Những ngày sau đó, bà tiếp tục đồng hành với các lực lượng tuyến đầu bằng cả vật chất và tình cảm chân thành.
Bản lĩnh kiên cường của người nữ quân nhân
Những ngày cuối năm, mặc dù công việc rất bận rộn nhưng doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền vẫn dành cho tôi một cuộc hẹn. Ngoài công việc kinh doanh, hiện bà còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nhân CCB. Bà từng là thiếu sinh quân và sau là chiến sĩ báo vụ của Quân chủng Phòng không-Không quân trước khi trở thành một doanh nhân.
Bắt đầu câu chuyện, bà cười khiêm tốn: “Tôi chả có gì để kể đâu”. Nói thế nhưng câu chuyện thân mật giữa chúng tôi làm dòng chảy ký ức của nữ doanh nhân lại dào dạt tràn về. Ấy là kỷ niệm thời gian khó từ những năm chiến tranh ác liệt đến những năm tháng lăn lộn trên thương trường, gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, trải qua biết bao thăng trầm với nhiều lần vấp ngã. “Nhìn lại những gì đã trải qua, có được thành công như ngày hôm nay, tôi luôn biết ơn quân đội đã rèn luyện cho mình ý chí kiên cường. Nhiều lúc tôi cảm thấy kiệt sức, như sắp rơi xuống vực thẳm, nhưng tinh thần của người chiến sĩ không cho phép bỏ cuộc, tôi lại đứng dậy để bước tiếp”.
Khi rời quân ngũ, CCB Nguyễn Thị Bảo Hiền mới bắt đầu học kinh doanh. Bà bảo rằng, trong cuộc chiến với kẻ thù, nếu mình không chiến đấu sẽ bị tiêu diệt; là nước mất nhà tan, dân tộc phải chịu cảnh lầm than, cơ cực. Còn trên thương trường, kinh doanh không chỉ là làm sao phát triển, khẳng định được bản thân, mà còn phải giúp ích cho nhiều người, cho cộng đồng, xã hội.
Trong cuộc trò chuyện, có lúc giọng nữ CCB nghẹn lại. Ấy là khi bà kể về kỷ niệm với những người bạn, những người đồng chí rất mực gắn bó trong những năm tháng quân ngũ gian khó, hiểm nguy. Năm ấy, một người đồng đội của bà bị thương nặng, nằm điều trị tại bệnh xá giữa chiến trường Quảng Trị ác liệt. Mong manh giữa ranh giới của sự sống và cái chết, người bạn đã nắm chặt tay bà và nói: “Bạn phải sống cho cả mình nữa nhé!”. Câu nói của người bạn cứ văng vẳng bên tai, tiếp thêm cho bà nghị lực, niềm tin trong cuộc sống và kinh doanh sau này.
 |
Bà Hiền (người chỉ tay) trực tiếp kiểm tra quy trình sản xuất tại nhà máy sản xuất, chế biến nông sản của Tập đoàn Hiền Lê. Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Đến giờ tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc và câu nói ấy của đồng đội tôi. Đó là lời dặn của người chiến sĩ thấm thía, thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa, giá trị của cuộc sống giữa khốc liệt, mất mát của chiến tranh. Cho nên, được sống đến ngày hôm nay, tôi thấy cuộc sống của mình giá trị lắm”, bà xúc động nói. Và bà đã sống, không chỉ sống cho mình mà có trách nhiệm sống cả cho người bạn, cho những đồng đội đã đi xa. Chính vì thế, nữ chiến sĩ báo vụ năm nào luôn nỗ lực từng ngày để cuộc sống thực sự ý nghĩa. Giờ đây, khi đã thành công, bà lại chia sẻ những gì mình có cho cộng đồng, xã hội, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Trăn trở làm giàu cho nông dân
Điều mà nữ doanh nhân CCB mong muốn là không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, nâng cao đời sống công nhân mà còn có thể giúp ích được cho cộng đồng, xã hội. Tập đoàn Hiền Lê của bà hiện hoạt động trong các lĩnh vực: Xử lý chất thải công nghiệp; luyện cán phôi thép; sản xuất công nghiệp phụ trợ; sản xuất bao bì điện tử. Các lĩnh vực đều ứng dụng công nghệ cao trong vận hành, quản lý sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn cung cấp cho khách hàng khó tính có tên tuổi mang tầm quốc tế như: Canon, Brother, Samsung...
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm là lĩnh vực mà hiện nay nữ doanh nhân CCB đang dồn tất cả tâm huyết. Ra nước ngoài, nhìn nông dân của họ làm nông nghiệp hiện đại và giàu có, bà luôn trăn trở làm sao để nông dân Việt Nam cũng giàu có từ chính thửa ruộng, mảnh vườn của mình.
Tham gia dự án của Tập đoàn Hiền Lê, những người nông dân được tiếp cận với sản xuất nông nghiệp sạch, hiện đại, nông sản làm ra có chất lượng và giá bán cao hơn. Suốt 6 năm qua, nhiều người đã quen với hình ảnh người lãnh đạo cao nhất tập đoàn trực tiếp xuống đồng để kiểm tra nông sản, khảo sát đánh giá chất đất, nguồn nước ở các vùng nguyên liệu hay lăn lộn ở nhà máy không kể ngày đêm để giám sát, theo dõi dây chuyền sản xuất. Đến nay, sản phẩm nông nghiệp của Tập đoàn Hiền Lê đã xuất khẩu đi 4 nước là Nhật Bản, Anh, Bỉ, Đức và đều nhận được sự hài lòng, tin tưởng của khách hàng, đối tác.
Hơn hai năm qua, Việt Nam nói riêng, các nước trên thế giới nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng Tập đoàn Hiền Lê vẫn có doanh thu ổn định, mỗi năm nộp ngân sách nhà nước xấp xỉ 7 tỷ đồng. Điều đặc biệt là doanh nghiệp tạo việc làm cho gần 2.000 lao động với thu nhập bình quân ổn định trên 8 triệu đồng/người/tháng.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nhà máy chế biến rau, củ, quả đông lạnh xuất khẩu đặt tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) với công suất 500.000 tấn/năm đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hơn 100 công nhân, gần 500 lao động là bà con nông dân địa phương. Dự án tổ hợp sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm công nghệ cao tại huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đang được đầu tư với quy mô vùng sản xuất ban đầu 200ha, sau đó sẽ tăng lên 300-500ha.
Cũng nhờ sự phát triển bền vững của Tập đoàn Hiền Lê, nhiều nông dân ở Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang... có cuộc sống ổn định, khấm khá hơn. Chị Nguyễn Thị Bền ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng, Hải Dương) có hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình phải ngược xuôi chăm sóc chồng bị tai biến và 3 người con ăn học đã 10 năm nay.
Được vào làm tại công ty thuộc Tập đoàn Hiền Lê, với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Bền đã ổn định. “Tôi biết ơn bà chủ tịch lắm, nhờ làm việc ở đây mà tôi có thể nuôi được 3 con ăn học và mua thuốc thang điều trị bệnh cho chồng”, chị Bền xúc động nói với chúng tôi.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Hơn hai năm qua, dù khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng Tập đoàn Hiền Lê vẫn luôn duy trì tháng lương thứ 13, thưởng cho cán bộ, nhân viên, người lao động dịp lễ, tết. Đến nay, sau 4 đợt dịch, doanh nghiệp của nữ CCB Nguyễn Thị Bảo Hiền luôn bảo đảm an toàn, chăm lo tốt sức khỏe người lao động và duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB Việt Nam, bà Hiền luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Trung ương Hội CCB Việt Nam, nhất là các phong trào: “CCB gương mẫu”, “CCB giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, “Nghĩa tình đồng đội”... Bà Hiền cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội, từ thiện như: Giúp đỡ gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, làm nhà tình nghĩa... Bà đã đóng góp, ủng hộ từ thiện hơn 30 tỷ đồng; trao hơn 20 tỷ đồng tặng Quỹ xây dựng, phát triển Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam và Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam; xây trường học tặng thầy và trò các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa... Hằng năm, Tập đoàn Hiền Lê đặt chỉ tiêu trích tối thiểu 5% lợi nhuận cho các hoạt động từ thiện.
Nhận xét về nữ Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam cho rằng: "Doanh nhân CCB Nguyễn Thị Bảo Hiền là người năng nổ, nhiệt tình, có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác hội CCB, tích cực trong các hoạt động từ thiện, trách nhiệm với cộng đồng; là CCB tiêu biểu, luôn giữ gìn và phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ".
Với những thành tích tiêu biểu và sự tận tâm công hiến, doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội CCB Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hoàng gia Nhật Bản; giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2021; nhiều năm liền được tặng Cúp Bông hồng vàng; Giải thưởng “Bình đẳng giới tại thị trường”. Đặc biệt, bà còn là Đại sứ thương mại toàn cầu tại LosAngeles (Mỹ) và là nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu.
Thế nhưng, khi nói về bản thân, nữ Chủ tịch Tập đoàn Hiền Lê rất khiêm tốn và cho rằng: “Đối với tôi, phần thưởng cao quý nhất là có thể giúp ích được cho cộng đồng, giúp cho nhiều người bớt khó khăn hơn, có được cuộc sống tốt đẹp hơn”.
NGỌC HÂN