Gánh rau xanh nuôi gia đình nhỏ

Nằm bên bờ sông Đáy, được phù sa bồi đắp, Đổng Xuyên là một trong hai thôn có diện tích canh tác nông nghiệp lớn ở xã Đặng Xá. Lớn lên cùng đồng đất, hương lúa nên từ những ngày còn thơ ấu, bà Nguyễn Thị Ngư đã biết cuốc đất, trồng rau. Với niềm đam mê của nhà nông, năm 1981, bà Ngư là một trong số ít học sinh của xã thi đỗ Đại học Nông nghiệp và vinh dự trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam khi đang là sinh viên năm thứ nhất. Năm 1985, tốt nghiệp đại học, từ chối nhiều cơ hội việc làm với mức lương ổn định mà nhiều người mơ ước, bà quay về với cánh đồng quê hương, với cây rau, cây lúa.

Cuộc sống của nhà nông cứ thế êm đềm trôi qua. Thế nhưng, “năm 1995, chồng tôi không may mắc bệnh qua đời; hai con còn nhỏ dại, con lớn mới 12 tuổi, con nhỏ lên 10 tuổi, một mình tôi bươn trải với cuộc sống để chăm lo cho gia đình”, bà Ngư nghẹn ngào trải lòng. Với nền tảng kiến thức lĩnh hội từ trường Đại học Nông nghiệp cộng với kinh nghiệm thực tế, bà Ngư sớm hôm chăm chỉ cấy hái, không ngừng học hỏi để nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi. Bà được các xã viên trong hợp tác xã nông đánh giá là người có trình độ, năng lực chuyên môn, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường. “Tôi hiểu rằng, để nâng cao giá trị cây trồng thì cần gia tăng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là dám nghĩ dám làm, vượt khó vươn lên. Vì vậy, vào đầu những năm 2000, khi xã Đặng Xá thực hiện chủ trương của Nhà nước là chia ruộng đất cho các hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất để phát triển kinh tế”, bà Ngư kể lại. Trên 5 sào ruộng của gia đình, bà chuyển đổi từ cây lúa sang trồng rau củ quả và nhận thầu thêm 5 sào ruộng của hợp tác xã để tăng gia sản xuất.

Vừa nuôi 2 con ăn học, vừa đảm đương việc gieo trồng 10 sào ruộng, bà Ngư còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, “là đảng viên, tôi luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền… Làm theo tấm gương của Bác, trong quá trình lao động sản xuất, vừa làm tôi vừa học hỏi, thất bại cũng không nản trí. Lúc đó, tôi đã là hội viên nòng cốt của Hội phụ nữ nên may mắn được tham dự các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật nông nghiệp, lĩnh hội nhiều kiến thức mới để ứng dụng vào đồng ruộng. Nhờ vậy, những luống rau của gia đình luôn đạt năng suất cao, trồng luân canh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi không phải vất vả đêm hôm mang hàng đi bán ở xa mà phục vụ bà con trong xã là hết” - bà Ngư cho biết thêm. 

Nhanh nhạy chuyển đổi theo nhu cầu thị trường

Năm 2016, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai dự án xây dựng chuỗi giá trị rau an toàn áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng PGS tại một số xã trên địa bàn thành phố, trong đó có xã Đặng Xá. Đây là hệ thống thực hành nông nghiệp tốt, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng có sự tham gia giám sát của nhiều bên nhằm cung cấp các sản phẩm rau củ quả an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Thủ đô.

Là một trong những hộ sản xuất của xã được tham gia dự án, bà Nguyễn Thị Ngư như tìm được đường hướng để mở rộng và phát triển kinh tế gia đình. “Qua các buổi hội thảo, tập huấn về quy trình sản xuất sạch từ đồng ruộng tới bàn ăn, tôi nhận thấy việc chuyển đổi canh tác theo mô hình nông nghiệp an toàn là hướng đi tất yếu giúp nhà nông nâng cao giá trị cây trồng, cải thiện thu nhập, hạn chế lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường” - bà Nguyễn Thị Ngư tâm sự.

Tuy nhiên, tham gia dự án cũng đồng nghĩa với việc nhà nông sẽ phải thay đổi nhận thức và phương thức canh tác. Theo bà Ngư, đó là sản xuất theo kế hoạch, theo nhu cầu thị trường, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, ghi sổ nhật ký hằng ngày là cơ sở phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc của người tiêu dùng... “Những vấn đề này mới lắm, chúng tôi chưa từng làm nên ban đầu, nhiều người e ngại, không muốn tham gia vì mất thời gian. Thế là mình lại dân vận, thuyết phục. Cứ tối đến, xong việc đồng áng và gia đình, tôi tập hợp các chị em lại để hướng dẫn nhau làm, khó đến đâu, gỡ đến đó. Cứ kiên trì như vậy, sau một thời gian chị em quen và đồng thuận tham gia nhóm sản xuất nông nghiệp sạch cùng tôi. Đó là năm 2018”, bà Ngư nhớ lại.

 Bà Nguyễn Thị Ngư đau đáu nỗi niềm giúp chị em hội phụ nữ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Thời điểm này, phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được Chính phủ và TP Hà Nội phát động mạnh mẽ. Tuy đã bước sang tuổi 60 nhưng nữ Đảng viên hơn 30 năm tuổi Đảng vẫn nhiệt huyết, say mê phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ và chính quyền xã, bà Nguyễn Thị Ngư chính thức phát triển nhóm sản xuất nông nghiệp sạch thành Tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ rau an toàn, liên kết 30 thành viên là các hộ sản xuất nhỏ lẻ để tăng khả năng cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm, cung ứng rau củ quả có truy xuất nguồn gốc bằng mã QR,  bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Với sự ra đời của Tổ hợp tác, các xã viên không phải mang rau an toàn đi tiêu thụ với giá cả bấp bênh mà được tổ hợp tác bao tiêu đầu ra với số lượng, giá thu mua ổn định để cung cấp cho bếp ăn tập thể tại các trường học, cơ quan, đơn vị; các cửa hàng thực phẩm sạch...

Bản lĩnh của người tiên phong

Chuỗi siêu thị Vinmart và hệ thống cửa hàng Vimart+ có độ phủ lớn ở Hà Nội. Năm 2018, đại diện hệ thống phân phối lớn này đã gặp gỡ, đề nghị bà Nguyễn Thị Ngư hợp tác, cung ứng rau. Lời đề nghị này khiến bà Ngư rất mừng bởi sản phẩm rau của Tổ hợp tác phải đáp ứng rất nhiều các tiêu chí, yêu cầu khắt khe mới được đưa vào siêu thị. Vui đấy nhưng bà cũng đầy trăn trở, âu lo trước khi đặt bút ký hợp đồng hợp tác bởi tham gia chuỗi cung ứng lớn đồng nghĩa các xã viên trong tổ phải tuân thủ nghiêm ngặt rất nhiều quy định chặt chẽ trong sản xuất, sơ chế rau an toàn. Suy đi tính lại, cuối cùng tinh thần vượt khó, không ngại thử thách đã chiến thắng, bà Ngư đã nhận lời với số lượng rau cung ứng ban đầu khá khiêm tốn, chỉ vài chục ki-lô-gam mỗi ngày.

“Đây là giai đoạn tôi vừa làm vừa học hỏi cách làm mới. Song, ở thời đại công nghệ, tất cả yêu cầu sơ chế, đóng gói, bảo quản rau được chuyển qua thư điện tử. Thú thật với các bạn, mình lớn tuổi rồi, công nghệ không thành thục như các bạn trẻ. Nhưng thôi, không biết thì phải học, tôi đầu tư bộ máy tính, kết nối mạng, những lúc rảnh rỗi, ngơi việc đồng áng là tôi lại kỳ cạch mở máy, mở cuốn sổ ghi chép và mày mò làm. Là nhà cung ứng rau lớn tuổi nhất của công ty nên các cháu nhiệt tình hướng dẫn. Cái gì chưa rõ, tôi không giấu, nhờ các bạn trẻ chỉ bảo. Cứ chăm chỉ, cần cù, tôi cũng bước vào thế giới rộng lớn của mạng internet để học hỏi kiến thức. Giờ đây, tôi có thể tự tin checkmail hằng ngày, tải các tài liệu hướng dẫn của đối tác, sử dụng thành thạo mạng xã hội và các ứng dụng, phần mềm” - bà Ngư cho hay.

Sáng sớm cuối tuần, chúng tôi ngồi cùng bà bên chiếc bàn nhỏ ở sân. Hàng chục sọt rau lớn do các xã viên chuyển đến. Cầm cây bắp cải trên tay, bà nói: “Bán mặt hàng này ở chợ, chị em chỉ cần để nguyên cả bẹ, lá già bao ngoài, nhưng khi vào siêu thị, chúng tôi phải tỉa bỏ lá già, lá sâu rồi bao lớp giấy bản bên ngoài rồi mới xếp vào sọt nhựa để tránh rau bị dập nát. Hay đây, mớ rau ngót cũng thế, phải sơ chế bỏ hết lá sâu, lá già, cân đủ số lượng, cho vào bao bì, dán tem nhãn, mã QR. Công đoạn này mất nhiều thời gian, mỗi ngày khoảng hơn 10 chị em lớn tuổi hỗ trợ tôi công việc này và giúp chị em có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Khi trời còn chưa sáng tỏ, sân nhà bà Ngư đã tấp nập chị em sơ chế để đến trước 8 giờ, hàng tấn rau được xếp gọn gàng trên xe tải. Ở tuổi ngoài 60, bà Ngư nhanh nhẹn, thoăn thoắt lên xe cùng con trai chở đến tập kết tại kho của đối tác. “Ngày nào cũng thế, chuyển rau đến trưa mới về, tôi lại ra ruộng cùng chị em trồng rau, chiều về, tôi lại mở máy tính, nhập số liệu rau của ngày hôm sau lên phần mềm hệ thống của nhà phân phối. Công việc bận rộn nhưng mình rất vui vì công sức, thành quả sản xuất của mình được ghi nhận”.

Trong khi nhiều nhà sản xuất khác đã “rơi rụng” qua các lần kiểm tra đột xuất chất lượng rau tại ruộng của đối tác thì tổ sản xuất của bà Ngư vẫn trụ vững, tất cả các lần test, chỉ số an toàn của sản phẩm đều được đảm bảo. Số lượng rau cung ứng cũng không ngừng tăng, từ vài chục kg ban đầu, đến nay mỗi ngày bà Ngư cung cấp 1- 2 tấn rau củ quả. Quy mô sản xuất nhờ đó cũng tăng theo, hiện đã có 45 xã viên cùng tham gia mô hình với diện tích gieo trồng là 4ha. Năm 2020, bà phát triển Tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ rau an toàn thành Hợp tác xã rau sạch Tùng Anh và trở thành một trong hai đơn vị tư nhân ở xã thành công trong việc cung ứng rau an toàn vào hệ thống phân phối lớn, đảm bảo đầu ra ổn định cho cây rau.

“Hằng năm, trừ chi phí sản xuất, cây rau đã mang lại cho gia đình tôi thu nhập từ 200-250 triệu đồng. Con trai tôi sát cánh, đỡ đần mẹ trong công việc nên tôi rất yên tâm. Gần đây cũng có một số đối tác đặt vấn đề hợp tác nhưng tôi muốn tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa cây trồng. Xuất phát từ cuộc sống khó khăn, giờ đây có có cuộc sống đầy đủ, tôi rất cảm thông và chia sẻ với những chị em có hoàn cảnh khó khăn, không ngần ngại giúp hội viên trong thôn về kiến thức, cây giống, vốn vay để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập. Trong thời gian sắp tới, tôi mở rộng diện tích trồng cây rau gia vị. Trồng rau gia vị không vất vả như các loại rau ăn lá, vừa sức với chị em lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, giúp chị em có việc làm, có thu nhập” - bà Ngư thông tin thêm.

Bận rộn với việc đồng áng nhưng bà tích cực tham gia hoạt động của chi bộ, tổ dân phố, hội phụ nữ. Với uy tín và trách nhiệm, bà luôn đi đầu trong việc vận động hội viên trồng hoa, xóa bỏ các điểm rác tồn đọng, tham gia tích cực các hoạt động của thôn, xóm.

Với kết quả đã đạt được, Tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ rau an toàn của bà Nguyễn Thị Ngư được Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội công nhận là mô hình dân vận khéo cấp Thành phố năm 2020. 

 Bài và ảnh: ĐỨC HẠNH