 |
Chiến sĩ Đội 589 vượt suối từ bản Chanh sang bản Ba Lang, Bua La-pa (Khăm Muộn, Lào). |
Từ hơn mười năm nay, cứ mùa khô đến, đội 589 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình lại “
Tây tiến”, tìm đến rừng sâu heo hút trên dãy Trường Sơn, lần theo dấu các anh xưa.
Mùa khô năm 2007-2008 là đợt xuất quân lần thứ 29 với kết quả bất ngờ: Đội đã tìm được 61 hài cốt liệt sĩ, một kết quả lịch sử trong hơn 10 năm nay.
Những ngày tìm các anh!
Đội đã dốc toàn lực xuôi ngược khắp tỉnh Khăm Muộn (Lào), hành quân đến những điểm được chấm trên bản đồ, dựa trên những thông tin lờ mờ, những lá thư của thân nhân liệt sĩ, ký ức của các cựu chiến binh hay những câu chuyện của già làng, trưởng bản... với độ chính xác ở mức độ “hình như”. Vừa đi, vừa nghỉ, vừa dò tìm, tâm niệm làm sao đón được các anh, dù chỉ một người. Nhưng kết quả vẫn là con số “không” tròn trịa.
Đội liên tục giao ban, hội báo. Cho dù chỉ là những thông tin lờ mờ cũng được anh em xác định lại một cách kỹ càng. Trung tá Phan Đức Quý, Đội trưởng kể: “Có hôm nhận được tin từ người dân địa phương nước bạn, dưới bụi tre già có một hài cốt bộ đội Việt Nam, vậy là anh em người cuốc người xẻng... thay nhau đào bới lật tung cả bụi tre già, dò thớ đất, lần từng rễ cây... Lần tìm, hy vọng, nhưng kết quả không như mong đợi”.
Rồi may mắn cũng đến. Một ngày, anh Quý gặp được ông In Toọng thuộc bản Xeng Veng, Thà Khẹt (Lào) thông tin cho hay, ngay trên đỉnh Phù Khiêu, phía đông nam của bản có mộ liệt sĩ Việt Nam. Lúc mặt trời đang dần về góc núi, từ bản lên thì chưa đến 20km nhưng đường lại không đi được, do ảnh hưởng của thiên tai trong năm qua đã bị sạt lở, cây cổ thụ đổ ngổn ngang giữa đường, toàn đội huy động hết sức lực với phương tiện thô sơ cuốc, xẻng, cưa... rồi chia làm hai bộ phận, một bộ phận san lấp, một bộ phận xẻ gỗ thông đường.
Chỉ những cái cưa, cái cuốc ấy, anh em đã san lấp được hàng chục mét khối đất đá, hơn 40 cây gỗ to đến mức hai người ôm không xuể để thông đường.
Sau vài ngày lên xuống, đào bới trên đỉnh Phù Khiêu nhưng kết quả là những cái lắc đầu, thở dài, những ánh mắt nhìn nhau im lặng...
Bình minh, tiếng gà rừng ò ó o vang vọng, lôi họ ra khỏi giấc ngủ nhọc nhằn. Mở mắt đã thấy anh Quý đang đứng trầm ngâm. Nhìn quanh, anh nói:
- Anh em cố gắng, có mấy chỗ tôi cũng nghi phải đào lên mới thỏa mãn, không thì áy náy lắm, chúng ta phải làm hết tâm, hết lực...
Không đánh răng, rửa mặt, nói gì ăn sáng, tất cả bắt tay vào việc.
Khó khăn lắm mới cạy được từng viên đá. Hú vía, viên đá lăn ra sát chân Hòa, một khoảng cách bằng lưỡi dao lam là cướp đi cả bàn chân. Rồi đến lớp đất cứng dày đến 70 phân. Hòa một chiến sĩ trẻ của đội phát hiện có lớp đất lạ, theo kinh nghiệm chúng tôi gọi là đất “lộn”. Hòa reo lên:
- Đây rồi, lấy vải, lấy vải mau đi!
Mọi người ào đến quanh Hòa, rưng rưng. Đất trời, rừng cây lúc đó dường như cũng lặng im. Chúng tôi kính cẩn đón các anh lên, tỉ mỉ như công việc của bác sĩ, lấy hết những gì đồng đội để lại trong lòng đất.
Đó là một ngày đẹp trời khó quên. Nhờ cái mảnh nhôm và lọ pê-ni-xi-lin để lại dòng chữ Nguyễn Văn Thuận, C14 Ngô Lâm, Kim Động, Hải Dương. Như báo hiệu một điều là “Thuận buồm xuôi gió”. Rồi tiếp đến Phùng Văn Bảy, C1, d14 e270 Hà Bắc, Hà Trung, Thanh Hóa. Lê Văn Năm, c14 e270 Thuận Khánh, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Tất cả 5 liệt sĩ đều ở ngay trên đỉnh Phù Khiêu.
Các ngày tiếp theo, đội liên tiếp tìm được 20 liệt sĩ, xác định được đầy đủ họ tên, địa chỉ. Khi đã tìm được 25 đồng đội đầy đủ tên, đơn vị, quê quán, đội lại quyết tâm đặt ra chỉ tiêu tìm 29 liệt sĩ “có tên” để kỷ niệm đợt xuất quân lần thứ 29. Cuối cùng, đội tiếp tục phát hiện liệt sĩ thứ 26. Thời gian của mùa khô không còn nữa, đội đã nhận lệnh đưa các anh về.
Những ngày chờ các anh về!
 |
Cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm hài cốt đồng đội ở bản Hát Phách (Khăm Muộn, Lào). |
Mặc dù đội ở trên đất nước bạn nhưng những kết quả trong đợt đã “bay” về đất Mẹ.
Những người biết tin thấp thỏm chờ mong, đặc biệt là các cựu chiến binh Hoàng Văn Xuân, Hoàng Văn Thảo (Bắc Sơn, Đô Lương, Nghệ An) đã từng chiến đấu với các liệt sĩ: Nguyễn Văn Lê, Nguyễn Văn Thìn (hoặc là Thực), Nguyễn Xuân Tùng, Lương Thanh Luyện. Không giấu nổi nước mắt vì xúc động, liên tục gọi điện cho đội trưởng Phan Đức Quý với những cuộc gọi không nghe tiếng ở đầu dây, mà chỉ những tiếng nấc... ngắt quãng, một hồi lâu rồi méo mó tiếng “a lô”.
Trong số các thân nhân đi tìm mộ liệt sĩ mà tôi chứng kiến được cũng có nhiều câu chuyện thật cảm động. Có liệt sĩ không còn người thân, có người ra đi để lại mẹ già, người vợ trẻ với giọt máu chưa đầy 7 tháng tuổi đang ngày càng lớn dần trong bụng. Đó là anh Lê Văn Tươi, con trai của liệt sĩ Lê Văn Năm. Anh chỉ biết mặt bố qua bức ảnh, những câu chuyện người thân trong gia đình kể lại nên khao khát tìm được người cha thân yêu luôn cháy bỏng trong anh. Anh đã đi tìm khắp nơi, mọi chốn, từ Bắc chí Nam, nhưng chỉ biết bố mình hy sinh năm 1973, bao ước mong tưởng chừng vô vọng. Anh Tươi tâm sự: Tôi không tin vào mắt mình khi nhìn những dòng chữ trên báo Quân đội nhân dân với dòng chữ Lê Văn Năm, c14 e270 Thuận Khánh, Thiệu Hóa, Thanh Hóa.
Cả một mùa khô 2007-2008 mang cái tên “Mùa 61 đồng đội” đã qua đi, 10 năm với 29 đợt đi tìm được 1.650 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 81 hài cốt liệt sĩ có tên, có quê và 34 hài cốt liệt sĩ có tên, chưa có quê quán đã qua đi...
Tạm biệt các anh nơi nghĩa trang Ba Dốc. Kết thúc chiến dịch mùa khô lần thứ 29, dưới cơn mưa đầu mùa rơi tí tách, nhìn dải Trường Sơn dưới mưa chiều, tôi thầm nghĩ: Mùa khô sang năm, đội lại tiếp tục tìm đón các anh...
Ghi chép của MINH TÚ-HỮU HIỆP