Là người gắn bó với mảng nghiên cứu, sản xuất của Viettel từ những ngày đầu, Trung tá Nguyễn Vũ Hà-Tổng giám đốc VHT-đã trưởng thành cùng với quá trình hình thành và phát triển của VHT. Với các sản phẩm thiết bị công nghệ cao của VHT, anh tham gia từ vai trò trực tiếp nghiên cứu, đến định hướng, tổ chức nghiên cứu, sản xuất, là chỗ dựa về tinh thần để giúp các cán bộ nghiên cứu trẻ vượt qua thách thức.
Thách thức từ “giải mã” việc lớn
Tiếp xúc với Nguyễn Vũ Hà, chúng tôi cảm nhận được ở anh một sự chắc chắn, một năng lượng dồi dào từ tư duy và bầu nhiệt huyết với công việc. Có cảm giác như, với người đàn ông này, bất cứ công việc nào dù khó khăn tới mấy, anh cũng sẽ có giải pháp để vượt qua.
Sớm có đam mê về khoa học kỹ thuật, tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Vũ Hà quyết định thi vào Khoa Tự động hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, trước khi vào làm việc tại Viettel, anh đã có quá trình làm việc và được đào tạo tại nhiều cơ sở uy tín của quân đội. Thế nhưng, những kỹ sư đam mê khoa học, công nghệ như Nguyễn Vũ Hà đều gặp một khó chung của công tác nghiên cứu tại Việt Nam-đó là không có “việc lớn” để làm-vì kinh phí quá hạn hẹp, nền tảng công nghệ còn thấp và có cả cảm giác mặc cảm, tự ti. “Việc ấy chỉ Tây làm được, chứ ta sao làm được”, đó là câu nói mà Nguyễn Vũ Hà đã không ít lần phải nghe và anh không đồng tình với suy nghĩ đó.
 |
Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel Nguyễn Vũ Hà (thứ hai từ trái sang) giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự do tổng công ty nghiên cứu, sản xuất. Ảnh: THÚY MAI |
Đến với Viettel, anh đã tìm thấy nơi để thỏa chí đam mê và có điều kiện tốt nhất để thể hiện, khẳng định mình. “Đó là vì lãnh đạo Viettel luôn có “máu” làm việc lớn, có chiến lược rõ ràng về công nghệ và tài chính để hiện thực hóa những khát vọng lớn”, Nguyễn Vũ Hà nói.
Trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Vũ Hà nhấn mạnh về yếu tố niềm tin. Anh cho rằng, nếu không có niềm tin, bao gồm niềm tin của lãnh đạo dành cho đội ngũ của mình, rồi niềm tin của chính các cán bộ, nhân viên tham gia công tác nghiên cứu thì sẽ chẳng có công trình lớn nào được tạo ra. Ví dụ như, đối với Viettel khi bắt tay vào nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển thì gần như bắt đầu từ con số 0. Do đó, Nguyễn Vũ Hà rất khâm phục các thủ trưởng của Viettel đã dám nghĩ lớn để thuyết phục các thủ trưởng cấp trên và đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho đội ngũ của mình.
Nguyễn Vũ Hà lấy ví dụ từ mẫu máy thông tin quân sự đầu tiên do các kỹ sư Viettel tự nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Ấy là cách đây hơn 10 năm, đối tác nước ngoài chào hàng một loại máy thông tin quân sự hiện đại, có thể đặt được trên xe tăng-một môi trường rất khắc nghiệt đối với thiết bị thông tin quân sự, bởi vừa nhiễu, vừa bụi, vừa ồn. Tuy rất thích công nghệ cao của máy, nhưng vì đối tác bán giá cao quá, nên thủ trưởng Bộ Quốc phòng rất băn khoăn. Và khi đó, thủ trưởng Tập đoàn Viettel đã mạnh dạn nhận nghiên cứu, sản xuất một mẫu máy có chất lượng tương đương.
Vậy là, hơn một chục nhóm nghiên cứu của Viettel được giao nhiệm vụ, nhưng cũng không nhóm nào dám tự tin nhận làm chủ nhiệm đề tài, là vì nhiệm vụ khó như thế, nhưng thủ trưởng Tập đoàn Viettel chỉ cho làm trong 6 tháng. Cuối cùng, nhóm 4 kỹ sư nòng cốt được lựa chọn, trong đó Nguyễn Vũ Hà hăng hái nhất, thậm chí có thể nói là “liều” nhất, được giao là chủ nhiệm đề tài. Mặc dù trước đó, các kỹ sư trong nhóm đều đã ít nhiều được tham gia thiết kế và sản xuất các thiết bị điện tử, có những người từng làm việc cho các công ty điện tử của Nhật Bản, Hàn Quốc, thế nhưng, khi nhận nhiệm vụ thì cũng chưa ai biết máy thông tin quân sự là như thế nào, thậm chí chưa được nhìn ngoài thực tế. Họ chỉ được cấp vài mẫu máy cũ của Liên Xô hay của Mỹ từ thời kháng chiến để tự nghiên cứu, mày mò... Để học hỏi, có thêm thông tin, anh em trong nhóm tỏa đi một số nước công nghiệp phát triển trên thế giới. Vượt qua sự tự ti, bằng nỗ lực của mình, sau 6 tháng miệt mài nghiên cứu, chế tạo, nhóm đã cho ra đời chiếc máy thông tin quân sự nặng 8kg có tính năng tương đương, thậm chí có những mặt ưu việt hơn so với sản phẩm mà nước ngoài đang “hét” giá rất cao kia. Thành quả đáng khích lệ ấy đã góp phần đặt nền móng về niềm tin, tạo tiền đề để Viettel mạnh dạn tiếp tục đầu tư, thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel vào năm 2011 và sự ra đời của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel vào năm 2019.
Bóc tách việc lớn thành việc nhỏ
- Khi được giao các nhiệm vụ lớn, có bao giờ anh cảm thấy choáng ngợp?- tôi hỏi.
- Có chứ-Nguyễn Vũ Hà nhẹ nhàng.
Rồi anh kể, khi được giao làm hệ thống Radar quản lý bờ để trang bị cho Quân chủng Hải quân, anh mới được đến xem tận mắt hệ thống radar kiểu như vậy, thì thấy nó rất đồ sộ, tinh vi, hiện đại. “Nhiều người trong chúng tôi cảm thấy choáng, vì mới nhìn thấy hình dáng, chứ chưa biết hệ thống radar cụ thể như thế nào, chưa từng nghiên cứu hệ thống tương tự, cũng chưa có tài liệu tham chiếu... Mà nhiệm vụ này lại được đích thân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao cho lãnh đạo tập đoàn”, Nguyễn Vũ Hà nói.
Có những hạn chế về công nghệ, mà chủ yếu là hạn chế về nhận thức, khiến có lúc nhóm nghiên cứu bị bế tắc, không tìm được lối ra. Nhóm đã có nhiều cuộc thảo luận thâu đêm để tìm giải pháp với sự tham gia của cả lãnh đạo Tập đoàn Viettel. Nguyễn Vũ Hà nhớ nhất lần đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng (lúc ấy là Phó tổng giám đốc Viettel, nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đặt ra những câu hỏi cho nhóm: “Phần ăng ten chúng ta làm được không?” Nhóm trả lời: Làm được. “Phần phát làm được không?” Nhóm trả lời: Làm được. “Phần thu làm được không?” Nhóm trả lời: Làm được. “Phần xử lý tín hiệu làm được không?” Nhóm trả lời: Có thể làm được. Từ đó, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra câu hỏi chốt: “Vậy tại sao các em lại sợ? Nếu việc xử lý tín hiệu còn những khó khăn thì anh cho phép các em đi khắp thế gian, tìm hiểu xem người ta bằng cách nào để làm được!”.
Những câu hỏi như vậy là lời thách thức, chạm vào tự ái nghề nghiệp, và đã truyền cảm hứng lớn lao cho các chàng kỹ sư trẻ. Khi đó với vai trò là Phó chủ nhiệm đề tài, Nguyễn Vũ Hà cùng đồng đội đã làm việc ngày đêm, “cùng ăn, cùng thức” quyết tâm tìm bằng được câu trả lời cho các vấn đề khó. Có đêm về đến nhà, mệt quá nằm vật ra giường ngủ, rồi Nguyễn Vũ Hà bỗng nửa tỉnh, nửa mơ nói như ra lệnh: “Bật đài lên”. Vợ anh ngạc nhiên hỏi: “Bật đài nào?” Anh gắt: “Bật đài radar chứ đài nào nữa!”. Sáng ra, vợ kể lại chuyện, tủm tỉm cười bảo: “Bố nó đanh đá thế?”
Cuối cùng, bằng chính trí tuệ và sự miệt mài nghiên cứu của mình, với sự hỗ trợ của cán bộ Quân chủng Hải quân, các kỹ sư của VHT đã giải được các bài toán khó nhất, hệ thống radar đã ra hình hài, rồi 6 tháng thì bắt được mục tiêu, sau 1 năm thì đưa vào thử nghiệm, 8 tháng sau thì được Bộ Quốc phòng nghiệm thu.
Bóc tách dần để giải quyết các vấn đề khó trở thành một phương pháp tiếp cận khoa học mà Nguyễn Vũ Hà đã được trải nghiệm và từ đó chia sẻ lại cho đội ngũ nghiên cứu của VHT. “Để làm việc lớn, chúng tôi xé nó thành nhiều việc nhỏ hơn. Nếu bóc tách dần, xử lý dần, thì phần lõi khó khăn còn lại cũng không còn nhiều, từ đó mình tìm cách tự xử lý, hoặc tìm đối tác để hỗ trợ, như thế sẽ dễ hơn nhiều và cũng rẻ hơn nhiều là đề nghị chuyển giao cả một công trình đồ sộ”, Nguyễn Vũ Hà nói.
Sản phẩm thách thức mới nhất mà VHT vừa hoàn thành trong lĩnh vực công nghệ quân sự đó là mô phỏng buồng lái của máy bay chiến đấu hiện đại. Đây là sản phẩm công nghệ rất cao mà phần lớn các nước đã trang bị loại máy bay này cũng chưa tự chủ được. Làm được buồng lái mô phỏng này, VHT đã giúp tiết kiệm cho ngân sách rất lớn, phi công thì có thể tập luyện thỏa mái mà không phải lo ngại về khấu hao xăng và khấu hao máy móc đắt đỏ.
Con vít và tư duy phát triển
Theo Nguyễn Vũ Hà, muốn đột phá trong nghiên cứu, phát triển, chúng ta phải đặt thách thức đúng. Anh cho rằng, nhiều người cứ tự chế giễu nước mình không làm được con vít là không đúng, là hiểu sai vấn đề. “Tại sao chúng ta cứ phải ám ảnh vì không làm được con vít? Cần gì phải làm từ A-Z, cần gì phải làm vít, trong khi có rất nhiều nước đã làm vít rất tốt, mình chỉ cần mua? Tại sao không tập trung vào chuyện phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo... Đưa thách thức sai, tự làm mình mất tự tin thì chúng ta không thể tiến nhanh lên được”, anh nêu quan điểm. Và anh cho biết, chủ trương của VHT hiện nay là dứt khoát phải làm chủ công nghệ lõi, thiết kế hệ thống, thuật toán, các phương thức điều chế. Còn đối với các phần khác thì phải tối ưu hóa sản xuất như: Nhập linh kiện, thuê các doanh nghiệp nước ngoài gia công một số chi tiết. Trong quá trình toàn cầu hóa, lĩnh vực nghiên cứu, phát triển của các nước đều đi theo hướng này. “Chúng tôi đa dạng hóa nhà cung cấp, 1 linh kiện phải có ít nhất 3 nhà cung cấp để tránh bị ép giá”, anh bật mí.
Ở vị trí tổng giám đốc một đơn vị nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao, Nguyễn Vũ Hà đủ trải nghiệm để thấy rằng, người Việt Nam rất thông minh, linh hoạt không thua kém bất kỳ dân tộc nào. Chỉ cần đặt đầu bài tương đối tường minh là các kỹ sư thế nào cũng có lời giải. “Điều chúng ta cần quan tâm để làm được các công trình lớn trong khoa học, công nghệ là cần phải có khát vọng lớn, duy trì sự quyết tâm và khoa học trong tổ chức”, Nguyễn Vũ Hà nói.
Nhờ tư duy đột phá của Viettel từ tập đoàn cho đến các đơn vị như VHT, sau 10 năm tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và chỉ hai năm thành lập tổng công ty, nhưng đến nay VHT đã dần xây dựng được một hệ sinh thái đa dạng các lĩnh vực nghiên cứu đan xen giữa lĩnh vực quân sự và dân sự.
Ở lĩnh vực công nghệ quân sự, đến nay VHT đã cung cấp cho Bộ Quốc phòng hàng chục khí tài quân sự hiện đại như các dòng radar công nghệ mới, hệ thống chỉ huy điều khiển, quang điện tử... vốn đều phải nhập ngoại hoặc có tiền cũng không thể mua được. Chỉ riêng năm 2020, VHT đã triển khai thử nghiệm thành công, sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng nhiều sản phẩm, với tổng giá trị đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 326 triệu USD. Ở lĩnh vực công nghệ viễn thông, trong năm 2020, VHT đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm công nghệ cao như thiết bị truy nhập vô tuyến gNodeB 5G, mạng lõi 5G... sẵn sàng thương mại hóa theo lộ trình. VHT đã hình thành một hệ sinh thái sản phẩm công nghệ cao hướng đến phục vụ các nhu cầu thiết yếu của xã hội số như nền tảng kết nối internet vạn vật (IoT Platform), camera giám sát sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống mô phỏng đào tạo lái xe ô tô...
Năm 2020, VHT đã hoàn thành nghiên cứu 48 công nghệ lõi ứng dụng vào sản phẩm, đăng ký và được chấp nhận đơn 66 sáng chế. Đặc biệt, đến năm 2020 VHT đã được cấp mới 4 bằng sáng chế quốc tế...
Với những thành tích của VHT và cá nhân, Nguyễn Vũ Hà đã được các cấp trao tặng nhiều phần thưởng. Đặc biệt, năm 2016, anh vinh dự đón nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Chia sẻ về những định hướng trong tương lai, Nguyễn Vũ Hà cho hay: “Tập đoàn Viettel đã được xác định trở thành hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam trong tương lai không xa. Trong đó, VHT chắc chắn phải đóng vai trò “hạt nhân của hạt nhân”. Chiến lược của VHT sẽ luôn là phát triển đồng đều cả 3 trụ cột quân sự-dân sự-viễn thông với phương châm làm chủ công nghệ cao với trình độ song hành thế giới”.
Chúng tôi tin với năng lực, trình độ, nhiệt huyết và bản lĩnh của mình, Nguyễn Vũ Hà và các đồng chí, đồng đội tại VHT sẽ góp sức mình giúp đất nước cất cánh về công nghệ.
HỒ QUANG PHƯƠNG