Làm từ thiện nhờ chữ “duyên”

Đã nhiều năm nay, chị Phạm Quỳnh Trang (ngụ tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh) tổ chức 2 chương trình từ thiện định kỳ hằng tháng. Thứ nhất là, hỗ trợ khoảng 40-60 suất gạo, nhu yếu phẩm và phí sinh hoạt cho các gia đình lao động nghèo bán vé số, nhặt ve chai, xóm trọ bệnh nhân ung bướu. Thứ hai là, hỗ trợ chi phí cho khoảng 100 bệnh nhi nghèo chạy thận định kỳ tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Tùy vào ngân quỹ chị kêu gọi được và sẽ trao tặng hết trong đợt thực hiện. Bên cạnh đó, còn rất nhiều hoàn cảnh khác được chị đứng ra kêu gọi do bị tai nạn, bệnh tật, người già neo đơn, hay vận động các nhà hảo tâm xây nhà tình thương, xây cầu, làm giếng... Khi dịch bệnh chưa bùng phát, chị cũng thường xuyên tổ chức những chuyến hành hương miễn phí, mời những người thân quen và các hộ lao động nghèo đi chùa lễ Phật, kết hợp làm thiện nguyện ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa.  

Chị Quỳnh Trang (áo trắng) trong đợt phát quà cho người nghèo ở Đắk Lắk khi dịch Covid-19 chưa bùng phát. 

Khi được hỏi lý do nào để bền bỉ thực hiện công việc thiện nguyện, chị trả lời: “Tôi là một người bình thường và chỉ đang làm những gì mà mình thích, mình muốn. Làm từ thiện phải do duyên chứ chẳng có lý do nào bắt buộc cả”.

Mới đầu, từ việc đọc báo, chị bắt gặp những hoàn cảnh bệnh tật, đáng thương đến nghẹn lòng. Một mình chị tự bỏ tiền túi, tìm đến nơi ở của những hoàn cảnh ấy để giúp đỡ. Nhưng rồi chị nhận ra rằng, khổ đau của họ quá lớn, một mình chị chẳng vá lấp nổi, nên bắt đầu đăng bài viết kêu gọi bạn bè trên mạng xã hội. Không lập quỹ, nhưng mỗi một khoản tiền nhận được, mỗi một hoàn cảnh chị giúp đỡ đều được công khai.

Chị chia sẻ: “Tôi không đặt tên nhóm hay quỹ, vì chỉ muốn làm một người “vận chuyển tình thương” của cộng đồng đến với người cần giúp đỡ. May mắn là tôi nhận được sự tin tưởng, chia sẻ của các nhà hảo tâm. Cho đến tận bây giờ, có nhiều người mà tôi chưa từng gặp, không biết tên, nhưng tháng nào cũng gửi hỗ trợ, đồng hành”.

 

Chương trình hỗ trợ thực phẩm cho bệnh nhân Bệnh viện Nguyễn Trãi ngày 19-7-2021, do một nhà hảo tâm giúp đỡ, sau khi nhận được lời kêu gọi của chị Trang. 

Thế nhưng, điều khiến chị được quý mến và tin tưởng, ngoài sự minh bạch còn có cả tấm lòng yêu thương chân thành. Đã nhiều lần, chị Trang chạy vội đến bệnh viện lúc nửa đêm hoặc tờ mờ sáng, khi nhận được lời cầu cứu của một hoàn cảnh khó khăn, hay là sự ra đi của một bệnh nhi thân thiết.

Khi chúng tôi tiếp xúc với những cha mẹ bệnh nhi đang chạy thận ngoại trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nhắc đến chị Trang, ai cũng cười hiền lành và bảo: “Thương cô Trang nhiều lắm”. Những con người nghèo khó từ các miền quê chất phác, thật thà, họ hiểu rằng mình đang được yêu thương, giúp đỡ.  

Từ khu phong tỏa, trăn trở vì bệnh nhân nghèo

Con hẻm nơi gia đình chị Trang đang sống đã bị phong tỏa từ cuối tháng 6, do phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19. Những ngày đầu cách ly tại nhà, chị Trang thấp thỏm, không chỉ lo lắng cho sự an toàn của người thân trong gia đình, của mọi người trong khu phố, mà chị còn nhớ đến những người khốn khổ bấy lâu nay vẫn nhận được hỗ trợ định kỳ hằng tháng.

Chị tâm sự: “Trong khoảng thời gian bị phong tỏa, có nhiều người gọi điện cho tôi nói: “Giờ tôi đói quá, cô có thể giúp tôi được không?”. Nhưng tôi không thể ra được, chỉ biết an ủi họ trong bất lực. Đợt dịch này nhiều người khổ quá, mà toàn những người quen thuộc nhiều năm nay”.

Nhất là khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, rồi khi hay tin 2 cha con bé T và 2 bà cháu bé P bị đưa vào khu cách ly vì thuộc diện F1, chị Trang ruột gan nóng như lửa đốt. Từ trong khu phong tỏa, mỗi ngày, chị đều gọi hàng chục cuộc điện thoại, liên tục nhắn tin để tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài cho các bệnh nhân. Từ chăn mền, mì tôm, bánh mì, nước uống... cho người trong khu cách ly, đến những bữa ăn hằng ngày cho các cha mẹ có con đang chạy thận, cho thân nhân bệnh nhân đang nằm viện tại Bệnh viện Nguyễn Trãi. May mắn, lời kêu gọi của chị luôn nhận được hồi đáp tích cực. Các nhà hảo tâm nhiệt tình ủng hộ, thậm chí trực tiếp mang đến bệnh viện, trao cho người đại diện để phân phát cho mọi người.

Tặng xôi vò và sữa cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày 15-7-2021. 

Nhìn những hình ảnh, clip được gửi lại, chị Trang rưng rưng xúc động. “Từ đó đến giờ tôi không hứa với ai là sẽ cho bao nhiêu, hay cho như thế nào, bởi tôi không có quỹ chung và mục tiêu nào cả. Tôi chỉ muốn mọi thứ từ duyên, duyên tới đâu thì làm tới đó. Miễn sao mình làm hết sức, đừng hời hợt là được”. 

Nhờ tấm lòng của chị, có rất nhiều người đã không phải chịu cảnh đói khát trong những ngày thành phố giãn cách xã hội, đồng thời được tiếp thêm hy vọng cho những ngày sắp tới.

Bài, ảnh: TRẦN HUYỀN