Thành công nhờ sâu sát cơ sở
Tôi gặp anh Phan Văn Kỷ từ cuối năm 2019, thời điểm Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đang xét xử vụ án sát hại nữ sinh giao gà ở huyện Điện Biên. Khác hẳn với vẻ cương nghị, quyết liệt khi chỉ đạo các đơn vị, kiểm sát viên tham gia xét xử, ngoài giờ làm việc trông anh giản dị, hiền từ. Tôi còn được nghe chuyện, mỗi lần cơ quan đi dã ngoại, anh thường chơi đàn guitar và hát cho mọi người nghe. Anh Kỷ tâm sự: “Công việc của cán bộ, kiểm sát viên (KSV) ngành kiểm sát nhân dân khá áp lực, căng thẳng, lúc nào cũng cần một cái đầu lạnh và trái tim nóng, bởi vậy, tôi muốn cơ quan như một gia đình, mọi người chia sẻ, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Anh Phan Văn Kỷ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên anh hùng. Năm 1988, tốt nghiệp THPT, trong khi bạn bè chọn thi ngành y, dược thì anh chọn Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội (nay là Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội). Năm 1992, sau khi tốt nghiệp, anh về công tác tại VKSND tỉnh Lai Châu cũ, nay là tỉnh Điện Biên. Năm 1994, anh nhận được lệnh gọi nhập ngũ. Gác lại công việc của người cán bộ kiểm sát, anh lên đường thực hiện nghĩa vụ của một người lính tại Tiểu đoàn Bộ binh 1, Bộ CHQS tỉnh Lai Châu. Anh Kỷ tâm sự: “Tôi vẫn tự hào mình từng trải qua đời lính, chính môi trường quân đội kỷ luật thép đã rèn cho tôi bản lĩnh, sức khỏe và tính quyết đoán trong công việc”.
Năm 1997, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Kỷ trở lại VKSND tỉnh, công tác tại Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự, với vai trò là KSV theo dõi các vụ cướp của, giết người, hiếp dâm; mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Đối với một KSV, ai cũng hiểu đấy là một nhiệm vụ khó khăn, thử thách bởi tỉnh Điện Biên thời điểm đó là "địa bàn nóng" thường xuyên xảy ra các vụ án phức tạp. Anh Kỷ cho biết, tỉnh Điện Biên có hơn 20 dân tộc, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đều, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì việc đầu tiên là người cán bộ kiểm sát phải hiểu và nắm được phong tục, tập quán, đặc điểm của từng dân tộc, từng bị can để có phương pháp tiếp cận phù hợp, mỗi hoạt động kiểm sát đều phải bảo đảm khách quan, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với mọi loại tội phạm. Bởi vậy, trong quá trình công tác, anh luôn bám và nắm cơ sở để thu thập thông tin. Cũng nhờ sự sâu sát đó, anh Kỷ đã áp dụng thành công trong nhiều vụ án phức tạp. Nhâm nhi chén trà mạn, tôi được nghe anh Kỷ kể lại hành trình kiểm sát điều tra các vụ án đầy ấn tượng.
Ngày 11-12-2005, tại khu vực khe đồi thuộc bản Ta Pao xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo xảy ra một vụ trọng án, 4 đối tượng lần lượt thay nhau hãm hiếp rồi sát hại cháu gái 12 tuổi. Mặc dù đã nhận tội tại Cơ quan điều tra Công an huyện Tuần Giáo nhưng trong quá trình di lý về trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên, lợi dụng thời điểm ngồi trong xe, các đối tượng đã bàn bạc phản cung, không nhận tội. Các điều tra viên vào hỏi cung nhưng đều không thu thập được gì thêm. Trước tình thế đó, anh Kỷ đã vào gặp trực tiếp các bị can, nhưng thay vì hỏi cung các tình tiết phạm tội, giải thích các điều luật thì anh Kỷ lại ngồi nói chuyện, tâm sự với các đối tượng. Mặc dù cầm đầu vụ án nhưng nhìn Quàng Văn Hơn lộ rõ vẻ lo sợ. Anh Kỷ hỏi: “Cán bộ hỏi, giả sử con của bị can chơi đất bẩn quần áo, bị can có mắng con không?”. “Bị can có mắng con ạ!”. “Thế nếu con bị can không nghe lời, bị can làm gì?”. “Dạ bị can sẽ mắng và đánh con ạ!”. “Vậy thì pháp luật cũng thế, nếu bị can thành khẩn, khai báo, biết sửa chữa lỗi lầm thì pháp luật sẽ khoan hồng, giảm nhẹ tội, nhưng nếu ngoan cố che giấu thì sẽ có hình phạt nặng hơn”. Đối tượng Hơn nghe xong mặt cúi gằm xuống bàn. Một lúc sau, Hơn lí nhí: “Cháu hiểu rồi, cháu xin khai nhận toàn bộ hành vi của mình và đồng phạm ạ”. Với cách tiếp cận như vậy, lần lượt các bị can đều cúi đầu nhận tội.
Những năm qua, án ma túy vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối ở Điện Biên. Hằng năm, lượng án ma túy trên địa bàn chiếm tỷ lệ gần 70% trên tổng số các vụ án được khởi tố. Với cương vị người đứng đầu ngành KSND tỉnh Điện Biên, anh Kỷ đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và VKSND cấp huyện phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan trong công tác giải quyết án ma túy. Điển hình như vụ án Sùng A Minh và đồng phạm tội mua bán trái phép chất ma túy ở huyện Mường Ảng diễn ra năm 2015. Ban đầu Cơ quan điều tra chỉ bắt quả tang hai đối tượng vận chuyển 37 gram heroin, khi đấu tranh hé mở một số mắt xích. Quá trình điều tra đã khởi tố tổng số 14 bị can trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Trong 3 năm, tổ chức tội phạm này đã mua bán trót lọt 1.010 bánh heroin từ Lào vào Việt Nam và vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.
Gần đây là vụ án sát hại nữ sinh giao gà ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên dịp Tết năm 2019. Xác định đây là vụ án rất phức tạp vì các bị can đều từng là tội phạm ma túy, có sự thống nhất dựng hiện trường giả và thống nhất lời khai khi hỏi cung. Ngay từ khi vụ việc được phát hiện, anh Kỷ đã quyết liệt chỉ đạo phòng nghiệp vụ, thành lập một tổ KSV ngày đêm phối hợp với cơ quan điều tra xác minh, thu thập chứng cứ, hằng ngày báo cáo kết quả và tiến độ để anh nắm và trực tiếp chỉ đạo. Nhiều đêm liền anh thức trắng cùng với tổ chuyên án để đưa ra những đánh giá khách quan, chính xác về lời khai, các tình tiết của vụ án. Kết quả vụ án đã được giải quyết một cách triệt để, các đối tượng đều đã phải chịu một bản án nghiêm khắc của pháp luật. Phiên tòa xét xử được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ, một lần nữa cho thấy vai trò rất lớn của VKSND.
 |
Anh Phan Văn Kỷ trao đổi nghiệp vụ với các kiểm sát viên tại cơ quan (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Những phiên tòa giả định và tinh thần đổi mới, sáng tạo
Là người đi lên từ cơ sở và từng giữ chức vụ Viện trưởng VKSND huyện Mường Chà, anh Kỷ nhận thấy bất cập: Nhiều đơn vị cấp huyện số luật sư tham gia phiên tòa còn rất ít, KSV chưa có điều kiện được tranh tụng đối đáp với luật sư. Với trăn trở làm sao nâng cao được chất lượng đội ngũ cán bộ, KSV, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, anh Kỷ đã lựa chọn một số vụ án, tổ chức các phiên tòa giả định tại đơn vị.
Phiên tòa giả định được tổ chức dưới dạng trực tuyến với 10 VKSND cấp huyện. Trong đó hai trưởng phòng cấp tỉnh và 10 Viện trưởng VKSND cấp huyện giữ vai trò thực hành quyền công tố, có nhiệm vụ xử lý các tình huống diễn biến tại phiên tòa và tranh tụng, đối đáp với luật sư. Tại các phiên tòa giả định, anh Kỷ thường đưa ra nhiều tình huống, những quan điểm, lập luận sắc bén về chứng cứ, tội danh để các KSV xử lý và tranh tụng, đưa ra phương án giải quyết, bảo vệ quan điểm truy tố.
Anh Kỷ cho rằng, phiên tòa giả định rút kinh nghiệm là một hình thức tự đào tạo rất hiệu quả đối với các đơn vị của VKSND tỉnh Điện Biên. Thông qua đó, các KSV học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ năng tranh tụng, tích lũy kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Cũng từ mô hình này, căn cứ trên các vụ án do tòa án nhân dân cấp huyện tổ chức, VKSND các huyện đã tổ chức thường xuyên các phiên tòa rút kinh nghiệm cho KSV. Cũng nhờ đó, trình độ của các KSV các cấp ngày càng được nâng cao, bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không xảy ra oan sai.
Được biết, những năm gần đây, anh Kỷ còn chỉ đạo VKSND hai cấp của tỉnh Điện Biên tổ chức nhiều cuộc thi viết cáo trạng, luận tội; viết bài phát biểu của KSV tại phiên tòa dân sự, với hàng trăm lượt cán bộ, KSV các cấp tham gia. Thông qua các cuộc thi đã từng bước nâng cao kỹ năng cho KSV thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Với tinh thần 3 hơn “quyết liệt hơn, sâu sát hơn, chất lượng hơn”, trong những năm qua, VKSND hai cấp của tỉnh Điện Biên luôn hoàn thành xuất sắc và vượt nhiều chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành, được UBND tỉnh Điện Biên và VKSND tối cao tặng cờ thi đua dẫn đầu khối. Thành công đó, phải nói đến những cống hiến của anh Phan Văn Kỷ, người truyền lửa yêu nghề, sáng tạo cho các thế hệ cán bộ, KSV ngành KSND tỉnh Điện Biên.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN - HẢI HÀ