QĐND - Nhiều người gọi Đại tá Trịnh Văn Thiện, Chủ nhiệm Kho 858 Quân chủng Hải quân, người đã 17 năm liền được bầu là “Chiến sĩ thi đua” cấp toàn quân và toàn quốc như vậy bởi chính anh là người đóng vai trò chính trong việc kiến tạo nên sự thay đổi kỳ diệu ở Kho 858. Từ một đơn vị bộn bề thiếu thốn, nhờ người chủ nhiệm biết lo toan và nhiều sáng tạo, Kho 858 đã thật sự “lột xác”, được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới…
Chủ nhiệm lái máy cày và làm… “kiến trúc sư”
Anh về nhận công tác tại Kho 858 Hải quân từ năm 1976 với chức Trợ lý Kế hoạch tổng hợp. Hồi mới về, kho của Mỹ để lại chỉ là dãy nhà cấp 4 mái tôn xập xệ, thấp lè tè. Gọi là kho, nhưng thực chất là nơi lính Mỹ dùng thay quân, hoặc nghỉ ngơi sau mỗi lần đồn trú. Vùng đất hoang hóa, bạc màu, không có cây xanh, chỉ có nắng và gió…
13 năm sau, anh nhận chức Chủ nhiệm kho vẫn chưa có gì thay đổi nhiều so với trước. Thời kỳ bao cấp, đời sống nhân dân và quân đội còn nhiều khó khăn. Những người lính thợ cũng không ngoại lệ. Hồi đó, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Kho 858 sống trong cảnh thiếu nước, thiếu điện, thiếu lương thực, thực phẩm. Khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, lương “ba cọc, ba đồng” không đủ sống, một số đồng chí có biểu hiện bi quan, chán nản.
 |
Đại tá Trịnh Văn Thiện thường xuyên sâu sát động viên anh em làm việc kiểm tra đơn vị.
|
Thầm nghĩ: “Bộ đội phải có cái ăn, cái mặc, mới yên tâm công tác”, anh Thiện quyết định tổ chức cho bộ đội đào ao lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt hằng ngày, tưới cây, thả cá; cải tạo đất đai trồng mía, khoai, sắn; nuôi bò, dê, lợn, gà…Thương bộ đội oằn lưng cuốc đất, bàn tay rộp phồng, bỏng rát, anh Thiện lặn lội vào miền Nam trực tiếp mua rồi tự tay lái máy cày chạy từ Tây Ninh về Cam Ranh. Thế nên mọi người mới gọi anh là “Chuyên gia…lái máy cày”. Ngày đó, phương tiện sản xuất cũ, nát, hằng ngày anh xuống phân xưởng cơ khí cặm cụi sửa chữa, sáng chế các loại nông cụ, máy móc. Anh trực tiếp xắn tay áo nhặt từng viên gạch, vần từng khối bê tông, xới từng luống đất…Thấy chủ nhiệm kho vất vả, anh em công nhân làm theo, thành phong trào lớn. Người không phụ đất, chất chẳng phụ người, sau một thời gian tích cực tăng gia, sản xuất, hệ thống ao hồ cung cấp đủ nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, cứu hỏa. Đàn bò, dê, lợn, gà ngày càng sinh sôi. Cây cối sum sê, đâm chồi nảy lộc. Đời sống cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên được cải thiện đáng kể. Nhờ vậy mọi người yên tâm công tác, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện…
Mãi tới năm 2000, Kho 858 mới được Quân chủng Hải quân đầu tư nâng cấp. Song, nhìn chung hạ tầng cơ sở vẫn còn thiếu đồng bộ. Mùa mưa, lũ ngập trắng đồng, nước tràn vào kho. Trước tình hình đó, anh Thiện đã đề xuất phương án xây dựng bờ kè và đắp đê chống lũ. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chạy đua với thời gian đắp một con đê dài 3,8km, hai bề ta -luy và mặt đê được lát bằng những tấm bê tông tận dụng từ các công trình tháo dỡ, gắn xi măng chắc chắn. Để có được con đê ấy, anh Thiện và cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên toàn đơn vị đã nạo vét, khơi thông và kè ta -luy suối với chiều dài 1, 5km với khối lượng 3.600m3 bê tông, đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá và huy động hàng ngàn ngày công, hàng trăm chuyến xe và ca máy phục vụ suốt ngày, đêm… Công trình trị giá hàng chục tỷ đồng khánh thành và đưa vào sử dụng đã góp phần ngăn lũ, bảo vệ an toàn hệ thống kho tàng, tài sản của Nhà nước và Quân đội…
Giữa không gian bao la, tràn ngập màu xanh cỏ cây, hoa lá chúng tôi được nghe anh em kể về tài năng thiết kế của vị “kiến trúc sư bất đắc dĩ” - Trịnh Văn Thiện. Dạo đó, Ban chỉ huy kho có ý định thuê người ngoài vào thiết kế không gian, quần thể văn hóa. Nhưng khi kiến trúc sư vào khảo sát tình hình rồi ra giá thù lao với khoản kinh phí quá cao, đơn vị không thể đáp ứng nổi. Không còn cách nào khác, Chủ nhiệm kho kiêm luôn chức “kiến trúc sư”. Gần một tháng trời, anh Thiện tự tay viết vẽ, thiết kế, sau đó tham khảo ý kiến anh em. Cuối cùng “đề án” đã được Ban chủ nhiệm “chuẩn y”. Xây dựng đề án đã khó, thực hiện đề án càng khó khăn hơn. Để có được khuôn viên Câu lạc bộ Quân nhân trên 8000m2 (gồm nhà thủy tạ, ao cá, vườn hoa, hòn non bộ); sân tennis; nhà truyền thống… đích thân Đại tá Trịnh Văn Thiện xắn tay áo chỉ đạo anh em sử dụng nguyên liệu tại chỗ như bê tông, gạch ngói tận dụng, cây cảnh, cây ăn quả huy động anh em đóng góp. Cứ cần mẫn tích cóp như con ong thợ mất mấy năm, cán bộ, chiến sĩ Kho 858 Hải quân đã xây nên một “công viên xanh” giữa vùng cát cháy.
Bằng tình yêu của người lính thợ và tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, cán bộ, chiến sĩ Kho 858 đã làm nên những công trình bạc tỷ, trở thành lá cờ đầu của Quân chủng Hải quân trong thực hiện phong trào “xanh - sạch - đẹp”…
Chính quy như… “bộ đội ông Thiện”
Đó là cảm nhận không chỉ riêng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) mà còn cả nhân dân địa phương trong vùng.
Đến Kho 858, ấn tượng đầu tiên là hình ảnh chiến sĩ đứng trên chòi canh cách xa gần cây số, nhưng khi thấy có khách là đứng nghiêm giơ tay chào. Giữa trưa trời nắng chang chang, từng tốp cán bộ, công nhân viên vạt áo ướt đầm mồ hôi trên đường từ kho về nhà nghỉ, thấy xe chở chúng tôi vẫn đứng nghiêm chào đúng điều lệnh…
Nhà báo Đăng Khoa - Phóng viên Chuyên mục Quốc phòng - An ninh, Đài Truyền hình Khánh Hòa còn kể cho tôi nghe câu chuyện khá thú vị về “bộ đội ông Thiện”. Cuối năm 2011, anh Khoa vào Cam Lâm thực hiện phóng sự, thấy tốp lính áo quần xộc xệch, chân đi dép lê. Anh Khoa buột miệng nói với đồng nghiệp: “Chắc là bộ đội Kho 858 Hải quân đây mà!”.
Nghe vậy, mấy người dân đứng gần đó quả quyết: “Không phải đâu! "Bộ đội ông Thiện" bao giờ cũng đội mũ, đi giày, mang mặc đúng tác phong!”.
Trong lần đến thăm đơn vị gần đây, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã khen ngợi công tác xây dựng nền nếp chính quy và chấp hành kỷ luật ở Kho 858.
Gắn bó máu thịt với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương từ những ngày gian khó nhất, nên anh Thiện vẫn thường nhắc nhở cấp dưới: “Nhiệm vụ của người lính thời bình là phải gần dân, lo cho dân như chính lo cho mình!”. Thế nên, mọi hoạt động của địa phương, đơn vị đều tham gia, đóng góp. Chỉ tính mấy năm gần đây, Kho 858 đã trích gần 150 triệu đồng thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa); huy động 1.200 ngày công lao động giúp dân đào đắp đường liên thôn, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ; tặng 2.000kg gạo, 200 bộ quần áo cho người nghèo trong mùa giáp hạt; quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, xây dựng nhà tình nghĩa hơn 100 triệu đồng… Vào mùa nắng hạn, anh Thiện chỉ đạo đơn vị cho xe bồn chở hàng trăm mét khối nước ngọt phục vụ đồng bào… Người dân Cam Lâm vẫn thường kể chuyện “lính ông Thiện” nhiều lần giúp dân cứu hỏa nhưng chưa bao giờ nhận quà. Dũng cảm dập cháy xong là tập hợp lên xe về ngay đơn vị. Đến nỗi bà con không kịp hỏi tên, tuổi, chỉ biết là “bộ đội ông Thiện”!. Mới đây, Kho 858 vinh dự được Quân chủng Hải quân đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới, trong thành tích chung ấy, có đóng góp lớn lao của Đại tá Trịnh Văn Thiện!
Bài và ảnh: Phan Tiến Dũng