Anh là sĩ quan đầu tiên của Việt Nam đảm nhận vị trí ở cơ quan chiến lược của LHQ về GGHB tại trụ sở New York (Hoa Kỳ)...

Đây cũng lần thứ 3 Trung tá Lương Trường Vinh vinh dự được trao quyết định của Chủ tịch nước. Hai lần trước là khi anh đảm nhiệm vai trò Sĩ quan tham mưu tác chiến tại Phái bộ GGHB LHQ ở Cộng hòa Trung Phi và Quan sát viên quân sự tại Phái bộ Nam Sudan. Niềm tự hào này không dễ mấy ai có được. Cho tới nay, anh cũng là sĩ quan duy nhất của Quân chủng Hải quân “đầu quân” cho Cục GGHB Việt Nam, trở thành người lính mũ nồi xanh, một bước ngoặt quan trọng trên con đường binh nghiệp. Là người đầu tiên của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 tham gia khóa học chỉ huy tham mưu ở Hoa Kỳ, Trung tá Lương Trường Vinh vẫn thường được anh em ở đơn vị nhắc tới về sự cố gắng, nỗ lực học tập và vươn lên. “Với rất nhiều kỷ niệm sau 12 năm công tác ở Quân chủng Hải quân nên khi quyết định chuyển sang công việc mới, tôi cũng có nhiều suy nghĩ. Tuy nhiên, là quân nhân nên dù ở bất cứ vị trí nào nếu có thể tiếp tục cống hiến cho Đảng, Nhà nước và quân đội, tôi cũng sẵn sàng”-Trung tá Lương Trường Vinh chia sẻ.

Theo anh Vinh: Bộ Quốc phòng thường xuyên chỉ đạo Cục GGHB Việt Nam cần làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự thi, ứng cử người vào làm việc tại trụ sở LHQ, nên ngay từ những ngày đầu được điều động về Trung tâm GGHB Việt Nam (tiền thân của Cục GGHB Việt Nam), anh đã chủ động nghiên cứu và quyết tâm sẽ ứng tuyển vào vị trí làm việc tại trụ sở LHQ. Tuy có quyết tâm, nhưng anh không nghĩ mình sẽ là sĩ quan đầu tiên của Việt Nam được làm việc tại trụ sở LHQ.

Là sĩ quan đầu tiên trúng tuyển vào vị trí Sĩ quan tham mưu kế hoạch, Phòng Xây dựng lực lượng, Văn phòng Các vấn đề quân sự, Cục Hoạt động hòa bình LHQ tại trụ sở New York, nhiệm vụ mới là một thách thức không nhỏ đối với Trung tá Lương Trường Vinh, nhưng áp lực người tiên phong mới là nặng nề nhất. Đó là bằng mọi cách phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, để chứng tỏ trình độ, năng lực của sĩ quan GGHB Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, Quân đội nhân dân Việt Nam trong môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp như LHQ. 

Trung tá Lương Trường Vinh (đứng giữa) trong chuyến công tác tại Tanzania trong vai trò trưởng đoàn kiểm tra của Liên hợp quốc. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Nhận nhiệm vụ ở trụ sở LHQ tại New York, nơi chịu hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 chính là trở ngại đầu tiên mà anh phải đối mặt. Lần thứ 3 được giao nhiệm vụ quan trọng, dù có chút ít kinh nghiệm, nhưng anh Vinh thừa nhận vẫn không tránh khỏi áp lực. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên anh cũng như bao đồng nghiệp đều phải làm việc trực tuyến tại nơi ở. Nhiệm vụ chung mà anh đảm trách là xây dựng kế hoạch, chuẩn bị và triển khai lực lượng GGHB LHQ tới các phái bộ, tham mưu về chuyên môn quân sự, công tác tổ chức, làm biểu biên chế, tham gia các đoàn tiền trạm, phối hợp, điều phối các chuyến thăm tiền triển khai đến các phái bộ... Một mình làm việc trực tuyến với hai chiếc laptop, dù không phải trực, nhưng gần như 24/7, bất cứ khi nào nhận được email, điện thoại yêu cầu xử lý công việc gấp của chỉ huy cấp trên cũng như phái đoàn thường trực các nước tại LHQ, Trung tá Lương Trường Vinh cũng phải đáp ứng trong thời gian nhanh nhất. Quen với áp lực lớn, dần dần anh Vinh làm chủ công việc, nắm bắt kỹ năng, được cấp trên tin tưởng giao phó các nhiệm vụ quan trọng. Ngoài Phái bộ MONUSCO, anh vừa được giao thêm phụ trách hướng Phái bộ GGHB hỗn hợp của LHQ và Liên minh châu Phi tại Darfur, Sudan (UNAMID). Đặc biệt, Trung tá Lương Trường Vinh vừa có chuyến công tác tại Tanzania với vai trò trưởng đoàn kiểm tra tiền triển khai của LHQ đối với đơn vị phản ứng nhanh của nước này trước khi tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Trung tá Lương Trường Vinh với kinh nghiệm từng chỉ huy quân sự cấp tiểu đoàn, có hai nhiệm kỳ liên tiếp công tác tại quần đảo Trường Sa, hai nhiệm kỳ làm việc tại Phái bộ Trung Phi và Nam Sudan, đủ để gây ấn tượng với các thành viên ban tuyển chọn vị trí mà anh đang đảm trách. Anh cho biết, ở vòng phỏng vấn cuối cùng, các thành viên trong ban phỏng vấn đều biết rõ khu vực Trường Sa mà anh từng công tác là địa bàn khắc nghiệt thế nào. 

Cả hai lần làm nhiệm vụ tại Phái bộ Trung Phi và Nam Sudan, Trung tá Lương Trường Vinh đều được tin tưởng giao nhiệm vụ tương đương đại diện quốc gia, kiêm bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ công tác tại địa bàn. Tại Trung Phi, Trung tá Lương Trường Vinh làm việc ở sở chỉ huy phái bộ, nơi sĩ quan Việt Nam phát huy được những tố chất của một cán bộ dày dạn kinh nghiệm quân sự. Khi đảm nhiệm Sĩ quan tác chiến tổng hợp ở Trung Phi (2016-2017), hằng ngày anh phải tiếp nhận, xử lý và tổng hợp các báo cáo cả quân sự lẫn dân sự từ các phân khu, tiểu đoàn bộ binh, phòng, ban của phái bộ... sau đó báo cáo lên sở chỉ huy phái bộ tại trụ sở LHQ. Yêu cầu công việc đòi hỏi khắt khe về thời gian, độ chính xác và khả năng tổng hợp cao giúp lãnh đạo, chỉ huy cấp trên kịp thời đưa ra các quyết định nhanh chóng, phù hợp, nhất là trong xử lý khủng hoảng an ninh, bảo vệ thường dân.

Công tác tại Nam Sudan (2019-2020), ngoài nhiệm vụ của một Quan sát viên quân sự, công việc có phần phức tạp hơn, bởi các thành viên trong tổ công tác còn có trách nhiệm hỗ trợ Bệnh viện Dã chiến cấp 2. Thời gian ở Nam Sudan, vai trò đại diện quốc gia tại phái bộ cử quân đòi hỏi phải thể hiện nhiều hơn. LHQ yêu cầu vị trí này đảm nhiệm công việc tham mưu cho tư lệnh lực lượng quân sự phái bộ về chính sách của các nước cử quân, giám sát, điều phối và kết nối các hoạt động hỗ trợ quốc gia đối với phái bộ, cung cấp thông tin về quy trình, kế hoạch thay quân, điều chuyển lực lượng... Khi Trung tá Lương Trường Vinh ở Nam Sudan trùng thời điểm thê đội 1 và 2 của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 Việt Nam đảo quân, nên mọi công việc, thủ tục giấy tờ, visa phức tạp từ phía chính quyền sở tại hay phái bộ liên quan tới vận chuyển người, hàng hóa, trang thiết bị đều do các thành viên của tổ công tác “thiện chiến” do anh Vinh đứng đầu, đảm trách. 

Anh Vinh chia sẻ, việc tham gia các chuyến tuần tra đường trường đầy thử thách ở Nam Sudan cũng là những trải nghiệm giá trị và ý nghĩa đối với mình. Kinh nghiệm cùng những kỹ năng, phản xạ nhanh nhạy của một sĩ quan công tác lâu năm ở đơn vị tác chiến, giúp đồng nghiệp quốc tế yên tâm trên các nẻo đường tuần tra cùng anh. Khả năng nhận định tình hình, bình tĩnh xử lý các tình huống trên đường tuần tra, chốt kiểm soát cũng như việc tư vấn cho lực lượng bảo vệ về bố trí đội hình hành quân, tham mưu thiết lập các căn cứ lâm thời trên đường tuần tra, xác định các hướng có nguy cơ “tên bay, đạn lạc”, có lực lượng vũ trang, để lực lượng bảo vệ bố trí xe che chắn các hướng đề phòng rủi ro, Những việc làm của Trung tá Lương Trường Vinh khiến đồng đội nhiều lần thán phục sự tinh nhuệ của sĩ quan Việt Nam.

Những kết quả trong tham gia sứ mệnh GGHB LHQ của Trung tá Lương Trường Vinh là câu chuyện về sự thành công, nỗ lực học tập ngoại ngữ để làm chủ công việc ở môi trường làm việc quốc tế. Là cán bộ quân sự trưởng thành từ đơn vị, việc sử dụng tốt ngoại ngữ để đảm nhận những công việc như vậy có thể nói là rất hiếm. Đến học ở Đoàn 871 (Tổng cục Chính trị) với kiến thức tiếng Anh gần như không còn nhiều, anh phải học lại từ đầu, làm quen với con chữ, từng câu từ, từng cấu trúc ngữ pháp... Anh chia sẻ, vợ anh, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh-giáo viên Tiếng Anh tại Trường THPT Kiến An (TP Hải Phòng) đã giúp anh rất nhiều để có được khả năng ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay.   

Nhiều đồng nghiệp trẻ ở Cục GGHB Việt Nam vẫn coi Trung tá Lương Trường Vinh như người anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, người đồng nghiệp đáng kính trọng, truyền cảm hứng, đáng học tập cả về tính cách lẫn con người. Sự mở đầu suôn sẻ, nối tiếp thành công của anh, Cục GGHB Việt Nam đã có thêm những sĩ quan trúng tuyển làm việc tại trụ sở LHQ. Sau anh Vinh, Trung tá Trần Đức Hưởng đã trúng tuyển vị trí Sĩ quan kế hoạch, Phòng Kế hoạch quân sự, Văn phòng Các vấn đề quân sự và Thiếu tá Nguyễn Phúc Đông đã trúng tuyển Sĩ quan huấn luyện, Cơ quan huấn luyện tích hợp, Cục Hoạt động Hòa bình LHQ. Sự trùng hợp khá bất ngờ khi cả 3 có thời gian công tác cùng nhau tại tổ công tác Nam Sudan năm 2019.

Sự trưởng thành của những chiến sĩ mũ nồi xanh như Trung tá Lương Trường Vinh đánh dấu bước phát triển nhanh chóng của lực lượng GGHB Việt Nam, khẳng định sĩ quan GGHB Việt Nam có đủ năng lực tham gia các hoạt động của LHQ, sẵn sàng đảm nhận các vị trí cao với yêu cầu nhiệm vụ cao hơn của tổ chức này với tư cách một thành viên có trách nhiệm.

MỸ HẠNH