Nhiều người khi mất đi không có người thân bên cạnh để lo hậu sự, tro cốt chưa về được quê hương. Bằng tình cảm, trách nhiệm và đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”, bộ đội Quân khu 9 đã kịp xoa dịu nỗi đau của gia đình nạn nhân qua những bước chân âm thầm và bằng trái tim nồng ấm.
Nghĩa tử là nghĩa tận
Tham gia thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và bàn giao tro cốt là cán bộ, chiến sĩ Đội K90, Cục Chính trị Quân khu 9. Chưa bao giờ các anh lại thực hiện nhiệm vụ đặc biệt như lần này. Những hũ tro cốt của bệnh nhân tử vong vì Covid-19 sẽ được đưa về với quê nhà miền Tây, trao tận tay gia đình các nạn nhân.
Hơn 20 năm Trung tá Thạch Sô Ri Da, Phân đội trưởng Phân đội 1, thực hiện nhiệm vụ cùng đồng đội tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Đôi bàn tay từng nâng niu tro cốt các anh hùng liệt sĩ, từng trải qua những cảm xúc đặc biệt khi tìm thấy đồng đội, thì giờ đây trên tay anh là tro cốt của đồng bào tử vong vì dịch Covid-19.
“Trong số nạn nhân tử vong, nhiều người là lao động nghèo, công nhân xa quê để mưu sinh, cuộc sống rất khó khăn. Do vậy, chúng tôi xác định phải nhanh chóng đem tro cốt họ về bàn giao chu đáo cho gia đình, mong an ủi phần nào nỗi đau mất mát người thân”, Trung tá Thạch Sô Ri Da tâm sự.
 |
Đội K90 Quân khu 9 bàn giao hài cốt bệnh nhân tử vong do Covid-19 cho gia đình. |
Đưa tro cốt người mất bàn giao cho gia đình, người thân trong bối cảnh dịch bệnh là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ. Nhưng với Đội K90, các anh luôn coi người mất như người thân của mình, phục vụ với sự tận tâm và trách nhiệm.
“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Quân khu 7, cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ CHQS 12 tỉnh, thành phố rà soát từng danh sách cũng như các di vật của nạn nhân để lại; tổ chức tiếp nhận và bàn giao trang trọng, phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương.
Trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ luôn chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, quy định phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối”, Thượng tá Phan Văn Hiệp, Đội trưởng đội K90, Cục Chính trị Quân khu 9 chia sẻ.
Thiếu tướng Hồ Minh Phương, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 nhấn mạnh: “Lần thực hiện nhiệm vụ này hết sức khó khăn, nguy hiểm, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Các đồng chí đã xa gia đình, người thân để tham gia phòng, chống dịch, nay lại tiếp tục gác tình riêng nhận lệnh lên đường. Hành động đó càng thể hiện ý chí và trách nhiệm của người quân nhân cách mạng, phần nào giúp người đã khuất được yên lòng, đồng thời an ủi, xoa dịu nỗi đau trong lòng người ở lại”.
Ra đi gửi yêu thương, trở về trong tưởng nhớ
Sau khi tiếp nhận tro cốt của người dân tử vong do Covid-19, những chuyến xe rời Nhà tang lễ TP Hồ Chí Minh được chia làm hai đoàn, nhanh chóng di chuyển, bàn giao tro cốt đến bộ CHQS 12 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 9.
Không ai nghĩ, sau nhiều năm lên TP Hồ Chí Minh để mưu sinh sẽ có ngày bà Nguyễn Thị Hồng, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng (TP Cần Thơ) hồi hương trong nước mắt của người thân. Đột ngột nhiễm virus SARS-CoV-2, bà Hồng đã không qua khỏi chỉ vài ngày sau đó, mà không có người thân bên cạnh.
Dịch bệnh cách trở, phải gần 49 ngày mới có thể nhận tro cốt mẹ để an táng tại quê nhà, chị Trần Thị Kim Mơ không khỏi nghẹn ngào: “Khi dịch bệnh bùng phát, vợ chồng tôi lo lắng, hằng ngày điện thoại hỏi thăm, dặn mẹ đừng đi ra đường. Rồi hôm đó, mẹ sốt, đi khám bệnh và gọi về nói mẹ bị bệnh. Sau 3-4 ngày thì mẹ mất. Vợ chồng tôi ngày nào cũng trông mong nhận được tro cốt mẹ về với quê nhà để hương khói. Gia đình không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành gửi đến các anh bộ đội, đã đem tro cốt mẹ tôi về đến tận nhà”.
Con đường xa, gập ghềnh cũng không ngăn được tấm lòng của bộ đội dành cho gia đình bà Hồ Thị Liên, phường Hưng Phú, quận Cái Răng (TP Cần Thơ). Đã nhiều năm đi làm ăn xa quê cùng người em gái, hai đứa con và các cháu, nay bà Liên trở về trong sự ngỡ ngàng của chòm xóm và nỗi tiếc thương của người thân.
Tro cốt em gái bà cũng đã được bàn giao về tỉnh Hậu Giang. Ngày đưa bà Liên về nơi "chôn nhau cắt rốn", bộ đội chỉ gặp được họ hàng của bà, vì con cháu đều đang ở trong khu cách ly. Cảnh ngộ éo le vì dịch bệnh, thực sự khiến những người mạnh mẽ nhất cũng không khỏi chạnh lòng.
Vì gia cảnh khó khăn, con trai của ông Nguyễn Văn Dễ, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) lên TP Hồ Chí Minh để làm thuê. Anh chẳng may nhiễm bệnh và không qua khỏi. Dịch bệnh đã lấy đi quá nhiều thứ và không có nỗi đau nào bằng việc mất người thân.
Ông Nguyễn Văn Dễ bùi ngùi: “Tôi có gọi điện thoại nói chuyện với con trai được hai lần, bữa trước bữa sau thì nó mất. Dịch bệnh như vầy, nếu không nhờ có các chú thì biết khi nào tôi mới nhận được tro cốt của con”.
Trong lần trở về này, có những bộ tro cốt đã được người thân nhận, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp vì dịch bệnh, thân nhân của những người mất chưa thể làm tròn bổn phận. Để người đã khuất có nơi nương tựa, hương linh được ấm cúng, những hũ tro cốt được tạm gửi vào chốn từ bi. Là người làm công quả cho chùa Lan Nhã Kỳ Viên và chăm sóc khu nghĩa trang, anh Nguyễn Văn Lành, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn (An Giang) không khỏi xót xa khi chứng kiến đoàn công tác đưa các hũ tro cốt của các nạn nhân.
Thượng tá Nguyễn Văn Thúc, Phó chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi vô cùng tiếc thương cho những người dân quê xa xứ, do hoàn cảnh khó khăn phải rời quê hương để mưu sinh vậy mà nay phải trở về trong tình cảnh đầy đau xót.
Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát lại địa chỉ, tìm kiếm người thân của các nạn nhân. Khi có người thân và gia đình đến liên hệ để nhận tro cốt, chúng tôi cùng với nhà chùa và cấp ủy, chính quyền, địa phương hướng dẫn bà con làm các thủ tục để tiếp nhận tro cốt”.
Khi cả nước đang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, việc tổ chức tang lễ cho người thân không thể thực hiện theo phong tục và tâm nguyện của các gia đình. Với mong muốn chia sẻ nỗi đau ấy, nhiều địa phương đã làm lễ với các nghi thức trang trọng để tiễn biệt người đã khuất.
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng bày tỏ: “Lễ cầu siêu được thực hiện trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức tôn giáo do các vị hòa thượng, thượng tọa trụ trì các chùa trong tỉnh thực hiện. Đây chính là việc làm thể hiện sự tiếp nối truyền thống đoàn kết cộng đồng của dân tộc, như một sự tưởng nhớ, bày tỏ niềm tiếc thương đối với những người dân không may qua đời vì dịch bệnh.
Đồng thời, cũng là chia sẻ với nỗi đau mất mát với thân nhân của họ, vượt qua khó khăn để người quá cố được an lòng, yên nghỉ; chung tay cùng chính quyền và nhân dân thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch”.
Những chuyến xe buồn vẫn lăn bánh đưa nạn nhân trên chặng đường cuối của đời mình. Không có người thân bên cạnh để khóc thương, tiễn biệt. May mắn thay, còn có sự đồng cảm và tấm lòng của những người không là ruột thịt nhưng có trái tim nồng ấm. “Nghĩa tử là nghĩa tận”-đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam được thực hiện bằng cả tấm lòng và sự chu toàn trách nhiệm.
Với nhiều việc làm thiết thực, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 9 đã động viên, tiếp sức để các gia đình vươn lên sau những mất mát, cùng nhau vững vàng bước qua đại dịch. Đại tá Huỳnh Ngọc Huệ, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng luôn đồng hành, chia sẻ nỗi đau, mất mát và cố gắng một cách nhanh nhất đưa tro cốt của người đã khuất về với gia đình”.
Bài và ảnh: LƯU QUANG ĐỨC