Thầy đã dành tâm huyết cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu về ngôn ngữ, lịch sử địa phương... Bằng cách làm của riêng mình, thầy mong muốn truyền ngọn lửa đam mê của bản thân đến với nhiều người, nhất là những người trẻ, để tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.
Duyên với sự nghiệp trồng người
Tôi đến thị trấn Tri Tôn khi sương mờ còn giăng phố núi. Mặc dù đã ngược xuôi trên vùng biên cương đầy nắng gió này không biết bao nhiêu bận nhưng với tôi, cái bãng lãng của vùng đất thất sơn vào mỗi sớm mai luôn có sức hút lạ thường. Trong tiết trời xanh mát của những ngày xuân, các phum, sóc trên địa bàn huyện miền núi Tri Tôn như khoác lên mình chiếc áo mới.
Hỏi thăm đường đến nhà thầy Chau Mo Ni Soc Kha, tôi được người dân cho biết thêm thông tin về người được mệnh danh là “nhà Khmer học” ở miệt Bảy Núi. Mọi người nói về thầy Kha với thái độ trân trọng một trí thức tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho đồng bào Khmer nơi đây.
Đã nghe nói và cũng tìm hiểu về thầy, nhưng khi tiếp xúc, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Trò chuyện với tôi dường như không phải là một cán bộ quản lý giáo dục, một vị hiệu trưởng mà là người thầy bình dị, nhiệt thành. Dáng vẻ rắn rỏi, đôi mắt sáng với ánh nhìn ấm áp khiến người ta thấy được ở thầy sự thân thiện, đáng kính.
 |
Thầy Chau Mo Ni Soc Kha trao học bổng khuyến học, khuyến tài cho học sinh. |
Nói về cơ duyên đến với cái nghề “gõ đầu trẻ” và nghiên cứu văn hóa Khmer, thầy Kha kể, những năm 1985-1990, vùng đất Tri Tôn còn hoang sơ lắm. Dân cư khu vực hầu hết là người Khmer, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, số người biết tiếng Việt rất ít. Vì vậy, việc chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con rất khó khăn. “Những năm công tác tại Ban Tuyên huấn Huyện ủy Tri Tôn, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi nhận ra chân lý trong lời dạy của Bác: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Lời dạy đó cũng đúng với tinh thần mà người dân Khmer hay dạy cho con cháu, thông qua các câu tục ngữ, danh ngôn truyền từ bao đời như: “Chữ phát triển thì dân tộc hùng mạnh”; “Biết từ học, giàu có từ tìm kiếm” hay “Lười làm ăn thì không giàu, lười học thì dốt”... Bởi thế, tôi mạnh dạn đăng ký học đại học sư phạm ngành ngữ văn, trước hết là để trang bị kiến thức cho bản thân, kế đến là mong trở thành người thầy truyền dạy tri thức cho con em dân tộc Khmer ở quê nhà”, thầy Kha nói.
Tôi hỏi thầy sao lại chọn ngữ văn mà không phải ngành nào khác. Thầy nói, văn chương có sức lay động con người, “văn học là nhân học”, nếu dạy văn đúng nghĩa, có thể đánh thức được những khát vọng đẹp đẽ trong tâm hồn con người. Chính Bác Hồ cũng là người dùng văn thơ để làm cách mạng, xem văn học-nghệ thuật là một mặt trận văn hóa-tư tưởng. Tốt nghiệp đại học, thầy được phân công dạy tại Trường THPT Dân tộc Nội trú An Giang. Đó cũng là khoảng thời gian thầy đem những giá trị cao đẹp của văn chương truyền dạy cho các thế hệ học trò, khơi gợi trong các em những khát vọng. Mỗi bài giảng, thầy thường lồng ghép những chi tiết trong cuộc sống hiện thực, từ các nhân vật văn chương, thầy liên hệ đến số phận những con người, giúp học trò thêm yêu cuộc sống, yêu con người, phấn đấu vượt lên số phận, vượt lên khó khăn để khẳng định bản thân.
Thầy Chau Mên, giáo viên dạy tiếng Khmer tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT An Giang, cũng là học trò cũ của thầy Kha, cho biết: “Thầy Kha là người thầy mẫu mực, đã khơi dậy trong tôi niềm đam mê học vấn. Thầy là tấm gương tiêu biểu để tôi quyết chí học hành, vượt khó, trở thành người giáo viên”. Hiện tại, không chỉ giảng dạy, thầy Chau Mên còn được thầy Kha hướng dẫn nghiên cứu soạn thảo các loại tài liệu tiếng Khmer phục vụ việc dạy học. “Tôi đổi đời là nhờ con chữ, nay phải tiếp tục gắn bó với con chữ, dùng con chữ để giúp đồng bào tôi. Thầy Kha đã “mở đường” thì nay tôi tiếp bước”, thầy Chau Mên bộc bạch.
Nặng lòng với văn hóa Khmer
Với mong muốn khơi dậy tình yêu, lòng đam mê và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm giữ chức Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS Tri Tôn, thầy Kha luôn quan tâm đến việc giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh. “Nhà trường thường tổ chức cho các em tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, các chùa, làng nghề... của bà con Khmer tại địa phương. Nhà trường còn mời những nghệ nhân làng nghề gốm Phnôm Pi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) về trường biểu diễn các giai đoạn để hoàn thiện một sản phẩm cà ràng, nồi đất... cho học sinh quan sát và trực tiếp trải nghiệm... Qua đó, giúp các em có được sự hứng thú tìm hiểu nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình, đồng thời nhà trường sẽ lồng ghép những kiến thức thực tế vào các bài học về văn hóa, giáo dục để tăng sự hấp dẫn cho các môn học”, thầy Kha chia sẻ.
Không chỉ trong bài giảng, thầy Kha còn cho gắn bảng chào theo tục lệ của người Khmer tại sân trường. Trên bảng chào có hình ảnh minh họa những cách chào: Đối với bạn bè đồng trang lứa; với người lớn tuổi; người có chức vụ; chào các sư sãi... Cùng với đó, thầy còn thực hiện quy định trang bị trang phục truyền thống của dân tộc cho học sinh vào các ngày thứ hai, thứ sáu hằng tuần. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đưa điệu múa truyền thống của người Khmer vào một số giờ sinh hoạt trong tuần. "Qua đó giúp các em biết thời điểm lễ, biết tôn trọng người già, sư sãi và lễ phép với thầy cô. Đặc biệt, khi mặc trên người trang phục truyền thống, múa các điệu múa của dân tộc mình, các em thêm yêu mến, trân trọng và có ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống”, thầy Kha bộc bạch.
Bên cạnh công việc giảng dạy, thầy còn tham gia nhóm biên soạn "Từ điển Khmer-Việt và Việt-Khmer" do Trường Đại học Trà Vinh chủ trì. Thầy còn là tác giả của các công trình như: "Bộ sách tiếng Khmer" (quyển 1) do Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn hành; "Tài liệu tiếng Khmer" do UBND tỉnh An Giang chủ trì biên soạn (dùng cho cán bộ, viên chức công tác tại vùng đồng bào dân tộc Khmer); "Tài liệu tiếng Khmer" do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang chủ trì biên soạn (dùng cho cán bộ, viên chức trong ngành giáo dục tỉnh An Giang)...
Khi tôi hỏi điều khiến thầy trăn trở nhất hiện nay, thầy lặng im, ánh mắt vời vợi. Rồi thầy dẫn tôi đi vào một sóc người Khmer ở xã Châu Lăng. Ở những nơi ấy, mặc dù đời sống của bà con đã được cải thiện nhưng người dân nhìn chung vẫn nghèo khó. Thầy Kha và tôi đi quanh phum sóc, chốc chốc thầy đứng lại chào, hỏi chuyện người dân. Thầy bảo, đồng bào Khmer còn nhiều khó khăn, thậm chí nhiều hộ đói nghèo, mặc dù người dân nơi đây luôn cần cù, chịu khó, chí thú làm ăn. Còn xã Ô Lâm, nơi có ngôi trường thầy đang làm Hiệu trưởng, xã có 6 ấp nhưng gắn liền với 38 phum nhỏ. Năm học 2021-2022, tổng số học sinh của trường là 638 em (trên 600 học sinh Khmer), trong đó có 107 em học sinh có gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng học sinh tham gia học online được chỉ chiếm 56,7%. Không chỉ riêng mùa dịch mà nhiều năm trước đây, tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao.
Đôi mắt đăm chiêu, thầy bảo: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác dân tộc. Người nhất quán hai điều quan trọng nhất là đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào. Nay, vấn đề đoàn kết dân tộc ta làm khá tốt rồi, nhưng việc nâng cao đời sống đồng bào theo di nguyện của Bác thì vẫn chưa triệt để. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta luôn dành những ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc ta nghĩ đến chuyện cho họ cần câu, thay vì cho họ con cá!”.
Đó là trăn trở đầy trách nhiệm, đáng quý của một trí thức Khmer tâm huyết, nặng lòng với đồng bào dân tộc thiểu số!
Bài và ảnh: THÚY AN