Thế nhưng, nhờ sự giúp đỡ kịp thời, chí tình của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, đất nước Chùa tháp đã hồi sinh từ "cánh đồng chết". Để làm được điều cao cả ấy, bao người con đất Việt đã nằm lại trên mảnh đất này. Và thế hệ hôm nay không quản khó khăn đi tìm đồng đội, trong đó có Đội K90 thuộc Cục Chính trị Quân khu 9.

Vượt qua khó khăn

Đại tá Trần Chánh Nghĩa, Đội trưởng Đội K90 đầu tiên nhớ mãi ngày 23-11-2000, vì đó là ngày Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập đơn vị, với nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ (HCLS) Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia. "Đây là công việc mới mẻ, khác nhiều so với ôm súng huấn luyện, học tập các bài kỹ thuật, chiến thuật hay điều lệnh đội ngũ. Vì vậy, mọi thứ chúng tôi đều phải học, từ tìm hiểu ngôn ngữ, phong tục, tập quán người dân nước bạn đến rà soát, thu thập thông tin mộ liệt sĩ, phán đoán vị trí đào tìm.

Lúc đó, doanh trại đơn vị chưa xây dựng xong, xung quanh toàn vườn cây với rừng núi; nơi ở, sinh hoạt thiếu thốn, đi lại khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị điều về không ai biết địa bàn Campuchia như thế nào. Bản thân tôi có thời gian chiến đấu ở Campuchia, nhưng phần lớn ở cảng Kampong Som, trong khi đơn vị phụ trách tìm HCLS ở tỉnh Kan Dal", ông Nghĩa nhớ lại.

Cán bộ, chiến sĩ về đội thực hiện nhiệm vụ được biên chế thành 3 phân đội và 1 bộ phận binh chủng, 1 bộ phận phục vụ; đồng thời, thành lập Chi bộ cơ sở với gần 20 đảng viên. Đại tá Trần Chánh Nghĩa kể:

"Để bảo đảm cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy đội dành nhiều thời gian giáo dục cán bộ, chiến sĩ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc; nắm chắc Hiệp định "Tìm kiếm, cất bốc, hồi hương HCLS Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia" do Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia ký kết. Ban Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu thường xuyên đến thăm hỏi, động viên anh em đoàn kết vượt qua khó khăn để tìm kiếm hài cốt đồng đội đưa về đất mẹ".

Cán bộ, nhân viên Đội K90 tìm hài cốt liệt sĩ trong lòng đất, tại tỉnh Kandal, Campuchia (ảnh chụp năm 2018). Ảnh: CAO MINH DẸT 

Xã Sampeou Poun, huyện Koh Thum, tỉnh Kan Dal là điểm đến đầu tiên trong quá trình đội làm nhiệm vụ. Nơi đây hoang hóa, đường sá chỉ là những lối mòn do người dân tự mở để đi lại, vận chuyển lúa.

Những căn lều tạm nhanh chóng dựng lên giữa rừng núi với khí hậu khắc nghiệt: Mùa nắng đất đai nứt nẻ; mùa mưa sình lầy, trơn trượt. "Đây là địa bàn đồng chí Bùi Văn Huấn, Phó tư lệnh Chính trị Quân khu (sau này là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) từng hoạt động nên rất thông thạo. Đồng chí dẫn anh em sang huyện Koh Thum, ngủ lều với anh em để động viên, chia sẻ khó khăn. Trong lần đầu tiên đó, đã tìm được 16 HCLS, anh em rất mừng", Đại tá Trần Chánh Nghĩa nhớ lại.

Từ đó, cứ mỗi năm hai đợt với 8 tháng mùa khô, từ tháng 10 năm trước đến tháng 7 năm sau, cán bộ, chiến sĩ Đội K90 rời khóm Núi Đất, thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) lên đường sang Campuchia thực hiện nhiệm vụ.

Hơn 20 năm tìm kiếm HCLS, các anh luôn phải đối mặt với gian nan, vất vả ở sâu trong những cánh rừng, những ngọn núi thậm chí chưa từng in dấu chân người. Có những nơi từng xảy ra chiến sự ác liệt những năm 1970-1971, rừng già, xa khu dân cư, không có nước sinh hoạt, khí hậu ẩm thấp, ngột ngạt, rất dễ nhiễm bệnh, nhất là sốt rét.

Thắp lên niềm hy vọng

Có lẽ, chỉ những quân nhân ở các đội chuyên trách mới không thực hiện chế độ báo thức lúc 5 giờ sáng. Bởi do tính chất công việc nên với các anh, khái niệm thời gian đã không còn ràng buộc như quy định, việc đi sớm về trễ thường xuyên diễn ra khi làm nhiệm vụ ở Campuchia và mặc nhiên trở thành thói quen như vốn đã vậy.

Thượng úy Nguyễn Thanh Hiền, nhân viên Phân đội 1 kể: "Hằng ngày, chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, chuẩn bị mọi thứ để 5 giờ hành quân đến chỗ làm là gần 8 giờ. Buổi trưa, đơn vị mang cơm ra, nhưng do đường xa nên có khi 14 giờ mới ăn cơm, 17 giờ về nơi đóng quân, 20 giờ ăn cơm chiều. Đôi lúc mệt ăn không nổi, nhưng anh em luôn cố gắng để lấy sức hôm sau làm tiếp".

Rõ ràng, khi người lính nhận nhiệm vụ thì những việc khác cũng phải đơn giản hóa, nhất là trong điều kiện ở xa quê mẹ, xa Tổ quốc. Hơn ai hết, chỉ có các anh mới thấu cảm nỗi chờ mong đau đáu của người thân liệt sĩ, để các anh gửi niềm tin vào mỗi nhát cuốc đào xới đất đai cỗi cằn, để nuôi hy vọng đất sẽ đổi màu và tơi xốp hơn.

Nếu mùa mưa, đào một hố rộng 60cm, dài 150cm mất 30 phút; còn mùa khô, đào từ một đến hai giờ mới xong. Một lớp đất, hai lớp đất, 3 lớp đất... Một hố, hai hố, 3 hố sâu quá đầu người... Cán leng, cán cuốc gãy, da tay phồng rộp. Ngày qua ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật vẫn đều đặn như vậy. Trong mỗi giai đoạn, trung bình các anh đào đắp hơn 70.000m3 đất đá ở hơn 100 vị trí khác nhau.

Nghĩa là mỗi nhân viên một ngày phải xử lý hơn hai khối đất đá. Thượng úy Nguyễn Minh Hòa, Phó phân đội trưởng Phân đội 3 chia sẻ: "Do địa hình đồi núi nhiều nên trong đất xen lẫn những lớp đá rất cứng. Có chỗ, chúng tôi đào 25 ngày vẫn chưa tìm thấy. Ngày 26 thì phát hiện HCLS, cả đơn vị từ chỉ huy đến nhân viên đều xúc động, có anh em rơi nước mắt. Đó là kết quả ngọt ngào sau nhiều nỗ lực không biết mệt mỏi".

Mỗi thông tin đều có giá trị, nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác. Đã nửa thế kỷ trôi qua, thậm chí hơn một đời người thì sự nhiễu loạn là điều không tránh khỏi, thời gian cũng phủ lên địa hình, địa vật nét tươi mới khác lạ. Dẫu vậy, các anh đâu thể bỏ qua, cho dù thông tin ấy khá mơ hồ. Lại đi xác minh, lại nuôi hy vọng và mồ hôi tiếp tục đổ xuống những vùng đất chưa quen thuộc.

Trong những chuyến thực hiện nhiệm vụ, Đội K90 luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của lực lượng Quân đội Hoàng gia Campuchia, sự chỉ dẫn tận tình của người dân Campuchia. Bởi họ luôn nhớ đến công lao to lớn của "Đội quân nhà Phật" đã cứu dân tộc mình thoát khỏi thảm hoạ diệt chủng Pol Pot, giúp đất nước Campuchia hồi sinh.

Để có được sự hỗ trợ tích cực của quân đội và người dân Campuchia, trong các đợt tìm kiếm HCLS, công tác vận động quần chúng luôn được Đội K90 xem là một trong những nhân tố quyết định. "Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng bạn" được hình thành từ trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot, nay tiếp tục được phát huy, góp phần tô thắm tình đoàn kết, hữu nghị láng giềng giữa hai nước, hai dân tộc.

Thiếu tướng Thon Thươn, Chỉ huy trưởng Tiểu khu Kampong Chhnang cho biết: "Thời gian qua, giữa Đội K90 và chính quyền tỉnh Kampong Chhnang phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương HCLS Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam rất chặt chẽ. Chúng tôi xem bộ đội Việt Nam như anh em ruột thịt của mình. Với người dân, giờ suy nghĩ của bà con thay đổi lắm, họ yêu mến đất nước Việt Nam, nếu ai có ý muốn chống phá Việt Nam thì họ phản đối lắm, họ không nghe theo đâu".

Hơn 20 năm qua, Đội K90 đã tổ chức khảo sát ở hơn 1.600 lượt ấp, 213 lượt xã, 19 huyện của tỉnh Kan Dal, Kampong Chhnang, Kongpong Speu.

Đội tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương được 1.844 HCLS; trong đó có 124 HCLS xác định được danh tính. Một khó khăn các anh luôn đối diện là tuy đã nhiều lần sang Campuchia nhưng để trao đổi bằng ngôn ngữ địa phương là điều không dễ, trừ một số đồng chí phiên dịch. Bởi nơi các anh đóng quân thường xa trung tâm phum, sóc, thậm chí biệt lập trong một cách rừng hay ngọn núi nào đó. Và những lần "nói chuyện mỏi tay" giúp các anh giảm bớt mệt mỏi sau những buổi đào tìm vất vả. Trong mỗi đợt sang Campuchia, đơn vị phân công "tổ tam tam", hằng ngày tổ chức bình xét một đồng chí tích cực, sau đó đến tuần, tháng và cả giai đoạn.

Đây là cơ sở để khen thưởng, giải quyết phép hay tranh thủ. Đó là điều các anh đã và đang làm, dẫu không thể bù đắp công sức nhưng ít ra cũng động viên tinh thần cho nhau để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này.

Dựa trên sơ đồ mộ chí, danh sách trên cung cấp và qua khảo sát, các anh lặng lẽ sang đất nước Chùa tháp tìm kiếm hài cốt đồng đội. Dẫu biết rằng, nhiệm vụ này càng về sau càng gian nan hơn do tài liệu thất lạc, nhân chứng già yếu, nhiều người đã mất, địa hình thay đổi cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Có thể nói, thời gian và những biến động của lịch sử đã xóa nhòa hầu hết những dấu vết xưa, song các anh vẫn không nản lòng, vẫn luôn nỗ lực dù chỉ vài thông tin ít ỏi. Thượng tá Nguyễn Trung Chánh, Chính trị viên Đội K90 cho biết: "Dựa vào thông tin ban đầu, chúng tôi đào nhiều điểm, nhưng tỷ lệ tìm được HCLS chỉ có 1-2%. Tuy nhiên, Đảng ủy luôn quán triệt cán bộ, chiến sĩ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đội K90 tạm dừng các hoạt động trên đất bạn, chuyển trọng tâm phối hợp với các địa phương tìm kiếm, quy tập HCLS trên địa bàn quân khu.

Dẫu vậy, đơn vị vẫn duy trì học tiếng Campuchia và rà soát, thu thập thông tin HCLS thông qua các cơ quan chức năng trong quân đội, chính quyền địa phương, hội cựu chiến binh ở Việt Nam; từ phum, sóc, nhà chùa và các hộ dân, chủ đất cũng như phối hợp chặt chẽ với lực lượng của bạn, nhất là những người sống trong thời kỳ chiến tranh ở Campuchia. Gần đây, chúng tôi thành lập nhóm Facebook "Đồng đội" để tiếp nhận thông tin, làm cơ sở xây dựng kế hoạch khảo sát và tìm kiếm hiệu quả hơn".

Nhiệm vụ tìm kiếm trong lòng đất là công việc cực kỳ nặng nhọc, chủ yếu dùng sức người là chính, thông qua lao động chân tay nên tốn nhiều công sức là chuyện đương nhiên. Nhưng bằng trách nhiệm và tấm lòng của thế hệ sau với người đi trước, mọi phức tạp đều trở thành đơn giản, cho dù có vắt kiệt mồ hôi, cạn dần sức lực, mong manh hy vọng. Hơn thế nữa, đó còn là tình đồng đội, là nghĩa đồng bào, để mỗi HCLS được đưa về an táng trong lòng đất mẹ, giảm bớt nỗi xót xa của các anh, nhân lên niềm vui mừng, thắp sáng hy vọng của người thân các liệt sĩ.

HỒ KIÊN GIANG