"Thần tốc" chuyển đổi công năng trường học

Đầu tháng 9 vừa qua, chúng tôi có dịp tham quan Hệ thống giáo dục Thu Hương. Lúc này, Hiệu trưởng Trần Thị Hương đang chỉ đạo tập thể giáo viên, nhân viên tranh thủ dọn dẹp, trang trí lại trường, lớp để đón học sinh vào năm học mới. Niềm nở tiếp đoàn đến thăm, chị Hương bảo rằng công việc chuẩn bị cho năm học mới cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn lại một số việc nhỏ, cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ sớm hoàn thiện chu đáo trước khi đón học sinh tựu trường. Tất cả đều diễn ra suôn sẻ, không cập rập, vất vả như mấy tháng trước...

Giữa tháng 5-2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát và Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước. Khi ấy, hầu hết các cơ quan, công sở đều được trưng dụng làm cơ sở cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Trước diễn biến phức tạp của dịch, rất nhiều đơn vị quân đội, các đoàn cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế của nhiều tỉnh, thành phố đến Bắc Giang giúp địa phương chống dịch. Hôm ấy (16-5), nhận được thông báo đoàn tình nguyện của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương với 215 cán bộ, giảng viên, sinh viên sẽ có mặt ở TP Bắc Giang giúp địa phương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 nhưng tỉnh chưa bố trí được nơi ở, ngay lập tức, thông qua đồng chí Trần Thị Hòa, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang, chị Hương đề xuất được chuyển đổi công năng các trường học thuộc Hệ thống giáo dục Thu Hương của chị làm nơi ăn ở phục vụ đoàn công tác.

Chị Trần Thị Hương (thứ tư, từ trái sang) tri ân đoàn cán bộ y tế tỉnh Hải Dương tham gia phòng, chống dịch Covid-19 ở Bắc Giang, tháng 6-2021. 

Chỉ ít phút sau khi nhận được điện thoại của đồng chí Bùi Huy Khánh, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang, chị Hương cùng gia đình, người thân bắt tay vào chuyển đổi công năng của trường thành nhà ở phục vụ đoàn tình nguyện. Do khối lượng công việc nhiều và thời gian rất gấp, để kịp hoàn thiện nơi ở trong ngày trước khi đoàn công tác Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương về địa phương, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đến hỗ trợ chị Hương và gia đình triển khai công việc.

Để bảo đảm điều kiện sinh hoạt đầy đủ, chu đáo cho đoàn tình nguyện, chị Hương tự bỏ tiền ra mua sắm những đồ dùng thiết yếu; đầu tư lắp đặt thêm máy điều hòa nhiệt độ, hệ thống quạt, các thiết bị nhà tắm, nhà vệ sinh... Biết tấm lòng thơm thảo của chị Hương, nhiều bạn bè, phụ huynh học sinh, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện cũng đã chung tay, góp sức, bởi vậy, mọi công việc nhanh chóng được hoàn tất.

Đầu giờ chiều 16-5, đoàn tình nguyện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương có mặt tại Hệ thống giáo dục Thu Hương với sự tiếp đón ân cần, chu đáo của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bắc Giang. Khi thành viên đoàn công tác ổn định xong nơi ở thì cũng là lúc chị Hương chuẩn bị xong những mâm cơm nóng hổi để mọi người ăn vội rồi lên đường làm nhiệm vụ. Ngày hôm ấy, chị Hương như con thoi tất bật với công việc lo nơi ăn, chốn ở. Gần 3 giờ sáng hôm sau, khi các bác sĩ, nhân viên đi lấy mẫu xét nghiệm trở về, chị Hương ân cần hướng dẫn nơi tắm giặt, ngủ nghỉ, phục vụ bữa ăn đêm cho mọi người, khiến ai cũng xúc động.

Thầy giáo Ngụy Đình Hoàn, giảng viên Khoa Xét nghiệm, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Trưởng đoàn tình nguyện, cho biết: “Hơn 40 ngày tham gia chống dịch ở tỉnh Bắc Giang, chúng tôi được địa phương quan tâm rất chu đáo, nơi ăn chốn ở, sinh hoạt khang trang. Qua đó tạo điều kiện để đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ với việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho gần 280.000 lượt người, góp phần giúp Bắc Giang nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh”.

Khi đoàn tình nguyện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương kết thúc đợt công tác rời khỏi địa phương, hơn 200 lượt cán bộ, y sĩ, bác sĩ của các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến “tiếp quản” và cách ly tại Hệ thống giáo dục Thu Hương. Sau thời gian cách ly ở nơi đây, ai cũng cảm kích trước nghĩa cử và tấm lòng của Hiệu trưởng Trần Thị Hương.

Ngược xuôi giúp dân tiêu thụ nông sản

Dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đúng thời điểm nhân dân vào mùa thu hoạch nông sản. Hàng trăm nghìn tấn vải, hàng chục nghìn tấn dưa hấu, dứa, rau, củ cùng hàng triệu con gia súc, gia cầm... có nguy cơ thất thu vì dịch khiến bà con đứng ngồi không yên. Nằm trong vùng dịch, phải cách ly, phong tỏa nên các thương lái không thể về địa bàn thu mua mà người nông dân cũng không thể mang đi bán ở các địa bàn khác vì quy định phòng, chống dịch ngặt nghèo...

Chứng kiến cảnh người dân sốt ruột, lo âu, nhiều người khóc bên đồng ruộng, nương rẫy của gia đình khiến chị Hương không nén được lòng mình. Sau những đêm suy nghĩ, tìm phương án, giải pháp giúp bà con tiêu thụ nông sản, chị Hương nhận thấy hai vấn đề cần tháo gỡ là: Thị trường tiêu thụ và phương tiện vận chuyển. Nhận ra vấn đề, chị Hương liên hệ, kết nối với hàng chục siêu thị, bếp ăn các khu công nghiệp ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng... có khả năng thu mua, tiêu thụ nông sản cho nhân dân. Tiếp đó, thông qua chính quyền địa phương, các hợp tác xã, hội phụ nữ, chị Hương đến từng hộ dân, từng khu vườn để kiểm tra chất lượng sản phẩm, thống nhất thời điểm giao nhận hàng, trực tiếp hỗ trợ bà con thu hoạch, phân loại, kiểm đếm rồi liên hệ thu mua, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng...

Tác nghiệp giữa tâm dịch Bắc Giang, chúng tôi nhiều lần chứng kiến chị Hương lội ruộng, lên rừng giúp dân thu hoạch nông sản. Chị bảo: "Làm bất cứ việc gì tốt cho dân, tôi đều cố gắng". Bà Nguyễn Thị Thoa, cán bộ Hội Phụ nữ xã Chu Điện, huyện Lục Nam (Bắc Giang) chia sẻ: “Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nông dân xã Chu Điện chưa có nguồn tiêu thụ dưa hấu nên ai cũng lo lắng. Thời tiết nắng nóng, nếu không thu hoạch nhanh thì hàng trăm tấn dưa hấu sẽ bị hỏng. Thật may, nhờ tâm sức của chị Hương, chỉ trong ít ngày, chúng tôi đã bán hết số dưa hấu với giá hợp lý. Ai cũng vui, hạnh phúc, trân trọng tình cảm của chị Trần Thị Hương”.

Những ngày Bắc Giang gồng mình chống dịch, Trường Mầm non Thu Hương trở thành địa điểm tập kết nông sản. Thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, cả ngày lẫn đêm, các xe tải hàng lớn nhỏ ra vào, lên xuống hàng tấp nập. Trong thời gian gần 3 tuần, chị Trần Thị Hương đã hỗ trợ bà con tiêu thụ hơn 200 tấn nông sản các loại. “Nhiều người khuyên tôi sức khỏe yếu nên ở nhà tránh dịch. Nhưng thấy nông sản của bà con một nắng hai sương làm ra để úa tàn tôi xót xa lắm. Làm nghề giáo dục bao năm, chưa bao giờ biết đến buôn bán, tất cả chỉ muốn giúp người nông dân. Thế nên bắt tay làm công việc này, tôi gặp không ít khó khăn, nhất là giữa lúc đại dịch. Thế nhưng được góp sức giúp bà con tiêu thụ được nông sản là vui lắm rồi”, Chị Hương tâm sự.

Chúng tôi còn được biết, trong thời gian dịch diễn biến phức tạp tại Bắc Giang, chị Hương cùng con trai còn đến các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, các chốt kiểm soát, khu cách ly trên địa bàn tỉnh ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm động viên các lực lượng chống dịch. Ngoài ra, chị còn kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền và vật chất trị giá gần 4 tỷ đồng. Tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp của chị Hương khiến ai cũng cảm phục, mến yêu. Mới đây, chị được Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang biểu dương, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bài và ảnh: SƠN BÌNH