Biên giới sáng niềm vui mới
Trước đây, nếu hỏi người Khùa ở Dân Hóa sợ gì nhất, câu trả lời là “bóng tối”. Khi còn sống trong rừng sâu, trong đêm tối người ta sợ có nhiều thú dữ và mang nỗi mơ hồ về việc “trong bóng tối có con ma đi theo khiến mình ốm đau, bệnh tật”, bởi vậy mà khi mặt trời khuất sau dãy Giăng Màn, người dân rất ít khi ra khỏi nhà. Thế nhưng câu chuyện “bóng tối” đã thành dĩ vãng. Nhiều năm liền, Đồn BPCKQT Cha Lo nỗ lực cùng chính quyền địa phương giúp người người dân phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, từ đó bài trừ các hủ tục lạc hậu. Cũng lại là những người lính Biên phòng xây dựng các công trình “Ánh sáng vùng biên” để trên khắp đường đi, lối lại của các bản làng biên giới được chiếu sáng suốt đêm. Giờ đây, vào buổi tối, người ta dễ dàng bắt gặp thanh niên nam nữ, trẻ con đứng trò chuyện dưới những cột đèn chiếu sáng trên các đường đi trong bản, vui chơi, người già gặp gỡ và cùng nhau ôn lại những thay đổi ở mảnh đất biên cương này.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo thi công công trình “Ánh sáng vùng biên” ở bản Ba Loóc. |
Trưởng bản Ka Ai, ông Cao Xuân Xiêm cho biết: “Những năm chiến tranh, cuộc sống khổ cực lắm, người dân cứ phải trốn trong rừng sâu, nào bom đạn, đói rét, bệnh tật triền miên, bởi vậy mà nhìn cuộc sống hiện tại mà cứ nghĩ mình mơ. Cánh đồng lúa nước 2 vụ rộng 5ha ở Ka Ai này là do các anh Biên phòng khai hoang, cải tạo và “cầm tay chỉ việc” để giải quyết bài toán lương thực cho bà con. Những hạt thóc nghĩa tình ấy đã giúp bà con người Khùa rút ngắn đi rất nhiều thời gian đói trong năm. Bản Ka Ai cũng có trường mầm non, điểm trường tiểu học khang trang sạch sẽ”. Tháng 3-2020, Đồn BPCKQT Cha Lo vận động Công ty TNHH 4D Quảng Bình tài trợ 100 triệu đồng để lắp đường điện với cột bằng thép, bóng đèn lớn dài hơn 2km từ đường 12 vào đến cuối bản Ka Ai. Từ ấy, mỗi khi đêm xuống, điện sáng soi rõ đường đi lối lại trong bản. Tối ấy, ngồi trong nhà trò chuyện với trưởng bản Cao Xuân Xiêm, tôi nhìn ra phía ngoài, thấy những đứa trẻ đang chơi trò đuổi bắt dưới những bóng điện sáng rực. Tiếng cười đùa lảnh lót trong đêm rực sáng ở bản nhỏ biên giới mang lại cảm xúc thật khó tả.
 |
Người dân ở bản Ka Ai vui chơi dưới ánh điện của công trình “Ánh sáng vùng biên”. |
Thượng tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng Đồn BPCKQT Cha Lo chia sẻ câu chuyện của những người lính trên cổng trời với giọng dí dỏm: “Mùa xuân năm 1972, nhạc sĩ Phạm Tuyên đến với những người lính Biên phòng ở cổng trời Cha Lo để viết nên giấc mơ có “những cánh đồng hợp tác”, “tiếng đánh vần bi bô” hay “những nhà máy khói bay”. Giờ đây, chúng tôi không chỉ đã hiện thực hóa mà còn làm vượt qua cả những điều người nhạc sĩ đã từng mơ cho mảnh đất biên cương này. Đó là thắp sáng những con đường dẫn về bản làng của người Khùa, người Sách. Tính đến tháng 3-2020, nhờ sự chung tay của nhiều tổ chức, đơn vị đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình “Ánh sáng vùng biên” tại 5 bản: Cha Lo, Ka Ai, Bãi Dinh, Ba Loóc và K-Vy, trị giá hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực kêu gọi các đơn vị, mạnh thường quân để một ngày không xa, các bản còn lại là Tà Rà, Hà Nôông, Tà Leng, K-Định, Ốốc cũng sẽ lần lượt được thắp sáng”. Theo Thượng tá Phan Thanh Bổng, công trình “Ánh sáng vùng biên” sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, vận động đồng bào biên giới sát cánh với Bộ đội Biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Chung tay “thắp sáng” vùng biên
Nhiều người ngạc nhiên vì ở tận miền biên viễn này mà những người lính Biên phòng lại kết nối được với Công ty TNHH phần mềm FPT và Trường Đại học FPT để ủng hộ cùng xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên”. Hóa ra, một số anh em trong đơn vị trước đây từng công tác tại Đồn Biên phòng Roòn, tham gia Đội bảo vệ mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên biết chị Trương Ngọc Anh là cháu ngoại của Đại tướng. Dù đã chuyển đơn vị nhưng mọi người vẫn liên lạc và chị Ngọc Anh luôn quý mến những người lính Biên phòng vì dù ở đâu, cương vị nào thì cũng luôn sống và nghĩ cho người khác.
 |
Các bản làng ở xã Dân Hóa lần lượt được “thắp sáng” nhờ công tình “Ánh sáng vùng biên” của Đồn BPCKQT Cha Lo. |
Biết Đồn BPCKQT Cha Lo có kế hoạch làm đường điện cho bà con ở bản Cha Lo, chị Trương Ngọc Anh đã vận động Công đoàn Công ty TNHH phần mềm FPT ủng hộ 30 triệu đồng. Sau này, chị Trương Ngọc Anh tiếp tục vận động tập thể giảng viên nơi mình đang công tác là Trường Đại học FPT đóng góp 20 triệu đồng để làm công trình “Ánh sáng vùng biên” cho người dân ở bản Ba Loóc. Từ Đường 12 Quyết Thắng vào bản Ba Loóc gần 4 cây số, là nơi sinh sống của 62 hộ/447 nhân khẩu dân tộc Khùa, những con dốc cứ như thách thức người đi đường. Ấy thế mà, dưới cái nắng bỏng rát mùa hè năm 2020, những người lính Biên phòng vẫn cần mẫn vác từng bao xi măng, cát, sỏi để làm đường điện. Trưởng bản Ba Loóc tên Hồ Xây, rất nhiệt tình và hiếu khách. Anh bảo: “Chúng tôi mừng lắm vì là bản xa xôi, khó khăn, nay được Đồn BPCKQT Cha Lo làm cho đường điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Bà con nhân dân ai cũng phấn khởi. Được quan tâm thế này, chúng tôi sẽ phải ý thức hơn nữa về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn công trình cũng như thực hiện nếp sống mới. Có ánh sáng thì phải suy nghĩ tiến bộ hơn”.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, từ Cha Lo, Ka Ai, Ba Loóc rồi đến Bãi Dinh, K-Vy cũng được Đồn BPCKQT Cha Lo xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên”. Ông Hồ Thoong (bản K-Vy) là con trai của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Phòm, nguyên là Phó đồn trưởng Đồn BPCKQT Cha Lo chia sẻ câu chuyện của mình: “Khi còn công tác, cha tôi đi suốt, một mình mẹ tôi tần tảo nuôi các con khôn lớn. Những lần hiếm hoi về nhà, ông động viên mẹ và chúng tôi phải cố gắng để ông đi phục vụ cách mạng, sau này hòa bình, đất nước thống nhất sẽ được hưởng hạnh phúc. Thật tiếc khi ông không đợi được đến ngày hôm nay, để thấy đồng đội đưa điện về chiếu sáng khắp trên quê hương mình". Còn ông Hồ Nôn (bản Y Leng), nguyên là cán bộ trinh sát của Đồn BPCKQT Cha Lo nói với giọng đầy tự hào: “Năm 1975, tôi bị thương khi làm nhiệm vụ truy lùng biệt kích trên đỉnh núi Giăng Màn. Ngày ấy, chúng tôi sẵn sàng hy sinh cũng vì mong muốn đất nước yên bình, để người Khùa chúng tôi có thể xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Giờ thấy Bộ đội Biên phòng làm được nhiều việc cho nhân dân, tôi thấy vui và tự hào lắm. Những hy sinh, vất vả của chúng tôi ngày xưa không vô nghĩa”.
Nghe những tâm sự của đồng bào lại càng thấy giá trị hơn việc người lính Biên phòng cứ ngày này qua tháng khác, cần mẫn, nỗ lực mang lại diện mạo mới cho mảnh đất biên cương này.
Bài, ảnh: THANH TRÚC