Từ chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam

Từng trải qua nhiều vị trí như: Trưởng ban Khoa học công nghệ Hội Tin học Việt Nam, Trưởng tiểu ban mạng của Chương trình quốc gia về CNTT, thủ lĩnh tin học đầu tiên của Tập đoàn FPT... nhưng TS Nguyễn Chí Công luôn khiêm nhường nói: “Tôi đơn giản chỉ là một người đam mê nghiên cứu khoa học công nghệ”. Năm 1995, trong vai trò là Trưởng tiểu ban mạng của Chương trình quốc gia về CNTT, ông là một trong những người đỡ đầu đắc lực đưa internet vào Việt Nam năm 1997 và ứng dụng thành công công nghệ mạng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống.

Trong căn nhà số 89, ngõ 41, phố Đông Tác (quận Đống Đa, TP Hà Nội), TS Nguyễn Chí Công dẫn chúng tôi tham quan bảo tàng đặt tại tầng 1 trong nhà riêng của mình. Bước sang tuổi 72, giọng nói ông vẫn sang sảng và đầy hứng khởi trong suốt cuộc trò chuyện dài hai tiếng đồng hồ. Ông khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi kể về lịch sử phát triển nền CNTT nước nhà cũng như những câu chuyện xoay quanh các hiện vật đang được trưng bày. 

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Chí Công giới thiệu về hiện vật trưng bày tại bảo tàng tới khách tham quan. 

TS Nguyễn Chí Công nhớ lại về quãng thời gian theo đuổi công việc: “Tôi nghĩ rằng mình có duyên với nghề nên mỗi dấu mốc trong sự nghiệp đều có những thuận lợi đến rất tự nhiên. Tốt nghiệp trung học, tôi được cử sang Tiệp Khắc (cộng hòa Séc) du học. Khi đó, bộ môn máy tính rất mới nên tôi đăng ký học và gắn bó với CNTT đến tận bây giờ”. Sau khi về nước, ông có cơ hội tiếp xúc với hai dòng máy tính do Liên Xô và Mỹ sản xuất và học hỏi được công nghệ vi xử lý nhờ sự giúp đỡ của một thầy giáo người Pháp làm việc tại Việt Nam.

Năm 1976, với vốn ngoại ngữ và những kiến thức đúc rút trong suốt thời gian du học cùng khát khao chinh phục của tuổi trẻ, TS Nguyễn Chí Công và những cộng sự tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chế tạo thành công chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam và châu Á mang tên VT80. Đặc biệt, thời gian hoàn thiện chiếc máy tính chỉ vỏn vẹn trong vòng hai tháng (từ tháng 12-1976 đến 1-1977). Sự kiện này đánh dấu Việt Nam trở thành nước thứ 3, chỉ sau hai cường quốc là Pháp và Mỹ chế tạo thành công máy vi tính lần lượt vào năm 1973 và 1975. Chiếc máy vi tính đầu tiên sử dụng chip Intel 8080A, vì vậy có tên là VT80. Nói đến đây, vị tiến sĩ già cười: “Ngày đó chúng tôi toàn là người trẻ, không có vai vế trong xã hội, nhiều người không bao giờ tin thời đó có thể làm được chiếc máy tính, cứ nói ra là bảo chúng tôi mơ mộng. Nhờ máy tính đó, CNTT Việt Nam có những bước đi không phải lý thuyết suông nữa mà là thực tế”. Từ thành công này, ông và các đồng nghiệp có thêm động lực viết những phần mềm, hệ điều hành và các chương trình ứng dụng đầu tiên của người Việt. Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, việc nghiên cứu và sản xuất bị dừng lại.

Đến bảo tàng về công nghệ thông tin

Năm 1978, TS Nguyễn Chí Công có cơ hội làm việc trong một công ty điện lực uy tín tại Pháp. Nơi đây có phòng thí nghiệm hiện đại với những điều kiện vật chất tốt gấp nhiều lần so với trong nước. Trong thời gian ấy, thay vì mua những thiết bị, linh kiện nước ngoài mang về nước bán lại làm giàu, ông chỉ gom góp xách về một va li đầy tài liệu và linh kiện điện tử để góp phần vào việc nghiên cứu ứng dụng. Cũng nhờ đó, khi về hưu, ông sở hữu một bộ sưu tập khá đồ sộ.

Khi được hỏi rằng, tại sao ông không lựa chọn sinh sống tại nước ngoài khi có nhiều điều kiện tốt đến vậy, vị tiến sĩ thẳng thắn chia sẻ: “Ở thế hệ của tôi, ít người được ra nước ngoài học tập và làm việc. Tôi nghĩ rằng, mình mang dòng máu người Việt, mình phải có trách nhiệm để nền CNTT nước nhà đi lên. Tôi sinh ra trong một gia đình có văn hoá, tôi cũng muốn con cháu mình sau này hiểu rằng, dù là ai, đi đâu, làm gì thì cũng phải cống hiến cho quê hương, đất nước”.

Xuất thân trong một gia đình gia giáo truyền thống tại đất Thăng Long, vị tiến sĩ yêu quý những gì thuộc về lịch sử, văn hoá dân tộc. Do vậy, suốt quá trình công tác trong và ngoài nước, ông có thói quen lưu giữ, sưu tầm những thiết bị, linh kiện điện tử. Ông cũng cho biết rằng, bản thân ông đi đâu cũng vào các bảo tàng, ông ấp ủ muốn có một bảo tàng về CNTT. Chính vì vậy, vào những năm 1980, căn phòng nhỏ của vợ chồng TS Nguyễn Chí Công đã chật cứng linh kiện, thiết bị. 

 Mãi đến khi căn nhà 4 tầng được xây dựng, nhận được sự ủng hộ của vợ, ông quyết định thiết kế căn phòng khách tầng 1 thành nơi trưng bày hiện vật. Sau khi đăng tải lên mạng xã hội về ý tưởng của mình, ông nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cộng đồng tin học. 

Nhờ tâm huyết của TS Nguyễn Chí Công cùng sự góp sức của các chuyên gia, người yêu công nghệ trong và ngoài nước, bảo tàng CNTT tư nhân đầu tiên chính thức ra mắt ngày 27-1-2020. Tuy thành lập trong thời gian ngắn nhưng đây là địa điểm thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu công nghệ Việt Nam.

Trong số gần 1.000 hiện vật mà ông đang lưu giữ, bảo tàng trưng bày khoảng 300 hiện vật khái quát lịch sử hình thành và phát triển của ngành CNTT thế giới và Việt Nam. Đối với TS Nguyễn Chí Công, bảo tàng không chỉ lưu lại dấu ấn phát triển của một thời kỳ mà còn có nhiệm vụ chính là truyền “lửa” tới thế hệ sau. Ông mong muốn có thể bắc nhịp cầu cho lớp trẻ làm rạng danh đất nước bằng sự nghiệp CNTT, ghi tên Việt Nam lên bản đồ CNTT thế giới. Ông luôn đặt niềm tin và hy vọng vào lớp trẻ, tin rằng họ sẽ thực hiện được ước mơ công nghiệp hóa CNTT mà thế hệ ông còn dang dở.

Chỉ vào tủ trưng bày đặt giữa phòng, ông nói: "Tủ này tuy nhỏ nhưng chứa hàng trăm hiện vật, được chia làm 3 nhóm phần cứng, phần mềm và mạng. Phần cứng trưng bày "bộ não" của máy tính là chip điện tử. Trong số này có những con chip của những năm 1970 của thế kỷ trước, cùng loại với các con chip được sử dụng để tạo nên những chiếc máy tính đầu tiên".  

Trong bảo tàng, TS Nguyễn Chí Công xây dựng hai lược đồ song song về CNTT thế giới (từ trước công nguyên đến năm 1995) và Việt Nam (từ năm 1960 đến 2000). Tiến sĩ giải thích: "Lược đồ đặt song song để những người đến tham quan thấy được Việt Nam đã có đóng góp gì và có mặt trong giai đoạn nào của dòng chảy CNTT thế giới. Đây cũng là những minh chứng về sự nắm bắt thông tin rất sớm của người Việt để thế hệ trẻ thêm tự hào về lịch sử của chính chúng ta và thay đổi thói quen sùng ngoại”.

Khi tôi hỏi về dàn máy tính được trưng bày bên khu hiện vật thế giới, ông hào hứng cho biết: "Những chiếc máy này gọi là máy tính Macintosh sản xuất vào những năm 1984, 1986, 1988 của hãng Apple. Dòng Mac này thay giao diện chữ bằng giao diện đồ họa, thay giao diện bàn phím bằng giao diện con chuột. Ngày xưa, mỗi dàn máy tính đồ hoạ cao cấp này có giá trị gần bằng chiếc ô tô”.

Trong số những hiện vật tại đây, có những thiết bị, linh kiện được sử dụng để tạo nên những bước ngoặt lớn tại Việt Nam như: Xây dựng mạng hay ứng dụng công nghệ chế bản điện tử vào in ấn, xuất bản. Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày nhiều cuốn sách tin học, tài liệu giáo dục quý có tuổi đời khá lâu như: Kỹ thuật vi xử lý xuất bản năm 1983, Tin học phổ thông xuất bản năm 1990... Mỗi kỷ vật đều là minh chứng cho thời kỳ lịch sử đầy sống động của Việt Nam cũng như quốc tế. Những con người có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực CNTT như: GS Tạ Quang Bửu, GS Phan Đình Diệu, GS Vũ Đình Cự... cũng được vinh danh tại bảo tàng để những người ghé thăm có thêm hiểu biết và không quên những người đặt nền móng với ngành CNTT.

Không chỉ phục vụ du khách tham quan, bảo tàng còn là nơi diễn ra các buổi seminar (hội thảo, nghiên cứu chuyên đề) về tin học, lịch sử để những người chung sở thích có thể giao lưu và chia sẻ. 

Vị tiến sĩ 72 tuổi hiện vẫn ấp ủ mở rộng bảo tàng trong thời gian tới để tiếp tục trưng bày hàng nghìn phần cứng, phần mềm, tài liệu, tranh ảnh... đang được ông bảo quản. Những nỗ lực của cá nhân TS Nguyễn Chí Công trong việc lưu trữ, giữ gìn hàng nghìn hiện vật là điều rất đáng được trân trọng.

Kết thúc buổi trò chuyện, vị giám đốc kiêm nhân viên bảo tàng CNTT tư nhân đầu tiên vẫn chia sẻ với chúng tôi bằng sự nhiệt huyết: “Tôi sẽ mô hình hóa 3D toàn diện tất cả hiện vật trong bảo tàng để mọi người có thể tham quan bảo tàng trực tuyến trên internet. Bảo tàng của tôi không thu phí người tham quan, khách có nhu cầu tham quan liên hệ trước và tôi sẽ sẵn sàng đón tiếp, sẵn sàng thuyết trình về lịch sử CNTT Việt Nam”. 

Bài và ảnh: VŨ MY