Tuổi không còn trẻ, sức khỏe cũng đã suy giảm nhiều, nhưng suy nghĩ muốn giúp người, giúp đời cứ như củi khô bỏ vào lò lửa trái tim, hun đúc nên một ý chí, nghị lực để ông vượt qua mọi khó khăn, vất vả, thực hiện tâm nguyện lớn nhất của phần đời còn lại là được góp sức chia sẻ với người nghèo.

Bản thân ông cũng nghèo. Bởi trong gia đình có mẹ già, vợ làm thuê cho một quán cà phê và người con trai lái taxi. Nhưng ông bảo: “Cái giàu, nghèo khó phân biệt lắm. Do mỗi người nhìn nhận, đánh giá, quan trọng là mình có hài lòng với cuộc sống hiện tại hay không, chứ biết đâu là giới hạn của giàu, nghèo. Còn về làm việc thiện, không phải cứ giàu mới giúp được người, mà nghèo cũng giúp được, chủ yếu là cái tâm của mình”. 

“Không có của thì góp công”

Người ta bảo muốn tìm ông Việt thì đừng lại nhà, sáng sớm cứ đến chợ Tân An ở đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều thì kiểu gì cũng gặp. Gác lại sở thích nhâm nhi ly cà phê vào sáng sớm bên quán cóc ven đường nhìn dòng người qua lại, tôi chạy xe ra chợ Tân An với mong muốn được gặp nhân vật đặc biệt này. Giữa biển người, tôi phải nhờ đến các tiểu thương tìm giúp, bởi người như ông chắc hẳn ở đây ai cũng biết. Thật vậy, họ nói ông tên Việt, nhưng bà con thường gọi là Minh Nhân, bởi ông thích cái tên ấy. Thấy ông, tôi không vội gặp mà lặng lẽ theo sau. Nhìn ông không có gì đặc biệt ngoài chiếc áo xanh da trời đã nhạt màu mưa nắng, cứ ai gọi là ông lại xuống xe, nhanh chóng lấy từng bọc rau, củ, quả, xếp lại cẩn thận vào giỏ rồi chở đi. Đến gần cuối chợ, cũng là lúc hai chiếc giỏ đầy ắp, ông cẩn thận dựng xe, lấy chai nước uống một hơi rồi thở hổn hển. Trông ông có vẻ thấm mệt, lúc này tôi mới lại hỏi thăm.

Qua trò chuyện tôi được biết, ông Việt năm nay đã ngoài 50 tuổi, trước đây, ông từng làm nghề sửa chữa ô tô. Nhưng rồi tai họa ập đến, cơn tai biến đã lấy đi sức khỏe của người đàn ông tuổi còn trẻ với gánh nặng cơm áo gạo tiền luôn bủa vây. “Lúc đó, miệng tôi méo sang một bên, cánh tay trái yếu hẳn không làm nặng được nên tôi xin nghỉ. Ở nhà kiếm thêm vài việc lặt vặt phụ giúp gia đình, thỉnh thoảng đi chùa nghe giảng kinh, làm công quả, giữ xe cho Phật tử đến viếng. Thấy nhiều người buôn bán ở chợ Tân An qua lại nhà chùa có mong muốn gửi rau, củ, quả để làm từ thiện mà không có thời gian mang đến, thế là tôi ngỏ ý vận chuyển giúp. Mọi người cùng làm việc tốt, mình không có của thì góp công để chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn”, ông Việt chia sẻ.

Ông Trần Quốc Việt chở rau củ do tiểu thương trao tặng Phiên chợ 0 đồng Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. 

Cứ thế, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm từ thiện trở thành công việc mỗi ngày của ông Việt và được duy trì đều đặn cho đến tận hôm nay. Chẳng cần biết thời gian, mưa, nắng, người đàn ông với chiếc xe máy cũ kỹ vẫn rong ruổi trên mọi nẻo đường để mang yêu thương, chia sẻ yêu thương thông qua những ngôi chùa, bếp ăn từ thiện trên địa bàn TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang. “Mỗi chuyến tôi chở được từ 50-60kg rau, củ, quả. Tùy thuộc vào lượng người cho và người nhận. Thường một ngày, tôi đi giao khoảng 3-4 điểm. Có ngày chạy lòng vòng cả trăm cây số vì đi giao hàng tại 3 địa phương. Trời nắng thì đỡ, trời mưa vất vả lắm bởi đường trơn trượt, tay yếu nên không đi nhanh được, mà các bếp thì chờ mình. Vậy nên hôm nào mưa là phải dậy sớm hơn để kịp giao hàng”, ông Việt cho biết.

Uống thêm vài ngụm nước, ông Việt chất nốt mấy bịch cà tím, dưa leo của chị Lê Thị Hồng, tiểu thương ở chợ Tân An lên xe, chuẩn bị cho chuyến giao hàng thiện nguyện trong ngày. Tôi hỏi vội người phụ nữ tốt bụng: “Buôn bán nhỏ thế này, lời lãi được bao nhiêu mà làm từ thiện?”. Chị Hồng cười mỉm: “Mình có gì cho nấy cô ơi, đâu phải ngày nào cũng cho đâu. Gọi là tấm lòng thôi, chứ không dám nhận làm từ thiện, nghe lớn quá. Nhiều người họ còn cho gấp trăm, gấp nghìn lần ấy chứ”. Câu nói của chị như một viên kẹo bỏ vào miệng đắng, đủ để cảm nhận được vị ngọt, thơm của tấm lòng bà con tiểu thương chợ Tân An.

Trao tặng những tấm lòng

Theo chân ông Việt, tôi mới cảm nhận hết được sự vất vả của một chuyến nhận, giao hàng từ thiện. Áp lực từ thời tiết, khói bụi, tiếng ồn, rồi có những đoạn đường gồ ghề khó đi. Điểm đến đầu tiên hôm nay là Phước Long Tự (quận Cái Răng). Như thành thói quen, chỉ cần nghe tiếng xe máy, các sư cô và người làm công quả đã đi ra mà chưa cần ông Việt cất tiếng gọi. “Hôm nay đến sớm vậy chú Minh Nhân?”. Câu hỏi thay cho lời chào, nên không đợi ông trả lời, sư cô vui mừng: “Hôm nay rau củ nhiều quá, bà con nghèo lại có bữa ăn ngon hơn rồi”. Nhanh thoăn thoắt, ông Việt bỏ xuống một ít đồ cho nhà chùa, lấy khăn lau vội những giọt mồ hôi chảy vào khóe mắt, ngoái lại nhìn tôi rồi nhoẻn miệng cười. “Hôm nay có nhà báo chụp hình giúp, tôi khỏi phải chụp. Lát gửi qua cho tôi xin nhé. Đấy, nhà báo thấy không, bếp từ thiện có đầy đủ thực phẩm, người nghèo được ăn ngon thế thì còn mệt nữa không. Tôi cũng có một phần công sức đấy”, ông Việt hóm hỉnh. Thì ra mỗi lần giao hàng xong, ông đều chụp hình lại làm chứng để báo cáo với người làm từ thiện, dù hầu hết ai cũng biết con người ông như thế nào và không yêu cầu phải làm điều đó. “Lòng mình trong sạch, nhưng cứ chụp lại cho chắc cô ạ. Người có lòng thiện thì không sao, nhưng miệng đời khó nói trước được điều gì lắm”, ông Việt bộc bạch.

Điểm đến tiếp theo là Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam rồi vòng về Trường Tiểu học Ngô Quyền. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông phân trần: “Mùa dịch này, tôi có thêm điểm giao hàng mới, đó là Chợ 0 đồng do các thầy, cô giáo ở trường này tổ chức để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn bởi dịch bệnh”. Dứt lời, ông bước xuống xe, lại đo thân nhiệt, sát khuẩn tay rồi mang rau củ vào trường và không quên nhờ tôi chụp hình giúp. Thầy Đỗ Thanh Nho, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết: “Từ ngày mở Phiên chợ 0 đồng, hầu như ngày nào chú Việt cũng chở rau củ đến đây, toàn đồ tươi ngon, người dân vui lắm, vừa có thực phẩm miễn phí lại bảo đảm chất lượng”.

Xong việc, tôi và ông Việt được mời dùng bánh mì chay cùng với ly nước mát do những tình nguyện viên ở trường tự làm. Dù không phải cao lương mỹ vị nhưng cả tôi và ông đều ăn một cách ngon lành, ngon từ trong tâm, bởi đó cũng chính là những chiếc bánh của sự yêu thương. “Cô thấy vui không, trao đi yêu thương rồi nhận lại yêu thương. Có những lúc đi giao hàng, xe hỏng giữa đường, khỏi phải nói cô cũng hiểu sẽ vất vả như thế nào với một ông già sức yếu. Lúc phải dắt cả đoạn đường dài, lúc được người dân hỗ trợ. Thậm chí, anh thợ sửa xe biết tôi giao hàng từ thiện còn sửa giúp không lấy tiền. Xã hội này còn nhiều điều tốt đẹp lắm cô ạ”, ông Việt cười, nói.

Ngày đi giao hàng từ thiện, tối, ông Việt lại đến chùa Quang Đức (quận Ninh Kiều) dọn dẹp và giữ xe cho Phật tử đến viếng. Cuối tuần, ông lại qua Vĩnh Long phụ nấu ăn, phát cơm miễn phí cho một bếp ăn từ thiện. “Như một điều tâm linh, kể từ ngày tôi làm những công việc này, tự nhiên thấy trong người khỏe hơn. Vậy nên vợ con, anh chị em trong nhà đều ủng hộ tôi, có lúc còn dúi cho vài chục ngàn đổ xăng nữa”, ông Việt khoe.

Từ biệt ông ra về, lúc đó mới chỉ hơn 7 giờ sáng. Ngoài đường, xe cộ tấp nập, chen chúc, tôi bắt đầu quan sát. Trong nhà hàng có những khách sang trọng ngồi thưởng thức các món ngon, ngoài đường chẳng thiếu người tay cầm ổ bánh mì, tay cầm xấp vé số. Tôi không đánh giá tốt xấu qua sự việc đó, bởi xã hội là thế, nhưng thấy sống mũi cay cay. “Phải chi mỗi người bù trừ cho nhau một ít, thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn”, tôi tự nhủ. Rồi tôi nghĩ đến ông, nghĩ đến tấm lòng nghĩa hiệp và quan niệm giàu nghèo ấy để thấy rằng, xã hội này còn nhiều điều tốt đẹp. Mà đúng là như vậy, điển hình như khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tập thể, cá nhân đã cùng với Đảng, Nhà nước hỗ trợ vật chất, tinh thần cho những người gặp khó khăn... Tôi chạy xe đi mà lòng nhẹ hơn.

Bẵng đi vài hôm, tôi nghe thông báo chợ Tân An bị phong tỏa vì có ca dương tính với SARS-CoV-2, rồi toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tôi nghĩ ngay đến ông Việt và tự hỏi, không biết bây giờ công việc của ông thế nào. Tình cờ một ngày đi làm nhiệm vụ ngang qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, tôi thấy ông đang ngồi trước cửa ngôi nhà nhỏ. Thì ra đó là nhà của ông. Tuy đeo khẩu trang, nhưng tôi vẫn nhận ra ông đang có một nỗi buồn qua đôi mắt nhìn xa xăm. Tôi tiến lại chào. Sau một hồi ngạc nhiên, ông gật đầu chào lại rồi bộc bạch: “Chợ bị phong tỏa rồi cô ạ, tôi tạm thời thất nghiệp. Nhưng cô biết không, nghỉ một ngày là các bếp ăn từ thiện mất đi một phần rau, củ, quả, ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của bà con nghèo, đồng nghĩa với việc tôi mất đi một niềm vui trong cuộc sống. Chỉ mong sao TP Cần Thơ và cả nước đẩy lùi được dịch bệnh, để người dân yên ổn làm ăn như ngày nào, tôi lại tiếp tục được làm công việc mà mình yêu thích”.

Ông Việt nghẹn ngào, nhưng ánh mắt lấp lánh một niềm tin...

Bài và ảnh: THÚY AN