Cần phân biệt dự án kinh tế với dự án công ích
Dự án xây dựng Quảng trường Thống Nhất TP Hải Dương (Hải Dương) khi tiến hành GPMB, do đất của các hộ dân không hợp pháp nên chỉ được bồi thường, hỗ trợ mức thấp (từ 100 đến 300 triệu đồng), trong khi người dân chuyển đến nơi ở mới phải mua đất tái định cư khoảng 600 triệu. Sau khi xem xét nguyện vọng của người dân, Ban GPMB TP Hải Dương đã báo cáo UBND thành phố vận động các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ các gia đình người có công, hộ nghèo. Cùng với đó, ban đề xuất UBND tỉnh cho các hộ dân ghi nợ tiền sử dụng đất để họ có tiền xây nhà. Khi người dân ổn định cuộc sống họ đã đồng thuận.
Tìm hiểu tại TP Hải Dương chúng tôi ghi nhận, hiện các dự án GPMB được phân chia làm hai loại, đó là các dự án mới triển khai và các dự án tồn đọng từ nhiều năm. Với những dự án mới, các cấp, các ngành của TP Hải Dương đề ra mục tiêu GPMB xong trong khoảng thời gian từ một đến hai năm, nhằm bảo đảm quyền lợi cho cả người dân và doanh nghiệp. Bởi, nếu công trình chậm tiến độ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho cả hai phía. Đối với việc xử lý các dự án tồn đọng, trước tiên tỉnh phải tìm biện pháp tháo gỡ, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng người dân, có biện pháp hỗ trợ, trường hợp không tìm được tiếng nói chung mới áp dụng biện pháp cưỡng chế.
 |
Sau nhiều năm chậm tiến độ, nhờ áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ người dân, dự án xây dựng Quảng trường TP Hải Dương đã được hoàn thành. Ảnh: Bùi Hưng |
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Vũ Sơn, Giám đốc Ban GPMB TP Hải Dương cho biết: “GPMB là vấn đề rất phức tạp nên tùy từng dự án sẽ có biện pháp tháo gỡ riêng và không thể có khuôn mẫu chung. Trong quá trình GPMB các cơ quan chức năng cần đặt lợi ích của doanh nghiệp và người dân ngang bằng nhau, không nên coi nhẹ hay nâng tầm bên nào. Đặc biệt, ở những địa phương phức tạp, trình độ dân trí thấp thì phải đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích đến từng gia đình để người dân hiểu. Khi người dân hiểu rõ trường hợp của mình đã được đền bù, hỗ trợ đúng với chủ trương pháp luật thì mọi chuyện sẽ dễ dàng”.
Các chuyên gia cho rằng, chúng ta phải phân định và công bố rõ với người dân nơi bị thu hồi đất đó là thu hồi đất để làm gì. Dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế phải được tách bạch với thu hồi đất phục vụ công cộng, vì lợi ích quốc gia (công ích). Việc phân định rõ này giúp quá trình đền bù đúng, có lý có tình. Dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế thường được giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Giá trị đất đai hiện được xác định với hai khung giá: Giá theo khung Nhà nước áp dụng và giá thị trường tự hình thành trên quy luật cung cầu. Giá Nhà nước áp dụng thường thấp hơn nhiều giá thị trường. Mấu chốt vấn đề nằm ở đây. Nếu GPMB theo quy định giá khung Nhà nước rồi chuyển giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án kinh tế, doanh nghiệp sau khi hoàn thành một số thủ tục đầu tư và sẽ bán đất theo giá thị trường cao hơn rất nhiều giá đất ban đầu đền bù. Rất nhiều địa phương có thực trạng này, nhất là thu hồi đất nông nghiệp với giá rất thấp rồi hình thành các khu nhà ở mới bán với giá rất cao. Nhiều doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao từ chính giá đất chênh lệch chứ không phải do đầu tư tạo ra lợi nhuận từ quá trình khác. Những dự án thu hồi đất như vậy khi đền bù phải trên cơ sở có thỏa thuận với người dân bị thu hồi đất theo hướng sát nhất với giá thị trường thì mới phù hợp. Tất nhiên, ở đây cần phải có một trung tâm thẩm định giá độc lập thực hiện việc đánh giá giá trị đất. Còn đối với dự án thu hồi đất vì mục tiêu phục vụ công cộng, vì lợi ích quốc gia, vì mục tiêu quốc phòng, an ninh thì giá đền bù có thể tính theo giá khung Nhà nước đi cùng chính sách tái định cư phù hợp, vì công trình công ích người dân cũng được hưởng lợi, tất nhiên điều này phải rất minh bạch.
Giám sát chặt chẽ, tuân thủ pháp luật
Thu hồi đất có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt những hộ dân bị thu hồi nhà cửa, buộc phải tái định cư. Như vậy, vấn đề ở đây là phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật, không để xuất hiện lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Theo đó, các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác đất, trong đó có việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp và đúng mục đích. Đối với việc thực thi pháp luật, cơ quan chính quyền phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người có đất bị thu hồi trên cơ sở các quy định của pháp luật và yêu cầu thực tế.
Ông Đoàn Thanh Sơn, Trưởng phòng Đo đạc và Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định) cho rằng: "Quá trình GPMB, điều quan trọng là phải bảo đảm về năng lực tài chính trước khi thực hiện dự án. Công tác bồi thường, GPMB phải được triển khai thực hiện đúng các trình tự, thủ tục, phải công khai, minh bạch, áp dụng đúng, đủ các chế độ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của Nhà nước".
Thực tế hiện nay cho thấy, giá đất bồi thường thấp hơn so với giá thị trường dẫn đến sự không thỏa mãn với người dân, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người bị thu hồi đất, mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, người bị thu hồi đất và nhà đầu tư xảy ra những mâu thuẫn. Bên cạnh đó, việc áp dụng nguyên tắc, phương pháp định giá đất để xây dựng bảng giá đất nông nghiệp còn nhiều điểm chưa phù hợp, nhiều nơi đã có biểu hiện trục lợi từ ban hành giá đất mà không được giám sát công khai. Hiện tượng mức giá đất nông nghiệp tại khu vực có điều chỉnh quy hoạch hoặc có kế hoạch xây dựng đã bị đội cao lên rất nhiều so với lúc chưa có quy hoạch không phải là hiếm. Bên cạnh đó, không ít dự án khi chưa có khu tái định cư hoặc chưa giải quyết tái định cư đã có quyết định thu hồi đất với giá bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường; xuất hiện tiêu cực khi bị người khác mua đất đón đầu, mua đất khi biết trước quy hoạch.
Cũng theo ông Đoàn Thanh Sơn, trong quá trình triển khai luôn phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các đơn vị thực hiện, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành. Người làm công tác bồi thường, GPMB cần phải có năng lực, trình độ, được trang bị đầy đủ kiến thức, am hiểu các chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước để giải đáp mọi ý kiến thắc mắc của người dân và kịp thời đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc phát sinh. Có như vậy mới nhận được sự đồng thuận của nhân dân và các dự án mới được triển khai theo đúng tiến độ.
Để công tác đền bù, GPMB hiệu quả, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức bồi thường phải tuân thủ đúng pháp luật, bám sát thực tiễn. Quá trình lập quy hoạch đô thị lẫn quy hoạch sử dụng đất, phương án quy hoạch như thế nào, việc bồi thường GPMB bao nhiêu... nếu chỉ đứng từ một phía của cơ quan có thẩm quyền mà không công bố, lấy ý kiến của nhân dân sẽ dẫn tới việc người dân không hiểu, không được phổ biến, không được tham gia ý kiến, đặc biệt trong những dự án ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Điều quan trọng ở đây là chính quyền các cấp phải công khai rõ ràng, minh bạch để người dân được biết, được theo dõi.
NGUYỄN TUẤN - ĐỨC THỊNH - VĂN THI
(còn nữa)