Ban tổ chức cuộc thi đã lựa chọn 19 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi nhằm khuyến khích, nhân rộng những tấm gương người tốt-việt tốt trong xã hội.

Khẳng định dấu ấn, sức lan tỏa sâu rộng

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 13 (Cuộc thi viết lần thứ 13), được phát động từ tháng 6-2021 đến ngày 30-4-2022. Tiếp nối thành công của 12 mùa giải trước, năm nay, ban tổ chức nhận được hơn 200 tác phẩm của các nhà báo và những cây viết không chuyên trong cả nước; trong đó, 146 tác phẩm đã đăng tải trên Báo QĐND. 

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức cuộc thi đánh giá: “Viết về tấm gương người tốt-việc tốt vốn dĩ là đề tài không mới và khó, thế nhưng càng về sau, cuộc thi lại càng có sức sống mãnh liệt, bền bỉ, hiệu ứng càng lan tỏa sâu rộng hơn. Chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay đồng đều, cách thể hiện sinh động, hấp dẫn, phản ánh rõ nét sức lao động, sự say mê và lòng tôn kính đối với nhân vật của từng tác giả (nhóm tác giả)".

Đúng như vậy, nội dung các tác phẩm đã thể hiện tinh thần dấn thân, đam mê của tác giả (nhóm tác giả) trên hành trình tìm tòi, phát hiện những tấm gương sáng, những việc làm bình dị nhưng mang giá trị và ý nghĩa cao đẹp. Các nhân vật được phản ánh trong cuộc thi thực sự là những điển hình tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng yêu nước, luôn ra sức thi đua học tập, công tác, cống hiến cho xã hội; góp phần làm rạng rỡ hình ảnh con người Việt Nam mới với những phẩm chất đáng trân trọng.

Công phu “mài ngọc” giữa đời

Để làm nên giá trị, sức sống lâu bền của cuộc thi, ban tổ chức đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, làm việc công tâm, khách quan. Đặc biệt, các tác giả đã khẳng định tinh thần lao động nghiêm túc, trách nhiệm và sức sáng tạo báo chí vô hạn, nhằm phản ánh sinh động, trung thực, khách quan những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.

Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền, Phó trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy Điện Biên (nay là Phó Chánh văn phòng Ban Dân vận Trung ương) trong một lần đi vận động dân giải phóng mặt bằng ở TP Điện Biên Phủ (tháng 12-2021). Ảnh: PHẠM KIÊN. 

Để hoàn thành tác phẩm “Người thắp sáng niềm tin nơi cửa ngõ Tây Bắc”, nhóm tác giả Tuân Tiến-Hà Thắng (Báo QĐND) đã dành hơn một tuần đến các xã vùng cao huyện Văn Chấn (Yên Bái) lắng nghe người dân nói về phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản lý, nhất là những câu chuyện về trọng dân, gần dân, giúp dân, vì dân của đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, sử dụng chi tiết báo chí, kết nối hiện tại và quá khứ, tấm gương đồng chí Đỗ Đức Duy được nhóm tác giả phản ánh rõ nét, sinh động, từ hành động kiên quyết, lập ngay sở chỉ huy hiện trường của tỉnh tại huyện, bất chấp nguy hiểm, xông xáo đi đầu bên dòng nước chảy xiết, thôi thúc mọi người quyết tâm sớm giải cứu an toàn cho hơn 10 người dân mắc kẹt trên một dải đất nhỏ bị cô lập bởi hai nhánh của dòng suối Nậm Mười trong trận mưa lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn; đến hành động “giữ lời hứa với dân” triển khai mô hình “Giải phóng mặt bằng 0 đồng”, chuyển đổi số mang lại hiệu quả thiết thực, thắp sáng niềm tin nơi cửa ngõ Tây Bắc.

Với tác giả Trúc Hà (phóng viên Báo Biên phòng), để có được tác phẩm “Cậu bé Vân Kiều giúp Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19”, chị đã ăn cơm nắm, đi bộ đến các chốt kiểm soát và phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trong suốt nhiều ngày. Bằng trái tim yêu thương, xúc cảm, cách thể hiện giản dị, mộc mạc, hình ảnh cậu bé Vân Kiều hiện lên trong trẻo, đẹp đẽ cùng với nhiều câu chuyện nhân văn, nghĩa tình giữa những người lính biên phòng và đồng bào dân tộc ở miền biên giới Quảng Trị.

Mặc dù điều kiện địa lý xa cách, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng với tính kiên trì, không bỏ cuộc, tác giả Trà My (Hà Nội) đã sử dụng nhiều phương pháp tác nghiệp thông qua các tiện ích của mạng xã hội, gặp trực tiếp, gọi điện thoại, nhờ đó đã miêu tả, khắc họa cặn kẽ những nỗ lực, cống hiến của nhân vật Trần Việt Hùng, người sáng lập ra Got It-doanh nghiệp khởi nghiệp triệu đô hiếm hoi của người Việt tại “thánh địa” công nghệ thông tin nước Mỹ trong tác phẩm “Hùng Trần ở Thung lũng Silicon”.

Còn tác giả Phạm Thu Thủy (Báo QĐND) khi viết tác phẩm “Người thầy 20 năm dạy học miễn phí” đã nhiều lần thuyết phục để Đại tá, PGS, TS Nguyễn Quốc Bình, Học viện Kỹ thuật Quân sự nhất trí cho “đưa” công việc thầm lặng của mình lên báo. Tác giả sử dụng bút pháp miêu tả, tường thuật dẫn dắt sự kiện, giúp người đọc cảm nhận công việc “vác tù và hàng tổng” nhưng nặng nghĩa tình của nhân vật.

 Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái (thứ 2 từ phải sang) trong một lần đi chỉ đạo chống lụt bão. Ảnh: TUÂN THẮNG. 

Theo đánh giá của ban tổ chức cuộc thi, năm nay, nhiều cây bút chuyên nghiệp và đội ngũ thông tin viên, cộng tác viên đã bám sát sự kiện, bám sát nhân vật đầu tư lao động báo chí, nâng cao chất lượng các tác phẩm. Những thể loại báo chí được các tác giả thể hiện trong cuộc thi lần này khá phong phú, như: Bút ký, phóng sự, bài phản ánh, ghi chép... Ngôn ngữ trong nhiều tác phẩm rất sinh động, súc tích, chính xác, giàu hình ảnh, diễn đạt ngắn gọn, có tính biểu cảm, tính đại chúng cao, mang dấu ấn cá nhân sâu sắc, đưa các tập thể, cá nhân điển hình gần với người đọc.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chung khảo Cuộc thi viết lần thứ 13 ghi nhận: “Cuộc thi có nhiều bài viết bám sát thực tiễn sôi động của cuộc sống, qua đó phát hiện và phản ánh kịp thời những tấm gương bình dị và cao quý, góp phần lan tỏa, tôn vinh những giá trị nhân văn, cao đẹp của con người Việt Nam”.

Cao hơn cả là đức hy sinh, cống hiến

Trong phiên họp đánh giá chất lượng tác phẩm dự thi của Hội đồng chung khảo Cuộc thi viết lần thứ 13, các ý kiến đều hoan nghênh đánh giá cao bước tiến dài của Báo QĐND. Qua từng năm, cuộc thi đã bám sát thực tiễn, hơi thở cuộc sống để có sự đổi mới trong việc lựa chọn, phân loại các mảng nhân vật điển hình.

Đến với cuộc thi năm nay, các tác giả đã khắc họa sâu đậm nhiều tấm gương trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như: Những người làm công tác thiện nguyện xã hội; bác nông dân nhường đất canh tác cho bộ đội lập chốt chống dịch; các tướng lĩnh, cựu chiến binh “bôn ba làm việc nghĩa”; mộc mạc, chân thành như “Bí thư lão làng ở bản Tùng Hương”... Đặc biệt, cuộc thi còn kịp thời phát hiện những tấm gương là cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Ở họ vừa mang nét bình dị trong nhân cách, đạo đức, lối sống, vừa có nhiều đột phá, đóng góp xuất sắc cho xã hội. Đây là điểm mới, làm cho cuộc thi ngày càng được lan tỏa, có sức sống lâu bền, phản ánh đa chiều cuộc sống.

Một trong những nhân vật tiêu biểu, để lại dấu ấn sâu đậm đó là hình ảnh nhân vật Mai Đức Chung trong tác phẩm “Mai Đức Chung-Huấn luyện viên luôn nhận phần thiệt về mình” của tác giả Hữu Trưởng (Hà Nội). Nét bình dị dường như toát lên từ phong thái, tác phong của người chèo lái Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam. Mỗi buổi tập, ông lại đi xe máy lạch cạch đến sân, chăm chút cho các cầu thủ của mình như người cha chăm lo những đứa con sau giờ luyện tập, thi đấu căng thẳng, mệt nhọc. Ông đã dẫn dắt bóng đá nữ nước nhà gặt hái được những thành công: 3 lần liên tiếp vô địch SEA Games, giành vé dự World Cup 2023...

Nhân vật nữ doanh nhân Thái Hương trong tác phẩm “Anh hùng Lao động Thái Hương: Khát vọng đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới” của tác giả Thu Hằng (Hà Nội) lại có nét bình dị, cao quý rất riêng. Là nữ Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á, nhà sáng lập và tư vấn đầu tư Tập đoàn TH, chị luôn quyết liệt, mạnh mẽ trong công việc. Nhưng trong chị cũng thật bình dị, gần gũi, luôn nỗ lực làm trọn sứ mệnh, trọng trách thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình. Trước mỗi chuyến công tác xa nhà, chị luôn chuẩn bị đầy đủ mọi đồ ăn cho chồng, con. Chị nói rằng “đó là quyền của tôi, không ai cướp được”. Ngày Tết, nữ tổng giám đốc ngồi viết từng tấm thiệp chúc mừng gửi nhân viên của mình, truyền tải khát vọng đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”. Chị được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động.

Ban tổ chức nhận thấy, nhân vật trong các tác phẩm dự thi luôn có tinh thần khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu không ngừng. Mặc dù mắc tới 3 căn bệnh ung thư quái ác, thế nhưng cụ Nguyễn Thị Nga, 84 tuổi, ngụ tại phường 17, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, trong tác phẩm “Má Ba một mình nhưng không cô đơn” của tác giả Huyền Anh-Mỹ Anh (Báo QĐND và CTV) suốt 40 năm qua vừa vào viện điều trị, vừa âm thầm nhặt ve chai, nuôi heo đất, tự tay may hàng nghìn chiếc chăn, tấm áo tặng bệnh nhân phong. Nghị lực và tấm lòng nhân hậu của cụ Nga luôn sưởi ấm cho những mảnh đời khác bớt thiếu thốn, cô đơn...

Đó cũng là trường hợp của PGS, TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trong tác phẩm “Người đàn ông “gàn dở” và “hạt vàng 36” trên cao nguyên đỏ” của tác giả Quang Hồi-Nguyễn Phương. Mặc dù sức khỏe không được tốt do tai biến nhưng sau khi nghỉ hưu, ông quyết định lên vùng đất Chư Prông (Gia Lai) để đầu tư nghiên cứu và cho ra đời những giống lúa mới chất lượng. Một con người trọn đời tâm huyết vì cây lúa và cuộc sống của người nông dân như ông thật đáng khâm phục...

Nhiều nhân vật sau khi tác phẩm phản ánh, đã có những bước tiến mới nhờ năng lực, phẩm chất và phát huy những việc tốt của mình. Đó là trường hợp đồng chí Nguyễn Thanh Huyền, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên, nay là Phó chánh Văn phòng Ban Dân vận Trung ương trong tác phẩm "Chị Huyền “dân vận khéo” của tác giả Phạm Kiên (Báo QĐND). Giải phóng mặt bằng là việc khó, “điểm nghẽn” ở nhiều địa phương. Chị Huyền luôn trăn trở chủ động tìm hiểu tâm tư của người dân, nắm bắt vướng mắc trong các dự án, tham mưu xây dựng các văn bản hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ và trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp tỉnh Điện Biên triển khai nhiều dự án trọng điểm.

Hay đó là đồng chí Vũ Văn Sơn trong tác phẩm “Sắc nắng nơi “sương mù”, của tác giả Việt Hà (Báo QĐND). Lần đầu gặp, Vũ Văn Sơn là thầy giáo của Trường THCS xã Nàn Sán (Si Ma Cai, Lào Cai), nhưng giờ đây, anh đã là Chủ tịch UBND xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai. Dù ở cương vị nào, anh Sơn cũng luôn tận tâm, đóng góp công sức, trí tuệ cho cộng đồng... Đó là những minh chứng thuyết phục sinh động về học tập và làm theo gương Bác.

Để tạo sự lan tỏa hơn nữa những việc làm tốt, những con người giàu lòng nhân ái, nhiều năm qua, Báo QĐND đã phối hợp với Nhà xuất bản QĐND lựa chọn các tác phẩm xuất sắc tham gia cuộc thi tiến hành xuất bản các tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, phát hành rộng rãi, trở thành nguồn tư liệu quý. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều tác phẩm hay được dẫn đăng, nhân rộng trong hệ thống báo chí Trung ương, địa phương, đến với bạn đọc cả nước, tạo hiệu ứng tuyên truyền, cổ vũ, động viên mạnh mẽ toàn dân học tập và làm theo gương Bác, qua đó cổ vũ cái hay, cái đẹp, tạo sự lan tỏa sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Những kết quả và thành công của Cuộc thi viết lần thứ 13 chính là động lực thôi thúc mỗi người, mỗi nhà tiếp tục khơi dậy niềm đam mê, nhiệt huyết, tìm tòi, sáng tạo đóng góp nhiều hơn nữa công sức, trí tuệ xây dựng và phát triển đất nước. Những thành công đó còn là niềm cảm hứng đối với mỗi tác giả nhằm phát hiện kịp thời những tấm gương bình dị mà cao quý để tạo sự lan tỏa sâu rộng hơn trong xã hội.

Danh sách các tác giả và tác phẩm đoạt giải 

      I. Giải nhất

      1. Lê Hữu Trưởng, Hà Nội với tác phẩm “Mai Đức Chung-Huấn luyện viên luôn nhận phần thiệt về mình”.

      2. Vũ Thị Hằng, Hà Nội với tác phẩm “Anh hùng Lao động Thái Hương: Khát vọng đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”.

      II. Giải nhì

      1. Trần Hoàng Tiến, Nguyễn Tấn Tuân, Vũ Phúc Thắng, Phạm Hoàng Hà, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) với tác phẩm “Người thắp sáng niềm tin nơi cửa ngõ Tây Bắc”.

      2. Nguyễn Bá Hiên, Trần Minh Mạnh, Báo QĐND với tác phẩm “Đại tá Đinh Văn Nơi dám nói, dám làm”.

      3. Trần Huyền Anh, Trần Việt Anh, Báo QĐND và CTV với tác phẩm “Má Ba một mình nhưng không cô đơn”.

      III. Giải ba

      1. Đỗ Phú Thọ, Cơ quan Tổng cục Chính trị với tác phẩm “Lòng nhân hậu của cô giáo Hậu”.

      2. Nguyễn Việt Hà, Báo QĐND với tác phẩm “Sắc nắng nơi “sương mù”.

      3. Lê Quang Hồi, Nguyễn Thị Dung, Báo QĐND và CTV với tác phẩm “Người đàn ông “gàn dở” và “hạt vàng 36” trên cao nguyên đỏ”.

      4. Kim Huệ, Báo Nhân Dân với tác phẩm “Trung tá “một vai hai việc”.

      IV. Giải khuyến khích

      1. Phạm Kiên, Báo QĐND với tác phẩm “Chị Huyền “dân vận khéo”.

      2. Kiều Bình Định, Báo QĐND với tác phẩm “Bí thư Tâm ở Cư Pui”.

      3. Đoàn Thu Thảo, Hà Nội với tác phẩm “Kỹ sư trẻ đưa máy bay không người lái vào nông nghiệp”.

      4. Vũ Trà My, Hà Nội với tác phẩm “Hùng Trần ở thung lũng Silicon”.

      5. Trần Công Huyền, Hà Nội với tác phẩm “Ông Mạnh thanh liêm”.

      6. Nguyễn Viết Lam, Báo Biên phòng với tác phẩm “Bí thư lão làng ở bản Tùng Hương”.

      7. Phạm Thu Thủy, Báo QĐND với tác phẩm “Người thầy 20 năm dạy học miễn phí”.

      8. Nguyễn Thị Thu Hà, Báo Biên phòng với tác phẩm “Cậu bé Vân Kiều giúp Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19”.

      9. Hoàng Hoa Lê, Báo QĐND với tác phẩm “Người Bí thư gương mẫu đi đầu”.

      10. Đặng Trung Kiên, Báo QĐND với tác phẩm “Người Việt trẻ “định vị” toàn cầu”.

 

 

 

Các nhân vật trong những tác phẩm đoạt giải 

      1. Ông Mai Đức Chung, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Bóng đã nữ quốc gia Việt Nam.

      2. Nữ doanh nhân Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á, nhà sáng lập và tư vấn đầu tư Tập đoàn TH.

      3. Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

       4. Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang.

       5. Cụ Nguyễn Thị Nga, ngụ tại phường 17, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

      6. TS Nguyễn Thị Hậu, Lý Nam Đế, TP Hà Nội

      7. Đồng chí Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai).

      8. PGS, TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa (Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

      9. Trung tá Kim Đình Tư, Phó bí thư Đảng ủy xã Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang).

      10. Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền, Phó chánh Văn phòng Ban Dân vận Trung ương.

      11. Đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc.

      12. Đồng chí Phạm Thanh Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart (MiSmart).

      13. Đồng chí Trần Việt Hùng, Công ty Got It chi nhánh Việt Nam-tầng 9, khu văn phòng, tòa nhà HCMCC, 249A Thuỵ Khuê, Hà Nội.

      14. Đồng chí Hoàng Tiến Mạnh, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Phú Thọ.

      15. Đồng chí Lô Xuân Tiến, Bí thư Chi bộ bản Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương, Nghệ An).

      16. Đại tá, PGS, TS Nguyễn Quốc Bình, Học viện Kỹ thuật Quân sự.

      17. Cháu Hồ Văn Vân, con nuôi Đồn Biên phòng Hướng Lập (Quảng Trị).

      18. Đồng chí Nguyễn Văn Bát, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 5, thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh).

      19. Đồng chí Lê Hùng Anh, Tổng giám đốc BIN Corporation Group.

 

 

 

PHẠM KIÊN