Trong vai hành khách, bằng cách lên mạng tìm hãng xe và liên lạc qua email, qua điện thoại với các nhà xe, rồi trực tiếp đi hàng chục chuyến “xe dù”, tới thị sát hàng chục “bến cóc” khắp 2 đô thị lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, chúng tôi không khỏi giật mình trước thực trạng nhức nhối của “xe dù, bến cóc”.

Hà Nội: “Xe dù” thoải mái mời chào

Chỉ cần vào google.com và gõ tên các tuyến xe khách từ Hà Nội đi các tỉnh, chúng tôi dễ dàng tìm thấy hàng chục hãng “xe khách giá rẻ, chất lượng cao” quảng cáo, mời chào đặt vé qua mạng internet và qua điện thoại. Thậm chí, nhiều hãng xe còn mang vé hoặc đưa xe đến đón tận nhà nếu khách ở các quận nội thành!

Nhập vai hành khách muốn đi Huế, chúng tôi liên hệ với nhà xe Hưng Thành và được hướng dẫn tới mua vé, đón xe tại các điểm: 287 Trần Khát Chân, 39 Cầu Giấy và 162B Trần Quang Khải. Tại những nơi này, nhà xe Hưng Thành “vô tư” bán vé và đón khách đi các tuyến: Huế, Hà Giang, Sơn La, Sa Pa, Lai Châu, hình thành các “bến cóc” gây ách tắc giao thông. Dưới mác xe hợp đồng và xe dịch vụ du lịch tuyến, nhà xe Hưng Thành “lách luật” bằng cách thu tiền trực tiếp của từng hành khách tại văn phòng hoặc ngay khi lên xe, rồi hỏi họ tên và địa chỉ của khách để điền vào danh sách trong hợp đồng. Nếu lực lượng chức năng kiểm tra thì nhà xe sẽ đưa danh sách này ra và bao biện rằng đó là khách đi xe theo hợp đồng chứ không phải bán vé cho khách lẻ như xe khách chạy tuyến cố định.

Nhà xe Hưng Thành (đi Huế, Đà Nẵng, Sa Pa-Lào Cai) thường xuyên đón khách trên đường Trần Khát Chân (TP Hà Nội). Ảnh: NHẤT VĂN.
Tìm xe khách đi tỉnh Lào Cai, chúng tôi thấy một hàng dài các hãng xe mời chào, trong đó có rất nhiều hãng không đăng ký chạy tuyến cố định trong các bến xe, hoặc chỉ đăng ký lấy lệ vài “nốt”, còn chủ yếu dùng xe mang phù hiệu xe hợp đồng, đón khách tại văn phòng của nhà xe, tại các “bến cóc” trong nội thành và dọc đường. Có những nhà xe còn ngang nhiên đón, trả khách ở khu vực phố cổ Hà Nội như các hãng xe Camel Travel, Queen Cafe, Hưng Thành, Inter bus line... Đặc biệt, thời điểm sau 17h, trên các tuyến phố Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy); Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng); Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm)… luôn xuất hiện những chiếc xe giường nằm gắn phù hiệu xe hợp đồng và xe du lịch chờ đón khách lẻ đăng ký đi xe qua mạng hoặc qua điện thoại.

Tinh vi hơn, hãng xe Sao Việt còn dùng xe 9 chỗ ngồi núp bóng xe trung chuyển để vào các tuyến phố nội đô đón khách chở thẳng lên Sa Pa, Lào Cai (theo quy định của Nghị định 86 thì xe trung chuyển dưới 10 chỗ ngồi được vào đón khách trong nội thành); hoặc đưa khách ra các “bến cóc” của nhà xe này để chuyển lên xe giường nằm.

Theo phản ảnh của một số nhà xe liên tỉnh tại Bến xe Mỹ Đình về tình trạng “cò khách” và “xe dù, bến cóc” trong khu vực này, từ đầu tháng 7 đến nay, chúng tôi đã nhiều lần ra đây tìm hiểu. Điều lần nào cũng diễn ra là khi chúng tôi vừa đi tắc-xi đến cổng bến xe, ngay lập tức có vài người ào đến mở cửa xe, hỏi: “Các anh đi Lào Cai à? Để tôi chở ra xe đi ngay, không phải trả tiền xe ôm đâu!".

Ngồi trên xe ôm ra Văn phòng hãng xe Sao Việt ở số 7 Phạm Văn Đồng (cách Bến xe Mỹ Đình chưa đầy 1km), chúng tôi hỏi: “Ai trả tiền công chở khách cho anh?” - “Nhà xe chứ ai! Bây giờ bến xe làm nghiêm, không cho “cò khách” hoạt động trong bến nên nhà xe thuê chúng tôi mời khách và trả công 30 nghìn đồng một khách”. “Thế xe không vào bến bắt khách là xe dù à?” - “Không hẳn thế. Có cả xe từ trong bến ra đó đón thêm khách, cả xe không đăng ký vào bến, nhưng đều là xe giường nằm, chất lượng như nhau”.

Nhân viên nhà xe Hoa Mai (văn phòng ở phố Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh, chạy tuyến Vũng Tàu) thu tiền trực tiếp của khách trên xe sai quy định. Ảnh: NHẤT VĂN. 
Đến Văn phòng hãng xe Sao Việt tại số 7 Phạm Văn Đồng, anh xe ôm vào văn phòng nhận tiền công từ nữ nhân viên đang trực tại đây, rồi anh ta lại quay ra Bến xe Mỹ Đình. Hai chúng tôi được người của Văn phòng Sao Việt dồn lên chiếc xe 16 chỗ ngồi BKS 29B-088.83, và xe này chạy đến Khu đô thị Nam Cường cũng trên đường Phạm Văn Đồng. Tại đây, chúng tôi thấy chiếc xe giường nằm Sao Việt BKS 24B-006.06 gắn phù hiệu hợp đồng đang xếp khách. Khi trả tiền vé, chúng tôi được nhân viên nhà xe hỏi rõ họ tên, địa chỉ để ghi vào bảng hợp đồng. Ghi xong, nhân viên này phổ biến luôn: “Lần sau, ai muốn đi Lào Cai thì cứ ra đây, hoặc ra văn phòng số 7 Phạm Văn Đồng đón xe cho tiện. Xe chạy mỗi giờ một chuyến, không cần phải vào bến xe đâu”.

Những ngày “phục kích” tại “bến cóc” này (ngõ 641, Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy) và ở số 7 Phạm Văn Đồng, chúng tôi thấy bình quân mỗi giờ có một xe giường nằm của hãng Sao Việt vào đón khách, cả xe gắn phù hiệu tuyến cố định và xe gắn phù hiệu chạy hợp đồng.

Theo chỉ dẫn của một người bạn đã nhiều năm lái xe khách từ Hà Nội đi các tuyến, chúng tôi trực tiếp đến một số “bến cóc” trong khu vực nội thành và chứng kiến các “bến cóc” này hoạt động thường xuyên, điển hình là “bến cóc” của nhà xe Hưng Thành (đi Huế, Đà Nẵng, Sa Pa - Lào Cai) trên đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng; hãng xe Camel travel đi Huế và Sa Pa - Lào Cai cũng biến văn phòng ở 459 Trần Khát Chân thành “bến cóc”; nhà xe Nhật Tuấn có “bến cóc” tại Đình Thôn, quận Nam Từ Liêm, thường xuyên đón khách đi tuyến Hà Nội - Quảng Bình; đường vào Khu đô thị Nam Cường (ngõ 641, Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy) bị biến thành “bến cóc” của nhiều nhà xe chuyên đón khách đi Lào Cai, Bắc Giang và Quảng Trị; phố Phương Liệt (quận Thanh Xuân) có nhiều “xe dù” đón khách đi Thanh Hóa; “bến cóc” trên đường Trần Thủ Độ ngay sau Bến xe Nước Ngầm đón khách đi Lào Cai... Điều rất đáng lo ngại là đại đa số các “bến cóc” này tồn tại trái phép từ lâu, gây mất trật tự an ninh và an toàn giao thông, đồng thời “xe dù” tại đây trốn thuế nên dư luận rất bức xúc, nhưng... vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị xử lý triệt để!

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn Hà Nội, ông Bùi Danh Liên, Chủ  tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: Tháng 4 vừa qua, hiệp hội đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng "xe dù, bến cóc" đang ngày càng “nóng” lên, khiến các nhà xe làm ăn chân chính rất khó khăn, bức xúc. Thế nhưng, hiện nay tình trạng này vẫn vô cùng nhức nhối.

TP Hồ Chí Minh: “Xe dù” vô tư lấn lướt

Vừa qua, chúng tôi đã vào TP Hồ Chí Minh tham dự cuộc tọa đàm với chủ đề “Nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách” do Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo tổ chức. Từ thông tin do các chủ hãng xe khách liên tỉnh tham gia buổi tọa đàm cung cấp, chúng tôi đã thâm nhập 10 “bến cóc” lớn ở TP Hồ Chí Minh và điều khiến chúng tôi không khỏi giật mình là quy mô của các “bến cóc” này rất hoành tráng.

Xe của hãng Thịnh Phát ngang nhiên đỗ, đón và trả khách trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: XUÂN CƯỜNG. 

Điển hình có thể kể tới nhà xe Kim Hoàng chạy tuyến Trà Vinh 30 phút/chuyến, thường xuyên đón khách trái phép tại văn phòng ở 15-17 Lý Nam Đế (quận 11); “bến cóc” của nhà xe Hùng Cường ở 66 Tân Thành, quận 5 luôn có hàng chục xe chờ đón khách đi An Giang và Long Xuyên; nhà xe Huệ Nghĩa thường xuyên đỗ xe xếp khách trước cửa văn phòng ở số 4 Tống Văn Trân, quận 11; nhà xe Thanh Thủy chạy tuyến Trà Vinh có “bến cóc” ở 833-835 Hưng Phú, phường 9 (quận 8); văn phòng hãng xe Thành Bưởi ở số 1 đường Vĩnh Viễn (quận 10) hoạt động như một bến xe lớn với tần suất 30 phút/chuyến đi Cần Thơ và Đà Lạt; hãng xe Hoa Mai chạy tuyến Vũng Tàu (20 phút/chuyến) thường xuyên đón khách trên đường Mai Đức Thọ; hãng xe Thịnh Phát ngang nhiên biến đường Sư Vạn Hạnh (quận 10) thành nơi đón khách...

Không chỉ đón khách trái phép tại các “bến cóc”, mà nhiều xe khách trá hình núp bóng xe hợp đồng, chở khách du lịch còn chạy lòng vòng trong nội đô để bắt khách, gây nên cảnh tắc đường.

Ngược với cảnh tấp nập của các “bến cóc” mọc trái phép trong nội đô, thì ở Bến xe Miền Tây lại vắng vẻ vì ít xe vào đây. Điều này cho thấy hoạt động vận tải khách ở TP Hồ Chí Minh có quá nhiều bất cập. Chính vì thế, lần đầu tiên (tháng 5 vừa qua), 12 doanh nghiệp xe khách liên tỉnh ở TP Hồ Chí Minh đã phải gửi văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý nghiêm các “xe khách trá hình” và “bến xe khách lậu” trên địa bàn, bởi nếu còn vấn nạn này thì các nhà xe làm ăn chân chính sẽ không còn đất sống do bị cạnh tranh không lành mạnh.

Vậy nguyên nhân nào khiến nạn “xe dù, bến cóc” bùng phát mạnh? Câu hỏi này chúng tôi sẽ trả lời ở bài sau.

Trong quá trình điều tra, phóng viên Báo QĐND đã đi nhiều chuyến “xe dù” từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh và ghi được rất nhiều hình ảnh “xe dù” vô tư bắt khách dọc đường, thu tiền trực tiếp của khách trên xe trái quy định, phụ xe hỏi họ tên khách lẻ để viết vào danh sách hợp đồng “rởm” nhằm đối phó khi cơ quan chức năng kiểm tra. Và điều tất nhiên là tất cả các hãng “xe dù” đều có “bến cóc” ở hai đầu tương xứng. Vì thế có thể nói, “xe dù, bến cóc” đã mọc khắp cả nước, nhưng nhiều nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thu hút nhiều khách du lịch như: Lào Cai, Quảng -Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu... 
Trước đề nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội liên quan đến tình trạng "xe dù, bến cóc", vừa qua, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết theo hướng siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm vi phạm. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trình Chính phủ trong quý III/2016. 

(còn nữa)

Phóng sự điều tra của HUY QUANG, XUÂN CƯỜNG, NHẤT VĂN