Chiếc Air Force One

Cho đến thời Franklin D. Roosevelt, chưa tổng thống Mỹ nào công du bằng đường hàng không trong khi nắm quyền. Thế chiến II đã thổi một luồng gió mới và làm thay đổi điều này. Kể từ đó, dùng máy bay để chu du thiên hạ là một phần không thể thiếu trong những năm tại vị của các đời tổng thống Mỹ.

Điều đặt ra là phải bảo vệ tổng thống khỏi những kẻ âm mưu ám sát, hay để ông điều hành chính phủ cũng như quân lực ở mọi nơi mọi lúc với sự hỗ trợ của một đội ngũ an ninh hùng hậu. Và một pháo đài bay không khác gì một Phòng Bầu dục trên không với đúng nghĩa của nó đã ra đời, đáp ứng tất cả những yêu cầu đó.

Khi đời tổng thống này nối tiếp đời tổng thống kia, chiếc Air Force One, hay Pháo đài bay trên không của tổng thống Mỹ như người ta thường gọi, cũng vì thế mà có những thay đổi đáng kể. Chiếc chuyên cơ dành riêng cho tổng thống Mỹ ngày càng to, đẹp, nhanh hơn và đặc biệt là đã trở thành biểu tượng quyền lực về chính trị cũng như ngoại giao, nơi ra những quyết định về chính sách ở tận 11 km trên không trung.

Được trang bị những thiết bị công nghệ quân sự tuyệt mật, gồm hệ thống chống tên lửa và trao đổi thông tin mã hóa, Air Force One vẫn còn mang trong mình những bí mật mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu được.

Một phóng sự tài liệu hiếm hoi, được kênh truyền hình National Geographic phát sóng trên toàn nước Mỹ ngày 11/7 năm ngoái, cho người xem có được cái nhìn khái quát về trang thiết bị trên phiên bản chiếc máy bay Boeing 747 được đặt hàng riêng này và những người đang ngày đêm đem lại cho nó sức sống để cùng tổng thống Mỹ chu du bốn phương.

“Cũng như hình dung của mọi người, an ninh cho chiếc Air Force One luôn được tăng cường ở mức tối đa. Chúng tôi may mắn là được phép quan sát mọi thứ mà trước đây chưa ai từng chứng kiến, quay phim mọi thứ mà trước đây chưa ai từng quay. Và trong những trường hợp như vậy, mọi thứ vẫn phải được giữ bí mật tuyệt đối”, Peter Schnall, nhà sản xuất, đạo diễn phim tài liệu Air Force One kể lại.

Bộ phim đã ghi lại những cảnh quay hiếm hoi trong lòng chiếc Air Force One, từ buồng lái, phòng trao đổi thông tin, phòng dành riêng cho tổng thống cũng như một loạt các phòng họp khác. Điều đặc biệt là bộ phim theo sát bước chân của cựu tổng thống Bill Clinton trong chuyến đi thực tế của ông tới một số thành phố trên đất Mỹ.

Một loạt biện pháp an ninh đã được tiến hành cho mỗi chuyến đi như vậy. Mật vụ phải cử các nhóm đến thử nghiệm độ an toàn của nhiên liệu cho máy bay, kiểm tra đường băng xem có chướng ngại gì không hay công bố lệnh "được phép bắn" trong trường hợp máy bay bị đe dọa khi cất và hạ cánh. Ngoài ra, mật vụ cũng phải cử các đội tiền trạm bay trên một chiếc phi cơ khác để vận chuyển chiếc limousine chống đạn cũng như vũ khí loại nhỏ tới trước địa điểm mà tổng thống sẽ tới.

Phòng dành riêng cho tổng thống

Người ta chuẩn bị bữa ăn cho các thượng khách sành điệu ngay trong hai phòng bếp trên chiếc Air Force One. Nói chung một ngày của Tổng thống Mỹ trên Pháo đài bay diễn ra bình thường như khi ở trên mặt đất. Tổng thống ngủ trên một chiếc giường rộng rãi và thư giãn trên một chiếc ghế sofa. Một phòng trao đổi thông tin cho phép tổng thống và các quan chức khác có thể tiến hành những cuộc điện đàm (được mã hóa) tới bất kỳ nơi nào trên trái đất.

Các cựu tổng thống Jimmy Carter, George Bush (cha) và Bill Clinton đều có những kỷ niệm đáng nhớ về Pháo đài bay của mình. “Điều tôi nhớ nhất về Air Force One là tôi chẳng bao giờ bị mất hành lý”, cựu tổng thống George H. W. Bush hài hước. “Khi bước lên máy bay, tôi phấn khích đến nỗi quên mất cả mẹ mình”, Jimmy Carter thổ lộ. “Trên đó, chúng tôi là một gia đình lớn”, cựu tổng thống Bill Clinton nói.

“Họ thấy thoải mái có lẽ chính bởi họ đã tìm được một nơi để có thể nghỉ ngơi, tĩnh tâm sau những ngày căng thẳng ở Nhà Trắng cũng như Phòng Bầu Dục. Bush cha đôi lúc đến căn cứ không quân Andrews đêm trước khi công du. Ông nghỉ qua đêm ở đó rồi thức dậy giữa không trung”, Schnall nói.

Không chỉ mang tính vận tải đơn thuần, Air Force One là một phương tiện chính trị và ngoại giao hữu hiệu mà các tổng thống muốn tạo ấn tượng mạnh đối với các đồng minh cũng như “kẻ thù” của nước Mỹ. Nó để lại nhiều luyến tiếc cho các đời tổng thống mỗi khi họ hết nhiệm kỳ công tác.

Vài nét về Pháo đài bay

Air Force One là một chiếc máy bay quân sự do Không lực Mỹ quản lý. Mỗi khi phi cơ cất cánh là một lần họ được coi là thực thi nhiệm vụ quân sự. Nó là chiếc chuyên cơ được đặt hàng, có khả năng phòng thủ cao nhờ các thiết bị chống tên lửa. Trên máy bay có 87 đường điện thoại khác nhau, trong đó có 28 đường tuyệt mật và được mã hóa.

John F. Kennedy là tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng Air Force One với một phiên bản của Boeing 707. Hai chiếc hiện nay là phiên bản lớn hơn của Boeing 747. Trên mỗi chiếc máy bay đều có cờ Mỹ sơn ở phần đuôi và chữ United States of America (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) ở phần thân.

Chiều dài: 70,4 m

Chiều cao: Cao 19,4 m, hơn tòa nhà 5 tầng

Diện tích: 371,6 m2

Khối lượng: 400 tấn

Tốc độ:1.014 km/giờ

Phi hành đoàn: Để trở thành phi công trên Air Force One, các ứng cử viên phải từng điều khiển trong buồng lái hơn 2.000 giờ bay, có kinh nghiệm bay toàn thế giới và có hồ sơ hoàn toàn “sạch”.

An toàn: Air Force One có một lịch sử bay hoàn hảo và được coi là chiếc máy bay an toàn nhất trên thế giới.

Chỗ ngồi: Phóng viên ngồi phía sau còn trợ lý và các nhân vật VIP ngồi phía trước.

Pháo đài bay sinh đôi: Có hai chiếc Air Force One giống hệt nhau: SAM-28.000 và SAM-29.000.

“Bến đậu”: Air Force One “nghỉ dưỡng” ở Maryland, tại căn cứ không quân Andrews, cách Nhà Trắng 16 km.