cho hành khách; trốn nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho nhân viên, tài xế, đồng thời khiến bến xe của các địa phương bị thất thu rất lớn...
Xe Tân Thanh Thủy vào "bến cóc" ở đường Hưng Phú (quận 8, TP Hồ Chí Minh) gây cản trở giao thông. Ảnh: NHẤT VĂN.
Nguy cơ bến xe... bỏ hoang
Trao đổi với ban quản lý các bến xe ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh có nhiều “xe dù, bến cóc”, chúng tôi thấy lãnh đạo các bến xe đều bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng xe khách trá hình ngày càng gia tăng.
Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) giãi bày: Hiện nay, riêng các tuyến đi khu vực miền Đông, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có hơn 50 tụ điểm đón trả khách của các xe hoạt động trá hình núp dưới danh nghĩa xe hợp đồng, xe du lịch, nhưng thực chất là chuyên chở khách tuyến cố định với khoảng 400 chuyến và 10.000 lượt khách mỗi ngày. Thực tế này đã gây thất thu thuế hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và cạnh tranh không lành mạnh với các nhà xe chân chính đăng ký chở khách tuyến cố định trong bến xe, dẫn tới tình trạng các bến xe hợp pháp bị giảm khách và một số nhà xe đã bỏ bến xe để ra “chạy dù”. Riêng Bến xe Miền Đông đã bị giảm khoảng 5.000 lượt khách/ngày và giảm hơn 1.000 xe đăng ký so với năm 2010... Những xe này đa phần là chuyển ra ngoài gắn mác xe hợp đồng nhằm thoải mái hoạt động và trốn thuế, phí.
Trong khi đó, ở Hà Nội, chúng tôi cũng được nghe lãnh đạo các bến xe Gia Lâm, Yên Nghĩa, Giáp Bát than phiền về tình trạng bỏ bến để “chạy dù”. Như tại Bến xe Gia Lâm, trước đây mỗi ngày có 30 chuyến xe khách đi Lạng Sơn, nhưng nay đã giảm hơn một nửa; xe đi Quảng Ninh cũng bỏ ra ngoài “chạy chui” khá nhiều. Bến xe Yên Nghĩa có thể đáp ứng 1.500 chuyến xe/ngày nhưng hiện nay chỉ hoạt động hơn 1/3 công suất.
Trong khi các "bến cóc" hoạt động tấp nập thì Bến xe Miền Đông lại vắng khách. Ảnh: XUÂN CƯỜNG.
Bến xe Giáp Bát cũng có hàng chục tuyến giảm số lượng xe, riêng tuyến Thanh Hóa đã giảm từ hơn 90 chuyến xuống còn chưa đầy 40 chuyến/ngày. Lãnh đạo Bến xe Giáp Bát cho biết: Các doanh nghiệp vận tải bỏ bến thường vào trung tâm thành phố mở văn phòng trá hình để đón trả khách, nhiều hãng xe đã ra “chạy dù” ở ngay cạnh bến, ví dụ như quanh Bến xe Giáp Bát mỗi ngày có hàng chục chiếc xe chạy tuyến Hà Nội-Huế không vào bến đón, trả khách. Việc bỏ bến, “chạy dù” không những gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông, thất thu thuế cho Nhà nước và ảnh hưởng đến doanh thu của bến xe, mà còn gây khó khăn cho các nhà xe làm ăn chân chính.
Đến tìm hiểu tại một số tỉnh, chúng tôi thấy hoạt động của “xe dù” tập trung chủ yếu tại những địa phương có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, vì đây là những tuyến có nhiều du khách, điều kiện rất thuận lợi để các nhà xe lợi dụng đăng ký xe hợp đồng, xe chở khách du lịch nhằm hoạt động xe khách trá hình. Tình trạng bỏ bến, “chạy dù” nhức nhối đến nỗi mới đây đã có nhiều nhà xe đăng ký hoạt động tại các bến xe “xịn” phải làm đơn “kêu cứu” lãnh đạo Chính phủ, ngành GTVT và các địa phương đề nghị chỉ đạo xử lý nghiêm nạn xe khách trá hình, bởi nếu cứ để tình trạng này bùng phát thì các hãng xe khách “xịn” sẽ không còn đất sống, đồng thời các bến xe “xịn” cũng phải “xin hàng” trước các “bến cóc, xe dù”.
Chủ một nhà xe đăng ký hoạt động ở Bến xe Miền Đông, chạy tuyến TP Hồ Chí Minh-Vũng Tàu (xin được giấu tên) bức xúc kể với phóng viên: “Việc xử lý triệt để tình trạng “xe dù, bến cóc” đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều lần. Lãnh đạo Bộ GTVT và Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần tuyên bố đến cuối năm này, năm nọ sẽ xử lý dứt điểm “xe dù, bến cóc”. Nhưng trong thực tế thì vấn nạn này ngày càng bùng phát, dù các cơ quan báo chí phản ánh rất nhiều. Chúng tôi vô cùng bức xúc nhưng cũng không dám trực diện tố cáo vì sợ các hãng "xe dù" thuê xã hội đen trả thù và những cán bộ là “ô dù” của họ gây khó dễ”...
Làm gì để dẹp nạn “xe dù, bến cóc”? Mời các bạn đón đọc bài tiếp theo.
(còn nữa)
Đánh giá về tình trạng xe khách trá hình, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết: Tình trạng “xe dù, bến cóc” vẫn diễn biến phức tạp, tạo môi trường kinh doanh vận tải không lành mạnh; gây thiệt hại cho hành khách khi có sự cố hay tai nạn xảy ra và đây là nguyên nhân chủ yếu gây mất trật tự vận tải, không bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời làm thất thu ngân sách Nhà nước do trốn thuế...
“Xe dù” giống như “tử thần” là nhận xét của rất nhiều hành khách cũng như lãnh đạo ngành GTVT. Do hoạt động chui lủi, không chịu sự quản lý chặt chẽ của các bến xe nên các hãng “xe dù” tùy tiện sử dụng phương tiện và tài xế không đạt chuẩn, đua nhau phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách... Đã có rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do “xe dù” gây ra, điển hình là vụ xe khách Sao Việt chạy trái phép lên Sa Pa (Lào Cai) lao xuống vực ngày 1-9-2014 làm 14 người chết, gần 40 người bị thương; vụ ngày 3-5 vừa qua do “xe dù” của hãng Sơn Lâm gây ra ở Quảng Ngãi làm 11 người thương vong... Tính ra mỗi năm có hàng trăm người mất mạng oan vì “xe dù”. Hậu quả đó thật là đau xót!
|
|
Phóng sự điều tra của HUY QUANG, XUÂN CƯỜNG, NHẤT VĂN