Gian nan “giữ lửa” làng nghề

Chiều nắng đổ, cả khu nhà xưởng lợp mái tôn thấp lè tè hầm hập nóng. Chị Nga cùng những người thợ của mình đứng bên những cuộn len sợi mà mồ hôi cứ rịn ra lấm tấm đầy trên gương mặt. Thấy cảnh ấy có phần ái ngại, chị thoáng chút bối rối, phân trần rằng: “Cơ sở vật chất của hợp tác xã thiếu thốn nên điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn. Chị em vẫn đùa vui với nhau đến xưởng là được xông hơi miễn phí. Thế nên mọi người động viên nhau gắng làm, bao vất vả cũng dần quên đi”. Mấy chục năm “chìm nổi” với nghề, có những lúc chị Nga tưởng chừng như bỏ hẳn. Nhưng cái nghề ấy nó vận vào người khiến chị không dứt ra được. Bởi vì “đã mang lấy cái thân tằm/không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ”.

Mảnh đất An Dương quê chị Nga có nghề đan móc tính ra cũng hàng trăm năm nay. Người già trong làng kể lại rằng, ngày trước những bà vợ quan Pháp rất thích các sản phẩm đan móc để trang trí trong biệt thự và họ đã hướng dẫn cho một số phụ nữ của làng. Vốn bản tính cần cù lại khéo léo thêu thùa, đan móc, các sản phẩm do người dân quê làm ra nhìn rất đẹp mắt, được lựa chọn đem về trời Tây. Thế rồi nghề đan sợi len từ Ấn Độ tiếp tục được du nhập vào Việt Nam. Những hoa văn họa tiết trang trí trong các gia đình quyền quý được người Việt “giải mã”, cải tiến thành nghề đan móc rồi phổ biến trong vùng. Nhà chị Nga có mấy thế hệ nối tiếp nhau làm nghề. Thế nên, tuổi ấu thơ, cô bé Nga đã sớm ngồi gỡ sợi, học đan tết len. Cái nghề khéo léo ấy được bà, được mẹ truyền dạy, trước để rèn nữ công gia chánh, đức tính cần cù, sau làm kế sinh nhai. 18 tuổi, chị vào Hợp tác xã thêu ren Trường Sơn. Những ngày đó chị lao động miệt mài hăng say. Sản phẩm làm ra xuất khẩu sang thị trường Liên Xô (trước đây) và các nước Đông Âu. Người thợ chỉ biết bỏ sức ra làm, cuộc sống tạm ổn. Tất cả nguyên liệu, thị trường tiêu thụ đã có Nhà nước lo.

Thế nhưng thời cuộc biến đổi, cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, thị trường không còn, hợp tác xã giải tán. Người thợ đan móc chỉ biết nhìn những cuộn len, sợi mà lòng rối như tơ vò. Mỗi người một phách tự làm rồi tự bán sản phẩm, cuộc sống vì thế cũng rẽ ngả như trăm mối đường tơ. Năm 1996, chị Nga mạnh dạn thành lập tổ đan móc. Chị tập hợp 10 chị em khuyết tật lại với nhau cùng làm nghề. Những ngày đầu khó khăn đủ bề, vốn thiếu, đi vay ở đâu cũng bảo lĩnh vực này rủi ro cao, không lấy gì bảo đảm. Chị phải thế chấp nhà đất để có nguồn vốn nhập nguyên liệu. Sản phẩm làm ra rồi, chị lăn lộn khắp nơi để giới thiệu, khi thì đến khu du lịch, lúc ở hội chợ làng nghề truyền thống. Ở đâu chị cũng cố gắng kết nối tìm nơi tiêu thụ để những sản phẩm đan móc làm ra không phải chất đống trong kho.

Muốn khẳng định uy tín sản phẩm thì yếu tố chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Chị vẫn nhắc mọi người rằng muốn khách yêu mến thì trước hết mình phải có trách nhiệm trong từng đường len, mũi sợi. Một sản phẩm lỗi không thể giành được sự tin tưởng của khách hàng. Cùng với làm ra các sản phẩm đan sợi truyền thống, chị không ngừng đổi mới từ hoa văn, họa tiết, màu sắc đến kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm nhằm phục vụ nhiều đối tượng khác nhau. Chẳng hạn ở nước ngoài hiện nay có xu hướng hạn chế dùng các sản phẩm trang trí có góc cạnh, đóng khung kính bởi khi bỏ đi sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Khách rất ưa chuộng các sản phẩm đan móc làm bằng chất liệu sợi tự nhiên, nếu không dùng nữa sản phẩm sẽ tự phân hủy. Thế nên ngoài nắm thị hiếu, chị còn tìm hiểu kỹ về văn hóa để đưa các họa tiết vào sản phẩm. Ví như bức tranh đan sợi cách điệu hình cánh chim đại bàng được lấy ý tưởng từ quốc huy Hoa Kỳ. Vì vậy, khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ được khách hàng đón nhận nồng nhiệt. Ngoài sản phẩm dùng để trang trí, chị còn ứng dụng trong làm quà lưu niệm, như: Hình các con giống, túi xách, khăn trải bàn, váy, áo biểu diễn thời trang...

Nghệ nhân Ưu tú Đoàn Thị Nga dạy nghề đan móc sợi cho người khuyết tật. 

Tích cực sáng tạo, đổi mới sản phẩm, xoay sở tìm thị trường tiêu thụ nhưng khó khăn thì cứ đeo bám mãi. Nếu so với các ngành nghề khác thì thu nhập từ đan móc sợi rất thấp. Các khu công nghiệp được mở ra thu hút lao động với mức lương khá hơn. Nhiều người vì lo mưu sinh đã bỏ nghề đan sợi để làm việc khác. Trong khi đó các sản phẩm trang trí sản xuất hàng loạt giá rẻ tràn lan trên thị trường. Nhiều lúc chị cũng định chuyển hướng kinh doanh. Thế nhưng năm 2016, chị đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Niềm vinh dự đó khiến chị nghĩ rằng mình không thể bỏ nghề được. Có thêm động lực, chị tiếp tục tìm hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Bởi hàng có giá cao, thu nhập tăng lên người thợ mới gắn bó với nghề.

Cơ hội lại mở ra, đến năm 2019, Bộ Công Thương lựa chọn 1 sản phẩm của chị quảng bá trên kênh Amazon của Mỹ. Thông qua kênh này, sản phẩm đan móc bán rất chạy, niềm vui cứu cánh cho nghề đan móc của chị bắt đầu nhen nhóm. Thế nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tiêu thụ sản phẩm ngưng trệ, hàng sản xuất tồn kho nhiều. Thử thách lại đặt ra với người phụ nữ này. Chị gắng gượng xoay sở để bán hàng trong nước, quay vòng vốn để duy trì sản xuất. Lúc nào cũng bấp bênh đứng bên vực phá sản nhưng bằng nghị lực và tình yêu với nghề đan móc truyền thống, chị vẫn bền bỉ gắn bó với tâm niệm “vì yêu nghề chứ không vì lợi nhuận, giữ nghề để cưu mang những người còn khó khăn”.

Hết lòng vì những mảnh đời khó khăn

Ở Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ An Dương của chị Nga có 40 người thì 30 người tàn tật, 10 người có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân. Những người còn gắn bó với chị đến nay thực sự là những phận đời éo le. Họ không đủ sức khỏe để vào các khu công nghiệp lao động, không có khả năng để làm các việc khác. Nghề đan móc dẫu thu nhập không cao nhưng phù hợp với người khuyết tật, phụ nữ đơn thân. Họ coi hợp tác xã là ngôi nhà thứ hai và chị Nga là “bà đỡ” cho những người yếu thế.

Được chị em gửi gắm niềm tin, chị Nga không nỡ bỏ nghề, phải gắng gượng sau mỗi biến cố. Dẫu biết dạy nghề cho người bình thường đã vất vả, đằng này dạy cho người khuyết tật thì khó khăn gấp nhiều lần. Tuy vậy, nếu họ đã tiếp thu được thì làm việc rất say mê, trách nhiệm. Không những vậy nghề đan móc còn có tác dụng rất tốt giúp người khuyết tật phục hồi chức năng cải thiện trí nhớ, sức khỏe.

Câu chuyện của người thợ Lê Thị Huyền là minh chứng cho sự kiên trì khổ luyện gắn bó với nghề. Bị liệt một bên chân, ngày đến với hợp tác xã xin việc, bố phải đèo chị Huyền bằng xe đạp, dìu vào tận nơi. Vốn bản tính nhút nhát, chị Huyền ngại giao tiếp, lặng lẽ thu mình ở góc nhà. Biết chuyện, chị Nga tận tình dạy nghề, thường xuyên tâm tình trò chuyện. Đôi bàn tay với những u cục chai sần dần thuần thục đan móc từng sợi len. Sau 16 năm bền bỉ gắn bó (từ năm 2004), chị Huyền không chỉ thạo nghề mà sức khỏe được cải thiện đáng kể. Không cần người đưa đón, chị có thể tự đạp xe 7km đến xưởng làm việc. Sợ vất vả, chị Nga khuyên làm ở nhà nhưng chị Huyền bảo rằng đến xưởng gặp người đồng cảnh dễ bề chia sẻ và có cơ hội học hỏi thêm nhiều kỹ thuật mới giúp công việc thuận lợi hơn. Chính sự nhiệt tình, tận tâm của nhiều chị em đã tiếp thêm động lực giúp nghệ nhân Đoàn Thị Nga thêm trân quý nghề đan móc sợi.

Mải miết gắn bó cưu mang người khuyết tật, đến khi nhìn lại hoàn cảnh của mình, chị Nga thấy cũng không khá hơn họ là bao. Chồng chị bị bệnh nặng 10 năm nay thường xuyên phải chạy chữa thuốc thang, đỉnh điểm vào đúng đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19, chồng chị phải đi cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh. Chị gác lại mọi việc, cả tháng ròng vào viện chăm chồng cho đến khi anh bình phục trở lại. Bao khó khăn cùng ập đến một lúc tưởng chừng như quật ngã người phụ nữ nhỏ bé này. Nhưng không, chị vẫn gắng gượng chu toàn việc gia đình và từng bước khôi phục sản xuất.

Kiên trì chèo chống hợp tác xã qua thời khó khăn, thu hồi vốn, giải quyết hàng tồn đọng trong kho, tái đầu tư sản xuất, ngoài số thợ làm trong hợp tác xã, chị Nga còn cung cấp cho 20 tổ ở các địa phương lân cận cùng làm. Bên cạnh đó, xưởng sản xuất còn là nơi dạy nghề miễn phí cho người lao động. Ai có nhu cầu, chị Nga sẽ tận tình truyền dạy sau đó cho mang nguyên liệu về nhà làm. Miệt mài như con thoi bên khung cửi, chị từng bước móc nối lại thị trường, khởi động sản xuất sau thời kỳ khó khăn. Và cũng nhờ vậy, nhiều mảnh đời cơ cực lại có thêm hy vọng để gắn bó với nghề.

Tôi chia tay chị Đoàn Thị Nga khi ánh chiều vẫn sáng phía những ngọn núi mờ xa. Mong sao khu nhà xưởng của chị sớm được xây dựng khang trang, nghề đan móc sợi lại khởi sắc, để chị cùng những mảnh đời gian khó bớt nỗi âu lo...     

Bài và ảnh: VŨ DUY