Điểm tựa đi qua dông bão
Nhiều người sau khi trải qua những biến cố lớn trong đời mới thực sự tìm ra lẽ sống, làm được những điều ý nghĩa, lớn lao và chị Đinh Thị Tâm là một trong số ấy. Trước khi trở thành hội viên Hội CTĐ thị trấn Di Linh rồi làm phó chủ tịch, chủ tịch hội, chị Tâm cũng giống như bao người phụ nữ khác ở thị trấn nhỏ trên cao nguyên Di Linh hằng ngày bận rộn với ruộng vườn và những đứa con thơ. Tuy nhiên, cơn bạo bệnh cách đây hơn 20 năm đã khiến người phụ nữ ấy có sự thay đổi sâu sắc trong suy nghĩ và cách sống.
“Năm 1999, tôi phát hiện bị bệnh về gan, chữa trị nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. Một bác sĩ cho biết do bệnh đã quá nặng nên khuyên tôi nếu ăn được món gì yêu thích cứ ăn và làm được điều gì yêu thích thì hãy cứ làm”, chị Tâm bồi hồi nhớ lại. Dù rất đau khổ nhưng chị tự nhủ không thể đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng mà phải đứng lên. “Sau khi từ bệnh viện trở về, tôi nghĩ quỹ thời gian của bản thân không còn dài, vì thế phải dành những điều tốt đẹp nhất cho người thân và những người xung quanh”, chị Tâm chia sẻ.
Năm 2003, chị bắt đầu tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương, đến năm 2009, chị trở thành hội viên Hội CTĐ thị trấn Di Linh. Như người chới với giữa dòng nước lũ bỗng vớ được chiếc phao cứu sinh, công việc từ thiện đã thực sự hồi sinh kỳ diệu con người chị, mang lại niềm vui sống, tiếp thêm sức mạnh cho chị vượt qua bệnh tật, phục hồi sức khỏe, bỏ lại phía sau những lo lắng, muộn phiền, tuyệt vọng.
 |
Chị Đinh Thị Tâm trong một buổi tham gia hiến máu nhân đạo. |
Những ngày chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh, chị Tâm cũng như nhiều bệnh nhân nghèo khác đã nhận tấm lòng thơm thảo từ các nhà hảo tâm. Món quà đôi khi chỉ là hộp cơm, chai nước hoặc một chỗ ngủ miễn phí qua đêm nhưng lại khiến chị cảm kích. Nhớ về những ân tình đã nhận, chị Tâm ấp ủ sẽ làm điều tương tự tại quê nhà và đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều mô hình, như: “Nồi cháo tình thương”, “Bếp ăn tình thương”, “Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện”... ra đời tại thị trấn Di Linh mà chị là tác giả hoặc đồng tác giả, có sức lan tỏa sâu rộng và hiệu quả xã hội thiết thực.
Vẹn chữ tâm cho đời
Trung tâm Y tế huyện Di Linh là nơi khám và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân nghèo, ở xa, là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm giúp các bệnh nhân có bữa sáng ấm lòng trong quá trình điều trị, khám chữa bệnh tại đây, năm 2003, chị Tâm cùng những người bạn lập nên “Nồi cháo tình thương”, mỗi ngày cung cấp 200-300 suất cháo miễn phí. Năm 2016, Hội CTĐ thị trấn (lúc này do chị làm chủ tịch) quyết định mở thêm “Bếp ăn tình thương” hoạt động song song với “Nồi cháo tình thương”, mỗi ngày cung cấp từ 100 đến 150 suất ăn miễn phí với thực đơn gồm: Cơm, canh, món mặn. Thực đơn thường xuyên được thay đổi nhằm giúp bệnh nhân có bữa ăn ngon miệng.
Để duy trì hoạt động thường xuyên hai bếp ăn là bài toán khó, bởi ngoài nhân lực phục vụ hằng ngày thì kinh phí để mua thực phẩm là điều không dễ dàng. “Với nồi cháo tình thương, mỗi ngày cần 17 người cho các công việc. Về kinh phí, ban đầu chúng tôi tự bỏ tiền cá nhân đóng góp hoạt động, sau đó đi vận động, kêu gọi ủng hộ. Rất may là nhiều tổ chức chính trị-xã hội, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đã thường xuyên hỗ trợ kinh phí, thực phẩm để duy trì bếp ăn. Những năm qua, bếp ăn của chúng tôi chưa bao giờ để xảy ra sự cố liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm”, chị Tâm tự hào nói.
Nếu "Bếp ăn tình thương" là sự học hỏi các mô hình bếp ăn từ thiện tại TP Hồ Chí Minh, nơi chị đã có dịp trải nghiệm trong thời gian khám, chữa bệnh thì “Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện” lại ra đời từ nỗi day dứt về một bi kịch mà chị từng tận mắt chứng kiến. Năm 2005, khu phố 3, thị trấn Di Linh, địa bàn sinh sống của chị có một sản phụ mang thai ngoài dạ con, bị xuất huyết. Mặc dù đã được cấp cứu nhưng do trung tâm y tế huyện không có ngân hàng máu và cũng không tìm được nguồn máu bổ sung nên sản phụ và thai nhi đã tử vong. Sự kiện này ám ảnh và thôi thúc chị cùng các đồng nghiệp trong Hội CTĐ thị trấn thành lập một câu lạc bộ hiến máu tình nguyện nhằm giúp các bệnh nhân có nguồn máu tiếp tế khi cần.
Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi cán bộ, người dân địa phương, giúp họ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, chị và các hội viên luôn đi đầu trong công tác hiến máu nhân đạo. Riêng chị đã 23 lần tham gia hiến máu. Khi thấy một phụ nữ nhỏ bé, sẵn sàng trao những giọt máu quý giá để cứu người, nhiều người từ chỗ ngần ngại, lo lắng đã tình nguyện tham gia. “Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện của thị trấn hiện có 180 hội viên do anh Lê Văn Thanh, tác giả chính của mô hình làm chủ nhiệm và phụ trách công tác hiến máu. Chúng tôi có sẵn danh sách tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại và nhóm máu của từng người. Ngoài tham gia hiến máu trong các chiến dịch hằng năm thì đây là lực lượng xung kích, sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào bệnh nhân hoặc bệnh viện cần, dù ở xa chúng tôi luôn có mặt”, chị Tâm khẳng định.
Sự ra đời và hoạt động của “Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện” thị trấn Di Linh đã thuyết phục được nhiều người có uy tín trong vùng, trong đó có linh mục Trần Thả, quản xứ kiêm quản hạt giáo xứ Di Linh. Những buổi lễ tại nhà thờ, linh mục Trần Thả thường nói về ý nghĩa nhân văn của công tác hiến máu tình nguyện và đề nghị các giáo dân tích cực tham gia. Vậy là bên cạnh “Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện” do Hội CTĐ thị trấn tổ chức, tại Nhà thờ Di Linh cũng đã thành lập một câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với sự tham gia của đông đảo giáo dân trong vùng, góp phần đưa Di Linh trở thành địa phương có phong trào hiến máu tình nguyện sôi nổi và hiệu quả nhất tỉnh Lâm Đồng.
Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam, chị Tâm và các hội viên Hội CTĐ thị trấn lại thêm bận rộn. Ngoài chăm lo công tác hội, duy trì bếp ăn tình thương, chị còn tranh thủ đi kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, người dân đóng góp nông sản, thực phẩm gửi tặng các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. “Không chỉ tiếp nhận hàng đóng góp của các mạnh thường quân, tôi và các hội viên còn xuống nhiều trang trại, nhà vườn xin rau, củ của doanh nghiệp, nông dân rồi tự thu hái, sơ chế, đóng gói. Cậu con trai lớn cũng theo mẹ phụ giúp. Từ tháng 3-2021 đến nay, chúng tôi đã thực hiện được 30 chuyến xe chở nông sản, nhu yếu phẩm, mỗi chuyến từ 3 đến 4 tấn hàng gửi tặng các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19”, chị Tâm chia sẻ.
Nỗ lực và đóng góp không mệt mỏi của chị Đinh Thị Tâm trong nhiều năm qua đã giúp Hội CTĐ thị trấn Di Linh trở thành “cánh chim đầu đàn” trong phong trào từ thiện, nhân đạo của huyện Di Linh nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung. Riêng bản thân chị được Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tặng danh hiệu cán bộ hội xuất sắc toàn quốc năm 2015, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND huyện Di Linh, UBND tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, khi nói về những thành tích bản thân, chị khiêm tốn nói: “Thành tích đầu tiên thuộc về tập thể hội, là kết quả của sự chung tay, góp sức của cán bộ, hội viên. Đóng góp của tôi chỉ là nhỏ bé, nếu không có tập thể thì dẫu ý tưởng có hay, sáng tạo đến mấy cũng khó thành công. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi luôn biết ơn cán bộ hội cấp trên và những người tiền nhiệm bởi chính họ là tấm gương đã động viên, "mở đường" cho tôi trong quá trình công tác”. Chia sẻ về chị Đinh Thị Tâm, ông Đỗ Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Chị Đinh Thị Tâm là một cán bộ mẫu mực và sáng tạo. Những đóng góp của chị không chỉ khẳng định uy tín cá nhân mà còn là tấm gương đối với cán bộ, hội viên đang hoạt động trong phong trào CTĐ của địa phương, nhất là về tinh thần lạc quan, vượt khó, toàn tâm, toàn ý, hết mình vì công tác hội, vì cộng đồng”.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG