QĐND - Sau đợt thiên tai “lũ chồng lên lũ” ở miền Trung tháng 10 năm ngoái, tôi được phân công theo đội xe của đoàn vận tải S.53 - Quân khu 3 - chở hơn 10 tấn hàng hóa do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với các trường đại học ở Hải Phòng quyên góp ủng hộ hai xã miền núi huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Đã từng nhiều lần theo các loại xe vận tải quân đội đi tham gia chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ đồng bào bị nạn... tại nhiều địa phương, nhưng chuyến đi lần ấy tôi đặc biệt ấn tượng với những người “lính xế” của Tiểu đoàn 2 - Đoàn S.53. Tối hôm trước nhận lệnh, mờ sáng hôm sau, 4 “lính xế” do đích thân Thiếu tá tiểu đoàn trưởng Phan Bá Triều trực tiếp chỉ huy đã có mặt sẵn sàng tại địa điểm nhận hàng. Soong nồi, gạo củi, chăn màn, tăng võng, thuốc men... đâu vào đấy gọn ghẽ. Hai chú tuấn mã KC.58-01 và KC.58-02 cũng đã no nê xăng dầu, sẵn sàng cho cuộc đường trường. Thế là suốt đêm qua, các anh đã phải vất vả với công tác chuẩn bị và hành quân về vị trí tập kết? Tiểu đoàn trưởng Phan Bá Triều nói chắc nịch: “Năm nào cũng diễn tập chuyển trạng thái, phá dỡ niêm cất; nhiều lần thực hành tham gia phòng, chống lụt bão… nên anh em quen rồi, có lệnh là người và phương tiện lên đường được ngay thôi. Lần này, ngoài 2 xe đi Quảng Bình, tiểu đoàn còn có 6 xe cũng đang trên đường vào vùng rốn lũ Hà Tĩnh...
 |
Xe KC.58-01 của Tiểu đoàn 2, Đoàn S.53-phân phát hàng ủng hộ đồng bào bị thiên tai ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, tháng 11-2010. Ảnh: Trần Trung
|
Đoàn chúng tôi vào Vinh thì vừa tối. Theo kế hoạch sẽ qua cầu Bến Thủy rồi nghỉ lại ở thị xã Hồng Lĩnh để sáng mai tiếp tục hành trình, nhưng các “lính xế” lại đề nghị: Nên tranh thủ hành quân đêm, vào thị trấn huyện Tuyên Hóa ăn ngủ để sáng mai có thêm thời gian đến với bà con vùng lũ. Thế là đi luôn một mạch! Đến thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh thì bỏ quốc lộ số 1, rẽ theo đường xuyên Á vượt Hoành Sơn vào thị trấn Đồng Lê của huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Tiếng là đường tiêu chuẩn quốc tế, lại rút ngắn được hơn sáu chục cây số so với đường cũ qua Đèo Ngang, nhưng vì con đường mới bạt đồi xẻ núi hoàn thành năm ngoái nên nền đất chưa vững, lại vừa trải qua mấy đợt mưa như trời thủng nên nhiều đoạn sạt lở rất nguy hiểm. Trời tối, đường lạ, nhiều đoạn hư hỏng, đèo dốc quanh co... vậy mà mấy tay lái Phan Bá Triều, Đỗ Minh Trí, Nguyễn Xuân Quyết, Đào Văn Thạch... vẫn thay nhau giữ vững tốc độ hành quân. Chiếc xe ca chở mười mấy sinh viên tình nguyện “nín thở bám đuôi” xe bộ đội vào đến Đồng Lê mới dám... thở phào hú vía!
Nhưng như thế vẫn chưa ăn nhằm gì với chặng đường hôm sau từ thị trấn Đồng Lê về hai xã Thạch Hóa và Đức Hóa để phân phát hàng, quà ủng hộ bà con vùng lũ. Đường đất sau lũ lầy lội bùn rác, đoạn thì men theo bờ mương vừa trơn vừa hẹp, đoạn thì quanh co gò mả trồi sụt cống rãnh, đoạn thì lổn nhổn từng tảng đá to nhỏ đủ cỡ chắn đường... Vậy mà hai chiếc xe tải trùm bạt dã chiến vẫn lắc lư đi đến nơi, về đến chốn. Mấy sinh viên tình nguyện ngồi trên xe ca bám chặt thành ghế, được một phen lăn lóc sấp ngửa nhớ đời, chốc chốc lại rên rỉ hỏi tôi: “Đường Trường Sơn ngày xưa cũng thế này hở chú?”.
Có lẽ trong gian khó, con người dễ thân thiết nhau hơn. Từ bữa đó cứ nhắn nhe qua lại hẹn hò, mãi đến cuối tháng Ba vừa rồi tôi mới có dịp về công tác ở Đoàn S.53 để thu xếp xuống thăm Tiểu đoàn 2. Trên đường dẫn tôi xuống tiểu đoàn, sau khi nghe tôi xuýt xoa kể về ấn tượng chuyến đi năm ngoái, Trung úy Vũ Quang Hưng-trợ lý ở đoàn bộ-đế một câu xanh rờn: “Nếu biết rằng hầu hết các đầu xe của “dê hai” hiện nay đều có tuổi quân nhiều hơn tuổi đời của tất cả anh em, thì chắc nhà báo còn trầm trồ tấm tắc nữa!”. Thật thế ư?-Chứ sao! Những con “Gát năm ba”, “Gát sáu sáu” sạch trong bóng ngoài, kê cao kích bổng, khi có lệnh là giòn giã nổ máy lên đường ấy đã sang Việt Nam “nhập ngũ” từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Thế mà tuổi đời anh em ở đây, nhiều như tiểu đoàn trưởng Triều cũng mới sinh năm 1975. Đa số lái xe và thợ sửa chữa cả tiểu đoàn thì đều xêm xêm 8X... Nhà báo lại sắp hỏi vì sao xe “già” thế mà vẫn vi vu như thanh niên trai trẻ phải không ạ? Kết quả thực hiện phong trào “ba biến” của Tiểu đoàn 2 đấy!
Phong trào “ba biến” của đoàn vận tải S.53-Quân khu 3-mấy năm gần đây thì tôi có nghe. Đó là: Biến cũ thành mới; biến xấu thành tốt; biến lái thành thợ! Nhưng những gì đã được tận mắt chứng kiến trong cuộc hành quân ngót ngàn rưỡi cây số về vùng lũ vừa rồi chắc chắn chỉ là một phần kết quả cụ thể của phong trào ở một đơn vị cơ sở. Bởi vậy, lời giới thiệu của Trung úy Vũ Quang Hưng vô tình đã biến cuộc về “thăm chơi” mang tính chất cá nhân của tôi với mấy anh em quen biết ở Tiểu đoàn 2 thành một chuyến công vụ. Và tôi đã thu thập được nhiều cách làm hay, nhiều kinh nghiệm quý về công tác kỹ thuật ở đây. Tỷ như chuyện tháng nào tiểu đoàn cũng có một cuộc hội thao hoặc hội thi “mi-ni” về xe tốt, hoặc lái giỏi, hoặc thợ giỏi... tùy vào nội dung huấn luyện mỗi thời kỳ. Tỷ như chuyện mỗi đợt vận tải đường dài, dù là trong kế hoạch thường xuyên hay nhiệm vụ đột xuất cũng đều là một đợt huấn luyện dã ngoại thực hành phương châm: Lái cũ kèm lái mới, thợ cũ kèm thợ mới. Tỷ như chuyện mỗi lần phải sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng... một chiếc xe nào đó thì đều là một buổi bổ túc trực quan cho cả lái lẫn thợ trong phân đội. Tỷ như ngoài vật tư, phụ tùng trên cấp, nhiều lần đơn vị còn xuất quỹ tăng gia sản xuất mua sắm thêm nhiều thứ phục vụ việc nâng cao hệ số kỹ thuật và trình độ tay nghề của anh em...
Trong câu chuyện về những cá nhân điển hình của phong trào “ba biến” ở Tiểu đoàn 2, bên cạnh những đồng chí như: Phạm Quốc Vượng, Đỗ Văn Hiệp, Phạm Đăng Sơn, Trần Quang Điện... tôi còn nghe nhiều người nhắc đến một cái tên kèm một biệt danh… hơi bị Tây: Thiếu tá chuyên nghiệp Lê Viết Xuân, tức “Xuân hê-lô”! Lại thêm một lần trí tò mò của tôi bị kích hoạt. Thì ra là thế này: Nhiều năm nay, ngoài các nhiệm vụ truyền thống của một đơn vị vận tải quân sự, Tiểu đoàn 2 còn là địa chỉ tin cậy của Ban tổ chức các sự kiện chính trị - ngoại giao cấp quốc gia và quốc tế mỗi khi cần điều động lực lượng lái xe phục vụ. Nhiều lái xe giỏi của tiểu đoàn đã có vinh dự được tham gia phục vụ hàng chục lần, kể từ hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội năm 1997 đến nay. Lớp đàn em như Lê Viết Xuân, từ hội nghị ASEM-5 năm 2004 đến nay cũng đã 5 lần được triệu tập lên Hà Nội phục vụ các hội nghị lớn. Mỗi lần như vậy phải tập trung trước từ 45 ngày đến 60 ngày để tập huấn các nội dung cần thiết. Với một tay lái cự phách, một đảng viên gương mẫu như Xuân thì nhiệm vụ chẳng đến mức khó khăn phức tạp lắm. Chưa kể mỗi đợt như vậy còn có thêm tiền bồi dưỡng và một bộ com-lê may đo hết ý. Thế mà sau mấy đợt phục vụ, đến năm kia khi được triệu tập lên chuẩn bị cho hội nghị cấp cao khối ASEAN, bỗng dưng “bố Xuân” lên gặp ban chỉ huy gãi đầu gãi tai xin... chiếu cố. Cấp trên động viên thuyết phục một hồi, Xuân ta mới thú nhận: Báo cáo các anh, đường phố Hà Nội dày đặc chằng chịt đi mãi rồi cũng thuộc; các kịch bản đưa đón khách quốc tế chính xác đến từng giây trong các nghi thức ngoại giao, tập mãi rồi cũng quen; xe hơi đời mới hiện đại tiện ích đến mấy chỉ vài lần thao tác là thạo... Dưng mà tiếng Anh tôi học mãi chỉ được hai chữ “hê-lô”. Buổi sáng đón khách thì “hê-lô”, chiều tiễn khách nghĩ mãi không nhớ câu chào tạm biệt là gì, tôi cũng liều mạng “hê-lô” khiến mấy cô tiếp tân ở khách sạn bụm miệng nhìn tôi rất... thảm hại. Ngượng chết đi được...
Cái biệt danh “Xuân hê-lô” có từ đó. Tất nhiên sau đó được đơn vị động viên khích lệ, Xuân vẫn tiếp tục lên Hà Nội tập trung. Hiện nay thì vốn tiếng Anh của ông nông dân thứ thiệt ấy đã có thêm những gút-mo-ning, gút-bai, thanh-kiu, so-ry... rất nhuần nhuyễn, nhưng cái biệt danh “Xuân hê-lô” thì vẫn đeo đẳng mãi. Được cái “bố Xuân” chẳng những không khó chịu, lại còn ra vẻ khoái chí nữa. Đấy, cậu nào thích được chọn đi hê-lô như thế thì chăm chỉ cố gắng lên. Phải “ba biến” cật lực vào thì mới... biến thành xế com-lê, cà-vạt mà hê-lô với các ông Tây bà đầm nhé!
Ghi chép của Mai Nam Thắng