Người góp công đầu cho sự ra đời, đồng thời trực tiếp chỉ đạo triển khai mô hình trên là Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Lâm trường 156.
Ứng tiền lương để mua cây giống
Trình Tường là khu giãn dân nằm giáp biên giới gồm 15 hộ gia đình với 72 nhân khẩu người dân tộc Dao sinh sống. Trình độ dân trí còn hạn chế, khu dân cư lại nằm trên núi nên việc triển khai các chủ trương, chính sách giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Trước đây, thu nhập chủ yếu của đồng bào dựa vào việc đi rừng. Đến thời điểm năm 2019, cơ bản các hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, nhiều nếp sinh hoạt cùng hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại.
Nhớ lại thời điểm cuối năm 2019, khi mới về nhận công tác tại Lâm trường 156, lên Trình Tường để nắm tình hình địa bàn, Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: “Lúc đó tôi và một số cán bộ trong đơn vị vào Trình Tường thăm bà con nhưng người dân ở đây không quen tiếp xúc với người lạ nên chỉ đứng trong nhà nhìn ra. Đi thăm một số gia đình trong khu dân cư, tôi xót xa khi thấy các cháu nhỏ tầm tuổi con mình đang phải ăn cháo trắng độn với măng rừng. Hỏi một số anh em trong đơn vị thì được biết, do cuộc sống nghèo đói nên đây là món ăn phổ biến của đồng bào”.
 |
Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng (thứ hai từ trái sang) cùng cán bộ, nhân viên Lâm trường 156 hướng dẫn bà con Trình Tường cách chăm sóc cây mận, tháng 5-2021. |
Sau lần tới Trình Tường, hình ảnh các cháu nhỏ ngồi quanh nồi cháo độn măng thôi thúc Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng phải nghĩ cách để giúp bà con thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, đây là bài toán khó khiến anh nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ.
Những ngày sau đó, anh thường xuyên lên Trình Tường, vừa để tìm hiểu về cuộc sống của bà con, đồng thời cũng là đi tìm lời giải cho bài toán khó. Để tạo thiện cảm với người dân, mỗi lần đến Trình Tường, Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng đều mang theo gạo, muối chia cho các hộ gia đình và mua bánh kẹo cho các cháu nhỏ. Thấy anh bộ đội dễ gần, thường xuyên giúp đỡ đồng bào nên người dân trong khu dân cư cũng dần cảm mến và tiếp chuyện anh.
Bước đầu lấy được lòng tin của người dân, tuy nhiên làm thế nào để giúp bà con Trình Tường thoát nghèo thì vẫn chưa có hướng giải quyết. Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng đã liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương để cùng tìm giải pháp. Sau nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, khảo sát thực tế, anh Hoàng và các đồng chí lãnh đạo địa phương thống nhất xây dựng mô hình “Khu dân cư biên giới điển hình” tại Trình Tường.
Đầu năm 2020, mô hình được Lâm trường 156 phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Liêu và UBND xã Hoành Mô bắt đầu triển khai. Trong đó, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 156 là lực lượng chính tham gia thực hiện mô hình, do Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng trực tiếp chỉ đạo. Trình Tường nằm trên núi cao, độ dốc lớn, vì vậy, lâm trường phải thuê máy xúc, máy ủi lên san mặt bằng, cải tạo đất. Để mô hình triển khai không bị gián đoạn, Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng chủ động ứng tiền lương của mình ra mua cây giống cho bà con.
Nhờ đó, chỉ sau 3 tháng triển khai mô hình đã có hơn 1.000 gốc mận được trồng. Giải thích lý do chọn cây mận để trồng, Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Chăn nuôi cần có kỹ thuật chăm sóc và số vốn lớn. Mặt khác, Trình Tường quanh năm mây mù, khí hậu ẩm ướt, mùa đông rất lạnh khiến rủi ro vật nuôi bị chết khá cao nên chúng tôi quyết định giúp bà con trồng cây ăn quả. Nhiều lần lên khu dân cư khảo sát tôi thấy một hộ gia đình trồng cây mận phát triển tốt, mỗi năm bán được hơn 2 triệu đồng tiền quả nên nghĩ đến hướng trồng cây mận. Ngoài ra, tôi đề nghị bà con trồng thử nghiệm thêm một số giống cây khác như hồng, mít. Thực tế đến nay chỉ có vườn mận thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng núi cao này”.
Một trong những khó khăn khi triển khai thực hiện mô hình là nguồn kinh phí hạn hẹp nên Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng đã trực tiếp vận động các nhà hảo tâm, đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn chung tay thực hiện. Hiện nay, đã có 15 đầu mối cơ quan, đơn vị cam kết tham gia giúp đỡ về kinh phí và nhân lực. Điều đó góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả thực hiện mô hình.
Vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Người dân Trình Tường chủ yếu sống nhờ đi rừng, không có kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt, do đó toàn bộ việc đào hố, trồng cây, chăm sóc ban đầu đều do Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng và cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 156 thực hiện. Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Trước đây cũng có một số tổ chức, nhà hảo tâm đến Trình Tường tặng gạo cho người dân nhưng chỉ giúp bà con đỡ đói được vài ngày. Hết gạo, bà con lại lên rừng kiếm sống khiến cái đói, cái nghèo cứ bám riết từ năm này qua năm khác. Để có thể thoát nghèo đòi hỏi bà con phải nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Vì vậy, những đợt trồng cây sau chúng tôi vận động bà con tham gia làm cùng bộ đội”.
Do người dân Trình Tường hằng ngày phải lên rừng lo cái ăn khiến việc vận động bà con ở nhà trồng cây gặp rất nhiều khó khăn. Anh Hoàng bàn với anh em trong đơn vị sẽ bảo đảm lương thực, thực phẩm cho những ai tham gia trồng cây cùng bộ đội. Cách làm này đã thực sự mang lại hiệu quả, sau này, chỉ cần Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng thông báo kế hoạch trồng cây là bà con tự giác ở nhà.
Nhiều lần làm cùng bộ đội giúp người dân dần nắm được kỹ thuật chăm sóc cây nên anh Hoàng bàn giao vườn mận cho từng hộ gia đình quản lý. Hằng tháng, anh và cán bộ, nhân viên lâm trường lên kiểm tra, hướng dẫn bà con cách tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh. Ông Chìu Tắc Dảu-một hộ dân ở khu dân cư Trình Tường, chia sẻ: “Gia đình tôi có khoảng 350 gốc mận. Nhờ bộ đội hướng dẫn cách chăm sóc nên cây mận phát triển tốt. Vừa rồi một số cây đã bắt đầu cho quả. Bà con trong khu dân cư ai cũng yêu quý và biết ơn bộ đội Hoàng”.
Sau gần hai năm triển khai mô hình, những bụi cây dại trên các sườn đồi ở Trình Tường đang dần được thay thế bằng vườn mận xanh tốt. Đến nay đã có khoảng 4.000 cây mận được trồng, trong đó hơn 1.000 cây trồng đợt đầu sẽ cho thu hoạch vào thời gian tới.
Tuy nhiên, Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng khẳng định, thành công nhất của mô hình là tư duy về sản xuất của người dân Trình Tường đang dần thay đổi. Các hộ gia đình giờ đây đã biết trồng, chăm sóc vườn mận nhà mình thay vì hằng ngày vác dao lên rừng tìm măng, đốn củi bán như trước.
Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ về dự định mà mình đang ấp ủ: “Với lợi thế nằm ngay dốc Cổng Trời, nơi các "phượt thủ" thường xuyên đi qua nên chúng tôi muốn giúp Trình Tường trở thành một điểm dừng chân cho du khách. Đáng mừng là vừa rồi, một số cây mận bắt đầu cho quả, ăn rất ngọt và giòn nên chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu “Mận Trình Tường”, đồng thời liên hệ với một số siêu thị để thu mua quả mận cho người dân trong những vụ tới”.
Trồng mận mất vài năm mới cho thu hoạch nên Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng chỉ đạo cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện hướng dẫn, giúp đỡ các gia đình làm giàn trồng su su, bí xanh, mướp xen vụ. Ngoài ra, tận dụng những khoảnh đất tốt quanh nhà, anh Hoàng hướng dẫn bà con trồng thêm một số loại cây ngắn ngày như ngô, khoai lang, đậu tương... Do vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, nhà ai cũng có vườn rau xanh, bổ sung vào bữa ăn hằng ngày.
Ngoài giúp bà con trồng cây, Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng còn thường xuyên cử các tổ, đội công tác lên Trình Tường thăm hỏi, tham gia giúp bà con làm đường giao thông, sửa nhà, trường học; phối hợp với già làng tuyên truyền những quy định về quản lý biên giới, các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm; hướng dẫn cách sắp đặt đồ đạc trong nhà, ăn ở hợp vệ sinh...
Đánh giá cao những đóng góp của bộ đội lâm trường nói chung và cá nhân Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng nói riêng, ông Hoàng Xuân Tân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoành Mô khẳng định: “Nhờ có Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng và bộ đội lâm trường giúp đỡ nên bà con Trình Tường dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Điều đó góp phần quan trọng giúp bà con từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, yên tâm bám biên, bám bản”.
Vẫn còn cần thêm thời gian để chứng minh hiệu quả của mô hình trên, tuy nhiên, nhìn vào những kết quả ban đầu cùng với tâm huyết của Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng cùng tập thể Lâm trường 156 dành cho Trình Tường, hy vọng trong thời gian không xa, người dân Trình Tường sẽ thoát khỏi đói nghèo, sớm có được cuộc sống ấm no, góp phần bảo vệ vững chắc phên giậu biên cương phía Đông Bắc Tổ quốc...
Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG