Dấu chân thầy Sơn

“Đi thôi anh”, nhìn Chủ tịch UBND xã Sín Chéng Vũ Văn Sơn mới còn gọn gàng trong bộ đồ công sở, giờ đã đóng bộ quần áo lao động chẳng khác gì một người dân địa phương, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Sơn giải thích, trên đây là vậy, mỗi lần đi thăm các mô hình sản xuất là một lần phải tham gia lao động, miệng hướng dẫn, tay phải làm thì bà con mới tin, mới theo. Nhìn bầu trời hửng nắng, Sơn nói tiếp: “Hôm qua em vẫn lo là trời mưa mù. Sáng nay lại khô ráo, rất thuận lợi cho việc đi lại và tụ họp bà con để triển khai mô hình trồng mận”.

Không chỉ thay đổi về cách mang mặc, chiếc xe máy của Sơn cũng làm thêm nhiệm vụ mới là thồ phân bón và các dụng cụ bảo hộ lao động như găng tay, ủng... Rất nhanh chóng, Sơn nổ máy đưa chúng tôi rời trụ sở UBND xã, cùng đoàn cán bộ Trại rau quả huyện Bắc Hà (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai) thăm mô hình mận tím chín sớm, một sản phẩm giống cây ăn quả mới, đang được trồng thử nghiệm ở xã.

Đồng chí Vũ Văn Sơn (ngoài cùng, bên phải) cùng cán bộ hướng dẫn và giúp đồng bào kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả. 

Cuối năm 2005, tôi có dịp cùng đoàn công tác đến thăm điểm trường ở xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai. Sau nhiều hôm mưa, đường đến trường trở nên lầy lội, chúng tôi phải cởi giày, xắn quần lội bùn trên con đường trơn dốc. “Mời các anh vào uống chén nước”, Sơn thời điểm đó là thầy giáo của trường đon đả đón chào. Lúc đó, thầy phó hiệu trưởng đang vào trung tâm xã để mua mắm, muối và lương thực dự trữ cho thầy, cô giáo và học sinh. Ngày ấy, học sinh đi học chưa có chế độ hỗ trợ, các thầy, cô giáo phải trích mỗi tháng vài chục nghìn đồng từ nguồn lương ít ỏi, góp lại để mua các loại gia vị, thực phẩm cho bữa ăn của các em học sinh.

Ngoài dãy lớp học được xây dựng cơ bản, xung quanh trường chỉ là các nhà tạm để giáo viên và học sinh ở nên phòng tiếp khách cũng là phòng ở của giáo viên. Trong góc nhỏ gọn gàng, tôi để ý thấy một bó hoa khô cắm trong bình, cánh hoa đã rụng. Tôi hỏi thầy Sơn: “Thời gian này bận nhiều việc hay sao mà thầy quên không thay bình hoa?”. “Bó hoa này rất đặc biệt. Vừa qua, học trò Vàng Văn Canh, lớp 6, được tặng bó hoa này nhân dịp được tuyên dương tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của tỉnh. Em đã mang bó hoa về tặng lại tôi. Sau nhiều ngày đi đường, hoa đã bị héo, nhưng đây là bó hoa đẹp nhất mà tôi được tặng. Mỗi lần nhìn bó hoa, tôi lại cảm thấy hạnh phúc, niềm tin về sự khát khao học tập của trẻ em nơi đây”, thầy Sơn trả lời.

Tháng 9-2004, Vũ Văn Sơn là một trong những thầy giáo đầu tiên nhận nhiệm vụ ở Trường THCS Nàn Sán. Trong suốt hơn một năm, buổi sáng, các cô giáo lên lớp dạy, các thầy vào rừng đốn cây về dựng nhà làm chỗ ở, rồi làm sân, làm đường đến trường, làm chuồng trại, vườn rau để tăng gia. Hằng ngày, các thầy phải đi bộ leo đồi gần 4km để vác nước về dùng. Buổi tối, các thầy ngồi soạn giáo án bên ngọn đèn dầu leo lét; sáng hôm sau lại tiếp tục lao động “tình nguyện” để hoàn thành các hạng mục cơ sở vật chất của nhà trường. Chỉ những ngày mưa bão, không thể đi đâu được, các thầy mới được cầm phấn, đứng trên bục giảng. Khó khăn chất chồng khó khăn. Ở điểm trường này, thầy cô đến rồi thầy cô lại rời đi là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Câu chuyện chưa dứt, Sơn đã vội chia tay để chuẩn bị vào bản gọi học sinh đến trường. Sau nhiều ngày chìm trong sương mù và mưa gió, hôm ấy trời hửng nắng nên việc đi lại thuận tiện hơn. Lại thêm một ngày vất vả nữa của thầy giáo Sơn, bởi anh phải đi bộ hàng chục cây số, đến từng bản, gõ từng nhà và lại cùng từng học sinh xay ngô, làm mèn mén trong những ngày đến trường... Đi từ đầu giờ chiều nhưng phải mờ sáng hôm sau các thầy mới đưa được học sinh về trường. Nhìn những vết chân của thầy Sơn in sâu vào sắc nắng lung linh trên con đường bùn lầy, chúng tôi cảm thấy như đó là ý chí, quyết tâm đang được các thầy, cô giáo tạc vào đất, chồng lấn, xói mòn sự đói nghèo đang bủa vây Nàn Sán bao đời nay.      

Vừ A Núi - người con của bản

“Thầy A Núi!”, tiếng gọi cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi khi giọng một trai bản chen ngang. Đó là tiếng gọi của Tráng Seo Xà, người dân thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn, Xà vui như bắt được vàng khi gặp A Núi (tên đồng bào đặt cho Sơn). Hôm nay trời tạnh ráo, Xà thu hoạch mận Tả Van và lê Tai Nung để đưa về trung tâm huyện bán cho thương lái. Vừa mời chúng tôi thưởng thức sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) ngọt mát, Xà vừa nói: “Năm nay do dịch Covid-19 nên chỉ được nửa giá, khoảng 100 triệu đồng/ha thôi”.

Thời A Núi (Vũ Văn Sơn) về làm Phó chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán, gia đình Xà là một trong những hộ nghèo của xã. Nhưng nhờ cây mận Tả Van, lê Tai Nung và đặc biệt là sự giúp đỡ của A Núi, hiện kinh tế gia đình Xà đã khá giả, xây được nhà hai tầng, có xe máy, ti vi, tủ lạnh... Chuyện xây dựng thành công mô hình trồng mận Tả Van và lê Tai Nung cũng là một chặng đường gian khổ của Vũ Văn Sơn trên vùng cao Quan Thần Sán.

  Đồng chí Vũ Văn Sơn (ngoài cùng, bên trái) cùng cán bộ xã Sín Chéng và Hợp tác xã cây giống Bắc Hà chuẩn bị đi tham quan mô hình kinh tế.

Ngày ấy, sau khi đi xem xét, Sơn nhận thấy khí hậu và độ cao ở Quan Thần Sán rất tốt để phát triển cây mận Tả Van và lê Tai Nung. Ở địa phương, đồng bào có trồng lê, trồng mận, nhưng do thiếu kỹ thuật chăm sóc nên cây không cho quả nhiều và kém ngon. Sơn đi học kỹ thuật ở Trại rau quả huyện Bắc Hà mang về động viên đồng bào làm theo. Sơn kể: “Ban đầu đồng bào không nghe đâu và vẫn theo cách làm cha ông để lại. Sau đó, tôi cùng cán bộ xã đến vườn nhà Xà để thuyết phục và trực tiếp vít cành, chăm bón cho cây lê, cây mận có sẵn ở vườn. Hì hục mất cả ngày mới được mấy chục gốc, hôm sau đến thì gia đình Xà đã ra cắt hết dây vít cành cây. Thấy làm kiểu này không hiệu quả, tôi đã mời gia đình Xà đến Trại rau quả huyện Bắc Hà để xem cách trồng, chăm sóc cây mận, cây lê. Toàn bộ chi phí ăn uống, xăng xe do tôi chi trả”.

Đến trại rau quả của huyện, được tận mắt xem, được cán bộ kể về hiệu quả kinh tế, Xà mới tin. Để Xà làm theo, ngoài hỗ trợ phân bón cho gia đình, Sơn mời cán bộ Trại rau quả huyện Bắc Hà về Quan Thần Sán để cùng chính quyền hướng dẫn, giúp gia đình Xà làm vườn mận, lê, cũng là để xây dựng mô hình mẫu cho đồng bào. Ngay năm đầu thực hiện, mô hình đã thành công. Nhìn thương lái đến đặt mua lê Tai Nung, mận Tả Van và tiền "chảy” về gia đình Xà, đồng bào đến xin chính quyền hỗ trợ cây giống để làm vườn lê, vườn mận. Đến nay, mận Tả Van, lê Tai Nung đã trở thành sản phẩm nổi tiếng của huyện Si Ma Cai.

Cũng dịp ấy, một lần Sơn đến nhà cụ Tráng Seo Giả, một đảng viên lão thành đã ngoài 80 tuổi, cụ nguyên là chủ nhiệm HTX từ thập niên 1980. Cụ nói: “Cháu Sơn tốt đấy! Ông nghe bà con nói nhiều rồi, cán bộ người xuôi về xã này công tác từ trước tới giờ cũng có mấy người, có được cán bộ thương dân, giúp dân, sống gần dân như cháu, bà con vui lắm. Bà con nói cán bộ Sơn tốt như con của bản...”. Nói rồi, cụ rót rượu ngô ra bát mời Sơn và hỏi: “Cháu Sơn họ gì nhỉ?”. Sơn trả lời: “Dạ, cháu là Vũ Văn Sơn ạ”. Cụ Giả ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Họ Vũ là họ Vừ của người Mông, Sơn trong tiếng Mông vẫn là Sơn thôi, nhưng theo người xưa thì Sơn là núi. Vậy tên tiếng Mông của cháu là Vừ A Núi nhé!”.

Từ đó, mọi người thân mật gọi Sơn là Vừ A Núi, cách gọi thể hiện tình cảm yêu thương, tôn trọng của đồng bào dành cho Sơn.

Tất cả vì đồng bào vùng cao

Khi mặt trời đã lên cao, xua tan hết lớp sương mù bao phủ trên rừng núi thì cũng là lúc chúng tôi đến bản Mào Seo Phìa, nơi hộ gia đình Mai Thị Dí trồng mận tím chín sớm. Sơn cho biết: “Mới đầu tôi cũng đưa mận Tả Van và lê Tai Nung về trồng thử nghiệm. Nhưng do khí hậu và độ cao không thích hợp nên chưa hiệu quả. Tháng 11-2018, sau khi tham quan ở trại rau quả, tôi nhận thấy mận tím chín sớm có thể trồng được ở Sín Chéng nên đã thực hiện ngay một dự án trồng thí điểm 4ha cây mận tím chín. Thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, năm 2019, tôi tiếp tục mở rộng mô hình thực nghiệm thêm 6ha nữa”.

Để thực hiện dự án, Sơn đã bỏ kinh phí tổ chức đưa người dân của xã đến Trại rau quả huyện Bắc Hà để bà con tận mắt tham quan, rồi hỗ trợ cây giống, vận động người dân trồng. Hằng năm, Sơn hỗ trợ phân bón, mời cán bộ trại giống lên tận vườn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, làm cỏ thực bì, bón phân, tỉa cành, tạo tán...

Hơn một héc-ta mận tím của gia đình Mai Thị Dí đã bói quả, cây phát triển tốt. Sơn cùng cán bộ trại rau quả hướng dẫn và cùng gia đình chăm sóc vườn mận, khi ấy, nhìn anh không khác một nông dân giàu kinh nghiệm. Sơn cho biết: “Trong thời gian làm phó chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán, tôi đã tự học thêm văn bằng 2 đại học chuyên ngành nông lâm vì kiến thức nông lâm rất cần để xây dựng kinh tế cho bản làng vùng núi”.

Cùng Sơn đi tham quan các vườn mận khác, niềm vui nối tiếp niềm vui khi được biết sau 3 năm thí điểm, các vườn mận đã bói quả. Cây có ưu điểm phát triển tốt, phù hợp độ cao và thổ nhưỡng của địa bàn. Vậy là, tháng 4 sang năm, các mô hình sẽ cho thu hoạch và cho kết quả đánh giá. Đồng bào lại có thêm một hướng đi xóa đói và làm giàu để thay thế những vạt ngô, lúa kém chất lượng; cũng như góp phần bảo vệ môi trường, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi phun cho ngô, lúa. Sơn phấn khởi cho biết: “Năm 2018, tôi được bầu làm Chủ tịch UBND xã Sín Chéng. Lúc đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã khoảng 13%. Đến năm 2021, tỷ lệ giảm xuống còn gần 6%. Hiện nay, ngoài giảm nghèo, Đảng ủy, UBND xã đang tích cực thực hiện các mô hình trồng cây dược liệu, chăn nuôi để giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo”.

Ngoài mô hình mận tím chín sớm, Sơn còn đưa tôi đi tham quan HTX nuôi ngựa bạch và các hộ dân tham gia dự án xóa nghèo bằng nuôi ngựa bạch. Mô hình được triển khai từ năm 2020, theo hình thức: Đối với hộ gia đình thì 4 hộ được hỗ trợ 1 ngựa bạch giống (trị giá khoảng 50 triệu đồng), cùng chăm sóc ngựa đến khi ngựa đẻ thì nhận ngựa con và chuyển ngựa giống sang gia đình khác. Để thực hiện mô hình này, HTX được hỗ trợ 70% tiền lãi suất ngân hàng để mua 7 con ngựa bạch. Tổng số ngựa ban đầu của hai mô hình là 21 con ngựa, đến nay, các con giống phát triển tốt, trong số các hộ nuôi, có 5 con ngựa giống đang có thai, đàn ngựa của HTX đã có thêm 2 chú ngựa con... Chúng tôi chợt nhận thấy, ngoài lợi ích kinh tế, điều hiệu quả nhất của các mô hình mà Chủ tịch UBND xã Sín Chéng Vũ Văn Sơn mang lại chính là truyền ý chí, nhiệt huyết và khát vọng làm giàu cho đồng bào các dân tộc, mang ấm no về với vùng cao Tây Bắc. 

Bài và ảnh: VIỆT HÀ